Vì sao Wagner không thôi gây tranh cãi?

Cuốn sách Being Wagner: The Triumph of the Will (Là Wagner: Khúc khải hoàn của ý chí) ra đời từ nghiên cứu của Simon Callow1 cho vở kịch Inside Wagner’s Head (Trong đầu Wagner)2 được ông viết nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc hồi năm 2012. Ông tự hỏi, điều gì khiến nhà soạn nhạc này gây tranh cãi đến thế - lúc sinh thời và cho tới nay?


Biệt thự Wahnfried của Wagner ở Bayreuth, nơi có mộ ông và Cosima. Phía trước biệt thự là tượng bán thân vua Ludwig xứ Bavaria, người bỏ tiền xây biệt thự cho ông; trên mặt tiền ngôi nhà có dòng chữ: “Đây là nơi sự điên rồ của tôi được giải phóng, vậy hãy gọi nơi này là Wahnfried” (trong tiếng Đức wahn có nghĩa là sự điên rồ, fried có nghĩa là tự do).

Theo Callow, trước hết, Wagner gây tranh cãi không phải vì quan điểm của ông, nhất là chủ nghĩa bài Do Thái khét tiếng mà ông ủng hộ. Trong thế kỷ 19 đã có nhiều người bài Do Thái cực đoan – bao gồm cả một số nhà soạn nhạc như Mussorgsky và Liszt nhưng ngày nay họ ít gây ra tranh luận. Wagner đã gây tranh cãi từ trước khi Hitler đi đến chỗ tưởng tượng mình là Rienzi, vị anh hùng trong vở opera được dàn dựng thành công đầu tiên của nhà soạn nhạc3, và trước khi bản hành khúc tang lễ của nhân vật Siegfried từ vở opera Götterdämmerung (Hoàng hôn của những vị thần) bị gắn với nghi thức tang lễ của Đức Quốc xã. (Nhưng không chỉ đảng Quốc xã độc chiếm bản nhạc này cho các mục đích nghi lễ. Một ban kèn đồng 500 người đã chơi nó kèm theo loạt đại bác tiễn biệt trong tang lễ Lenin.)

Wagner gây tranh cãi cũng không phải vì ông là một nhân vật khó chịu đến thế. Rất nhiều nghệ sĩ như vậy: họ nhìn chung “bị ma quỷ dẫn lối đưa đường” và “hoàn toàn vô đạo đức”, William Faulkner cho là như vậy. “Phải là thiên tài vĩ đại thì mới bù đắp nổi cho một nhân cách ghê tởm đến thế”, một trong những người vợ của Ernest Hemingway từng nói về chồng mình. Nhưng không ai thực sự quan tâm đến tương quan giữa tài và tật trong trường hợp Wagner: bên tật sẽ bị lép vế, mặc dù Wagner còn hơn cả tồi tệ – ông tồi tệ một cách bệnh hoạn. Callow trích dẫn lời Nietzsche: “Liệu Wagner có thật là người không? Chẳng phải ông ta giống một căn bệnh hơn sao?” Thêm vào đó, ông hầu như chẳng làm gì để che đậy.

Trong cuốn sách này, giống như trong vở kịch năm 2012, Callow vẫn quan tâm đến những gì diễn ra trong đầu Wagner nhưng ông mở rộng câu hỏi ở điểm này: “quen biết với Wagner thì thế nào?” và khám phá thêm câu hỏi “Wagner trở thành con người đó như thế nào?” Đây là cuốn sách nói về sự hình thành một con người mà “kịch tính hóa bản thân là phong cách chính” và là người trong cuốn tiểu sử tự thuật Đời tôi đã vượt ra khỏi mọi giới hạn4. Các diễn viên cần phải xây dựng hiểu biết trực giác về nhân vật họ đang sắm vai. Ít ai có tính cách khó hiểu hơn Wagner, và ít ai che đậy mình bằng cách tự tô vẽ bản thân một cách kịch tính và tự mâu thuẫn hơn Wagner. Đây là một người mà phần lớn cuộc đời phải làm kẻ ngoài cuộc – 15 năm sống lưu vong vì tham gia cuộc cách mạng bất thành năm 1848. Liên tục phải chạy trốn các chủ nợ và những người bị ông cư xử tồi tệ, nhưng ông tự đặt cho mình bổn phận phục hưng tinh thần Đức. Ông ghét chủ nghĩa tư bản và quan hệ tiền bạc song lại không ngừng đòi hỏi tiền bạc. Một số trong những bức thư xin xỏ và hồi âm ông gửi tới những người không đáp ứng các đòi hỏi của mình là những màn kịch bậc thầy khi ông dối trá về sự túng thiếu cũng như tự đề cao tầm quan trọng của bản thân. Ông viết cho nhà quý tộc, nhà soạn nhạc Đức Robert von Hornstein: “Tôi nghe nói ngài đã trở nên giàu có. Tôi muốn ngay lập tức vay một khoản tiền mười ngàn franc.” Ông biết như vậy là làm khó cho người sẽ-là-nhà bảo trợ của mình nhưng vẫn nhắc nhà quý tộc nhớ rằng nếu thực sự muốn, ông ta hoàn toàn có thể giúp đỡ và rằng hi sinh cho Wagner là đáng giá.


Wagner và Cosima, con gái của Franz Liszt, vợ cũ của nhạc trưởng Hans von Bülow, năm 1872.

Với Callow, việc tìm câu trả lời cho câu hỏi “quen biết với Wagner thì thế nào” có vẻ dễ dàng hơn. Không ai quen biết nhà soạn nhạc lại không bị ấn tượng; nhiều người đã viết về trải nghiệm này. Với một số người thì Wagner “đầy mê hoặc, cực kỳ thôi miên”; với những người khác, trong đó có cả những người thân cận, thì ông “gây suy nhược, nguy hiểm, lấn át, gần như đe dọa đến tính mạng”. Wagner không thể giữ im lặng. “Anh ta cực có tài ăn nói”, Robert Schumann ghi trong nhật ký, nhưng đầy những ý tưởng đàn áp và “không thể lắng nghe dù chỉ trong giây lát”. Nietzsche vật vã với cảm giác bị người bạn và người thầy một thời mà mình từng phục vụ phản bội: “Người ta phải trả giá đắt cho việc làm môn đệ của Wagner.” Chuyện mối quan hệ tan vỡ chẳng mấy ý nghĩa đối với nhà soạn nhạc; còn Nietzsche thì không bao giờ vượt qua được cảm giác đau đớn đó, chỉ biết tự giải thích với bản thân bằng cách cho ra đời một trong những tác phẩm mạnh mẽ nhất của ông5. Bị phản bội thường là sự kiện nhớ đời đối với những ai quen biết Wagner.

Kỳ lạ là nhiều người bị ông đối xử rất tồi tệ lại không để bụng. Nhạc trưởng Hans von Bülow chấp nhận Isolde và Siegfried như con ruột của mình, những đứa trẻ mà ông biết rõ sinh ra từ mối quan hệ ngoại tình giữa Wagner với vợ mình, Cosima. Khi cuối cùng cô quyết định ly hôn chồng, Bülow viết cho cô: “Em đã quyết hiến đời mình cho một người vĩ đại hơn tôi; tôi phải chấp nhận lựa chọn của em là đúng.” Khi Wagner qua đời, Bülow viết rằng hồn mình đã “chết theo tinh thần rực lửa đó”6. Ngay cả những nhạc sĩ người Do Thái mà ông đã phỉ báng vẫn cứ trung thành. Siêu nhiên (demiurgic) có lẽ là từ thích hợp dành cho Wagner. Đức vua khốn khổ bị lừa dối Ludwig xứ Bavaria – người làm cho nhà soạn nhạc trở nên giàu có – đã phá vỡ đính ước của mình với vị hôn thê là nữ công tước Sophie Charlotte xứ Bavaria, [chỉ vì quá say mê Wagner]7, nói rằng Wagner là vị thần của đời mình và là người mình không thể bị chia cắt.

Về câu hỏi Wagner trở thành con người đó như thế nào, Callow đã tinh tường nhận ra rằng cách nói và viết không kiềm chế của nhà soạn nhạc không chỉ đơn giản thể hiện sự say mê bản thân mà “đó là cách ông phát huy tính sáng tạo của mình”: “Ông cần kịch tính hóa bản thân như một người nghệ sĩ.”

Ông bày tỏ quan điểm về mọi vấn đề và đã viết lách nhiều vô kể. Toàn tập tác phẩm của ông lên tới 12 cuốn, không tính đến các tổng phổ nhạc. Ông viết về cách biểu diễn các vở opera của mình. Ông viết về tôn giáo. Ông viết về khí hậu. Và nổi tiếng nhất, ông viết về người Do Thái.

Con người và tác phẩm của Wagner đã tạo nên những thế giới tách biệt, đó là lý do tại sao rất khó và có lẽ sẽ lạc lối nếu cố gắng tìm hiểu ông thật sự nghĩ gì về vấn đề cụ thể nào đó, hay muốn xác quyết có phải ông cố ý sử dụng tính cách này hay tính cách kia để mô tả người Do Thái một cách xấu xa, cũng như phải chăng Wagner phản bội lại cái tôi đích thực của mình bằng việc theo Cơ đốc giáo vào cuối đời. Một trong số ít lần Callow không có cơ sở lắm là khi ông suy đoán rằng Wagner hẳn sẽ khinh miệt Đức Quốc xã, “nỗi ghê tởm như ông đã có với cả chủ nghĩa dân tộc lẫn chủ nghĩa đế quốc”. Nhưng người ta cũng hoàn toàn có thể nói hẳn ông sẽ yêu thích sự hào nhoáng cùng thói mị dân của Hitler và không vui vì nhiều đảng viên trung thành không chia sẻ lòng nhiệt tình của Führer8 với việc thờ phụng ở ngôi đền Bayreuth9. Wagner hẳn sẽ thích thú với việc tạo ra huyền thoại về chủ nghĩa Quốc xã, việc hư cấu quá khứ để tạo ra một tương lai tưởng tượng là thứ mà ông và các nhà tư tưởng Quốc xã có thể chia sẻ. Có lẽ chính năng lực này của Wagner – khả năng tưởng tượng ra sự thay đổi cực kỳ lớn lao – đã khiến Lenin bị ông hấp dẫn, y như chính tầm nhìn mang tính khải huyền của Mikhail Bakunin10 đã hấp dẫn Wagner trong những ngày cách mạng sấm sét.

Trở lại câu hỏi mà cuốn sách mỏng này đã giải đáp rất rõ: Wagner đã và đang gây tranh cãi đến thế trước và sau khi ông bị Đức Quốc xã độc chiếm làm của riêng, trước và sau khi chủ nghĩa bài Do Thái cực đoan thế kỷ 19 dẫn đến họa diệt chủng, là bởi cả mức độ sáng tạo nghệ thuật lẫn cách ông nhào nặn bản thân đều thật đáng sợ, nếu cái trước hấp dẫn ngay lập tức – gây mộng mị, thôi miên như thuốc phiện – thì cái sau thật gớm ghiếc. Ít ai trong chúng ta cảm thấy thoải mái khi đến gần trường hấp dẫn của một con người “đã chạm tới những phần trong tâm hồn mà hầu hết những người tử tế thường che đậy ngay với chính mình” và sáng tạo ra thứ âm nhạc đẹp kinh khủng từ một cái nguồn hôn ám như vậy.

Ngọc Anh dịch
Thanh Nhàn chú thích
Nguồn:
https://www.theguardian.com/books/2017/jun/10/being-wagner-by-simon-callow-review
————-
1 Simon Phillip Hugh Callow (1949): nam diễn viên, nhạc sĩ, nhà văn và đạo diễn sân khấu người Anh.
2 Vở kịch một vai dài 105 phút do Simon Callow viết kịch bản và thủ vai, Simon Stokes đạo diễn.
3 Chính là vở Rienzi, der Letzte der Tribunen – tạm dịch: Rienzi – vị hộ dân quan cuối cùng.
4 Nietzsche bắt đầu nghi ngờ bản chất của nhà soạn nhạc khi đọc bản thảo viết tay cuốn tự truyện Đời tôi mà ông cho rằng có quá nhiều hư cấu.
5 Nietzsche từng ngưỡng mộ con người lý tưởng lẫn con người nghệ sĩ trong Wagner nhưng năm 1882, tình bạn thân thiết giữa hai người chính thức tan vỡ. Năm 1888, Nietzsche xuất bản cuốn Trường hợp Wagner (Der Fall Wagner) chỉ trích Wagner vì tinh thần bài Do Thái và sự theo đuổi chủ nghĩa hư vô.
6 Bülow dàn dựng thành công hai vở opera của Wagner, Tristan und Isolde và Die Meistersinger von Nürnberg, lần lượt vào năm 1865 và 1868, bất chấp mối tình vụng trộm giữa vợ mình và Wagner cho ra đời bé gái Isolde vào năm 1865 và bé trai Siegfried năm 1867. Dù mất người vợ vào tay Wagner nhưng Bülow vẫn kính trọng tài năng của Wagner và tiếp tục chỉ huy các tác phẩm tiếp theo của ông.
7 Năm 15 tuổi, vua Ludwig xứ Bavaria đã khóc khi dự buổi ra mắt vở opera Lohengin và khi lên ngôi, ông đã cho tìm Wagner, lúc đó còn tị nạn ở Thụy Sỹ. Năm 1864, sau buổi gặp gỡ, nhà vua quyết định xây biệt thự Wahnfried ở Bayreuth, Bavaria, cho Wagner. Nhiều bức thư giữa hai người còn lưu lại đến ngày nay thể hiện sự sùng bái và ngưỡng mộ của nhà vua với nhà soạn nhạc. Lâu đài Neuschwanstein của vua Ludwig được thiết kế trên cảm hứng từ các vở opera của Wagner.
8 Tiếng Đức nghĩa là “người dẫn dắt”, từ thường dùng để chỉ Adolf Hitler.
9 Trong thời gian chiến tranh, những lính Quốc xã bị thương trở về từ mặt trận được mời đến xem nhạc kịch tại Bayreuth Festival (liên hoan âm nhạc lâu đời nhất của nước Đức, ra đời từ năm 1876, ban đầu chỉ trình diễn các tác phẩm của Wagner nhưng sau giai đoạn tạm đóng cửa vào từ năm 1946 đến 1951 đã bổ sung thêm tác phẩm của một số nhà soạn nhạc khác). Họ buộc phải nghe giảng về Wagner trước khi xem biểu diễn, và hầu hết bọn họ cảm thấy Festival này chán ngắt. Tuy nhiên, vì là khách mời của Quốc trưởng nên không ai dám phàn nàn.
10 Nhà hoạt động cách mạng theo chủ nghĩa vô chính phủ Nga Mikhail Bakunin (1814 – 1876), là bạn và người góp phần thúc đẩy tinh thần dân chủ ở Wagner. Những người cùng thời cho rằng, hình ảnh người anh hùng Siegfried trong bộ Ring của Wagner được truyền cảm hứng từ Bakunin.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)