Văn học so sánh

Trong thời kỳ mà hầu như địa hạt nào cũng được toàn cầu hoá, người ta không ngần ngại khẳng định, hoặc tái khẳng định, rằng văn học của mọi quốc gia không thể đứng biệt lập, nó nằm trong Cộng hoà văn chương thế giới. Nói cách khác, dù muốn dù không, văn học quốc gia không thu mình trong tháp ngà của dân tộc trung tâm luận mà nó nằm trong các mối quan hệ phức tạp. Tương tự như vậy, một trào lưu văn học của một đất nước, một nhà văn, một tác phẩm nào đó cũng không thể nằm ngoài hệ thống các mối quan hệ chằng chịt. Các nền văn học, các trào lưu văn học, các nhà văn, các văn bản văn học tiếp xúc với nhau, giao thoa với nhau, ảnh hưởng tới nhau, thậm chí xung đột với nhau... Cũng tương tự như vậy, bản thân văn học cũng không thể co ro trong bộ áo choàng mỹ miều của mình mà chịu ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật khác, và những yếu tố phi văn học khác. Văn học so sánh là một chuyên ngành có khả năng giải thích và nghiên cứu những mối quan hệ đó.

Có thể nói, ở Việt Nam ta, vì nhiều lý do khác nhau, lý luận văn học so sánh rất bị xem nhẹ. Điều này trước hết được thể hiện ở số lượng công trình có thể xếp loại vào chuyên ngành văn học này. Theo Trần Đình Sử, “Số tác phẩm nghiên cứu so sánh về văn học Việt Nam ở nước ngoài đến nay chưa được thống kê, tập hợp. Đó là một con số quá ít, đề tài lại rời rạc, phân tán, chưa tập trung, chưa đủ để nhận thức tính quốc tế và các mối quan hệ quốc tế của văn học Việt Nam”1. Theo chúng tôi,

 “Văn học so sánh là chuyên ngành nghiên cứu những mối quan hệ tương đồng, quan hệ họ hàng hay ảnh hưởng giữa văn học với các lĩnh vực nghệ thuật hay các lĩnh vực tư duy khác, giữa các sự kiện hay văn bản văn học, những mối quan hệ này có thể gần hay xa, trong không gian hay trong thời gian, miễn là chúng thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, hoặc nhiều văn hoá khác nhau, cho dù có chung một truyền thống”.
     Daniel-Henri Pageaux


“Khi không còn mối quan hệ nào nữa, cho dù đó là quan hệ của một người nào đó với một văn bản, của một tác phẩm nào đó với môi trường tiếp nhận, của một đất nước nào với một du khách, thì khi đó phạm vi của văn học so sánh mới kết thúc…
         M.-F. Guyard

sở dĩ văn học so sánh chưa được đánh giá đúng mức như vậy là vì nhiều lý do. Dưới sự tác động của yếu tố truyền thống, phong tục tập quán, chiến tranh, văn hoá Việt Nam đã có một thời hoặc là thu mình trong dân tộc trung tâm luận, hoặc co lại trong phức cảm tự ti của một “nước nhược tiểu” trước sự lộng lẫy của các nền văn học phương Tây như Pháp, Đức  v.vThêm vào đó, lý luận văn học so sánh, cũng như lý luận văn học thuần tuý ở Việt Nam chưa tìm tiếng nói chung với các nước khác trên thế giới. Trong một thời gian dài, giới nghiên cứu Việt Nam hiểu về vai trò và chức năng của văn học so sánh chưa được tường tận. Trương Đăng Dung, trong bài báo “Văn học dịch và những vấn đề lý luận của văn học so sánh”2 định nghĩa rằng: “Văn học so sánh là một trong những ngành khoa học văn học nghiên cứu mối quan hệ qua lại cũng như những đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa các nền văn học nhằm tiếp cận tiến trình văn học lớn nhất: Văn học thế giới”. Tương tự, Nguyễn Văn Dân, trong cuốn “Lí luận văn học so sánh”3, cho rằng, “Văn học so sánh có thể được định nghĩa như là một bộ môn khoa học nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nền văn học dân tộc”. Thực ra, như chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau, phạm vi nghiên cứu của văn học so sánh rộng lớn hơn nhiều.
Khi chỉ giới hạn văn học so sánh ở việc nghiên cứu quan hệ giữa các nền văn học dân tộc, chúng ta chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực không phải là “sở trường”, đó là tiếp nhận văn học nước ngoài. Định nghĩa mà Trương Đăng Dung hay Nguyễn Văn Dân đã đưa ra về văn học so sánh chưa đầy đủ ở chỗ văn học so sánh còn đối chiếu văn học với các loại hình nghệ thuật khác (điện ảnh, hội hoạ, âm nhạc v.v…), còn so sánh những tác phẩm khác nhau của cùng một tác giả, những tác giả khác nhau của cùng một trào lưu, những trào lưu khác nhau của cùng một dân tộc v.v… Chính vì lý do đó, chúng tôi thấy định nghĩa sau đây của

Ngay từ năm 1890, triết gia Ernest Renan, trong l’Avenir de la Science (Tương lai của khoa học), có viết: “Tôi nghĩ mình đã đào sâu từ văn học so sánh một ý nghĩ rộng lớn hơn nhiều về bản chất con người”. Tương tự như vậy, nhà phê bình văn học René Etiemble khẳng định trong cuốn Comparaison n’est pas raison8 (So sánh không phải lý lẽ) rằng: “Văn học so sánh là chủ nghĩa nhân bản.” Chúng ta nghiên cứu văn học so sánh là để hiểu chính mình và người khác, vì, như Paul Ricoeur đã khẳng định, chính mình chẳng qua là người khác (Soi-même comme un Autre). Chúng ta phải nhận thức được rằng so sánh không phải là so đo, không nên tránh so sánh giữa mình với người vì sợ bộc lộ những yếu kém của bản thân hay làm mất thể diện dân tộc. Trong chừng mực nào đó, so sánh là học hỏi, là khám phá bản thân, là phát triển tư duy và lập luận khoa học v.v…  Vì những lý do đó, đã đến lúc các nhà “cầm cân nảy mực” trong lĩnh vực giáo dục và học thuật nghĩ đến việc đưa chuyên ngành văn học so sánh vào chương trình đại học ở Việt Nam, để từ đó xúc tiến việc phát triển chuyên ngành này ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Daniel-Henri Pageaux là đầy đủ hơn: “Văn học so sánh là chuyên ngành nghiên cứu những mối quan hệ tương đồng, quan hệ họ hàng hay ảnh hưởng giữa văn học với các lĩnh vực nghệ thuật hay các lĩnh vực tư duy khác, giữa các sự kiện hay văn bản văn học, những mối quan hệ này có thể gần hay xa, trong không gian hay trong thời gian, miễn là chúng thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, hoặc nhiều văn hoá khác nhau, cho dù có chung một truyền thống”.4 Như vậy, khi chúng ta so sánh một tiểu thuyết nào đó với bộ phim được dựng theo tiểu thuyết này, khi chúng ta đối chiếu các tiểu thuyết của Jean-Paul Sartre với triết học hiện sinh hay tìm hiểu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc tới văn học Việt Nam là chúng ta đang nghiên cứu văn học so sánh.


Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân

Phạm vi nghiên cứu của văn học so sánh bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, dưới những hình thức khác nhau và bằng nhiều phương pháp khác nhau. M.-F. Guyard đã viết vào năm 1951 rằng: “Khi không còn mối quan hệ nào nữa, cho dù đó là quan hệ của một người nào đó với một văn bản, của một tác phẩm nào đó với môi trường tiếp nhận, của một đất nước nào với một du khách, thì khi đó phạm vi của văn học so sánh mới kết thúc…”5  Khi nói đến phạm vi nghiên cứu của văn học so sánh, trước tiên, chúng ta phải kể đến việc nghiên cứu ảnh hưởng của nền văn học này đến nền văn học khác, của tác giả này với các tác giả khác. Ví dụ như việc nghiên cứu ảnh hưởng của văn học Pháp với văn học Việt Nam6, việc nghiên cứu ảnh hưởng của Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân tới Truyện Kiều của Nguyễn Du7 v.v.. Phạm vi nghiên cứu thứ hai của văn học so sánh là nghiên cứu dịch văn học. Nghiên cứu dịch văn học bao gồm việc nghiên cứu các trào lưu và xu hướng dịch văn học, nghiên cứu việc tiếp nhận một tác phẩm nước ngoài thông qua bản dịch, nghiên cứu các thao tác hay quan điểm dịch thuật của các dịch giả văn học, đối chiếu bản dịch và bản gốc, đối chiếu nhiều bản dịch khác nhau của cùng một tác phẩm v.v… Thứ ba, văn học so sánh nghiên cứu mối quan hệ giữa xã hội và văn học qua ngành xã hội học văn học.  Quan niệm truyền thống cho rằng văn học là một thực thể xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn học tạo thành một trường riêng – trường văn học (champ littéraire) bên cạnh trường xã hội (champ social). Vị trí của một nền văn học, của một tác giả, một tác phẩm, một sự kiện văn học phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố xã hội như tôn giáo, chính trị, văn hoá, kinh tế, kỹ thuật, phong tục tập quán, tư tưởng v.v… Các yếu tố xã hội giao thoa với nhau để kéo một đối tượng văn học vào vùng trung tâm, hoặc đẩy nó ra phía ngoại vi. Việc nghiên cứu ảnh hưởng của trường xã hội đến trường văn học có thể được thực hiện theo chiều lịch đại (một tác giả có thể ở ngoại vi trong giai đoạn này nhưng có thể chiếm vị trí trung tâm ở giai đoạn khác), hoặc chiều đồng đại (so sánh hai tác giả ở cùng một thời kỳ). Thứ tư, văn học so sánh nghiên cứu việc tiếp nhận văn học. Nghiên cứu tiếp nhận văn học trong văn học so sánh có thể là việc nghiên cứu quá trình một độc giả tiếp nhận một tác phẩm (chẳng hạn như tầm đón đợi của độc giả Việt Nam khi đọc Baudelaire qua các bản dịch của Vũ Đình Liên, nghiên cứu quá trình một đất nước tiếp nhận một trào lưu văn học (nghiên cứu quá trình Việt Nam tiếp nhận chủ nghĩa lãng mạn Pháp), so sánh việc tiếp nhận một tác giả giữa dân tộc này và dân tộc kia (so sánh việc tiếp nhận đại văn hào Victor Hugo giữa Trung Quốc và Việt Nam) v.v… Cuối cùng, chúng ta có thể kể đến việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và các loại hình nghệ thuật khác. Một bức hoạ theo chủ nghĩa Baroque ảnh hưởng thế nào đến văn học Pháp đầu thế kỷ 17? Mối quan hệ nào giữa trào lưu Phục hưng trong điêu khắc và trào lưu Phục hưng trong văn học? Sự tương đồng và dị biệt giữa Chí Phèo của Nam Cao và bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy? Đó là những câu hỏi mà một nhà nghiên cứu văn học so sánh có thể đặt ra khi tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác.
—————–
1 Xem cuốn Văn học so sánh – nghiên cứu và triển vọng của GS. Trần Đình Sử, NXB Đại học Sư phạm.
2 Tạp chí Văn học, số 247, 1991.
3 NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
4 Daniel-Henry Pageaux, La littérature générale et comparée, Armand Colin, Paris, 1994, tr. 12
5 La Littérature comparée, Puf, “Que sais-je?”, 1989.
6 Xem Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt nam hiện đại của Hoàng Nhân.
7 Xem “Thử nhìn lướt qua tính cách của nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và trong Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân”, Tạp chí văn học, số 2, 1981.
8 Gallimard, 1963.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)