Virginia Zeani: Một sự nghiệp huy hoàng

Sự ra đi của bà, vào ngày 20/3/2023 vừa qua, là một mất mát quá lớn với sân khấu opera thế giới.

Violetta (La Traviata, Verdi) là vai diễn đầu tiên của Virginia Zehan và cũng vai diễn gắn liền với tên tuổi của bà. Nguồn: ierioggidomaniopera.com

Virginia, tôi phải nói với chị rằng, chị là một trong số rất ít những soprano khiến vợ tôi phải sợ hãi”, đó là những lời mà Giovanni Battista Meneghini, người từng là chồng của Maria Callas đã nói với Virginia Zeani. Còn Plácido Domingo thì nhận xét về đàn chị người Romania: “Một người phụ nữ được trời phú cho cả vẻ đẹp ngoại hình và giọng hát, ngoài ra bà còn là một diễn viên rất tài năng”. Hay cặp vợ chồng Joan Sutherland và Richard Bonynge chia sẻ: “Chúng tôi không bao giờ có thể quên cảm giác xúc động phi thường khi nghe chị hát lần đầu tiên…  Chị không thể biết ấn tượng sâu sắc mà chị đã gây ra cho chúng tôi… Giọng hát đó đã ở cùng với chúng tôi trong suốt những năm qua”. Chỉ cần một vài lời nhận xét như vậy đã đủ cho chúng ta một cái nhìn khái quát về Zeani, đó là soprano có tài năng vô cùng chói sáng, một giọng hát có thể chinh phục ngay cả những khán giả khó tính nhất, người khiến đồng nghiệp phải ngả mũ kính trọng.

Ước mơ trở thành nghệ sĩ opera

Virginia Zehan sinh ngày 21/10/1925 tại Solovastru, Transylvanian, miền Trung Romania. Cô đổi sang họ Zeani khi ngoài 20 tuổi, tới Milan để học hát vì nó dễ phát âm hơn đối với người Ý. Khi Virginia lên 8 tuổi, cha mẹ cô, ông Dumitru và bà Vesselina đã từ bỏ trang trại của mình để tới Bucharest với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Âm nhạc là một trong những ký ức đầu tiên của cô bé. Virginia nhớ mình đã hát suốt trên con đường từ nhà ra suối để lấy nước cùng mẹ. Cô viết trong hồi ký: “Chủ nhật hàng tuần, những người Digan tập trung tại nơi ở của chúng tôi để chơi nhạc và những người dân làng bắt đầu nhảy múa”. Khi 9 tuổi, người anh họ dẫn Virginia đi xem Madama Butterfly (Giacomo Puccini), vở opera đầu tiên của cô bé. Ngay lập tức, Virginia đã bị chinh phục và nói với bố mẹ rằng mình sẽ trở thành một ca sĩ opera. Virginia tham gia dàn hợp xướng của trường và dưới sự giúp đỡ của một nhà hảo tâm, cô bé đã theo học thanh nhạc với mezzo-soprano Lucia Anghel.

Trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Bucharest hứng chịu sự oanh tạc và chiếm đóng của quân đội Đức, những kẻ đã hành quyết một số bạn bè thân thiết của Virginia và người thân của họ. Bản thân cô đã may mắn thoát khỏi cái chết khi kịp nhảy qua cửa sổ phía sau khi binh lính lao vào nhà cô. Bên cạnh đó, một niềm vui khác cũng đến với Virginia khi cô được Lydia Lipkowska, soprano người Ukraine, vốn bị mắc kẹt tại Bucharest, nhận làm học sinh. Chính Lipkowska đã thuyết phục Virginia rằng cô sở hữu giọng soprano. Zeani nhớ lại: “Tại thời điểm đó, tôi chưa có được một nốt cao nào trong cuộc đời của mình nhưng sau khi bà nhận tôi vào học, làm việc cùng nhau trong ba tháng, tôi đã có một cữ âm đáng kinh ngạc”. Chiến tranh kết thúc, sau những màn biểu diễn tuyệt vời trước Hiệp hội Văn hóa Ý ở Bucharest, đại sứ quán Ý đã quyết định tài trợ cho Zeani theo học tại cái nôi của nghệ thuật opera. Tháng 3/1947, cô chuyển đến Milan, đổi họ thành Zeani, tiếp tục những bài học thanh nhạc với tenor lừng danh Aureliano Pertile và gặp gỡ và kết bạn với những ngôi sao chói sáng trong tương lai như Giuseppe di Stefano, Franco Corelli hay Renata Tebaldi.

Người được Callas khen ngợi

Có thể nói thành công đến khá sớm với Zeani, vào ngày 16/5/1948, tại Teatro Duse, Bologna, cô đã được vai diễn đầu tiên và đó là Violetta (La Traviata, Verdi), vai diễn vĩ đại nhất, gắn liền với tên tuổi của cô với tổng cộng 648 buổi biểu diễn trong suốt sự nghiệp của mình. Để có được màn ra mắt này, cô đã phải nói dối với ông bầu opera địa phương rằng mình đã từng hát Violetta trước đó. Ngay sau khi được chấp nhận, Zeani phải tự may lấy chiếc váy cho nhân vật của mình bằng vải màn mua ngoài chợ. Ngay lập tức, Zeani đã có được thành công, các nhà phê bình tỏ ra rất ấn tượng, đặc biệt trong việc truyền tải vùng vẫy vô vọng với bệnh lao trong màn cuối. Bản thân cô bị bệnh viêm phổi mạn tính và Zeani đã đưa những trải nghiệm đó lên sân khấu. Zeani giải thích: “Trớ trêu thay, bệnh viêm phế quản giúp tôi có được hệ thống thở trong những khoảnh khắc kịch tính của vở opera, phù hợp với tình trạng sức khỏe của Violetta”.

“Virginia Zeani là một trong những soprano quan trọng nhất của thế giới opera” – Zubin Mehta

Ông bầu và nhạc trưởng của đêm diễn ngay lập tức đề nghị với Zeani một chuyến lưu diễn với 30 buổi trên khắp nước Ý và tên tuổi của cô bắt đầu trở nên nổi tiếng. Đây là giai đoạn mà Zeani tích lũy kinh nghiệm và làm dày thêm kịch mục của mình khi liên tục hát các vai chính tại những nhà hát opera nhỏ. Tháng 1/1950, Zeani có chuyến biểu diễn trong 30 ngày tại Cairo và Alexandria (Ai Cập) với Violetta, Nedda (Pagliacci, Ruggero Leoncavallo) và Adina (L’elisir d’amore, Donizetti) bên cạnh Beniamino Gigli, người hơn cô 36 tuổi. Tháng 1/1952, Zeani có được một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp với Elvira (I Puritani, Bellini) tại Teatro Communale, Florence khi được Tullio Serafin mời thay thế cho Callas. Chính tại đây, bà đã gặp chồng tương lai của mình, Rossi-Lemeni, người vào vai Giorgio Valton. Kể từ đó, Zeani liên tục nhận được lời mời biểu diễn trên khắp châu Âu. Cô đã hát tại Vienna và Paris, tất cả đều trong Violetta. Tháng 6/1953, nhân dịp lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II, cô được mời đến biểu diễn tại Anh, với Violetta và Mimì (La Bohème, Puccini).

Ngày 10/12/1956, sau một lần từ chối vì bị trùng lịch diễn, cuối cùng Zeani cũng có màn ra mắt tại La Scala trong Cleopatra (Giulio Cesare, George Frideric Handel) bên cạnh Corelli và Giulietta Simionato với Rossi-Lemeni trong vai chính. Năm 1957 là cột mốc khó quên đối với cuộc đời và sự nghiệp của Zeani. Ngày 26/1/1957, cũng tại La Scala, Zeani vào vai Blanche trong lần ra mắt đầu tiên trên phạm vi toàn thế giới vở Dialogues des Carmélites (Francis Poulenc). Đích thân Poulenc đã lựa chọn Zeani cho vai diễn này sau khi nghe cô biểu diễn Violetta tại Paris một năm trước đó. Zeani hồi tưởng: “Poulenc thuyết phục tôi hát Blanche khi tôi chưa được đọc tổng phổ. Ban đầu tôi không hề nhiệt tình”. Zeani cho biết thêm: “Maestro, rất vui nếu ông có thể gửi cho tôi bản nhạc”. Tôi đã phải đợi vài tuần vì nó vẫn chưa hoàn thành, nhưng khi nó đến, tôi đọc, nó có vẻ tuyệt vời, vì vậy tôi đã nhận lời và đã hát buổi ra mắt thế giới ở Milan”.

Virginia Zeani (Cleopatra) và Nicola Rossi (Giulio Cesare) trong vở “Giulio Cesare” (George Frideric Handel) trên sân khấu Teatro alla Scala năm 1956. Nguồn: ierioggidomaniopera.com

Buổi biểu diễn thành công rực rỡ. Callas cùng chồng đã có mặt trong khán phòng: “Maria tử tế đến chúc mừng tôi sau đó. Cô ấy nói: “Bạn thật tuyệt vời” và tôi đáp lại: “Bạn còn tuyệt vời hơn nữa vì đã đến gặp tôi tối nay!”. Ngày 7/6/1957, bà lần đầu ra mắt tại Vienna State Opera trong Violetta cùng Gianni Raimondi và Rolando Panerai. Nhạc trưởng là Herbert von Karajan. Và chưa đến một tháng sau, ngày 2/7/1957, bà kết hôn với Rossi-Lemeni. Họ có một đứa con trai, Alessandro và chung sống với nhau cho đến khi Rossi-Lemeni qua đời vào ngày 12/3/1991. Trong nhiều năm, họ là bạn diễn của nhau trên sân khấu, đóng chung trong 13 vở opera, đáng chú ý là sự xuất hiện tại Teatro dell’Opera di Roma vào năm 1960 trong Les contes d’Hoffmann (Jacques Offenbach) khi Zeani hát cả ba vai soprano (Olympia, Antonia và Giulietta) còn Rossi-Lemeni vào vai bốn nhân vật phản diện (Lindorf, Coppélius, Miracle và Dappertutto). Zeani nhớ về người chồng của mình: “Tôi chỉ yêu một lần trong đời. Tôi gặp anh ấy ở La Scala và mặc dù tôi muốn cống hiến hết mình cho ca hát, nhưng tôi thấy ở anh ấy người đàn ông thông minh nhất về mặt tinh thần, bình thường về mặt vật chất – một người đàn ông mà tôi có thể tìm thấy sự mãnh liệt to lớn, không chỉ với tư cách người yêu, mà cả với tư cách anh chị em cho đến khi tôi mất anh ấy nhiều năm trước. Kể từ đó, tôi chỉ có những người bạn và học sinh, tôi không hề có một mối quan hệ lãng mạn nào khác”.

Chính vì mang thai Alessandro, bà đã phải phá vỡ một hợp đồng tại Mỹ và từ đó dẫn tới cái nhìn thiếu thiện cảm của nhà sản xuất đầy quyền lực của EMI, Legge. Việc chưa từng ký một hợp đồng thu âm nào chính là điều cay đắng nhất trong sự nghiệp của Zeani. Bà cho biết: “Một điều đáng tiếc, mặc dù bây giờ không có cách nào thay đổi được điều đó, là tôi chưa bao giờ có một hãng thu âm nào bảo hộ. Dù sao thì vẫn còn một số bản thu âm trực tiếp tại sân khấu lưu giữ lại giọng hát của Zeani: “Vì tôi không có bản ghi âm chính thức nên tất cả chúng đều được thu theo cách nghiệp dư, thường ở gần nơi nhắc vở. Tôi đã hát nhiều lần tại Terme di Caracalla và tại Arena Verona và có một bản La Traviata nơi bạn có thể nghe thấy tiếng gió mạnh và giọng nói của người nhắc vở!”.

Chinh phục các sân khấu lớn

Bất chấp việc không có được những hợp đồng thu âm, Zeani vẫn tiếp tục tỏa sáng trên những sân khấu opera trên khắp châu Âu. Tại Covent Garden, bà chỉ hát trong đêm duy nhất vào ngày 9/11/1962 với vai Violetta, lần này là sự thay thế khẩn cấp cho Sutherland. Sau một chuyến bay dài và bị mất ngủ từ Vienna, qua Frankfurt rồi tới London, Zeani chỉ có thời gian thử quần vào và nghỉ ngơi đôi chút trước khi bước lên sân khấu. Đêm diễn đáng nhớ này đã được thu âm lại. Sở hữu âm vực rộng lên đến gần 3 quãng tám, trong thời gian đầu của sự nghiệp, Zeani tỏa sáng trong những vở opera bel canto hay trữ tình nhẹ nhàng như Gilda (Rigoletto, Verdi), Manon (Manon, Jules Massenet) hoặc Marguerite (Faust, Charles Gounod). Nhưng sau khi trưởng thành hơn, Zeani đã dấn thân vào những vai diễn kịch tính hơn của trường phái verismo như Manon (Manon Lescaut, Puccini), Tosca (Tosca, Puccini) hay Adriana (Adriana Lecouvreur, Francesco Cilea) cũng như các tác phẩm của Verdi.

Khi ở tuổi ngoài 40, Zubin Mehta, người đã nhiều lần chỉ huy cho Zeani trong Violetta đã thuyết phục bà hát trong Aida (Aida, Verdi). Zeani kể lại: “Tôi đã ra mắt ở Aida ở Montreal cùng John Vickers. Vai diễn đó khá nặng đối với tôi vào thời điểm đó, nhưng chính Mehta đã thuyết phục tôi rằng tôi có thể hát được. Tôi là soprano trữ tình, nhưng Mehta nói rằng với ‘giọng’ của mình, tôi có thể hát Aida mặc dù đó là một vai kịch tính. Tôi nghĩ rằng tôi đã có một Aida tuyệt vời”.

“Cô ấy đã mang đến cho vai diễn [Violetta] cảm xúc mãnh liệt và tinh tế đến mức khiến tất cả các buổi biểu diễn vở opera này trước đó đều phai mờ trong ký ức… Đây là điều kỳ diệu mà chỉ một nghệ sĩ vĩ đại mới có thể tạo ra”. (Đạo diễn Brian Large)

Không phải soprano nào cũng có thể hát cả Elvira và Aida. Bà nhớ về kỷ niệm này với một sự sảng khoái: “Kỹ thuật luôn giống nhau, nhưng bạn phải tôn trọng giọng hát của mình. Nó là như vậy, khi bạn còn trẻ, bạn có một cây violin với âm thanh “hẹp” trong trẻo hơn, khi trở thành viola, nó có một chất lượng khác và thậm chí có thể chuyển thành cello… violin, viola, Violetta!”. Zeani thậm chí còn từng hát trong hai vở opera của Richard Wagner: Elsa (Lohengrin) và Senta (Der fliegende Holländer), trong đó bà có lần biểu diễn Elsa tại sân khấu ngoài trời rộng lớn Arena Verona, nơi không hề có bất kỳ hệ thống phụ trợ tăng âm nào. “Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra”, đó là cách Zeani nói về quá trình phát triển giọng hát của mình.

Phải đến ngày 12/11/1966, Zeani mới có màn ra mắt muộn màng tại Metropolitan Opera và vẫn là vai diễn quen thuộc Violetta. Trên thực tế, tổng giám đốc của nhà hát, Rudolf Bing muốn đưa bà đến Mỹ sớm hơn nhưng Zeani đã từ chối. Bà yêu thích cuộc sống tại châu Âu, nơi thế giới opera bình dị hơn: “Sau khi kết hôn với Nicola, tôi không còn sống cuộc đời của một danh ca nổi tiếng nữa. Tôi thích sự yên tĩnh. Ở Rome, Nicola và tôi được mời đến các câu lạc bộ hằng đêm và tôi chưa bao giờ đi. Tôi sợ rằng khói thuốc lá sẽ làm tổn thương giọng hát của mình”.

Về đêm diễn khá hỗn loạn của Zeani, các nhà phê bình lại có quan điểm trái ngược. Irving Kolodin đã viết trên Saturday Review of Literature: “Khi cô ấy bắt đầu hát, giọng hát của cô ít màu sắc, thiếu chất lượng và sự đa dạng hơn so với những gì người ta mong muốn… Rõ ràng, Zeani được biết đến là “một nghệ sĩ giỏi” và cô ấy đã thể hiện một cách khéo léo, quyến rũ và luôn thu hút người xem, nhưng chất lượng thực sự của giọng hát chắc chắn ở lại đâu đó trong số hàng trăm Violetta”. Zeani giải thích sự thất bại của mình: “Tôi đến vào phút chót, không có bất kỳ buổi diễn tập nào. Tôi đã hát Aida ngay trước đó và lẽ ra tôi phải đủ thông minh để nói: “Không, tôi sẽ không hát La Traviata ngay sau Aida” nhưng tôi vẫn làm như vậy. Đó là Prêtre, một nhạc trưởng tuyệt vời nhưng không diễn tập, ông ấy đã chỉ huy La Traviata như thể đó là Manon. Tôi đã hát một vài buổi nhưng sau đó tôi phải hủy bỏ”.

Một trong số hiếm hoi các bản thu âm của Virginia Zeani.

Cống hiến trọn vẹn cho opera

Zeani tiếp tục tỏa sáng trên sân khấu opera và vắng bóng trong các bản thu âm cho đến khi một sự kiện bất ngờ xảy ra vào năm 1979. Bà cùng chồng đến Chicago nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Lyric Opera of Chicago và họ có dịp gặp gỡ với hiệu trưởng của Đại học Indiana. Soprano Eileen Farrell sắp nghỉ việc giảng dạy tại đây và hai vợ chồng Zeani nhận được lời mời cộng tác. Chỉ trong vòng một tuần, họ đã quyết định đồng ý và chuyển đến Mỹ để bắt đầu một công việc mới. Zeani giải thích cho hành động của họ: “Một giáo viên phải có rất nhiều kinh nghiệm. Nếu bạn chỉ mới có ba… năm… mười năm trong nghề, bạn không thể có đủ kinh nghiệm để giảng dạy. Bạn đã sống chưa đủ. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã có sự nghiệp kéo dài hơn ba mươi năm: chồng tôi đã hát trong 92 vai và tôi là 72. Chúng tôi có rất nhiều thứ để cống hiến”.

Kể từ khi dạy học, Zeani gần như từ bỏ việc xuất hiện trên sân khấu. Bà giã từ sự nghiệp vào ngày 3/11/1982 tại San Francisco Opera trong Dialogues des Carmélites nhưng là với vai Mẹ Marie. Zeani tiếp tục công việc giảng dạy của mình cho đến năm 2004, nhiều ca sĩ danh tiếng từng là học trò của bà như Sylvia McNair, Vivica Genaux hay Elīna Garanča. Bà nghỉ hưu tại West Palm Beach, Florida. Bà vẫn tỏ ra minh mẫn, sống một cuộc sống vui vẻ, lạc quan.

Trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp sinh nhật lần thứ 90, Zeani cho biết: “Bên trong tôi cảm thấy 50, bên ngoài tôi cảm thấy 70 và bộ não của tôi tin rằng tôi trẻ mãi không già”. Bà vẫn nhớ về kỷ niệm với những đồng nghiệp thân thiết trước đây như Alfredo Kraus hay Pavarotti.

Ngày 20/3/2023, Zeani qua đời ở tuổi 97. Con trai bà, Alessandro cho biết nguyên nhân gây ra cái chết là những vấn đề liên quan đến hô hấp. Angela Gheorghiu, soprano đồng hương đã thương tiếc: “Hôm nay, thế giới đã mất đi một trong những nghệ sĩ chói sáng nhất, một tâm hồn đẹp đẽ, một người phụ nữ thần thánh và là một trong những người bạn thân nhất của tôi, Virginia Zeani, “Mami Virginia” của tôi như tôi vẫn thường gọi”. Một trong những soprano hoàn hảo nhất của thế kỷ, một Violetta “toàn diện” nhất đã vĩnh viễn giã từ chúng ta như đạo diễn lừng danh Brian Large nhận xét: “Cô ấy đã mang đến cho vai diễn [Violetta] cảm xúc mãnh liệt và tinh tế đến mức khiến tất cả các buổi biểu diễn vở opera này trước đó đều phai mờ trong ký ức… Đây là điều kỳ diệu mà chỉ một nghệ sĩ vĩ đại mới có thể tạo ra”.

Có lẽ Zeani “đen đủi” hơn nhiều soprano, những người có được sự nghiệp hanh thông, nổi tiếng và ánh hào quang sân khấu. Nhưng Zeani thỏa mãn với sự nghiệp của mình như bà thú nhận: “Tôi hạnh phúc nhưng tôi cũng đau đớn: tôi bị viêm khớp sau khi chết đi sống lại nhiều lần và ngã trên sân khấu ở La Traviata, đến cuối đời đâu đâu cũng thấy đau. Nhưng tôi vẫn có thể thở, suy nghĩ và yêu, không phải tình yêu thể xác mà là tình yêu tinh thần… Tôi nghĩ mình đã được hát hết những vai mà mình yêu thích. Nếu phải kể tên một vai diễn yêu thích nhất thì đó chắc chắn là trong La Traviata, La Bohéme, Manon, những vở opera cho tôi cảm giác được sống, được yêu”. Dường như bà đã bị quên lãng, nhưng với những khán giả trung thành, các bản thu âm hiếm hoi của bà, kể cả từ nguồn không chính thống, vẫn luôn được tìm kiếm và trân trọng, bởi giờ đây, đó là cách duy nhất để tận hưởng một trong những giọng hát đẹp nhất của nghệ thuật opera.□

Nguồn:

Biography

https://www.gramilano.com/2015/10/interview-with-virginia-zeani-at-90-my-brain-believes-that-im-eternally-young/

———

Danh tiếng của Zeani không đồng nhất với những phẩm chất tuyệt vời của bà. Không chỉ không thu âm nhiều, Zeani cũng không thường xuyên xuất hiện bên ngoài châu Âu, tên tuổi bà chìm khuất trước nhiều soprano đình đám khác. Có thể giải thích lý do là bà thích không khí yên tĩnh, tránh xa những ồn ào náo nhiệt hay việc Zeani bị Walter Legge ngó lơ khi bà phải phá vỡ một hợp đồng đã ký kết tại Mĩ vì mang thai; bà ngừng hợp tác với Decca khi họ từ chối hợp tác với chồng bà, giọng bass người Ý Nicola Rossi-Lemeni. Đó thực sự là những mất mát to lớn đổi với khán giả bởi Zeani sở hữu một giọng soprano đầy biến hóa, âm vực rộng, có cả sự mềm mại và kịch tính, điều khiến bà dễ dàng hóa thân vào những vai bel canto của Vincenzo Bellini hay Gaetano Donizetti và cả những nữ anh hùng trong opera của Giuseppe Verdi hay Richard Wagner. Giọng hát của bà rực rỡ nhất, huyền ảo nhất vào đúng thời kỳ vàng son của kỷ nguyên ghi âm, nhưng thật trớ trêu, nó không được lưu giữ nhiều và đó một trong những điều đáng tiếc nhất.

Tác giả