VLADIMIR ASHKENAZY: Mọi nhà soạn nhạc đều khó hiểu

Có thể nói, nhờ sự góp mặt của cha con nghệ sĩ dương cầm Vladimir và Vovka Ashkenazy, Hòa nhạc Hennessy lần thứ 18 diễn ra vào tối 21 tháng Ba vừa qua là chương trình đỉnh nhất kể từ sau lần xuất hiện của nghệ sĩ cello huyền thoại người Nga Mstislav Rostropovich tại Hennessy lần đầu tiên năm 1996.

Tại buổi họp báo diễn ra trước đó, ngày 20 tháng Ba, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các nhà báo đã hết sức ngỡ ngàng trước thái độ giản dị và thân thiện của hai nghệ sĩ. Khi được hỏi ai là người khiến ông thấy khó hiểu nhất và khó thể hiện nhất, Vladimir Ashkenazy khiêm tốn trả lời: “Mọi nhà soạn nhạc đều rất khó hiểu. Tôi vẫn luôn cố gắng để tìm hiểu họ, cố hết sức để hiểu thông điệp họ muốn gửi gắm qua bản nhạc. Nhưng ai mà biết được tôi có hiểu họ hay không, vì có cách nào để đo đếm? Tâm nguyện của tôi chỉ là luôn luôn nỗ lực hết sức mà thôi.”

Có lẽ, các nghệ sĩ lớn nhất cũng là những người luôn xuất hiện với thái độ khiêm cung nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh mục tác phẩm đáng nể mà hai cha con nghệ sĩ Ashkenazy biểu diễn, có thể nói không có chút gì là khiêm tốn ở trong đó. Điều này thật dễ hiểu, bởi sân khấu là nơi để nghệ sĩ phô diễn tài năng cũng như thể hiện lòng tự hào về tình yêu và hiểu biết của mình với âm nhạc. Nghệ sĩ lớn, tham vọng lớn, và đương nhiên, cha con Ashkenazy thừa tài năng để thể hiện tham vọng âm nhạc của mình.

Khi mới tiếp xúc, tiếng đàn của Vladimir Ashkenazy có thể khiến nhiều người thấy hơi khô khan và quá mức rành mạch. Ông tỉnh táo tới mức thính giả phải rùng mình tự hỏi, họ đang nghe nghệ sĩ chơi đàn, hay đang nghe một hiền giả giảng bài. Vladimir Ashkenazy quả không hổ danh là nghệ sĩ có khả năng điều khiển màu sắc của âm thanh, khiến người nghe nhận thấy mọi biến chuyển xúc cảm xúc sâu sắc về mặt tư tưởng âm nhạc qua từng câu nhạc và chủ đề. Dần dà, thính giả cảm thấy như đang được một triết gia kể về tình yêu của ông với âm nhạc.

Cách tiếp cận tác phẩm của Vladimir Ashkenazy khác với nhiều nghệ sĩ piano lớn xuất phát từ các nhạc viện tại Liên Xô cũ. Càng nghe ông chơi đàn, người nghe càng thấy âm nhạc thuần túy không có biên giới, không phân biệt văn hóa, trí tuệ. Thứ âm nhạc mà Ashkenazy thể hiện cho người nghe hồ như cảm thấy một thác nước khổng lồ, không ngừng tuôn trào. Nó không đem lại cảm giác ấm áp, êm dịu và thân mật, cũng không phải thứ âm thanh khoa trương, lộng lẫy và hừng hực. Trái lại, nó thầm trầm và sâu thẳm, như suối nguồn không bao giờ cạn, cùng lúc khơi gợi cảm hứng với nghệ thuật trong mỗi người.

Ngược hẳn với cha mình, Vovka Ashkenazy có tiếng đàn tròn căng, sáng ấm và trẻ trung, đôi khi hơi hấp tấp, đôi khi lại hơi thiếu quyết đoán so với người cha, có lẽ do cách biệt tuổi tác, trải nghiệm và môi trường trưởng thành. Dù vậy, chính sự đối lập giữa âm thanh mà hai cha con Ashkenazy đem lại đã khiến buổi song tấu piano càng thêm giá trị. Khi được hỏi về áp lực khi phải biểu diễn cạnh người cha vĩ đại, anh nói mình không thấy có chút áp lực gì. Và Vovka Ashkenazy đã thể hiện điều đó qua phần trình diễn đầy tự tin của mình. Vladimir Ashkenazy, cũng thừa nhận con trai ông là một nghệ sĩ đặc biệt giỏi.

Phần I của chương trình bao gồm hai tác phẩm “Divertimento à la hongroise opus 54” của Franz Schubert và “Các khúc biến tấu trên chủ đề của nhà soạn nhạc Joseph Haydn, opus 56a” của Johannes Brahms. Hai tác phẩm này đều là điển hình cho trường phái “âm nhạc tuyệt đối” (pure music). Âm nhạc Đức vốn mang nặng tính triết học và các tác phẩm của họ luôn thiên về vẻ đẹp âm thanh. Cũng chính vì lý do ấy, có nhiều ý kiến cho rằng các nghệ sĩ gốc Nga không phù hợp biểu diễn tác phẩm của Đức, do khác biệt về suy nghĩ và trải nghiệm văn hóa. Nhưng với các nghệ sĩ hàng đầu, đã có trải nghiệm tại nhiều nơi trên thế giới như cha con Ashkenazy, không tác phẩm nào là ngoại lệ. Ashkenazy cha nổi tiếng với danh mục biểu diễn rộng nhất trong số các nghệ sĩ piano cùng thế hệ với ông.

Trái ngược với phần I, phần II của chương trình là sự phô diễn tư tưởng và sự cách tân âm nhạc. Cha con Ashkenazy đã chọn biểu diễn một tác phẩm đậm chất Nga là “Đêm Trên Núi Trọc” của Modest Mussorgsky, phiên bản piano song tấu gai góc do chính Vovka Ashkenazy chuyển soạn. Đây là tác phẩm thiên về trường phái “âm nhạc chương trình” (programme music), phiên bản gốc mô tả cuộc hội họp của một bầy phù thủy ngợi ca Thần Hắc Ám trước khi bị ánh bình minh và tiếng chuông nhà thờ xua tan. Phải có bản lĩnh của nghệ sĩ hàng đầu thế giới mới dám tự tin thể hiện hai mặt hoàn toàn đối lập của âm nhạc trong cùng một buổi biểu diễn như thế.

Kết thúc chương trình là tác phẩm “Lễ Bái Xuân” (The Rite of Spring) của Igor Stravinsky. Bản thân Stravinsky cũng là một nghệ sĩ piano hết sức tài năng và ông thường sáng tác dựa trên piano. Chính vì vậy, Vladimir Ashkenazy tự tin nói rằng ông không có gì ngần ngại khi thể hiện phiên bản chuyển soạn cho piano song tấu cùng con trai. Với tư cách một nhạc trưởng kiêm nghệ sĩ piano, ông cho rằng, phiên bản dành cho piano không hề mất đi tính đa sắc của bản gốc soạn cho dàn nhạc.

Thính giả có mặt tại Nhà hát Lớn ngày 21 tháng Ba như được chứng kiến cuộc đối thoại giữa hai nghệ sĩ, trong đó người trí thức trẻ cứ từng bước, từng bước đặt ra câu hỏi cho vị giáo sư đáng kính hồi đáp, người hồ như đã chứng kiến tất cả, về cuộc đời âm nhạc nói riêng và tình yêu nghệ thuật nói chung.

* Vladimir Ashkenazy (1937) là một trong số ít các nghệ sĩ có sự nghiệp nghệ thuật thành công ở cả hai vai trò: nghệ sĩ dương cầm và nhạc trưởng. Sinh ra ở Liên Xô rồi chuyển sang sống ở phương Tây từ năm 1963, Ashkenazy trở nên nổi tiếng thế giới sau khi giành giải nhì Cuộc thi Chopin năm 1955; ông còn là quán quân Cuộc thi âm nhạc mang tên Nữ hoàng Elizabeth tại Brussels năm 1956 và đồng giải nhất Cuộc thi Tchaikovsky năm 1962.

Ông từng là nhạc trưởng chính của Royal Philharmonic Orchestra của Anh (1987 – 1994), Czech Philharmonic (1998 – 2003). Ashkenazy còn là nhạc trưởng danh dự (conductor laureate) của Philharmonia Orchestra của Anh, Iceland Symphony Orchestra, và giám đốc âm nhạc của European Union Youth Orchestra. Tháng 7/2013, ông trở thành giám đốc Học viện Piano quốc tế di Imola của Ý. Các bản ghi âm của ông với tư cách nhạc trưởng bao gồm toàn bộ các giao hưởng của  Sibelius và Rachmaninoff, cũng như các tác phẩm viết cho dàn nhạc của Prokofiev, Shostakovich, Scriabin, Richard Strauss, Stravinsky, Beethoven, và Tchaikovsky.
Ngoài châu Âu, Ashkenazy từng làm giám đốc âm nhạc của NHK Symphony Orchestra (2004 – 2007), nhạc trưởng chính của Sydney Symphony Orchestra (2009 – 2013).

* Vovka Ashkenazy (1961) bắt đầu học piano từ năm lên sáu tuổi ở Ireland và năm 16 tuổi, anh đến Anh học với nghệ sĩ dương cầm Sulamita Aronovsky tại Nhạc viện Bắc Hoàng Gia, Manchester. Anh công diễn lần đầu tại Trung tâm Barbican ở London vào năm 1983 – cùng với Dàn nhạc Giao hưởng London và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Richard Hickox, anh đã biểu diễn Piano Concerto số 1 của Tchaikovsky. Kể từ đó, sự nghiệp nghệ thuật đã đưa anh đi khắp Châu Âu, đến Úc, New Zealand, Nhật Bản và các nước Châu Mỹ.

Vovka đã có dịp biểu diễn chung với hầu hết các dàn nhạc lớn của Anh và của nhiều nước khác như Dàn nhạc giao hưởng Los Angeles, Dàn nhạc thính phòng Australia, các dàn nhạc giao hưởng Berlin, Berne và Zürich Tonhalle. Vovka cũng từng biểu diễn cùng với cha tại nhiều khán phòng nổi tiếng thế giới như Hollywood Bowl, Nhà hát Opera Sydney, Nhà hát giao hưởng Berlin và Khán phòng Lễ hội Hoàng gia London…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)