Văn hóa nông thôn hiện tại

Nông thôn là một hình ảnh sinh động nhất của những biến động văn hóa và kinh tế ở Việt Nam, vì trong quá khứ nó là nơi sinh sống của 90% dân số, trong thời hiện đại có thể là 60%, tức là đại đa số người Việt sống ở nông thôn. Với những vùng miền khác nhau, bức tranh kinh tế và văn hóa cũng khác nhau, dù chung những chính sách do Nhà nước ban hành, nhưng cùng một nét nổi bật là: môi trường và tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt, thể hiện tính thực dụng không nghĩ đến tương lai của các nhà quản lý và doanh nghiệp; nông thôn chuyển sang đô thị hóa một cách bất đắc dĩ và văn hóa truyền thống biến dạng nghiêm trọng kéo theo hàng loạt di sản văn hóa bị phá hủy, ngay cả dưới góc độ trùng tu.

Như một tính cách truyền thống, nông thôn luôn tự lo lấy mình, giống như kiểu đèn nhà ai nhà ấy rạng, tức là các làng xã có những cách thức riêng để duy trì đời sống văn hóa và ổn định xã hội trước những bất cập của hoạt động kinh tế mà người dân không thể thay đổi hay góp ý. Kết quả có thể tốt ở mức độ cục bộ, đôi khi rất cực đoan, khó trở thành mô hình chung cho đất nước.

Nhìn về thời phong kiến, văn hóa nông thôn biểu hiện ở tín ngưỡng, hội lễ, tập tục, các di sản vật thể và phi vật thể, còn thấy được hằng ngày là quan hệ gia đình xóm giềng có những lề thói chặt chẽ. Dân trí nông dân (thời phong kiến) nói chung là thấp, nhưng nếp sống văn hóa lại khá cao, có khả năng giữ gìn sự ổn định xã hội và an ninh trong từng cộng đồng làng, mặc dù bộ máy bảo vệ rất mỏng manh. Tầng lớp sỹ ở làng, như ông đồ, thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý, chức bạ và vài thân hào kỳ mục chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân làng, nhưng được tôn trọng với ý nghĩa trọng trí thức và người có học nói chung, và đó cũng là khát vọng của nông dân nếu có điều kiện lập tức cho con em đi học, bởi đó là con đường duy nhất chuyển đổi giai tầng – làm kẻ sỹ, làm quan, vinh thân phì gia, cả họ được nhờ. Khát vọng này không khác mấy so với ngày nay khi người nông dân cố gắng cho con em thoát ly, vào đại học, và nhảy vào bộ máy công quyền.

Thời chiến tranh và bao cấp trong thế kỷ 20, văn hóa truyền thống nông thôn suy vi bởi cải cách ruộng đất và những cuộc bài trừ mê tín dị đoan quá tả đập phá đình chùa, tuy nhiên đạo đức nông thôn vẫn được duy trì bởi những định hướng chung trong xã hội lấy mục tiêu giải phóng dân tộc làm chính. Hằng tháng, có những đoàn phim kịch về biểu diễn và chiếu cho nông dân với vé rất rẻ, những lớp bổ túc văn hóa được tổ chức khắp nơi. Tuy nhiên sản xuất trong kinh tế hợp tác xã hiệu quả rất thấp, tình trạng thiếu lương thực và vô trách nhiệm với ruộng đồng cũng dẫn tới sự xuống cấp về văn hóa và đạo đức lao động.

Thời Đổi mới với cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp và bỏ ngăn sông cấm chợ, đời sống nông dân thay đổi căn bản có xu hướng tích cực, nhưng những nét tiêu cực của cơ chế thị trường không được lường trước, khiến người nông dân lao vào cuộc tranh đoạt vô chính phủ, dẫn đến sự suy thoái đạo đức văn hóa nông thôn ở mức độ trầm trọng. Cộng thêm tình hình chuyển đổi ruộng nông nghiệp cho công nghiệp là một bước ngoặt mới chưa từng có trong lịch sử xã hội Việt Nam ở nông thôn. Có thể nói quá trình này đã hủy diệt các làng xã cổ truyền, biến nhiều nông dân thành thị dân, nhiều người hoàn toàn không có tư liệu sản xuất gì và tay nghề gì, và đùn ra đô thị, chợ biên giới, xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài, hay phá hủy chính môi trường sống của mình để kiếm ăn.


Đường làng Phù Lưu (Bắc Ninh), kiến trúc cổ và hiện đại chen lẫn nhau cùng dây điện. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Trên đây là những nét lớn để chúng ta đi vào tìm hiểu văn hóa nông thôn hiện nay.

Văn hóa được thể hiện ở nhiều mặt, ở mức độ thượng tầng nó là tôn giáo, triết học và nghệ thuật, ở mức độ hạ tầng nó là tập tục, đạo đức ứng xử xã hội và hội lễ. Như vậy văn hóa có mặt ở các công trình kiến trúc tôn giáo và nghệ thuật nông thôn. Thời xưa trong các công trình ấy là tựu chung của cả tôn giáo, triết học và nghệ thuật không tách rời nhau. Trong bốn thế kỷ từ 16 đến 19, ba đạo Nho, Lão, Phật là tư tưởng chính của đời sống tinh thần và tín ngưỡng nông thôn, tuy rằng người nông dân hiểu nó ở mức độ rất cụ thể. Nho giáo là đi học, đi thi, làm quan, thờ phụng tổ tiên, giữ gìn đạo đức gia đình, Phật giáo là các vị thần có nhiều mắt nhiều tay phù hộ độ trì chúng sinh. Người nông dân có văn hóa dân gian riêng thông qua ca dao, dân ca và hội lễ, không mâu thuẫn gì với ba đạo lớn trên, có cả tín ngưỡng bản địa riêng qua từng vùng miền như đạo thờ tổ tiên, thờ mẫu, thờ tứ pháp. Đến ngày nay, vai trò của tôn giáo ( chủ yếu là Phật giáo ) đã mất đi nhiều ý nghĩa tâm linh và thực hành tâm linh trong xã hội, đôi khi người ta cảm thấy đó như là một nghề, nhà sư không còn là hình ảnh của người hy sinh đời sống cá nhân của mình cho một lý tưởng dẫn dắt chúng sinh qua sự mê muội, mà chỉ còn là ông thầy cúng. Điều này lại song hành với sự tăng tiến của tính dị đoan, càng giàu có, càng làm ăn phát đạt người ta càng cúng cáp nhiều, lễ lạt to. Nghề làm vàng mã trở nên phát đạt và vàng mã ngày càng to như kích thước thật cũng như tính phù phiếm của các nghi thức tôn giáo, làm biến dạng tất cả các di tích cổ vốn được sáng tạo bởi những phường thợ tuyệt hảo thẩm mỹ rất cao. Tất cả đều tô vẽ đình chùa cho mới và mỹ miều, nhưng lại làm hỏng hết các giá trị văn hóa cổ.

Hội lễ là dịp quần tụ các thành viên trong vùng miền, tái hiện lại truyền thống khai nền mở đất và những tập tục tốt lành, dịp những người xa làng trở về và dịp cho các làng khác tới kết bạn. Ý nghĩa của nó bao giờ cũng tốt. Nhưng từ một hoạt động phi lợi nhuận, hội lễ ngày nay trở thành dịp làm ăn của ban tổ chức và nhiều người kinh doanh trong làng. Sau nhiều năm hoạt động, địa bộ phận các làng xã đã khoán việc kinh doanh cho các gia đình và cá thể, khoán trông xe, khoán diện tích đất mở hàng quán, … với cách làm như vậy, họ không thể khống chế được giá cả trong hội lễ. Người ta chẳng mấy khó khăn kiếm vài ba triệu đến vài chục triệu trong ba ngày hội hè nên không ai có cơ hội mà không làm, nhất là trong hoàn cảnh, người thành thị đổ xô đến hội lễ vì hiếu kỳ hơn là vì văn hóa tín ngưỡng. Kết quả của những địa phương có hội lễ theo xu hướng thị trường, nhân tâm ngày càng thực dụng, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải và phóng uế bừa bài, và di tích xuống cấp thảm hại chỉ trong vài ba ngày.


Các lò gạch bên sông, một trong những thủ phạm chính làm ô nhiễm môi trường và mất đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Sự có mặt của các khu công nghiệp và đô thị hóa đã tạo ra những giải trí tất yếu, mà đến nay người nông dân cũng đã bình tĩnh nhận định lại. Khi người ta đem một nhà máy đến nông thôn, có thể cả chủ doanh nghiệp lẫn người nông dân không biết trước là đi theo nó sẽ có cái gì. Nông dân mất ruộng, thanh niên thiếu việc làm lang thang ra các hàng quán và đô thị. Công nhân kéo đến, và hình thành cả khu gia đình, dân số tăng lên, tạo ra cơ hội cho nông dân mở hàng quán, cho thuê nhà trọ. Các dịch vụ rẻ tiền và không lành mạnh, nếu người ở làng không làm thì nơi khác cũng nhảy vào làm. Một loại dân cư bán đô thị hình thành, họ không phải là nông dân, làng xã không kiềm chế được họ, họ cũng ở xa các thành phố để phường xã có thể quản lý và khắp nơi nảy nở những hàng quán bán thị dân rất tùy tiện về mọi mặt. Trong làng đã xuất hiện những quán karaoke, game điện tử, tiệm gội đầu, massage, và không thiếu ổ chứa trá hình, còn nạn cờ bạc là phổ biến. Những người trung niên và già đành co cụm vào làng, xem phim tình cảm Hàn Quốc, chưởng Tàu. Cả xã có một bưu điện văn hóa với ít sách báo bao cấp, nhưng chỉ có vài ông giáo làng ra đọc.

Ý thức được sự trống rỗng về văn hóa, nhiều hoạt động xã hội tự nguyện được thành lập, dưới dạng câu lạc bộ. Đó là hội sinh vật cảnh, hội thơ, hội đi xe đạp, câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, học chữ Hán… đáng tiếc hầu hết những quan chức địa phương không ý thức được vai trò của những hoạt động này, tất nhiên chủ yếu họ có ủng hộ về nguyên tắc. Ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, có đến 22 lớp Hán Nôm được mở, một đội ngũ giáo viên từ ngoài 60, 70 tuổi tự nguyện và bất kỳ ai cũng có thể đi học miễn phí. Rất nhiều câu lạc bộ thể thao cho biết thanh niên tham gia vào đó ngoan ngoãn hẳn và không nghiện hút. Những câu lạc bộ này liên tục mở hoạt động thi đấu giao lưu liên tỉnh với các câu lạc bộ khác, mở ra các quan hệ xã hội rộng rãi hơn là chỉ bó hẹp trong phạm vi làng và cung cấp những vận động viên chính cho thi đấu thể thao toàn tỉnh. Tác dụng của những hoạt động văn hóa thể thao quần chúng tạo ra những an sinh xã hội, giảm thiểu tệ nạn nhưng thiếu liên kết hoạt động Nhà nước và được đánh giá đúng mức.

Xây dựng nhà cửa ở nông thôn là vấn đề lớn đối với môi trường và thẩm mỹ. Những làng cổ được xây dựng bằng các nguyên liệu và cách thức truyền thống tuy không thật tiện nghi, nhưng không ai phủ nhận nó rất đẹp và chứa đựng đời sống văn hóa Việt ngàn đời. Tất nhiên làng cổ chỉ phù hợp với xã hội cổ, sông hồ đầm ao còn nhiều, rác thải công nghiệp chưa có, dân số ít, những ràng buộc về tập tục khiến sinh hoạt cá nhân luôn nhường bước cho cộng đồng đại gia đình và làng xã. Thời buổi mới với những nhu cầu mới buộc cái làng phải thay đổi, nhưng thay đổi thế nào, lại chưa từng được đặt ra, hay người ta đã thay đổi thiếu quy hoạch và tự phát. Dân số mỗi làng tăng lên từ ba đến năm lần, xưa kia làng có chừng 300- 600 người, nay làng có từ 1000 – 3000 người. Đất công bị lấn chiếm, hoặc chia lô xây nhà mới, trên những trục đường, đương nhiên hình thành lối nhà ống bằng bê tông. Ở những gia đình có đất, nhà kiểu thước thợ, kiểu biệt thự ra đời thay thế cho ngôi nhà tre gỗ ba hay năm gian. Tất cả những ngôi nhà mới, đều không dùng kiến trúc sư, cơ bản không có thiết kế, mỗi nhà một phách, đủ kiểu Tây Tàu và Hàn Quốc, ban đầu là dùng vật liệu tại chỗ, và nhiều gạch lát Trung Quốc. Văn hóa trọc phú là hình ảnh điển hình của các ngôi nhà mới ở nông thôn. Các lò gạch mọc lên như nấm, hủy hoại môi trường không biết chừng nào. Tuy nhiên nó cũng làm một số nhà giàu lên nhanh chóng và nhiều nông dân thất nghiệp đi làm lò gạch. Những nơi có lò gạch chịu thảm họa về đường giao thông. Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải lớn chạy qua làng, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, mọi đường sá Nhà nước làm hay địa phương tự làm đều nhanh chóng nát bét, nhất là sự tham nhũng trong xây dựng cầu đường khiến chất lượng các con đường đều thấp và rất lâu hoàn thành. Quy hoạch chung cho xây dựng làng cũng rất kém, nước thải loanh quanh rồi cuối cùng lại dẫn ra ao hồ trong làng, rác thải chất vài ba bãi ngoài đồng xa, nhưng càng ngày càng đùn lên và lan rộng nhất là các túi ni lông. Tham quan du lịch cũng làm phát tán các rác thải ra khắp hồ ao và đường làng.

Từ rất lâu, các đoàn phim kịch Nhà nước đã vắng bóng, hiệu sách huyện cũng đã biến mất, nông dân tự lo lấy đời sống văn hóa cho mình. Ngoài bỏ tiền xây nhà mua đồ đạc, cho con đi học và ăn mặc, dường như không có đồng nào dành cho văn hóa, nếu có chỉ là vài bức hoành phi câu đối, hay những bức tranh sơn mài rởm, những bài thơ chúc tụng cắt dán vi tính. Không mua sách báo, không đặt nhiều kênh truyền hình, truyền hình và đài phát thanh vẫn là những nguồn thông tin miễn phí từ Nhà nước, nhưng trên đó lại đầy rẫy phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái và Mỹ… phim lịch sử, chuyện tình, võ thuật, tình dục, quảng cáo hàng tiêu dùng… rất ít phim Việt Nam giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Đôi khi làng cũng tổ chức tham quan du lịch, nhưng nơi đến chỉ là Lăng Bác, cây đa Tân Trào, vài đền chùa, rất hiếm khi họ đi tham quan bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Dân tộc học, còn bảo tàng Mỹ thuật và triển lãm nghệ thuật thì tuyệt đối không.

Người nông dân rất tích cực chuẩn bị tương lai cho con cái, thay thế cho cái dĩ nông vi bản không còn tương lai gì, bởi chính họ cũng không biết khi nào mảnh ruộng của họ sẽ bị mất. Đây là vấn đề lớn về tâm lý nông nghiệp. Rất nhiều làng, trẻ con hoàn toàn được chuẩn bị một tương lai tránh xa đồng ruộng và trồng trọt, chúng không phải tham gia làm nông nghiệp theo kiểu truyền thừa như trước, mà đi học, tìm nghề khác, thoát lý bằng mọi cách. Có những làng chủ trương xuất khẩu đại học, tức là tỷ lệ đỗ đại học rất cao ( xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh ). Nơi thì kéo lên Bắc Giang làm trang trại, nơi kéo lên biên giới làm cửu vạn, nơi tìm đường lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, nơi kéo ra các khu công nghiệp. Cái làng nông nghiệp cổ không còn chút gợi cảm nào, mặc dù tình cảm quê hương không thay đổi là mấy. Các dòng họ họp lại đầu tư cho con em vào những ngành nghề căn bản, nhưng nếu có cơ hội làm phòng thuế, ngân hàng, bác sỹ thì họ không tiếc tiền đầu tư. Cái công thức một người làm quan cả họ được nhờ sống lại một cách sinh động.

Những sắc tộc khác nhau và địa lý tự nhiên khác biệt giữa đồng bằng, trung du và miền núi, tạo ra những khác biệt về văn hóa. Tình trạng di dân theo chính sách hay tự do, đã hình thành sự đan xem văn hóa giữa các vùng miền. Khi rừng bị tàn phá và thu hẹp, những tộc người có văn hóa dựa trên cơ sở rừng có nguy cơ sụp đổ về văn hóa. Đó chính là trường hợp của Tây Nguyên và nhiều sắc tộc phía Bắc. Các buôn làng thay đổi căn bản, vai trò của già làng, trưởng bản không còn lớn nữa, các hoạt động tinh thần truyền thống mất người kế tục, giống như làng nghề mất thợ giỏi, dân ca mất người truyền giọng điệu. Chúng ta chưa tổng kết về sự suy thoái của các nghề cổ truyền, nhưng trong từng ngành nghề một, mức độ tinh tế đã suy giảm trông thấy. Ví dụ trong nghề sơn mài, những người thợ làm thép (một loại bút thếp sơn ) và thợ nấu son (màu vẽ) tốt nhất đã không còn. Nghề dệt vải, thêu hoa văn trong các sắc tộc được phục hồi bởi du lịch nhưng cũng biến đổi bởi du lịch, tức là người ta không thêu hoa văn nữa mà mua sẵn rồi gá vào quần áo. Du lịch cũng làm suy thoái đạo đức các sắc tộc khi chạy theo kinh doanh, đến chụp ảnh cũng xin tiền. Ngôn ngữ bản địa bị pha trộn và có thể nói các ngôn ngữ nhỏ đang trên đà biến mất. Nếp sống của nhiều sắc tộc đang mang tính thụ động, đàn ông rất nhiều người uống rượu và tiêu sài, rồi vật vờ trong những cánh rừng và chợ phiên, phó mặc đồng ruộng và trẻ con cho đàn bà. (Riêng phần văn hóa nông thôn khu vực miền núi cần có những nghiên cứu chuyên sâu. Dường như Trung Quốc có cả một chiến lược âm thầm chăm sóc các sắc tộc ở phía Bắc).

Văn hóa không dừng lại ở nghệ thuật, tôn giáo hay các hoạt động có tính tinh thần, mà nó cần biến thành ứng xử và các kinh nghiệm sống. Người nông dân xưa đa phần biết tự chữa bệnh, tất nhiên là những bệnh thông thường: cảm cúm, bong gân, bị thương nhẹ, đau đầu, đầy bụng, đồng thời cũng không thiếu bà đỡ, bà lang, thầy thuốc địa phương. Người nông dân biết chế tạo công cụ, đan mây tre, làm nhà, dệt vải, may áo quần. Tóm lại là họ có thể sống theo kiểu tự cung tự cấp. Đó chính là những kinh nghiệm văn hóa. Những kinh nghiệm này đang mất dần theo thời gian và người nông dân ngày càng phụ thuộc vào máy móc, bệnh viện, hàng tiêu dùng sẵn có.

Xã hội hiện đại và phân công lao động công nghiệp là như vậy, nhưng cũng đồng nghĩa là phải có tiền. Tiền thì bao giờ cũng hiếm, nên nếu có người ốm nhẹ thì mất vài ba triệu, ốm nặng thì vài chục triệu, nếu để ung thư thì hàng trăm triệu. Mỗi lần như vậy coi như một gia đình nông dân phá sản. Ở đây cho thấy vai trò của văn hóa là rất lớn, nó có thể điều chỉnh những bất cập của xã hội, cho con người sống tốt hơn trong những điều kiện khó khăn. Văn hóa quyết định những hoạt động khác như kinh tế, chính trị có đạt được thành quả hay không, mà thiếu nó rất có thể người ta giàu có mà vẫn không bao giờ đạt được hạnh phúc.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)