Viết báo Tết ngày trước

Xứ ta là một bán đảo. Xem bản đồ theo chiều bắc trên nam dưới thì hình hài xứ sở quả là một cô gái thanh mảnh mà nở nang, đang đứng hóng gió biển Đông Nam Á, bụng ngực thỏa thích xõa vào bờ cát bờ nước, mây tóc miên man chìm vào miền núi đồi Tây Bắc mộng mơ.

Thế nhưng trước đây người dân xứ sở sinh hoạt hoàn toàn như là họ sống ở trên những ốc đảo. Mà thật vậy, những ốc đảo thật sự. Mỗi làng là một ốc đảo trên thực tế, và ở miền đồng bằng thì xung quanh mỗi làng còn có thể là một biển nước-lúa-nước, với con đường đắp nhỏ xíu, nhỉnh chút ít hơn bờ ruộng vừa chân trâu, để thông ra ngoài. Mỗi ai mà hiếm hoi nhỡ phải đi ra ngoài làng để kiếm sống, chắc là bủn rủn ruột gan, tự nhủ phải cố mà tìm cho ra bằng được người cùng làng ở nơi đất mới để nối lòng nhau. “Chủ nghĩa đồng hương” từ đấy mà ra, ngay cả đến nay vẫn còn đang rất sung mãn.
Ở cái thời người xứ sinh hoạt như ở ốc đảo thì việc viết báo Tết của người đi ra xứ ngoài có vẻ dễ hơn biết bao nhiêu: cứ có “chuyện lạ” một tí so với đời sống của các “ốc đảo làng quê” là đã tha hồ mà kể, tha hồ ăn khách. Đúng hay sai thì người ta phần lớn cũng mù tịt cả, “cứ tạm biết thế” là món lập trường chung.

Có người viết kể chuyện Tết chả thấy có gì, y như là ngày thường, tàu điện chìm dưới đất vẫn chạy bình thường. Thế cũng thành bài viết được rồi.

Có người viết khác kể chuyện Tết chả thấy có gì, y như ngày thường, may mà tối đến thế nào mà lại được anh bạn cùng xứ đọc cho nghe lá thư của người yêu anh ấy từ trong nước gửi cho, tuy là đã chậm mất mấy tháng; thế rồi cả hai cùng nhau rơm rớm nước mắt. Thế cũng thành bài viết được rồi.

Về sau này, thời chớm đổi mới, có anh trí thức được đi thăm tận sào huyệt Liên bang America mấy tuần liền, ra về lành lặn, đi nói chuyện vòng quanh các tỉnh thành cả năm trời vẫn không hết các chuyện về chuyến đi ấy, hơn thế nữa, các chuyện lại càng ngày càng được hoàn chỉnh rõ nét hơn lên, viết thành bài Tết nữa thì càng hay.

Những bài viết như thế ấy nom chất phác, vậy mà chúng thực sự sưởi lòng người ăn Tết ở nhà, cứ đọc mà bịn rịn. Còn gì bằng ngày Tết mà mình không phải “tha phương cầu thực”. Mình đang hạnh phúc đến thế còn gì.
***
Ở trong xứ, lực lượng sản xuất chính cho những trang báo Tết dẫu sao vẫn là những nhà viết chuyên, họ làm trụ cột cho những ngày Tết. Tất nhiên phải có tủ.

Tủ của việc viết báo ngày Tết trong xứ là “Năm con Này, nói chuyện con Này”.

Thời trước truyền thông chỉ có vài ba tờ báo hằng ngày, ngoài ra có vài tờ báo tuần hoặc báo tháng, đài thì đọc lại báo, hoặc làm ngược lại, và chưa có truyền hình. Cho nên trí nhớ của người đọc rất có hạn nhất là khi thời gian trôi đi lâu lâu. Mấy ai mà lại lục tìm ra được số báo ngày Tết của tận mười hai năm về trước? Cũng có thể tìm được… nhưng rất khó đấy. Các tòa soạn báo thường cũng có lưu các số báo, cuối năm thuê đóng nguyên chúng lại thành những “quyển sách đại tổ bố”, bìa thật dày cứng, tay mà yếu thì khó mà lật được tấm bìa, bày quyển sách này ra thì nó chiếm hết cả cái mặt bàn to. Nhưng mà, dân thường thì làm sao mà tham khảo được chúng. Thư viện… cũng có… nhưng mà tìm từ sáng đến trưa cũng khó tìm ra, chưa kể mấy bác “thợ săn” viết bài đã nhanh tay mượn ém chúng từ trước đó rồi nghen, người ta chuyên nghiệp mà, và mượn rồi có khi mất tiêu luôn.

Cho nên thực tế nếu mà bí quá, tờ báo Tết dẫu có đăng lại bài “Năm con Này, nói chuyện con Này” của mười hai năm về trước, thì bài ấy cũng vẫn được nồng nhiệt chào đón.

Nhưng, thường thì các tờ báo Tết không kịp đăng lại như thế đâu, vì các bác thợ săn đã nhanh tay chế biến lại chúng rồi, “na ná, nhưng khang khác”. Mà như thế thì đã là rất sáng tạo theo tiêu chuẩn Á Đông rồi, rất xứng đáng rồi, còn đòi hỏi gì nữa.

Quan trọng nhất là đừng “Năm con Này” mà lại nhầm đăng bài “nói chuyện con Kia”.
***
Những ngày giáp Tết, các ban biên tập báo, và nhất là các nhà in, thật là hối hả. Chỉ có mấy tờ báo là có nhà máy in riêng của họ thôi. Lúc này nhiều tờ báo tuần, cả của các địa phương nữa, phải đến đặt in thật sớm ở những nhà in này. Các công nhân và kĩ sư nhà in thì đầu tắt mặt tối, lắm thứ để in quá, lại cả việc in lịch rôm rả, càng về sau này càng rôm rả hơn nữa. In sách báo ngày xưa phải sắp từng con chữ, mà lại phải sắp chữ lộn ngược, tạo “bản âm” nữa chứ! Các bạn trẻ ơi: những người sắp chữ thực sự là những nghệ sĩ ẩn danh, vô cùng tài năng, vô cùng vất vả, mà xã hội thì hiếm ai biết đến họ, chưa kể các con chữ bằng chì kẽm thật là độc hại dài lâu cho sức khỏe của họ. Hôm nay cầm tờ báo cũ, xem trang sách cũ, chúng ta cũng nên nhỏ ít giọt tình cảm tới những nghệ sĩ sắp chữ ẩn danh ở đằng sau những dòng chữ ấy.

Báo Tết, mở van một chút à, cứ để người ta viết phóng khoáng hơn chút, bớt chật hẹp đi chút, cho tươi mới thêm lòng người.

Nếu “bề trên” mà đổi ý kiểm duyệt, hoặc bất chợt muốn thêm thắt cắt bớt cân đối lại gì đó số báo Tết vào phút chót… ôi, bao nhiêu là việc thêm vào, “làm đi” không khổ gì bằng “làm lại”. Nhưng “làm lại” cũng đã là thói quen của dân mình lâu đời rồi.

Thế rồi xe pháo đủ loại, cả xích lô nữa, kĩu kịt chở báo Tết mới in xong thơm mùi mực đi về muôn nơi trong xứ sở. Bên trong những tờ báo Tết đó có biết bao nhiêu những câu chuyện, những hình ảnh, những hình vẽ giản dị, trong trắng, đôi khi ngây ngô quanh cái chủ đề trường tồn muôn thuở “Năm con Này, nói chuyện con Này”, tất nhiên đôi khi cũng có vài ý tứ hơi phức tạp một tí được các nhà viết lồng vào đó đấy nha – là nói so với cái thời khắt khe ấy – chứ mà đem so với ngày hôm nay thì chúng chỉ còn bị coi là “muỗi”.

Ngoài phố, đầu xóm, người người nghèo đang háo hức ngày Tết. Có được một cành đào, một hộp mứt, một chai rượu chanh, và tờ báo Tết có trang đầu được in màu một lần duy nhất trong năm, ừ, mấy màu in chồng lên nhau bị lệch hết cả, nhưng mà thôi, Tết rồi, chín bỏ làm mười. Thế là đẹp rồi! Đẹp lắm rồi!

Thiêng liêng! Tết về trong nhà rồi! Giắt tờ báo Tết in chữ Việt lên cành đào thắm màu ở “gian khách”, đâu phải nhà nào cũng đã có “phòng khách” riêng, như thế cũng đã rất chi là dân tộc tính lắm rồi ai ơi, đã vượt xa thực sự qua những bình phong chữ Hán vắt ngất ngưởng ngang giữa nhà một thời, mà phần lớn cả chủ nhà lẫn khách đều khỏi biết đấy là những chữ viết về cái gì.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)