Văn hóa đọc tại Đức

Tôi đã tự cho mình là một con mọt sách duy nhất khi lần đầu khăn gói lên đường sang nước Đức du học. Đến Đức được đọc Holderlin: "phải học"... và đọc... “ngay cả khi bạn không còn một tí tiền để mua được cây đèn và dầu thắp, và cũng không còn thì giờ nào ngoài khoảng từ nửa đêm cho đến gà gáy sáng, cặm cụi..." với sách đèn. Kẻ nào học phải đọc! Làm nhớ đến Nguyễn Đình Chiểu trước khi bị mù cũng như Hôlderlin, đã từng "trước đèn xem truyện Tây Minh". Lại đọc R. M. Rilke những năm sau, Rilke tả cảnh thu, sau hạ nồng với trái chín và rượu thơm, cơn lạnh đầu mùa làm chùng bước, khiến ta quay về với ta, một chút cô đơn làm rùng mình, mùa thu, ấy là lúc Rilke "thức khuya, đọc sách, viết thư dài...".

Thức lâu mới biết đêm dài: ở Đức món quà tặng nhau ý vị và phổ thông nhất sau hoa là “sách”, một loại “cảo thơm” rất được trân quí trong mọi nhà, trong đời thường. Đi thăm nhà ai, góc kín đáo cuối cùng được giới thiệu là tủ sách, nơi cuộc trò chuyện trở nên đậm. Có thể nói “đọc sách” và “có sách”, “giữ sách”, “bảo tàng sách” là nét đặc thù của đời sống văn hóa Đức, truyền thống cũng như hiện đại. Đọc là một đòi hỏi, một nhu cầu của người Đức, cho nên không phải ngẫu nhiên mà một người Đức đã cách mạng kỹ thuật in sách vào thế kỷ thứ 15. J. Gutenberg (khoảng 1400–1468) trở nên một khái niệm về “sách” và viện Bảo tàng J.Gutenberg là một của quí của văn hóa Đức. Người Đức ham đọc, thích sách, sống với sách và bằng sách, buôn bán sách đến tận nơi, giàu có nhưng cũng thanh cao nhờ sách. Leibniz, I. Kant, Hegel, Fichte, Schiller, Nietzsche, Schopenhauer, J. W. Goethe, Thomas Mann, H. Hesse, Heidegger, Hôlderlin, M. Rilke, Bach, H. Bôll, Einstein, Heiselberg, Max Planck… để chỉ kể ra một số tên tuổi, đã là những người “bên đèn đọc sách” trước khi thế giới cầm trong tay và đọc sách của họ.
Quá khứ văn hóa đọc thật là lộng lẫy, không những ở Đức, hầu như chiếm độc tôn trên phương diện truyền thông và giáo dục một thời. Nhưng trong thời đại viễn thông và truyền thông điện tử, sự thoái hóa của văn hóa đọc đang được báo động. Bài viết này chỉ đưa ra vài nét khái quát về tình hình hiện tại của văn học đọc Đức trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Và kết quả thật bất ngờ, cho thấy văn hóa đọc tại Đức vẫn còn nằm sâu trong truyền thống của nước này.

Sau đây là những nhận xét về văn hóa đọc đã trở nên một định chế của xã hội Đức.
Kết quả của một phỏng vấn bạn đọc Đức năm 2005 của “Stiftung Lesen” (Quỹ đọc sách) về giá trị chỗ đứng của “đọc sách” trong xã hội sống cho biết: trong mười năm vừa qua, thì giờ dành cho những sinh hoạt tiêu khiển chiếm khoảng 6 tiếng đồng hồ (tăng lên khoảng 25 phút). Trong số giờ này sinh hoạt đọc sách, báo, tạp chí mỗi ngày chiếm 65 phút, như thế trong 5 năm vừa qua sinh hoạt đọc sách tăng thêm 12%.
Đối với người đọc sách ở Đức, khi so sánh với xem truyền hình, đọc sách không đứng sau “xem truyền hình” về phẩm chất xúc cảm (những điểm sau được kể từ đa số đến thiểu số): đọc sách đem vui, thư giãn, một thay đổi thanh cao trong cuộc sống thường nhật, hồi hộp, làm cười, làm quên lo âu, đánh tan bực dọc, sử dụng thì giờ có lợi ích, một cách làm trôi thì giờ tốt, một thói quen.
Đọc sách có chức năng định hướng quan trọng: học hỏi được, thêm thông tin mới, đem đến gợi hứng và tư liệu cho sự suy ngẫm, đề tài nói chuyện, hỗ trợ có giá trị cho quan điểm riêng, thấu hiểu những lo âu và vấn đề của người khác.    
Đọc sách đem đến kinh nghiệm xã hội: chia sẻ phần nào đời sống của tha nhân, những nhân vật văn chương trở nên bạn hữu, tăng thêm cảm giác sống chung trong xã hội, hỗ trợ hướng đi cho đời sống hàng ngày.
Kết luận của cuộc phỏng vấn cho thấy “đọc sách” là một sinh hoạt truyền thông có chỗ đứng không thua xem truyền hình, ở những điểm nói trên nó còn trội hẳn hơn truyền hình. Điều này chứng tỏ văn hóa đọc Đức đã có một sự phát triển liên tục, bén rễ sâu xa trong đời sống xã hội và đời sống tinh thần người Đức…
Trong thời đại của truyền thông điện tử, câu hỏi đọc sách hay “surf” trên vi tính gióng tiếng cảnh báo một cuộc khủng hoảng về sách in và đọc sách. Eugen Emmerling*, phóng viên Đức cho biết, ngược hẳn với bi quan, không có mâu thuẫn giữa sự sử dụng kỹ thuật văn hóa “đọc” và sự sử dụng hệ thống thông tin điện tử mới, nhất là internet. “Đọc” và “surf” không thể phân lìa nhau ở tại nước Đức. Những kết quả thống kê cho thấy chưa bao giờ có hiện tượng đọc nhiều trong nghề nghiệp và trong giờ rãnh như ngày hôm nay. Người mù chữ chỉ biết vặn máy, nhưng theo Emmerling: “Đường vào nội dung của thời đại thông tin chỉ dành cho người biết đọc”.

Tuy nhiên hiện tượng gây ấn tượng hôm nay ít người đọc ngược với những con số thường nghiệm thống kê nằm ở điểm thống kê chỉ khảo sát về “đọc” mà không phân biệt lối “đọc văn chương” theo ý thích thẩm mỹ. Quả thật ở Đức “đọc” trong thì giờ nhàn rỗi đã mất ưu thế xã hội đến từ truyền thống văn hóa tư sản kiểu của Rilke. Nhưng ngược lại “đọc” với mục đích thâu lượm kiến thức để có được định hướng trong một thế giới hiện tại luôn luôn thay đổi nhanh hơn  lại chiếm ý nghĩa quan trọng.
Trong thời đại điện tử, kỹ thuật văn hóa “đọc” cũng tự biến đổi thành sử dụng văn bản chọn lọc và tinh vi hơn.
Cách đọc sách ngày hôm nay, khác với cách đọc của F. Hôlderlin, đến gần với lối đọc báo chí hay văn bản điện tử. Sự sử dụng truyền thông xảy ra bên nhau, không có cạnh tranh loại nhau giữa Internet và Sách. Sự thông thạo kỹ thuật văn hóa đọc cũng là điều kiện cho khả năng truyền thông trong Internet.
Hợp xã nhà xuất bản Springer & Bauer làm cuộc thăm dò những thói quen trong giờ rảnh của người Đức trong khuôn khổ một cuộc phân tích người tiêu thụ. Kết quả cho thấy trong năm 2002, đọc sách không những giảm mà còn tăng so với năm trước. Nói chung, “đọc sách” chiếm vị trí thứ 8 trong 39 sinh hoạt tiêu khiển thích nhất của người Đức, sau nghe nhạc, xem ti vi, đọc báo, đi ăn, gặp bạn, lái xe và đi du ngoạn… Chơi Internet chiếm thứ 22.
Một thống kê khác của dịch vụ quảng cáo Allenbach cho biết: con số người đọc từ 14 tuổi đặc biệt thích đọc sách tăng từ 31 đến 32%, trong lúc con số của những người không thích đọc giảm từ 28 xuống 27%. Nhưng trung bình thì những người kiếm tiến và có học thức đọc sách nhiều hơn. Thống kê này cũng cho biết, 43% tất cả thanh thiếu niên từ 14 đến 19 tuổi đọc sách nhiều lần trong tuần, 19%  ít nhất mỗi hai tuần mới đọc sách. Con số 62% người thường hay đọc sách so với con số 38% không đọc sách không có gì phấn khởi. Hiện trạng thanh thiếu niên Đức đọc ít là một trong những lo âu của những nhà trách nhiệm văn hóa Đức thường được thảo luận công khai nhất là sau kết quả của thử nghiệm giáo dục PISA.
Người Đức cần sự truyền thông với quốc tế, cho nên đội ngũ dịch thuật là một phần tử không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa đọc. Trong năm 2000 có 7631 (theo tài liệu của Emmerling) đầu sách dịch. 12% sách mới xuất bản là sách dịch, phần lớn từ tiếng Anh. 47 ngôn ngữ chuyển dịch sang Đức ngữ (theo thống kê năm 2000). 4759 giấy phép dịch và xuất bản sách cho 65 nước, trong đó Á Châu chiếm đa số, sau đó là tiếng slawisch và ngôn ngữ Âu Châu.

Vừa mua vừa xem thử sách

Hàng năm vào tháng 10,  hội chợ sách tại Frankfurt, một truyền thống đã hơn 500 năm từ khi J.Gutenberg thay đổi kỹ thuật in sách, là hội chợ sách lớn nhất thế giới, được Hội chứng khoán doanh thương sách của Đức (Boersenverein des deutschen Buchhandels) bảo trợ từ năm 1949, với trên 7000 người triển lãm và hơn 300.000 đầu sách, trong đó khoảng 100.000 sách mới (năm 2005).
Hội chợ sách Leipzip, một truyền thống giao lưu văn hóa đọc từ thế kỷ 17, được tổ chức vào tháng 3 hàng năm cũng đang chiếm lại ưu thế với 2162 người triển lãm.
Ngoài ra những tổ chức do sáng kiến tư nhân “văn học cần một mái nhà trên đầu” với những Nhà Văn học Đức trên khắp nước Đức, nơi gặp gỡ, trao đổi, học tập của tác giả, nghệ sĩ, dịch giả, nhà xuất bản và người bán sách. Hệ thống thư viện Ðức mỗi ngày một hoàn chỉnh. Những phòng đọc sách công cộng là nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên trong mỗi thành phố. Vô số những nhóm đọc sách theo sáng kiến cá nhân và tập thể. Hệ thống viện Goethe là diễn đàn quốc tế trao đổi các bộ môn văn học đọc (văn học, văn xuôi, thi ca, kịch, tiểu thuyết, nghiên cứu khoa học, triết lý…). Những phương tiện điện tử cũng đã được sử dụng để in sách, các đĩa CD-ROM đã được phổ biến và lưu hành.
Emmerling cho rằng người đọc sách ở Đức đã có một môi trường thật thuận lợi cho sở thích cũng như đòi hỏi văn hóa. Người Đức chú trọng đến sách. Khuynh hướng cởi mở đến với sách gia tăng trong giới trẻ. 72% người trẻ thích sách, 31% rất yêu sách. Nhưng người Đức ngày nay không những thích học như Hôlderlin, họ cũng thích mua sách (họ giàu hơn Hôlderlin!). Giá sách ở Đức không rẻ (trung bình một quyển sách thường của nhà xuất bản Suhrkamp từ 8- đến 15 Euro) nhưng người Đức sẵn sàng rút hầu bao ra mua sách vì họ biết sách là một hiện vật vượt thời gian, một công trình tri thức và lao động không những của tác giả mà còn của cả tập thể xã hội, sách là một kỷ vật của thời đại ta đang sống. Tôi chưa thấy người Đức nào đem sách ra gói hàng hay nhen lửa. 55% dân Đức đã mua ít nhất một cuốn trong vòng 12 tháng (tổng thể thu nhập năm 2002 lên đến 9,224 tỷ Euro). 16% người Đức sử dụng sách hàng ngày. Gần nửa dân số Đức (của 80 triệu dân) với quyển sách cầm trong tay ít nhất mỗi tuần một lần, 20% kia một tháng một đến 2 lần. Tuy nhiên khoảng 1/3 dân số đã ít hơn một lần cầm quyển sách trong tay trong một tháng. Đặc biệt trên trung bình đa số giới trẻ thích đọc sách.
Điều đó có nghĩa văn hóa đọc của Đức có tương lai.

Tôi đã có dịp “làm sách” với người Đức và đã thành lập một nhà xuất bản tại Muenchen, có lẽ vì vậy mà Muenchen so với các tỉnh khác trên nước Đức có nhiều nhà xuất bản hơn cả!!! Thủ tục thành lập nhà xuất bản chỉ cần một cú điện thoại đăng ký tên và địa chỉ nhà xuất bản. Làm sách với người Đức đã là một quá trình học hỏi về mọi phương diện từ chọn giấy, mẫu bìa, khổ sách, giá cả, mục đích, tâm lý người đọc, đóng sách… Người làm sách và tác giả cũng như người đọc là một phức thể đa dạng trong đồng nhất, phải thấu đáo triệt để ngọn ngành. Ngoài nội dung, kiến thức kỹ thuật và phẩm cách con người hòa quyện với nhau trong một quyển sách khi nó xuất hiện ra ngoài đời, trong tiến trình ấy, nhận ra một điều, người Đức thiết tha với sách như với đứa con, nó phải được toàn hảo tối đa trước khi ra đời. Cho nên chủ nhà xuất bản An Tiêm, Thanh Tuệ một lần đã nhận xét: sách Đức toàn hảo trên hình thức cũng nhờ kỹ thuật cao, tay nghề vững, nhất là khâu cuối của quyển sách, kỹ thuật đóng sách thật tinh vi.
Riêng tôi, một quyển sách đẹp là quyển sách ước, và trên đường đi tìm, tôi đã có may mắn tạm trú nơi miền “văn hóa đọc” với triệu triệu quyển sách từ văn chương giải trí (belletristik, được đọc nhiều nhất), đến sách nhi đồng và thiếu niên, sách bỏ túi, loại sách cố vấn (thư giãn, sức khỏe, sắc đẹp, làm bếp)… sách nghiên cứu, khoa học… không sao mà đọc cho hết túi khôn của loài người…
Không biết do đâu, con gái của tôi, được giáo dục trong môi trường Đức, từ thuở nhỏ cho đến bây giờ, đặc biệt thích đọc sách hơn những tiêu khiển khác; và câu nói của đứa con: “Khi đọc sách con được bình an” ngay cả khi đọc truyện ma, từ đó mở cánh cửa cho tôi thấy chiều sâu của văn hóa đọc nước Đức.
———
* Tài liệu “Văn hóa đọc tại Đức”, Eugen Emmerling, do Viện Goethe phổ biến.

Thái Kim Lan

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)