Văn hóa Nga ở Việt Nam: Vui và tin?

Ngoài những sự kiện chính trị lớn thì trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung và người dân Thủ đô nói riêng, những năm qua, mối dây liên hệ với nước Nga không còn chặt chẽ như trước nữa.

Những ngày giữa tháng 11 này, dịch giả Thúy Toàn vừa trở về Việt Nam cùng  tấm Huân chương Hữu nghị – phần thưởng đầy vinh dự mà ông được nhận từ tay Tổng thống Nga Medvedev một cách vô cùng xứng đáng vì những đóng góp to lớn của ông cho việc quảng bá văn hóa Nga và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước. Một lần nữa, ta có thể hân hoan nghĩ đến sự phát triển sẽ có bước nhảy vọt của việc dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam sau những “cú hích chính trị” và việc đưa văn hóa Nga trở lại với công chúng Việt Nam một cách có chất lượng, lại mạnh cả về số lượng như đã từng có cách đây vài thập niên.

Nói như vậy, trong niềm kỳ vọng có đôi chút ngậm ngùi, vì ngoài những sự kiện chính trị lớn thì trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung và người dân Thủ đô nói riêng, những năm qua, mối dây liên hệ với nước Nga không còn chặt chẽ như trước nữa. Nói cách khác, sức ảnh hưởng của văn hóa Nga đối với đời sống đương đại của người Việt chưa lớn. Trong giới trí thức và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, hỏi mười người thì may ra chỉ một, hai người biết, hiện nay người Nga đang tiến hành những hoạt động gì ở Hà Nội. Những buổi chiếu phim, chẳng hạn, buổi chiếu phim “Taras Bulba” (xây dựng theo tác phẩm cùng tên của Nikolai Gogol) ở Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga trong tòa nhà tuyệt đẹp tọa lạc ở Kim Mã, cả “rạp” đếm được 5 người ngồi xem, lại là những thày giáo, dịch giả am hiểu văn hóa Nga. Ý nghĩa của việc chiếu phim lẽ ra là rất lớn rút cuộc còn lại chẳng là bao! Những người Nga dường như quên mất việc hướng tới diện rộng hơn dân chúng người Việt, đem đến cho họ khái niệm mới mẻ về một nền văn hóa Nga không chỉ rực rỡ với việc gìn giữ những giá trị cổ điển mà còn luôn luôn chuyển động với nhiều cái mới, cái hiện đại của cuộc sống hôm nay.

Mới lẩn thẩn so sánh, rồi thầm hỏi, vì sao các hoạt động văn hóa ở L’Espace hay Viện Goethe lại đều đặn, hằng ngày, hằng tuần, lại sôi động và có tiếng vang đến thế mà sao các hoạt động văn hóa liên quan đến nước Nga chưa thực sự mang hơi thở thời đại, chưa chạm được đến cuộc sống văn hóa bản địa, chưa khơi dậy được tình yêu nồng nhiệt vốn có của người Việt Nam đối với nước Nga bằng những việc cụ thể, thiết thực và lôi cuốn?

Trong cuộc gặp mặt giao lưu giữa Tổng thống LB Nga D. A. Medvedev và các cựu sinh viên, lưu học sinh từng học tập tại Nga và Liên Xô cũ diễn ra vào chiều tối ngày 31-10-2010 ở Cung Văn hóa Việt Xô, Hà Nội, ngoài những trao đổi thông tin về chuyến đi và tâm tình cảm động, Dmitry Medvedev cũng đưa ra một loạt lời hứa làm nức lòng cử tọa. Chẳng hạn, ông hứa sẽ tăng cường hỗ trợ đào tạo các cán bộ y tế, hỗ trợ các hoạt động về việc đưa công nghệ y tế của Nga về Việt Nam. Về lĩnh vực văn hóa, Tổng thống Medvedev hứa sẽ đề xuất với Bộ Văn hóa Nga tăng cường các hoạt động trao đổi văn hóa nghệ thuật để công chúng Việt Nam được thưởng thức các loại hình nghệ thuật sang trọng của Nga thường xuyên hơn như ballet, nhạc giao hưởng..v..v…

Một lời hứa nữa từ phía Tổng thống Nga khiến những người quan tâm đến văn học Nga vui mừng: ông hứa sẽ đặt vấn đề với Bộ Ngoại giao và qua những kênh văn hóa xã hội lập ra một Quỹ Dịch thuật văn học Nga, chí ít là có thể hỗ trợ những người đang âm thầm làm việc trong bối cảnh không đơn giản của việc xuất bản và tổ chức dịch thuật văn học Nga nói riêng và văn học kinh điển thế giới nói chung.

Lời đề nghị nói trên được đặt ra sau khi Tổng thống Nga nói về vấn đề tăng cường quảng bá tiếng Nga ở Việt Nam, trả lời câu hỏi của một giảng viên tiếng Nga tâm huyết. Tổng thống vui mừng cho rằng, ở Việt Nam có tới hơn nửa triệu người sử dụng tốt tiếng Nga, am hiểu văn hóa Nga – đó là chỗ dựa lớn cho quá trình hợp tác mọi mặt giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, có thể ông chưa biết rằng, với số lượng người giỏi tiếng Nga nhiều như thế, những người chuyên tâm theo đuổi việc dịch văn học Nga vào thời điểm này lại đếm trên đầu ngón tay. Đó là một thực tế đáng buồn nếu nhớ rằng những năm 70, 80, chúng ta đã từng có lực lượng người dịch đông đảo và đã giới thiệu với bạn đọc rất nhiều tác phẩm có chất lượng của nền văn học Nga. Bây giờ, nói về văn học Nga, người ta thường dùng từ “hoài cổ”, vì những người làm sách hiện nay vấp phải quá nhiều khó khăn khi muốn tổ chức dịch một vài tác phẩm nào đó của Nga, kể cả đương đại lẫn cổ điển, đặc biệt ở khâu chọn người dịch, thẩm định tác phẩm và cả các vấn đề về tài chính nữa. Tổng thống Medvedev đã hứa suy nghĩ về vấn đề này, và nói thêm: “Tôi cho rằng, điều này có lợi cho quan hệ hai nước chúng ta, mà khoản tiền chi ra sẽ không phải là quá lớn, nhưng hiệu quả lại cao. Chúng ta sẽ tiến hành việc này thông qua Đại sứ quán.”

Một câu trả lời đầy đủ, tình cảm. Một câu trả lời ngắn gọn nhưng đã khiến những người yêu văn hóa văn học Nga náo nức cả mấy ngày trời. Họ thấy vui, tin tưởng và kỳ vọng.

Bây giờ, nhận thông tin về việc quỹ “Thế giới Nga” mở thêm “Trung tâm Nga”  tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 12-11-2010 – trung tâm thứ hai sau phòng đọc tiếng Nga đã đặt tại trường ĐH Quốc tế Hà Nội thuộc trường ĐH Quốc gia vào tháng bảy vừa qua, niềm vui niềm tin ấy như được nhân lên. Chưa biết hoạt động của những trung tâm này sẽ đem lại hiệu quả ra sao, nhưng đã thấy len lỏi một niềm hy vọng mong manh rằng sẽ có những người nhiệt huyết biết điều hành công việc để chúng thực sự là cầu nối văn hóa giữa hai nước chứ không chỉ đơn giản là một địa điểm gặp gỡ của những hoài niệm đáng yêu!

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)