Văn xuôi Nhật Bản: Nổi trội nhờ phổ rộng

Nhờ yếu tố hấp dẫn và phổ rộng, văn xuôi Nhật Bản không chỉ được mến mộ sâu sắc từ trong nước mà còn chinh phục độc giả khắp thế giới.

Thế giới của cảm nhận hữu hình và tinh tế

Trong khi nhiều tiểu thuyết gia châu Á vẫn có khuynh hướng khắc họa một thế giới hiện thực có tính đồ sộ, chú tâm vào những biến cố lớn, với tham vọng đúc kết những kinh nghiệm tồn tại chung về mặt lịch sử, xã hội, và một số khác mượn màu “tiên phong” mà thực chất là luẩn quẩn tự mâu thuẫn trong những định kiến về “thân phận”, (một kiểu phản ánh khá hời hợt quan niệm xã hội)… thì các nhà văn Nhật Bản không chút do dự, hiểu rằng, chỉ có thế giới cá biệt riêng lẻ và sâu thẳm, không gì có thể bắt chước và rập khuôn mới là nguồn sinh lực thoả đáng vô tận của văn chương. Thế giới cá biệt ấy chính là khả năng thụ cảm, nhận biết thực thể con người của các giác quan, sự tinh lọc và đan xen của cảm giác, vẻ đẹp mơ hồ mà kỳ diệu khi những phức tạp đến mức “nguy hiểm” của các mối liên kết và biến cố tinh thần đi qua.

Thành tựu của các nhà văn Nhật Bản có lẽ không phải ở việc dẫn dắt người đọc đi tới những giấc mơ siêu thực, mà là khiến cho thế giới bên trong vốn mơ hồ, khó nắm bắt, trở thành có một dáng hình, âm điệu, hương vị và ánh sáng có thực.

Trong Tiếng rền của núi, Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc… của Yasunari Kawabata (1899 – 1972) đầy tràn những hình dung thực hữu về cái mơ hồ:

Cho đến bây giờ, chàng cũng không thể nào phân biệt được cái gì hết khi ngắm lại chân dung mơ hồ của bức họa.

Tuy nhiên, chàng cảm thấy dường như trong vài nét phóng họa kia có một sức mạnh, nó gợi nơi người xem về cảm giác, về khối và lượng. Nhìn vào đó một lúc, chàng như bắt gặp một thứ hương tàn, một cái gì đó vừa trong sáng vừa trinh bạch.

Những diễn biến thường bị che khuất của tâm trí được công khai, hiển lộ:

Người tớ gái bước vào lều mang theo than và một ấm nước pha trà.

Túp lều có vẻ hoang lạnh nên Kikuji có ý sưởi ấm nó. Chàng không định pha trà uống.

Vì vậy người tớ gái đã dùng đến óc tưởng tượng của mình.

Bằng một thái độ lơ đãng, Kikuji bỏ than vào lò và đặt ấm nước lên đó.

Làm sống lại trong không gian hiện hữu đã trôi qua:

Hình ảnh người con gái nhà Inamura đã nổi bật một cách khác thường trên nền tường quét sơn màu dịu; nhưng hôm nay, đối diện với chàng chỉ có bóng tối.

Những chuyển đổi kỳ lạ mà thân cận của cảm giác:

Thiếu nữ chỉ nhìn xuống sàn nhà. Trông nàng có vẻ như muốn nói một điều gì, nhưng âm thanh đã không thể thoát ra khỏi cổ họng nàng. Sự thẹn thùng e ấp bao trùm lấy nàng.

Sự thẹn thùng đó đã làm Kikuji ngạc nhiên. Chính nó đã gây cho chàng cái cảm giác về sự ấm cúng của thân thể nàng. Đồng thời chàng cảm thấy bị lôi cuốn trong một tấm màn tối tăm, bẩn thỉu và ngột ngạt.

Ngày hôm nay đây, khi hồi tưởng lại tất cả những ý nghĩ và cảm giác hôm trước, chàng cũng không thể nào dứt bỏ được tấm màn quái gở đó.

Cảm giác bẩn thỉu không hẳn chỉ do ở sự có mặt của Chikako giữa chàng và thiếu nữ, mà cũng ở chính trong nàng nữa.

Chàng có thể hình dung ra cái cảnh cha chàng đang cắn vào cái bớt nơi ngực Chikako với hai hàm răng dơ dáy của ông. Hình ảnh cha chàng trở thành hình ảnh của chính chàng.

Thiếu nữ không cùng chia sẻ với chàng sự khinh miệt dành cho Chikako. Đó không phải là lý do duy nhất khiến chàng không quyết định được gì, nhưng dầu sao đối với chàng cũng là một lý do…

(Các dẫn chứng trích từ Ngàn cánh hạc – Y. Kawabata, Trùng Dương dịch)

Trong khi đó, Oe Kenzaburo (1936 – ) lại là bậc thầy trong việc tắm toàn bộ thế giới trong ánh sáng của tưởng tượng ngây thơ, tái tạo nguồn sinh lực dồi dào chưa bao giờ có cho những hiện tượng quen thuộc. Ông nhìn ra tính chất sinh vật trong mọi vật vô tri, thấy sự tương đồng giữa các hình thái sự sống một cách lạ thường.

“… Em tôi với tôi cũng như những hạt giống nhỏ bị bao chặt trong lớp vỏ cứng và khoảng nhân dầy, những hạt xanh bọc trong một lớp màng quá mềm mại và tươi non khiến chỉ phơi ra ánh sáng bên ngoài thôi cũng đủ làm cho nó rung chuyển và tróc đi mất… Bên ngoài cái vỏ cứng, kế tiếp mặt biển vươn dài như một sợi băng lấp lánh, nhỏ hẹp xa xa, chiến tranh đương nôn mửa lớp khí tanh tưởi xuống thành phố

…Chúng tôi đi xuống phía giếng nước có cái xô bể ở đằng sau căn nhà chứa đồ; và hai tay bám lấy thành giếng ẩm lạnh lẽo phồng lên như bụng một con nhộng, chúng tôi uống nước.

… Bực bội ộc lên người tôi như nhựa trào dâng trong thân cây, dồn máu lên da thịt tôi lúc ấy hâm hấp nóng như bộ ruột một con gà con mới giết

… Cha nói mấy câu với người đứng gác. Tôi kinh sợ liếc nhìn về phía ấy, chỗ khung cửa trổ trên hầm mở ra, đen như một vết thương, nửa như e ngại cánh tay của người da đen có thể thò ra mà tóm lấy tôi.

(Các dẫn chứng trích từ Nuôi thù – Oe Kenzaburo, Diễm Châu dịch)

Oe có khuynh hướng “cập nhật” những biến động đời sống, như chiến tranh, sự nô dịch…, hơn Kawabata. Nhưng ông tạo ra một cái nhìn riêng, trong trẻo và cá biệt, như con mắt của đứa trẻ chỉ có thể kết nối với vũ trụ bằng chứng nghiệm dù non nớt nhưng đích thực bản ngã. Cả hai nhà văn, Y. Kawabata và Oe Kenzaburo đều chối từ những định kiến, phân vùng sẵn có về kiến thức, để chỉ nhìn thế giới bằng những rung động tinh tế, bản thể, vừa khoát đạt vừa quyến rũ.

“Phổ rộng” – như một phẩm chất nghệ thuật

Quan niệm sơ đẳng về việc văn học phục vụ quần chúng hoàn toàn xa lạ với tính chất “phổ rộng” của nghệ thuật văn chương. “Phổ rộng” đối với tác phẩm văn chương chính là khả năng làm rung động và lan truyền một cách mãnh liệt những cảm xúc thẩm mỹ, điều sâu kín trong tâm can nhưng cũng có thể dễ dàng được khơi lên bởi những cách thức lời nói mới mẻ, tránh xa sự sáo rỗng, nhàm chán. Nó đạt tới những chiều kích, tầm vóc khác lạ hay sự biến hoá linh động, hấp dẫn của thế giới cảm xúc nơi con người. Nó xa lạ với sự “cao đàm khoát luận” hay những ý tưởng áp đặt của lý trí.

Văn xuôi Nhật Bản từ lâu đã tuôn chảy theo một con đường riêng, hoàn toàn chỉ xuất phát từ động lực của “cái đẹp” và “sự phức hợp, vi tế” trong tâm hồn con người.

Sự “phức hợp” ấy có khi bao hàm cả động lực tự huỷ không gì cứu vãn nổi, từ một số truyện ngắn cho đến truyện dài “Thất lạc cõi người1 của Dazai Osamu (1909 – 1948). Tự huỷ không chỉ được xem là một trong những khoái cảm nhất thời mà còn phản ánh nỗi u ám thẳm sâu, một phần trong bản chất của sự tồn tại.

Sau những thành tựu đỉnh cao của Y. Kawabata và Oe Kenzaburo, sự kiếm tìm cái khác lạ, đa dạng một cách cực đoan hơn trở thành nhu cầu cấp thiết của một lớp người viết kế tục.

Murakami Haruki (1949 – ) gia tăng thêm tính chất hành động trong tiểu thuyết của ông. Được xuyên thấm trong nhãn quan kỳ bí, các chuỗi hành động hiện lên nửa căng thẳng, gay cấn như truyện trinh thám, nửa bí ẩn huyền hoặc như trong thế giới siêu thực hoặc kỳ diệu. Nhấn mạnh vai trò của tình yêu và ứng xử chân thực với bản thể, Murakami đã tìm ra ý nghĩa mới cho văn chương sau Thế chiến II, sau khi cái đẹp và sinh lực thiên phú không cứu vãn nổi nỗi tuyệt vọng của tồn tại. Cũng như văn hoá Beat chinh phục thế giới Tây phương những năm 1960, nhưng muộn hơn một chút, tiểu thuyết của Murakami là sự trở về phẩm chất tự nhiên và niềm hy vọng vào tình yêu, nhuần nhị trong một thế giới nghệ thuật vẫn tràn đầy âm thanh, hương vị, sắc màu, sự thụ cảm… như từng có trong văn chương Nhật Bản.

Yoko Ogawa (1962 – ) làm những “nghiên cứu nhỏ” về sự trôi chảy hay vuột mất của các sự vật trong lòng một đời sống mà con người khó có thể xác định vị trí tồn tại cũng như những giá trị bền vững của mình, kể từ loạt truyện ngắn2 cho tới truyện vừa Nhật ký mang thai. Sự mờ ảo, bất định của đời sống so với những quan niệm được dẫn truyền chắc chắn hay những ảo tượng phi lý so với cái “thực diễn ra”, thực ra đều là sự chênh vênh không có gì bám víu của tồn tại con người.


    

1. Thất lạc cõi người”, Hoàng Long dịch từ bản tiếng Nhật, NXB Hội nhà văn 2011.

2. “Nhà ăn lúc chiều tối và bể bơi trong mưa” cùng những truyện ngắn khác, dịch từ bản tiếng Anh, Trần Ngọc Hiếu. Nguồn: Internet

 

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)