Văn học Chăm

Văn hóa một dân tộc tồn tại ở bản sắc, phát triển ở tiếp nhận và sáng tạo. Thế nào là bản sắc? Ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một/những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa Chăm? Ở phạm vi hẹp hơn, văn học chẳng hạn, đâu là bản sắc, cái khác biệt nổi bật của văn học Chăm khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học Việt Nam?

1. Người Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Văn học vừa là nhân vừa là quả của ngôn ngữ-tư duy Chăm, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học (tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lí…), biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực. Ngôn ngữ-chữ viết phát triển thúc đẩy văn học phát triển. Nên ở Chăm, song hành với văn học dân gian: panwơc yaw tục ngữ, panwơc pađit ca dao, dalikal truyện cổ…, là nền văn học viết: văn bi kí, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca… Nhưng di sản văn học ấy đã thất tán quá nhiều. Nỗ lực thu gom hầu dựng lại khuôn mặt của nó bởi các nhà nghiên cứu hơn thế kỉ qua chưa thấm vào đâu, so với đòi hỏi của nó.

Chính sự thất tán này đã gây không ít ngộ nhận, rằng văn học Chăm không có gì cả, ngoài mươi truyện kể với vài ba thi phẩm chép tay thiếu đầu hụt đuôi. Ngộ nhận đến văn học sử Việt Nam không có lấy dòng nào về nó. Chưa kể các ấn phẩm sưu tầm từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu kỉ XX hãy còn lác đác và manh mún, chỉ từ nửa sau thế kỉ trước trở đi, khi các văn bản văn chương Chăm được sưu tầm, dịch thuật và công bố, văn học của dân tộc một thời ngự trị suốt dải đất miền Trung Việt Nam hiện nay mới từng bước chinh phục người đọc.

Văn học dân gian. Truyện kể dân gian gồm thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích được Thiên Sanh Cảnh, G. Moussay… sưu tập, bên cạnh các bài giới thiệu của Lê Văn Hảo, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Tấn Đắc, Trương Sĩ Hùng… được xem là những viên gạch nền. Năm 1995, Nguyễn Thị Thu Vân đệ trình luận văn Thạc sĩ Bước đầu khảo sát truyện cổ Chăm tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, là công trình đầu tiên hệ thống hoá các mô típ truyện cổ Chăm.

Thơ ca dân gian gồm tục ngữ, câu đố, ca dao, đồng dao, tụng ca,… cũng đã được giới nghiên cứu lưu ý thu nhặt.

Văn bia kí được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ XV bằng cả hai ngữ là văn tự Chăm cổ và Sanskrit, có mặt khắp miền duyên hải Trung bộ. Thời gian qua, các học giả Pháp phát hiện, dịch và công bố dịch gần 200 minh văn, để đến năm 1995 Claude Jacques thu thập và in thành sách với tên gọi Études Épigraphiques sur le pays Cham dày 330 trang; trong đó Lương Ninh đã dịch sang tiếng Việt 25 minh văn.
Đây là các sáng tác vừa có giá trị sử học lẫn văn chương.

Văn học viết có mấy dòng như Akayet Sử thi, Ariya Trường ca trữ tình, Ariya patauw adat Gia huấn ca, Thơ thế sự, Thơ triết lí,…

Akayet Dewa Mưno. Với 471 câu thơ theo thể ariya cổ điển, xuất hiện ở Champa vào thế kỉ XVI. Câu chuyện được ghi nhận là có quan hệ với Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai. Sử thi này đã được Thiên Sanh Cảnh chuyển sang tiếng Việt. Akayet Inra Patra vay mượn Hikayat Indra Putera của Mã Lai được tác giả Chăm chuyển thành akayet vào đầu thế kỉ XVII, gồm 581 câu ariya. Đây là sáng tác thuộc mô tip người tráng sĩ (đại diện cho phái thiện), sau khi vượt qua bao chướng ngại, bằng tài năng và đức độ của mình đã chiến thắng lực lượng đại diện cho bên ác, mang lại an bình cho xứ sở, hạnh phúc cho nhân dân.

Sử thi là một dòng văn học viết quan trọng của Chăm. Dù đa số các tác phẩm được vay mượn từ ngoài nhưng nhà thơ Chăm biết hoán cải chúng phù hợp với thực tế lịch sử – xã hội của mình. Qua các akayet này, thể thơ ariya lục bát Chăm phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay.

Thơ thế sự có Ariya Glơng Anak nổi tiếng gồm 116 câu cũng đã được Thiên Sanh Cảnh dịch đăng trên nội san Panrang (1972).

Có thể nói, nỗ lực bước đầu của G. Moussay và Thiên Sanh Cảnh trong việc sưu tầm, dịch thuật các thi phẩm cổ như Akayet Dewa Mưno, Ariya Glơng Anak… là thành tựu rất nền tảng. Chính chúng làm một gợi í cho Inrasara tiếp bước với Ariya Cam – Bini, Ariya Bini – Cam, Ariya Xah Pakei… Các tác phẩm viết bằng akhar thrah được in nguyên văn, dịch và chú thích, đã cho người đọc một cái nhìn nghiêm túc hơn về nền văn học cổ Chăm.
 
Nhưng chỉ khi bộ ba Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển của Inrasara ra đời năm 1994-1995, thì nền văn học Chăm mới xuất hiện tương đối “đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có” (Bùi Khánh Thế, Hội thảo khoa học về Bảo tồn văn học cổ dân tộc ở Malaysia, 1996), được CHCPI (Trung tâm nghiên cứu lịch sử và văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne – Pháp) ghi nhận là “đóng góp lớn về mặt khoa học trên hành trình phục hồi văn học cổ điển Chăm” (Lafont). Thời gian gần đây, từ năm 1997 đến năm 2000, Cơ quan sưu tập thủ bản Champa Koleksi Manuscrip Melayu Campa thực hiện được hai công trình giá trị về tác phẩm cổ Chăm bao gồm phần dẫn luận, nguyên tác chữ Chăm truyền thống, chuyển tự Latin và Index: Akayet Inra Patra (1997) và Akayet Dowa Mano (1998).

2. Vậy mà một nhà dân tộc học nổi tiếng Paul Mus ở tiền bán thế kỉ XX còn cho là văn học Chăm có thể chỉ tóm gọn trong 20 trang giấy. Nghĩa là: chẳng có gì đáng nói cả!
Nhưng, có thật như thế không? Đâu là tính toàn vẹn của văn học Việt Nam?

Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu bạn góp thêm một sử thi Akayet Dewa Mưno hay một trường ca Ariya Glơng Anak mới vào thì kho tàng văn chương Chăm không vì thế mà giàu sang thêm. Và Chăm, nếu dân tộc này có thêm một Truyện Kiều hay một Hồ Xuân Hương mới, nó chẳng có tác động tích cực nào đến phát triển văn học Việt Nam cả!

Vấn đề là cái KHÁC, sự độc đáo. Vậy Chăm có cái gì khác?

Không kể thể loại truyện cổ hay truyền thuyết, ca dao hay tuc ngữ dân tộc nào cũng có; cũng chưa kể tới các trường ca triết lí như Ariya Nau Ikak (Thơ đi buôn) hay các trường ca thế sự như Ariya Ppo Parơng, vân vân rất độc đáo; riêng về hình thức: Ariya – lục bát Chăm chẳng hạn. Đây là thể thơ như lục bát Việt, nhưng nó linh hoạt trong cấu trúc hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn. Đến hôm nay vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể xác minh ai có trước ai hay dân tộc nào vay mượn dân tộc nào. Chỉ biết rằng ariya – lục bát có đó, làm phong phú nền văn học Chăm và Việt xưa và nền văn học đa dân tộc Việt Nam hôm nay. Bởi cấu trúc ngôn ngữ khác nhau (đa âm tiết/đơn âm tiết là một trong những), nên lối phát triển hai dòng thơ đã có khác biệt nhất định.

Về nội dung và đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là cái được kể đầu tiên. Đây là điều mà lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có, nhưng chỉ chưa đầy mười phần trăm minh văn đó được dịch sang tiếng Việt, chủ yếu là để phục vụ cho nghiên cứu chứ chưa là chọn lọc mang tính văn chương. Năm Sử thi – Akayet Chăm có xuất xứ từ/mang âm hưởng Mã Lai/Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI – XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Rồi nữa, Chăm sở hữu bốn sử thi nổi tiếng; nhưng khác với các dân tộc anh em ở Tây nguyên như Êđê hay Bana,… sử thi Chăm đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Cuối cùng, ba Trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Vân vân…   

Nhưng hỏi có người nào trên đất nước hơn 80 triệu dân này biết rành rẽ tiếng Chăm để có thể thưởng thức cái đặc sắc này? Hoặc có nhà văn nào hôm nay chịu “tìm trong di sản” độc đáo đó của cha ông để rút ra kinh nghiệm sáng tạo bản thân? Truyền thống với bản sắc, dân tộc tính với sự đậm đà, chúng ta chưa học tập mình, chưa học tập người anh em thì làm sao nói đến học thế giới?!

Do đó, vấn đề dịch thuật cần được đặt ra, cấp thiết hơn lúc nào hết.

Dịch từ tiếng Chăm sang tiếng phổ thông (tiếng Việt). Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển đã làm xong công đoạn đó. Từ năm 2000, tôi tiếp tục chủ biên công trình mới, nâng cấp Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển thành “Tủ sách văn học Chăm” 10 tập khoảng 5.000 trang. Đây là đóng góp thực sự có ý nghĩa, làm nên tính toàn vẹn của nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)