Vận hội mới của nghệ thuật đương đại Hàn Quốc

Nền nghệ thuật đương đại Hàn Quốc đã phát triển đầy sức sống từ vài năm nay, nhưng những mối quan tâm thực chất từ thị trường nghệ thuật giờ mới đang bắt đầu.

Hãy quên đi thị trường nghệ thuật Trung Quốc [đương đại]: nó đã được thổi phồng, nói quá lên, và giờ thì giá các tác phẩm đã trở nên quá đắt đỏ với hầu hết các nhà sưu tập – dù chúng đã trượt giá đáng kể trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, và đồng thời ngày càng nhiều những hoài nghi về chất lượng của những tác phẩm này.

Gần đây, Hàn Quốc trở thành đích đến, mảnh đất màu mỡ cho các nhà sưu tập tìm kiếm các tác phẩm có chất lượng, có tính sáng tạo cao, với mức giá hợp lý hơn rất nhiều. Giá tác phẩm của những nghệ sĩ Hàn Quốc thành danh vẫn đang tăng ổn định, nhưng vẫn dễ chấp nhận hơn nếu so sánh với giá cả thị trường nghệ thuật Trung Quốc hay thậm chí Ấn Độ.

Cho dù có thể bạn không nằm trong giới những nhà sưu tập sẵn sàng mua những tác phẩm giá 25.000 USD (hoặc cao hơn), thì bạn vẫn nên tìm hiểu những gì nghệ thuật đương đại Hàn Quốc đang có. Chúng tràn đầy năng lượng và sức sống của một nền nghệ thuật mới nổi, với sự xuất hiện thường xuyên những tên tuổi nghệ sĩ mới đáng lưu tâm. Và khi càng có nhiều hơn các gallery được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu đang lên, sẽ có thêm nhiều tranh in lại để thỏa mãn cho những ai có nhu cầu nghệ thuật với chi phí thấp hơn.

Nhưng trước khi tìm hiểu một vài nghệ sĩ thú vị nhất của Hàn Quốc, chúng ta nên tìm hiểu nền tảng bối cảnh nghệ thuật ở đất nước này.

Cũng như ở Trung Quốc, Hàn Quốc có rất ít hỗ trợ từ phía nhà nước dành cho nghệ thuật đương đại, có nghĩa là đa số các bộ sưu tập quan trọng chủ yếu nằm trong tay tư nhân, với chất lượng và quy mô rất đa dạng từ thấp tới cao.

Các gallery thương mại, dù nảy nở rộn ràng ở thủ phủ Seoul, thường trưng bày hội họa truyền thống hơn là nghệ thuật mới (mà như những người mua thực thụ khẳng định, khá khó khăn để săn được một tác phẩm tiêu biểu). Khác biệt đáng kể giữa hệ thống gallery Hàn Quốc và những gallery phương Tây là những người bán đồng thời cũng đóng vai trò giám tuyển, hằng năm thường chỉ tổ chức vài triển lãm lớn có thu phí tham dự.

Tuy nhiên, tình trạng này đã bắt đầu thay đổi, một vài gallery ở tầm cao hơn gần đây đã lập được chi nhánh ở các thành phố như New York để tận dụng mối quan tâm đang gia tăng từ các nhà sưu tập phương Tây.

Còn về bản thân đời sống nghệ thuật, các hoạt động nghệ thuật đương đại Hàn Quốc phân tán rất đa dạng, có sự khác biệt với nghệ thuật đương đại Trung Quốc nơi bị chi phối chủ yếu bởi một vài đề tài và chất liệu/phương tiện biểu đạt nhất định. Sự phân tán này ở Hàn Quốc phần nào lý giải vì sao phải mất nhiều thời gian nghệ thuật Hàn Quốc mới được coi là một dòng chảy sáng tạo mới mạnh mẽ: người ta dễ thiên về nhìn nhận một số tên tuổi cá nhân nổi bật thay vì có ấn tượng rõ rệt với tổng thể nền nghệ thuật đương đại Hàn Quốc.

Nhưng khi có nhiều hơn những nghệ sĩ Hàn Quốc được khán giả phương Tây biết tới, người ta bắt đầu có một cảm nhận chung rõ hơn về thành tựu của một nền nghệ thuật mới.

Dĩ nhiên, thị trường nghệ thuật mới nổi nào cũng thường được đôn lên một cách mạnh mẽ, và trong bối cảnh kinh tế bất ổn đang ảnh hưởng tới việc mua bán nghệ thuật trên diện rộng, người ta sẽ càng cố tìm cách ca ngợi cho nghệ thuật Hàn Quốc.

Nhưng sự thực là nghệ thuật đương đại Hàn Quốc xứng đáng với đa phần những lời ca ngợi. Và nếu bạn vẫn bỡ ngỡ với nền nghệ thuật này, đã đến lúc bạn cần tự mình tìm hiểu và đánh giá lấy một cách nghiêm túc
.
Một số nghệ sĩ

Soo Koo Shim: Sinh năm 1949, Soo Koo Shim có thể được xem như một trung gian chuyển dịch giữa nghệ thuật Hàn Quốc truyền thống với nghệ thuật đương đại của thế hệ nghệ sĩ trẻ, trong tất cả mọi khía cạnh từ chủ đề tới phương pháp sáng tạo.



Soo Koo Shim, Như một chiếc lá, 81 x 56 cm, Cành cây bụi 

Ông tạo ra các tác phẩm gồm hàng nghìn mảnh cành cây thu lượm từ bờ bụi mọc quanh xưởng vẽ ở thôn quê. Sáng tạo của Soo Koo Shim phản ánh sự chú trọng mang tính Tân–Nho (Neo Confucian) đối với tự nhiên và sự minh giản đầy thuyết phục vốn thường xuất hiện nhiều trong các nét vẽ của mỹ thuật Hàn Quốc truyền thống. Đồng thời, đặc trưng riêng của ông trong sự tiếp cận và những ảnh hưởng từ chủ nghĩa hình thức phương Tây lại hoàn toàn mang sắc thái hiện đại.

So-Young Choi [1980]: Là một trong những nghệ sĩ trẻ của Hàn Quốc được biết đến nhiều nhất, So–Yong Choi sáng tạo những phong cảnh phức tạp, hoàn toàn từ chất liệu vải bò tái chế.

So Young Choi, Gaya, 2005, 114 x 140 cm, Vải bò  

Từ thứ chất liệu bình thường nhất này, bằng những bố cục thông minh và kĩ thuật xé vải điêu luyện, cô đã tạo ra những khung cảnh có sự kết hợp của nhiều dạng bề mặt phong phú, tinh tế một cách đáng kinh ngạc, đem lại vẻ long lanh khác lạ cho cái mà về cơ bản vốn là nghệ thuật cắt dán. Các tác phẩm của cô lạ lùng và đầy sức hút, và giá của chúng đang tăng lên nhanh chóng.

Joonho Jeon: Nghệ thuật đa phương tiện đang phát triển mạnh mẽ trong giới nghệ sĩ Hàn Quốc mới, và các tác phẩm video bị đang bị thu giữ của Joonho Jeon có thể coi là tiêu biểu.

Tác phẩm “Drift/Wealth” đi sâu vào các chi tiết trên tờ tiền Hàn Quốc và những đường nét Cung điện Hoàng Gia trên đó (trên thực tế, nó là một sự sao phỏng chi tiết, vì nghệ sĩ không được cho phép sử dụng bản gốc).

Joon-ho Jeon, wealth/drift, 2003, Video, 7 phút 

Một hình người tí hon di chuyển trong các sân cung, lang thang qua các dãy nhà trong sự khám phá có tính chất nhạo báng khác thường, không chỉ đối với biểu tượng cung điện, mà cả với giá trị biểu tượng của tờ giấy bạc.

Một tác phẩm tương tự, “Nhà Trắng” được làm cho triển lãm đầu tiên ở Mỹ của Joonho Jeon. Trong đó, chi tiết trên tờ bạc hai mươi USD được phóng to, cho thấy một hình người tí hon đang cố gắng tẩy rửa chỗ ngồi biểu tượng của quyền lực Mỹ bằng những thao tác bài bản.

Han-Soo Lee: Những sự pha tạp đầy tính sáo rỗng (kitschy) trong tác phẩm của Han-Soo Lee giữa người ngoài hành tinh, các tôn giáo thế giới, đèn LED và sơn pha có thể gây cảm giác tầm thường về mặt tư duy so với những tác phẩm của nhiều nghệ sĩ đương thời với anh, nhưng chúng thực sự là ví dụ tiêu biểu của năng lượng tự do không giới hạn và sự hài hước, phản ánh đa phần những gì đang diễn ra trong xã hội Hàn Quốc ngày nay cũng như tinh thần sùng bái nhiệt thành của nó dành cho tất cả những gì có hơi hướm công nghệ.

Han-Soo Lee

Những tác phẩm xuất sắc nhất của Han-Soo Lee là sự thẩm định một cách nghiêm túc những ảnh hưởng đa dạng tạo nên xã hội Hàn Quốc hiện đại – và mỹ cảm đầy màu sắc của anh luôn luôn làm hài lòng công chúng rộng rãi.

Hyun-Mi Yoo: Nhìn có vẻ như những bức tranh trên toan phẳng nhưng các tác phẩm khác thường của Hyun – Mi Yoo không phải là tranh, hay ít nhất không phải là những bức tranh theo nghĩa thông thường. Chúng là những sắp đặt các vật thể ba chiều, đầu tiên được nặn từ đất sét, rồi được sơn lại cẩn thận để cuối cùng trông như một phần của tác phẩm trên mặt phẳng.
Để hoàn thiện ảo giác này, những bóng râm và phản quang đầy chất ‘sơn dầu’ cũng được bổ sung một cách tỉ mỷ trước khi toàn bộ sắp đặt được chụp hình lại.

Hyun-Mi Yoo, Quả tim trên bàn, 150×120, 2007, C-print

Người xem phải chú ý rất kỹ mới thoát ra khỏi ảo giác. Trông xa, tác phẩm của Hyun-Mi Yoo có vẻ là những bức tranh tĩnh vật thực thụ, lại gần, chúng như là những ảnh chụp các tranh sơn dầu, (tác giả thiên về khuynh hướng tạo ra những bố cục có vẻ ngờ ngợ đầy siêu thực, khiến người xem càng muốn lại gần hơn để quan sát).

Thực hiện tác phẩm này thật phức tạp – những ảnh chụp các sắp đặt điêu khắc ba chiều được vẽ lại để trông như thể là các bức tranh trên mặt phẳng hai chiều (trong khi bản thân các bức tranh đó lại cố gắng để tạo ra cảm giác không gian ba chiều) – và qua cách sử dụng chất liệu này lồng ghép bên trong chất liệu khác như vậy, nữ nghệ sĩ đã cài đặt một câu đố về cảm nhận đầy quyến rũ, một cách tiếp cận lắt léo về bản chất của tranh vẽ.

Oh Yong-Seok: Nghệ sĩ video Hàn Quốc sinh năm 1976 đang được biết đến rộng rãi và ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong giới nghệ thuật quốc tế.

Tác phẩm của anh chủ yếu bao gồm những đoạn phim được lắp ghép, lấy từ các sản phẩm truyền thông và văn hóa đại chúng. Oh Yong – Seok cẩn thận và tỉ mỉ cắt ghép, dàn dựng lại những gì vốn đã được người khác dàn dựng.

Oh Yong-Seok, Drama No. 3, 2004~2005, 2-Channel-Video, 6 phút 40 giây 

“Drama”, chuỗi tác phẩm nổi tiếng nhất của anh đến nay, tái bố trí lại những cảnh từ một bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng bằng cách cắt nhỏ các cảnh phim. Hành động và hình ảnh sau đó được sắp xếp lại liền mạch thông qua một tiến trình “chắp vá” để tạo ra một bộ phim hoàn toàn mới.

Suejin Chung: Các họa phẩm của Suejin Chung dồn tụ những hình người sặc sỡ và cộng hưởng một năng lượng không ngơi nghỉ. Các vật thể có vẻ ngẫu nhiên xen lẫn với những biểu tượng của văn hóa tiêu dùng xâm lấn từng centimet của bức sơn dầu.

Suejin Chung, People, 2003, Sơn dầu, 175 x 175 cm 

Phần nào phản chiếu xã hội bận bịu của Hàn Quốc hiện đại, các tác phẩm này cũng ẩn chứa những sự băn khoăn. Trong khi những nhân vật trong tranh dường như tạo thành một tổng thể hữu cơ, dính kết, mỗi người thực tế lại đang theo đuổi một toan tính đơn độc và hiếm khi tương tác với những người khác trong không gian tranh vẽ náo nhiệt này.

Yee Sook -Yung: Như nhiều nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc, sáng tạo của Yee Sook -Yung trải rộng trên nhiều mảng khác nhau, nhưng xuyên suốt thường là quan niệm về sự chuyển hóa vật thể và quan niệm thành những dạng thức mới.

Sook Yung Yee, Ceramic Forms, Vancouver Biennale 2009-2011. 

Trong một dự án gần đây cho thành phố Liverpool ở Anh, nghệ sĩ này đã tạo ra “Bức tượng tuyệt hảo”, (The very best statue), một điêu khắc cùng kích cỡ bằng người thường, phát triển từ một cuộc điều tra trong đó những người tham dự được đề nghị hoàn thành các câu hỏi về những thuộc tính vật chất mà họ ưa thích nhất.

Tương tự là chuỗi tác phẩm của cô về những cái bình “được dịch lại”, tạo thành từ những mảnh vỡ của gốm sứ truyền thống thành những bình gốm hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ.
        
NHÃ THUYÊN  (theo modernedition.com/art-articles/korean-contemporary-art/contemporary-art-korea.html)

Tác giả