Văn hóa đọc – nhìn từ một vùng ngoại vi

Trước 1975, người Chăm tỉnh Ninh Thuận có khoảng 20 gia đình sở hữu tủ sách trên dưới nửa ngàn cuốn, tiếng Việt và cả tiếng Pháp, trên dân số 25.000 người. Hiện tượng đó hầu như không tồn tại trong xã hội hôm nay. Hiện nay, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà một gia đình, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái tivi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách.

1. Trong các chuyến đi xuyên Việt, bằng tàu lửa hoặc xe du lịch chất lượng cao, để ý – dễ nhận thấy rằng, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện lặt vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: Đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây; ngược lại, dân Việt Nam.

Đi vào các khu di tích văn hóa – lịch sử, trong khi ta xách theo gói đồ ăn thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Họ đi du lịch vừa để giải trí vừa học. Họ luôn tự trang bị vốn hiểu biết tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi. Họ thắc mắc về sai biệt giữa thực tế và chi tiết được viết trong cuốn cẩm nang du lịch: Tại sao bức tượng kia không còn ở đó? Sao sách viết thế này mà cô thuyết minh nói như thế kia? v.v… Các chuyến tàu ngầm ở Nhật, không gian yên tĩnh lạ thường, bởi non một nửa hành khách cắm cúi vào trang sách!

Quan sát vẻ ngoài hiện tượng nào đó của xã hội, ta hay bị định kiến đánh lừa. Bởi đến hôm nay, chưa có thống kê đầy đủ rằng có bao nhiêu người Việt thường xuyên đọc sách, đọc sách loại gì, đọc như thế nào. Rồi lứa tuổi, thành phần xã hội, địa phương, v.v… qua đối sánh với vài nước trong khu vực hay trên thế giới.

2. Dĩ nhiên ấn tượng ban đầu không phải không cần thiết cho gợi ý so sánh.

Hành khách tàu ngầm Nhật cũng như bao nhiêu khách Tây balô đi du lịch Việt Nam chắc chắn không là dân đặc tuyển. Họ thuộc đại chúng, nhưng qua cách hành xử với chữ nghĩa, họ khác ta rất nhiều – ít ra là ở thời điểm hiện tại. Ở đây, tôi thử chọn một đối tượng phổ thông mà tôi biết rõ: Người Chăm, một cộng đồng cư trú tại vùng đồng bằng xen cư/cộng cư với người Kinh, không ở vùng sâu vùng xa như vài dân tộc khác, cũng không phải tại các trung tâm văn hóa lớn. Dân tộc từng sở hữu nền văn hóa phong phú, được coi là có truyền thống học và đọc.

Trước 1975, người Chăm tỉnh Ninh Thuận có khoảng 20 gia đình sở hữu tủ sách trên dưới nửa ngàn cuốn, tiếng Việt và cả tiếng Pháp, trên dân số 25.000 người. Hiện tượng đó hầu như không tồn tại trong xã hội hôm nay. Hiện nay, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà một gia đình, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và… cái tivi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách. Có – nhưng rất ít, chỉ lèo tèo vài chục cuốn. Trong khi dân số người Chăm ở tỉnh này tăng gấp năm lần, chưa nói đến “trình độ học vấn” được nâng cao gần như là đại nhảy vọt.

Hơn nửa ngàn đầu báo, tạp chí đủ loại tràn ngập thị trường; ngoại lệ còn có các loại báo như Tuổi trẻ, Công an Thành phố, Bóng đá… được bày bán ngay đầu ngõ vào plây. Bà con nông dân, tầng lớp có học đọc báo, yên tâm rằng mình đã hiểu mọi chuyện. Người Chăm vài chục năm qua, đã bỏ thói quen đọc sách. Thói quen vào hiệu sách tìm mua thì càng hiếm hơn nữa. Có lẽ sau 1975, đất nước lâm cảnh nghèo khó kéo dài đã gây nên tình trạng đó, từ đó làm thành thói quen chung chăng?

Không hẳn vậy.

3. Tại sao? Đất nước đói khát sau cuộc chiến đã làm đảo lộn tất cả. Từ khủng hoảng đời sống kinh tế lây lan sang khủng hoảng tinh thần, xảy ra cả với thành phần được cho là ưu tú. Nhưng đó chỉ là một trong những nguyên nhân rất thứ yếu.

Thế hệ “trí thức Chăm” trước 1975 phần đông là nông dân chưa được trang bị kiến thức Tây học, không ai mù chữ Chăm. Họ có thể thảo luận về nhiều vấn đề trong môi trường văn hóa rất đặc trưng là lễ hội dân gian. Sau khi đất nước thống nhất, tất cả đều tắt ngúm. Giới có [Tây] học Chăm ngày càng xa lạ với chữ mẹ đẻ; còn việc đọc hiểu văn bản chép tay cổ thì ví như chuyện hái sao trên trời.

Với chữ nghĩa và văn hóa truyền thống dân tộc đã thế, tri thức về thế giới bên ngoài lại càng tệ hại hơn. Làng xóm đói sách. Cả thị xã Phan Rang có mỗi hiệu sách, mà sách thì luôn là… “sách mẫu” không bán. Hơn mười năm thiếu sách cũng đủ giết chết thói quen đọc sách cùng “khả tính tri thức” của một thế hệ chưa lấy gì làm vững vàng. Đứt mạch truyền thống, rồi khi truyền thống được nối lại thì giá sách thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang ở trên trời, vượt tầm với của đại bộ phận người có học cư trú vùng nông thôn.
Thế hệ này không “dốt” mới lạ!

Dốt, họ vẫn đọc. Đọc lúc này – qua giáo dục nhà trường hay tự học – đa phần là để thu thập kiến thức với mục đích duy nhất là chống giặc đói hay giật lấy tấm bằng. Giật lấy tấm bằng để tiếp tục “chống đói” ở bậc cao hơn. Nghĩa là học và đọc để phục vụ cho sự no ấm, ngon đẹp của tấm thân là chính.

4. Vậy, làm gì, để khôi phục thói quen đọc?

Phải làm lại từ đầu. Nghĩa là khắp nơi phải CÓ sách. Có sách cả nơi chưa cần có, nhất là các vùng ngoại vi. Thư viện tỉnh huyện đã đành, càng cần có sách tại nhà văn hóa làng bản, trường học, gia đình nơi vùng sâu miền xa… Bởi không ít trường hợp, các vùng miền này đã cung cấp cho đất nước bao tài năng sáng chói. Internet hay sách điện tử các loại không giết chết “sách”, Umberto Eco khẳng định mạnh mẽ thế. Chúng có thể thay thế “sách-để-tham-khảo” chứ không loại trừ “sách-để-đọc”.

Vấn đề có SÁCH GÌ và ĐỌC NHƯ THẾ NÀO cần được đặt ra. Ngoài sách, tạp chí các loại phục vụ cho thực tiễn sinh hoạt, sách nâng cao đời sống tinh thần là rất thiết yếu. Chớ ngại kiến thức kia vượt tầm hiểu của cộng đồng. Không chịu đọc tác phẩm vượt tầm, thì vẫn còn chưa biết ý nghĩa và thú vui của đọc. Cạnh đó, dù thấp nhất là chỉ để giải trí, để thỏa mãn tính tò mò, để học tập – nghiên cứu phục vụ cho đời sống thực tế hoặc tinh thần, hay là gì đi nữa, mọi hình thức đọc cần được khuyến khích.

Điều cuối cùng, đâu là NƠI gợi hứng tốt nhất cho thú vui đọc? Nhà trường, chứ không đâu khác. Chẳng những gợi hứng mà chính nhà trường còn là nơi gợi mở cho tìm tòi, sáng tạo. Tôi thử làm cuộc điều tra bỏ túi các sinh viên Khoa Sáng tác và Lí luận – Phê bình văn học thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội về Barthes, Foucault, Derrida, Kristeva… thì nhận được câu trả lời không chút ngại ngần rằng đó là các tên tuổi hoàn toàn xa lạ với họ. Còn với các loại báo của Hội Nhà văn Việt Nam, thì – rất ít người đọc. Nguyên do ư? Không có gì để đọc cả! Sinh viên viết văn cần học/đọc CÁI MỚI, nhưng chương trình đại học và các loại báo chuyên văn học không cung cấp thông tin gì mới cho họ cả! Hỏi người trẻ yêu văn chương hôm nay biết gì về các trào lưu văn học đương đại như tân hiện thực, thơ tân hình thức, hậu hiện đại…? Câu trả lời thật lòng nhất là: mù. Mù, nên không biết đâu điểm xuất phát, từ đó hết còn hứng thú dấn vào sâu hơn trong hành trình tìm tòi khai phá, cuối cùng là chấm dứt luôn cảm hứng sáng tạo.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)