Vĩnh viễn hóa điều võ đoán

Trong cuốn Sự thống trị của nam giới, Piere Bourdieu đã phân tích các mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, xuất phát từ việc nghiên cứu dân tộc học xã hội của người Berbères tại Kabylie, và tìm hiểu những cấu trúc tượng trưng của vô thức lấy nam giới làm trung tâm, hiện vẫn tồn tại ở nam giới và nữ giới ngày nay. Dưới đây là bài tựa của tác giả viết cho cuốn sách này.

Cuốn sách này, trong đó tôi đã có thể dựa vào rất nhiều công trình dành cho quan hệ giữa các giới để xác định, củng cố và đính chính những phân tích trước đây của tôi về cùng một chủ đề, đặt ra rõ ràng để bàn cãi vấn đề được đa số các nhà phân tích (và những người phê phán tôi) nhắc nhở một cách ám ảnh, vấn đề tính vĩnh cửu hay sự thay đổi (được ghi nhận hoặc được mong ước) của trật tự giới. Quả thực, chính sự du nhập và sự áp đặt thế đôi ngả (alternative) vừa ngờ nghệch vừa mang tính quy phạm một cách ngờ nghệch này dẫn đến chỗ cảm nhận, ngược với điều hiển nhiên rành rành, sự kiểm chứng tính hằng cửu tương đối của các cấu trúc giới và của những dạng thức qua đó các cấu trúc này được nhận biết, như là một cách phủ định và kết án những thay đổi trong tình thế của phụ nữ, cái cách đáng bị kết án và lập tức bị kết án, cái cách sai lầm và lập tức bị bác bỏ do việc nhắc nhở lại mọi biến đổi trong tình thế trên.

Với vấn đề này, cần phải đem một vấn đề khác ra để đối lập, một vấn đề thích đáng hơn về phương diện khoa học, và theo tôi, chắc hẳn cũng cấp thiết hơn về phương diện chính trị: nếu quả thật quan hệ giữa các giới ít biến đổi hơn là một quan sát phiến diện có thể khiến ta tưởng như vậy, và nếu quả thật việc hiểu biết các cấu trúc khách quan cùng các cấu trúc nhận thức của một xã hội coi nam giới là trung tâm và được bảo toàn đặc biệt nguyên vẹn (thí dụ xã hội của người Kabylie, như tôi từng quan sát được vào đầu những năm sáu mươi) cung cấp những phương tiện cho phép thấu hiểu một số phương diện được che giấu kỹ hơn cả về những gì là các quan hệ đó trong những xã hội đương đại tiên tiến nhất về kinh tế, thì lúc ấy cần phải tự hỏi xem những cơ chế lịch sử nào chịu trách nhiệm về việc phi lịch sử hóa và vĩnh viễn hóa một cách tương đối những cấu trúc phân chia giới và những nguyên tắc nhìn tương ứng. Đặt vấn đề như vậy, là đánh dấu một bước tiến bộ trong phạm trù nhận thức có thể thuộc căn nguyên của một bước tiến bộ quyết định trong phạm trù hành động. Nhắc lại rằng những gì, trong lịch sử, xuất hiện như vĩnh viễn chỉ là sản phẩm của một công việc vĩnh viễn hóa thuộc phận sự của những thể chế (kết nối với nhau) như gia đinh, Giáo hội, Nhà nước, trường học, và ở một phạm trù khác, cả thể thao và báo chí (những khái niệm trừu tượng này là những định danh đơn giản mang tính tốc ký của những cơ chế phức tạp, ở mỗi trường hợp cần được phân tích trong tính đặc thù lịch sử của chúng), đó là đặt trở lại vào lịch sử, vậy là trả lại cho hành động lịch sử, mối quan hệ giữa các giới bị cách nhìn theo tự nhiên luận và bản thể luận giật ra khỏi lịch sử – chứ không phải, như người ta từng muốn làm cho tôi nói lên điều này, là định ngăn chặn lịch sử và tước đi của phụ nữ vai trò tác nhân lịch sử.

Chống lại các lực lượng lịch sử thực hiện việc phi lịch sử hóa này chính là điều mà một cuộc động viên nhằm tái khởi động lịch sử bằng cách vô hiệu hóa các cơ chế vô hiệu hóa lịch sử cần phải ưu tiên hướng tới. Cuộc động viên đúng là chính trị này sẽ mở ra cho phụ nữ khả năng có một hoạt động kháng cự tập thể, hướng về những cải cách thuộc pháp luật và chính trị, cuộc động viên ấy phản đối cả sự cam chịu được khuyến khích bởi mọi cách nhìn bản thể luận (sinh học và phân tâm học) về sự khác biệt giữa các giới và cũng phản đối cả sự kháng cự thu hẹp vào những hành vi cá nhân hoặc những “sự kiện” diễn từ luôn luôn bắt đầu lại và được cổ vũ bởi một số nhà lý luận nữ quyền: những sự đoạn tuyệt anh dũng như vậy với đường mòn lối cũ thường ngày, như những “thực hành mô phỏng (parodic performances)” mà Judith Butler(1) yêu mến, có lẽ đòi hỏi quá nhiều cho một kết quả quá ít và quá bấp bênh.

Pierre Bourdieu (1930-2002) là nhà xã hội học, nhà nhân học và triết học nổi tiếng người Pháp, sinh tại Denguin, thuộc hạt Béarn miền nam nước Pháp, gần rặng núi Pyrénées phía Ðại Tây Dương. Xuất thân từ trường Ecole Normale Supérieure – Cao Ðẳng Sư Phạm của Pháp, thạc sĩ triết học, Pierre Bourdieu được bầu vào giảng đàn Xã hội học tại Collège de France từ năm 1985.

Kêu gọi phụ nữ tham gia một hoạt động chính trị đoạn tuyệt với ý đồ phản kháng hướng nội (révolte introvertie(2) của những nhóm nhỏ đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau, dù những nhóm này hết sức cần thiết trong những thăng trầm của các cuộc đấu tranh hằng ngày, ở nhà, ở nhà máy hoặc ở văn phòng, đó không phải, như mọi người có thể tưởng, và lo sợ, là xúi giục phụ nữ tán thành một cách không đấu tranh các hình thức và các chuẩn mực thông thường của cuộc đấu tranh chính trị, với nguy cơ bị sáp nhập hoặc bị chìm ngợp trong những phong trào xa lạ với các mối bận tâm và các lợi ích của chính họ. Đó là mong cho họ biết hoạt động để phát minh và áp đặt, ngay giữa lòng phong trào xã hội, và bằng cách dựa vào những tổ chức sinh ra từ cuộc phản kháng chống lại sự phân biệt tượng trưng mà họ, cùng những người tình dục đồng giới (nam và nữ) là một trong những mục tiêu ưa thích, được những hình thức tổ chức và hoạt động tập thể cùng những vũ khí hiệu nghiệm, nhất là những vũ khí tượng trưng, có khả năng làm rung chuyển những thể chế góp phần vĩnh viễn hóa tình trạng phụ thuộc của họ.

***

Có lẽ tôi sẽ không đương đầu với một đề tài khó như thế này nếu như tôi không bị toàn bộ logic của sự nghiên cứu của mình lôi cuốn. Quả thực, tôi chưa bao giờ thôi ngạc nhiên trước điều mà ta có thể gọi là nghịch lý của dư luận (paradoxe de la doxa): việc trật tự thế giới như nó hiện hữu, với những hướng duy nhất và những hướng bị cấm, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, với những nghĩa vụ và những chế tài của nó, về đại thể được tôn trọng, việc không có nhiều hơn nữa những sự không tuân thủ hoặc những sự phá hoại, những sự vi phạm và những điều “điên rồ” (chỉ cần nghĩ đến sự đồng tình phi thường của hàng ngàn ý hướng – hoặc ý chí – mà năm phút lưu thông xe hơi trên quảng trường Bastille hoặc quảng trường Concorde tất yếu phải có); hoặc, đáng kinh ngạc hơn nữa, là trật tự được thiết lập với những quan hệ thống trị của nó, những luật pháp và những điều phi pháp của nó, những đặc quyền và những sự bất công của nó, rốt cuộc cứ vĩnh tồn một cách dễ dàng đến thế, ngoại trừ vài biến cố lịch sử, và những điều kiện sống khó chịu đựng nhất lại có thể xuất hiện như chấp nhận được, thậm chí như là tự nhiên, một cách thường xuyên đến thế. Và tôi cũng luôn luôn nhìn thấy trong sự thống trị của nam giới, cùng cách thức mà sự thống trị này được áp đặt và được chịu đựng, thí dụ rõ nhất về sự phục tùng đầy nghịch lý, kết quả của điều mà tôi gọi là bạo lực tượng trưng, bạo lực êm ái, khó cảm nhận, không nhìn thấy được ngay đối với các nạn nhân của nó, thứ bạo lực thi hành chủ yếu bằng những con đường thuần túy tượng trưng của sự giao tiếp và sự hiểu biết hoặc chính xác hơn là sự không hiểu biết, của sự thừa nhận hoặc, ở giả thuyết tột cùng, của tình cảm. Như vậy, mối quan hệ xã hội bình thường một cách khác thường này cung cấp một cơ hội đặc biệt để nắm bắt logic của sự thống trị thi hành nhân danh một nguyên lý tượng trưng được biết và được thừa nhận bởi kẻ thống trị cũng như bởi kẻ bị trị, một ngôn ngữ (hoặc một cách phát âm), một phong cách sống (hoặc một cách thức suy nghĩ, nói năng hay hành động) và thông thường hơn cả, một tính chất đặc dị, là biểu hiệu hay là dấu vết sỉ nhục, mà đặc tính có hiệu quả nhất một cách tượng trưng là cái đặc tính cơ thể hoàn toàn võ đoán và không có tính dự báo, đó là màu da.

Ta thấy rõ rằng trong các vấn đề này trước hết phải hoàn lại cho dư luận tính chất nghịch lý của nó đồng thời phải tháo rời các tiến trình chịu trách nhiệm về việc biến lịch sử thành tự nhiên, biến cái võ đoán mang tính văn hóa thành mang tính tự nhiên. Và, để làm điều này, cần phải có được, đối với thế giới của chính ta và đối với chính cách nhìn thế giới của ta, quan điểm của nhà nhân loại học có khả năng trả lại tính chất võ đoán, ngẫu nhiên cho căn nguyên khác biệt giữa nam và nữ như ta thường (không) hiểu biết, đồng thời, trả lại cả tính tất yếu logic-xã hội của nó. Không phải tình cờ mà Virginia Woolf, khi muốn đinh chỉ điều được bà gọi một cách tuyệt hay là “quyền lực thôi miên của sự thống trị”, đa tự trang bị một phép loại suy dân tộc học, liên kết về phương diện di truyền sự phân biệt kỳ thị phụ nữ với những nghi lễ của một xã hội cổ xưa: “Một cách tất nhiên không tránh khỏi, chúng ta coi xã hội như một nơi chốn âm mưu nó nuốt chửng người anh mà nhiều người trong chúng ta có lý do để tôn trọng trong đời sống riêng tư, rồi áp đặt vào vị trí của anh một gã đàn ông quái đản, có giọng nói oang oang, có nắm đấm tàn nhẫn, cái gã ghi lên mặt đất, một cách trẻ con, những dấu hiệu bằng phấn, những đường phân giới thần bí bên trong đó những con người bị cố định, cứng đờ, chia cách, giả tạo. Những nơi chốn ở đó anh ta, được trang sức nào màu hoàng kim nào sắc đỏ tía, được điểm tô bằng lông vũ như một người hoang dã, tiếp tục những nghi lễ thần bí và thụ hưởng những lạc thú khả nghi của quyền lực và sự thống trị, trong khi chúng ta, những người phụ nữ “của anh ta”, chúng ta bị giam cầm trong ngôi nhà gia đinh chẳng được phép tham dự bất kỳ một hội đoàn nào của đông đảo các hội đoàn tạo thành xã hội của anh ta” (3). “Đường phân giới thần bí”, “nghi lễ thần bí”: ngôn ngữ này – ngôn ngữ của phép biến hình thần thông và của sự chuyển hóa tượng trưng được tạo ra bởi việc chuẩn nhận mang tính nghi thức, căn nguyên của một sự sinh thành mới mẻ – khuyến khích hướng việc nghiên cứu về một cách tiếp cận có khả năng nắm bắt kích thước đúng là tượng trưng cho sự thống trị của nam giới.

Vậy sẽ phải yêu cầu ở một sự phân tích duy vật cụ thể về việc tổ chức và điều hành tài sản tượng trưng, những phương kế để thoát khỏi thế đôi ngả tai hại giữa cái “vật chất” và cái “tinh thần” hay “cái tư tưởng” (ngày nay được làm cho vĩnh tồn qua sự đối lập giữa những nghiên cứu gọi là “duy vật” giải thích tình trạng bất đối xứng giữa các giới bằng điều kiện sản xuất, và những nghiên cứu gọi là “tượng trưng”, nhiều khi xuất sắc, nhưng chỉ từng phần). Nhưng, trước đó, duy chỉ việc sử dụng một cách thật đặc biệt môn dân tộc học mới có thể cho phép thực hiện dự định, mà Virginia Woolf gợi ý, là khách quan hóa một cách khoa học thao tác thực sự thần bí sản sinh ra sự phân ly giữa các giới như ta biết, hoặc, nói theo cách khác, là coi sự phân tích khách quan một xã hội được tổ chức thấu suốt bên này qua bên kia theo nguyên tắc lấy nam giới làm trung tâm (truyền thống Kabylie) như một khảo cổ học khách quan về vô thức của chúng ta, tức là như công cụ của một sự phân tích xã hội đích thực(4).

Cách đi đường vòng qua một truyền thống ngoại lai là cần thiết để phá vỡ mối quan hệ thân tình lừa gạt liên kết chúng ta với truyền thống của chính chúng ta. Các bề ngoài sinh học và các kết quả rất thực tế do một công việc tập thể lâu dài nhằm xã hội hóa cái mang tính sinh học và sinh học hóa cái mang tính xã hội, sản sinh ra trong các thân thể và các trí não, hợp lực với nhau để đảo ngược mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả và làm xuất hiện một sự kiến tạo xã hội được tự nhiên hóa (các “giới” với tư cách là những habitus (5) mang giới tính) như là nền tảng tự nhiên của sự phân chia võ đoán nằm ở căn nguyên cả của thực tại cả của sự hình dung thực tại và đôi khi tự áp đặt cho bản thân việc nghiên cứu (6)

Nhưng việc sử dụng gần như mang tính phân tích môn dân tộc học, môn khoa học dùng cách lịch sử hóa để phi tự nhiên hóa điều xuất hiện như tự nhiên nhất trong trật tự xã hội, sự phân chia giữa các giới, liệu có nguy cơ chứng giải những sự hằng cửu và những điều bất biến – thuộc chính căn nguyên tính hiệu quả trong phân tích xã hội của môn khoa học này – và, do đó, vĩnh viễn hóa, bằng cách phê chuẩn nó, một sự hình dung bảo thủ về mối quan hệ giữa các giới, chính mối quan hệ được huyền thoại về “nữ tính vĩnh hằng” cô đúc lại? Chính ở chỗ này cần đương đầu với một nghịch lý mới, ép buộc phải thay đổi hoàn toàn cách thức đề cập điều mà người ta từng muốn xem xét dưới các kiểu “lịch sử phụ nữ”: những điều bất biến, vượt ra ngoài mọi thay đổi rõ rệt của thân phận phụ nữ, được tuân thủ trong quan hệ thống trị giữa các giới, chẳng buộc ta phải coi là đối tượng ưu tiên những cơ chế và những thể chế lịch sử từng không ngừng, trong tiến trình lịch sử, giằng những điều bất biến này ra khỏi lịch sử đó sao?

Cuộc cách mạng trong nhận thức này có lẽ chẳng phải là không quan trọng trong thực tiễn, nhất là trong sự hình thành các chiến lược nhằm biến đổi tình trạng hiện thời của tương quan lực lượng thực tế và tượng trưng giữa các giới. Nếu quả thật căn nguyên của sự vĩnh cửu hóa mối quan hệ thống trị này không thật sự, hoặc dù sao cũng không chủ yếu, nằm ở một trong những nơi chốn thực thi rõ rệt nhất của nó, nghĩa là ở giữa lòng đơn vị gia đinh, từng được một diễn ngôn vì nữ quyền nào đó tập trung mọi sự chú ý, mà lại ở trong các cấp như Nhà trường hoặc Nhà nước, những nơi khởi thảo và áp đặt các nguyên lý thống trị được thi hành ngay trong lòng thế giới riêng tư nhất, thì một lĩnh vực hoạt động rộng lớn mênh mông đang mở ra cho các cuộc đấu tranh vì nữ quyền, như vậy là có sứ mệnh giữ một vị trí độc đáo và được khẳng định chắc chắn, giữa lòng các cuộc đấu tranh chính trị chống lại mọi hình thức thống trị.
+++

Chú thích

(*) Tác giả: Pierre Bourdieu; Dịch giả: Lê Hồng Sâm, NXB Tri thức, 3/2011

(1) Judith Butler (sinh năm 1956 tại Cleveland): triết gia nữ quyền người Mỹ (N.D.)

(2) Introverti – tính từ – và introversion – danh từ – (hướng nội hay hướng ngã), trong tâm lý học, chỉ khuynh hướng coi trọng chủ thể hơn thế giới bên ngoài. (N.D.)

(3) V. Woolf, Ba đồng ghi nê, bản dịch tiếng Pháp của V. Forrester, NXB Phụ nữ, Paris, 1977, tr.200.

(4) Có lẽ chỉ nhằm chứng minh rằng lời tôi nói hiện nay không phải là kết quả của một sự cải hóa mới đây, tôi xin nhắc lại những trang trong một cuốn sách đa cũ ở đó tôi nhấn mạnh đến việc dân tộc học, khi ứng dụng vào sự phân chia các giới trong thế gian, có thể “trở thành một hình thức phân tích xã hội đặc biệt hiệu quả” (P. Bourdieu, Le Sens pratique (Cảm quan thực tiễn), Paris, NXB Minuit, 1980, tr.246-247).

(5) Habitus: trong tiếng Latin, có nghĩa là một cách thức hiện hữu, một tư thái, một khuynh hướng tinh thần. Thuật ngữ này được nhiều nhà triết học, xã hội học sử dụng, với những sắc thái ít nhiều khác biệt. Norbert Elias nhắc đến “dấu ấn” mà xã hội để lại trên nhân cách của cá nhân do những hệ thống phụ thuộc tương hỗ trong đó cá nhân hoạt động. Theo Pierre Bourdieu, habitus là một tổng thể những khuynh hướng bền vững và có thể chuyển dịch, sản phẩm của việc giáo hóa và đồng hóa các trải nghiệm, cho phép các cá nhân vận động và diễn giải xã hội. Đó là một cấu trúc được cấu trúc và có thể nhanh chóng vận hành với tư cách cấu trúc tạo nên cấu trúc. Có những chỗ, trong tác phẩm này, bên cạnh từ habitus, P. Bourdieu đặt trong ngoặc kép từ dispositions (các ý hướng) (N.D.).

(6) Bởi vậy chẳng phải là hiếm thấy các nhà tâm lý học sử dụng lại cho mình cách nhìn thông thường về các giới như là những tập hợp triệt để phân ly, không có sự tương giao, và họ không biết đến mức độ trùm phủ (recouvrement) giữa sự phân phối các thành tích của nam và nữ cùng các khác biệt (về độ lớn) giữa những khác biệt được kiểm chứng trong nhiều lĩnh vực khác nhau (từ cốt cách giới tính cho đến trí năng). Hoặc, nghiêm trọng hơn, nhiều khi họ để bị dẫn dắt, trong sự xây dựng và miêu tả đối tượng, bởi những nguyên tắc nhìn và phân chia được khắc ghi trong ngôn ngữ thông thường, hoặc do họ cố gắng ước lượng những khác biệt được gợi lên trong ngôn ngữ – như hiện tượng đàn ông thì “gây gổ” hơn còn đàn bà “sợ sệt” hơn – hoặc do họ sử dụng những từ ngữ thông thường, vậy là mang nặng những phán xét về giá trị, để miêu tả những khác biệt này. Xin hãy xem một số tác phẩm, tác giả như J.A. Sherman, Sex-Related Cognitive Differences: An Essay on Theory and Evidence (Những khác biệt trong nhận thức liên quan đến giới: Luận về lý thuyết và sự hiển nhiên), Springfield (Illinois), Thomas, 1978; M.B. Parlee, “Psychology: review essay”, Signs: Journal ofWomen in Culture and Society (Ký hiệu: Tạp chí về Phụ nữ trong văn hóa và trong xã hội), 1, 1975, p. 119-138 – đặc biệt là về bản tổng kết những khác biệt về tinh thần và về ứng xử giữa các giới do J.E. Garai và A. Sheinfeld lập năm 1968; M.B. Parlee, “The Premenstrual Syndrome” “Hội chứng tiền-kinh nguyệt”, Psychological Bulletin (Thông báo Tâm lý học), 80, 1973, p.454-465.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)