Văn học 2006 – một cái nhìn

Tôi thấy ở văn học Việt Nam 2006 nổi bật hai sự kiện, một hiện tượng và ba cuốn sách.

Hai sự kiện
1. Tháng 2/2006 tại thị xã Quảng Ngãi, Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo đầu tiên về nhà thơ Bích Khê (1916 – 1946) nhân 90 năm sinh và 60 năm mất. Ông là một nhà thơ có ý hướng sáng tạo mạnh trong phong trào Thơ Mới, người đã góp phần cùng Hàn Mặc Tử và nhóm Xuân Thu Nhã Tập đẩy thơ Việt ra khỏi phạm trù thơ lãng mạn sang thơ tượng trưng, siêu thực. Nhưng suốt nửa thế kỷ qua trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, Bích Khê đã không được biết đến nhiều, không được hiểu đúng và không được đánh giá hết giá trị, do bị một hàm oan chính trị. Cuộc hội thảo này đã “chiêu tuyết” cho Bích  Khê, trả lại cho ông vị trí xứng đáng của một nhà thơ mới cách tân và sáng tạo.
2. Tháng 10/2006, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị Lý luận, Phê bình tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Một hội nghị chuyên ngành mang tính học thuật cao đòi hỏi những người có chuyên môn đề cập đến các vấn đề lý thuyết, nhưng bằng sự có mặt của hàng trăm con người tranh luận đủ chuyện thì đó là một hội nghị bàn về công tác, công việc văn học thì đúng hơn. Chẳng có mấy vấn đề lý thuyết và lý luận nào được đặt ra, được bàn cãi rốt ráo trên cơ sở khoa học tại hội nghị này. Nó thêm lần nữa cho thấy tình trạng yếu kém lý thuyết của văn học Việt Nam và nguyên nhân của tình trạng đó từ khâu tổ chức hoạt động.

Một hiện tượng
Đó là hiện tượng cuốn tự truyện Lê Vân Yêu và Sống (LVYVS). Trong năm 2006 đây là cuốn sách bán chạy nhất, gây dư luận nhất. Trước hết phải khẳng định đó là một tác phẩm văn học thuộc thể loại tự truyện. “Đây là một tác phẩm văn học hay, đích thực văn học và rất đáng đọc. Tác phẩm này chắc chắn sẽ góp phần khôi phục lại vị thế của tự truyện trong văn chương nước mình. Các nhà văn sẽ có thêm một hướng đi hay, khó khăn nhưng thú vị và hấp dẫn ngòi bút” (Bảo Ninh, Văn Nghệ Trẻ, số 45, 5/11/2006). Hiện tượng, trước hết vì nó khơi mở dòng viết văn tự truyện mà lâu nay trong văn học ta chưa được chú trọng và khuyến khích. LVYVS vẫn là chuyện của người nổi tiếng, nhưng là của con người ở đời thường, không phải ở trong chiến tranh, và hoàn toàn mang đúng tính chất cá nhân của thể loại, không hề có ý làm gương mẫu, bài học đạo đức cho ai. Hiện tượng, chủ yếu vì phản ứng dư luận xung quanh cuốn sách đã phơi bày một trình độ nhận thức về văn hóa, tinh thần của người đọc hôm nay, phơi bày một khoảng cách biệt giữa các thế hệ độc giả, và liên quan đến văn học là phơi bày những cách đọc khác nhau đến trái ngược nhau về một tác phẩm. “Thay cho việc thu nhận thêm một kinh nghiệm sống từ tự truyện, phần nhiều thiên hạ có xu hướng áp đặt quan niệm sống của mình (vốn đầy rẫy thành kiến, định kiến) và đòi hỏi người kể chuyện “giá mà” cứ nương theo một khuôn mẫu chung, dễ được xã hội chấp nhận.  Thay cho việc mở lòng ra đón nhận, rồi tự phân tích lý giải ngay cả những ca hy hữu nhất, thì thiên hạ dễ sa vào phán xét từ góc độ cũng rất cá nhân, cũng rất hẹp. Cách tiếp nhận ấy là tự làm nghèo kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tự thu hẹp khả năng cảm thông chia sẻ, gây ra một chuỗi hiểu lầm tiếp theo và cả những ngộ nhận về chuẩn mực” (Hồ Anh Thái, Người Đại Biểu Nhân Dân, 6/11/2006). Những bài viết trên mặt báo, cả khen lẫn chê LVYVS, không phản ánh đủ và đúng bề rộng và bề sâu của dư luận quanh cuốn sách này, cũng như thực chất vấn đề đặt ra từ nó như một tác phẩm văn học.
Ba cuốn sách

1. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng (Nhà xuất bản Thanh Niên). Bộ nhật ký ba tập gần hai nghìn trang in ra gần như hết cả những ghi chép của Nguyễn Huy Tưởng trong ba mươi năm liên tục (1930 – 1960) là một khối tư liệu quý về lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước được soi chiếu qua cái nhìn của một nhà văn tâm huyết. Đó là bộ sử cá nhân có ý nghĩa bổ sung cho bộ sử chung. Nhưng bộ nhật ký này còn là một tác phẩm văn học ở thể loại nhật ký và tác giả đã có ý thức như vậy khi ghi chép.
2. Tự truyện của Lê Vân (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Không phải ngẫu nhiên mà nhà xuất bản của giới nhà văn lại chọn in cuốn này. Nhà văn Bảo Ninh đã ngộ ra điều ấy: “Mặc dù có YVS từ rất sớm nhưng tôi mãi không đọc. Chính bởi hai chữ “tự truyện” mà không muốn giở cuốn sách ra. Tự truyện là nghĩa làm sao? Thật kỳ cục là tôi đã tự hỏi như vậy. Cho tới khi đã đọc xong YVS, tôi mới ngẫm ra và nhớ ra rằng trong số những tác phẩm văn xuôi Việt Nam mà bản thân mình yêu thích nhất có không ít tự truyện: Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Chiều chiều của Tô Hoài… Có thể sự ngần ngại của tôi đối với hai chữ “tự truyện” là bởi tôi liên tưởng và nghĩ lẫn tự truyện với hồi ký, một thể loại tôi không thích đọc. Tuy nhiên ngay cả có nghĩ lẫn như vậy thì tôi cũng đã quên mất rằng trong số những tác phẩm văn xuôi Việt Nam mà bản thân mình yêu thích nhất có hai cuốn thuộc thể loại ấy: Nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong và hồi ký Tây Nguyên ngày ấy của bác sĩ Lê Cao Đài, Viện trưởng Quân y viện 211. Những độc giả khác tất nhiên có lựa chọn khác, song chắc là trong kiến thức văn chương của mỗi độc giả văn học Việt đều có ít nhất một cuốn tự truyện hoặc một cuốn hồi ký. Văn chương không hư cấu, viết cụ thể về một con người có thật và đương thời, với nhân vật đích danh, là một thể loại đã xuất hiện từ lâu ở ta với số lượng tác phẩm không nhỏ, trong đó có những tác phẩm xứng đáng là hạng nhất của nền văn học, ấy thế nhưng không hiểu bởi duyên do làm sao mà thể loại ấy lại không được chú trọng và đánh giá cao ở ta. Trước tiên là các nhà văn, hầu hết đều thờ ơ, bỏ qua, không viết dạng văn này. Thật đáng tiếc. Tại sao phải điên cái đầu để hư cấu cơ chứ, khi mà trong sự đời hoàn toàn không hư cấu có vô vàn chuyện tuyệt hay để viết. Nhà thơ Bùi Mai Hạnh mà nay đích thị là một nhà văn, tác giả văn xuôi, đã viết một cuốn sách hay” (bài đã dẫn). Tôi trích dài vì tôi thấy không cần phải nói gì thêm.
3. Tiểu thuyết của Tô Hoài (Nhà xuất bản Đà Nẵng). Cuốn Ba người khác (BNK) viết ra từ 1992 mà nay mới in ra. Nhưng gần mười lăm năm sau văn chương của cuốn sách vẫn mới, vẫn hấp dẫn người đọc. Tô Hoài kể trực tiếp về cải cách ruộng đất bằng một giọng văn tự sự bình thản, không chì chiết hằn học, không cay cú bực tức, như đó đây có những người viết đã để cảm xúc lấn át văn phong khi viết về sự kiện này. Ông đưa dẫn người đọc tham gia biến cố lịch sử đó như nó đang diễn ra, đúng hơn đọc BNK người đọc sẽ tự nhập cuộc cùng nhân vật, và từ đó tự ngẫm lấy mọi điều. Cải cách ruộng đất là sự kiện lịch sử to lớn và phức tạp. Tô Hoài nhìn nó từ thực tế trải nghiệm của ông. Và thêm vào đó “một chút mơ màng” như ông thổ lộ tại cuộc tọa đàm về BNK do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại Viện Văn học (22/12/2006). Văn Tô Hoài ở BNK giản dị đến tưởng như dễ viết, nhưng thực ra viết được thế chỉ là Tô Hoài, và đó là cái văn đã có từ lâu ở ông. Cao tuổi đời và tuổi nghề chỉ càng khiến ông đi gần đến tận lõi chất hơn của sự vật và con người trên trang viết của mình. BNK ra đời là thêm cho văn học một tác phẩm hay và hé mở một cánh cửa vào sử học qua ngõ văn học.
Trên đây là một cái nhìn của tôi về văn học Việt Nam 2006. Kể về sự kiện thì còn có sân thơ trẻ ở Văn Miếu Hà Nội trong ngày thơ rằm tháng giêng đầu năm, cuộc tranh kiện tại tòa án dân sự Hà Nội của hai nhà “Kiều học” Đào Thái Tôn và Nguyễn Quảng Tuân vào những ngày cuối năm, và nghi án đạo văn của Phạm Thanh Phong đối với Nguyễn Ngọc Tư (truyện Dòng sông tật nguyền giống truyện Cánh đồng bất tận) hồi giữa năm, cũng như nghi án đạo thơ của Hữu Thỉnh đối với Christa Reinig (bài thơ Hỏi giống bài thơ Thượng đế sinh ra mặt trời) vừa mới gần đây. Kể về hiện tượng thì còn có “phản ứng dây chuyền” từ chối nhận giải của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006. Kể về sách thì còn có các tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Ba phút sự thật (Phùng Quán), Hành trình (Hoàng Hưng), Giăng lưới bắt chim (Nguyễn Huy Thiệp), T. mất tích (Thuận). Ngoài ra còn có thể nêu lên hai điểm sáng xuất bản sách văn học trong năm 2006 là nhà xuất bản Đà Nẵng và công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam. Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho ra đời được những cuốn sách khó khăn mà hai tiểu thuyết Ba người khác (Tô Hoài) và Hạt cơ bản (Michel Houellebecq) là tiêu biểu. Công ty Nhã Nam đã giỏi thương lượng kịp thời bản quyền các tác phẩm có giá trị và cập nhật của thế giới và giỏi tổ chức dịch thuật để cho ra mắt những tác phẩm hay có chất lượng dịch tốt mà tiêu biểu là sách của hai tác giả đương đại nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami và Yoshimoto Banana.
Tóm lại, một năm văn học có nhiều chuyện để nói, nhưng xét về mức độ nổi bật và tầm mức ảnh hưởng đến văn giới và độc giả thì trong năm 2006 tôi nhìn thấy hai sự kiện, một hiện tượng và ba cuốn sách như đã nêu trên.

Ảnh trên cùng: Hội thảo Bích Khê tháng 2/2006 (Quảng Ngãi)

Phạm Xuân Nguyên

Tác giả