Vũ khí bí mật của “biệt đội” Hollywood

Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, họ là hai trong số những tài năng thành công nhất Hollywood. Đó là Hedy Lamarr, được biết đến là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới” và nhà soạn nhạc George Antheil, với biệt danh là “gã trai nổi loạn trong âm nhạc”. Điều đưa hai người đến với nhau năm 1940 là sự thôi thúc muôn thuở từ một người muốn lưu giữ tuổi trẻ và một người muốn tô thêm vẻ đẹp tự nhiên, nhưng kết quả từ sự kết hợp đó là một hệ thống liên lạc bí mật mà Lamarr và Antheil hi vọng có thể giúp đánh bại phe Phát xít.


Hedy Lamarr. Nguồn: The Telegraph.

Người phụ nữ có tên khai sinh là Hedwig Eva Maria Kiesler sinh ngày 9/11/1913 tại Vienna. Bố cô là một người quản lý ngân hàng giàu có và mẹ là nghệ sĩ dương cầm. Cô được gửi đi học tập tại Thụy Sĩ và trở thành một thiếu nữ với vẻ đẹp rạng ngời và bắt đầu tham gia đóng các phim nhỏ của Đức và Áo. Năm 1932, cô đóng trong bộ phim “Ectasy” – “Cực khoái” của Séc-Slovakia, nhanh chóng bị cấm chiếu ở Áo vì khỏa thân trong phim và vì một cận cảnh biểu cảm trên mặt cô, thể hiện cảm xúc tựa như tiêu đề phim.

Năm 1933, cô kết hôn với Friedrich Mandl, một nhà tài phiệt sản xuất vũ khí người Do Thái cải đạo sang Công giáo để làm ăn với giới công nghiệp Phát xít. Ông này tổ chức các bữa tiệc linh đình ở nhà hai vợ chồng, nơi mà về sau cô kể lại rằng, cả Adolf Hitler và Benito Mussolini đều từng là khách mời. Lamarr cũng nói rằng Mandl gần như giam cô trong biệt thự, nếu ông đưa cô theo trong những buổi gặp làm ăn thì chỉ vì khả năng toán học của cô. Trong những buổi này, cô học được về quân sự và công nghệ sóng radio. Kết hôn được bốn năm, cô chạy trốn khỏi Áo và tới Paris, yêu cầu li dị và gặp Louis B. Mayer, nhà sản xuất phim Mỹ của hãng phim Metro – Goldwyn – Mayer (MGM) lớn nhất, hoành tráng nhất, đáng kính trọng nhất trong lịch sử Hollywood.

Mayer ngay lập tức ký hợp đồng và giúp cô chọn nghệ danh Hedy Lamarr trên màn ảnh bạc. Cô đóng trong những phim như Những người Angeri (Algiers), Thành phố nổ (Boom Town) và Hàng trắng (White Cargo), sánh vai cùng với những tên tuổi lớn nhất khi đó như Clark Gable, Spencer Tracy và John Garfield. MGM lúc đó đang ở giai đoạn hoàng kim và Mayer quảng bá Lamarr là “người phụ nữ đẹp nhất trên thế giới”.

Mặc dù sở hữu một vẻ đẹp không có gì bàn cãi, Lamarr nghĩ rằng vẫn có những cách khác để nâng cao bản thân. Trong một bữa tiệc ở Hollywood, cô gặp Geogre Antheil, một nhà soạn nhạc bé nhỏ có vẻ ngoài nhanh nhẹn, nổi tiếng trong cả hai lĩnh vực nhạc cổ điển và nhạc thể nghiệm. Sinh năm 1900 và lớn lên ở Trenton, New Jersey, Antheil được coi là một thần đồng. Sau khi học piano ở Mỹ và châu Âu, ông sống ở Paris đầu những năm 1920, nơi ông gặp và làm bạn với Ezra Pound, James Joyce và Ernest Herminway.

Vào giữa những năm 1930, Antheil tới Hollywood, soạn hàng chục bản nhạc phim cho những nhà làm phim nổi tiếng nhất, có cả Cecil B. DeMille. Ông cũng viết tiểu thuyết trinh thám, “Cái chết trong tăm tối” cũng như loạt bài cho tạp chí Esquire. Trong bài báo “Về các tuyến cơ thể cho đàn ông tò mò”, ông viết rằng việc có một tuyến yên khỏe mạnh sẽ khiến bộ ngực của người phụ nữ nở nang. Lamarr chớp lấy ý tưởng đó, và khi gặp Antheil, cô hỏi lời khuyên của ông về việc tăng kích cỡ ngực mà không cần phẫu thuật.

Từ lúc nào không biết, cuộc trò chuyện của họ đã chuyển từ việc nâng ngực tới ngư lôi và việc sử dụng bộ điều khiển sóng radio để “lái” chúng tới mục tiêu. Rõ ràng là Lamarr đã học hỏi được kiến thức về vũ khí từ cuộc hôn nhân đầu. Cô hiểu rằng nếu chỉ truyền sóng radio trên một tần số thì sẽ rất dễ bị phá sóng hoặc bị nghe trộm – nhưng nếu những tín hiệu điều khiển được gửi đi trên nhiều tần số khác nhau giữa thiết bị phát và thiết bị thu, thì những gì đối phương thu được chỉ là một loạt các tiếng bíp ngẫu nhiên trên bất kì tần số nào. Cô phác thảo ra một hệ thống “tần số nhảy nhót” (nhảy tần). Tuy nhiên, thách thức là làm sao để đồng bộ “điệu nhảy” giữa thiết bị phát và thu.

Bản thân Anthiel không lạ gì với vũ khí, anh từng làm thanh tra đạn dược. Hơn nữa, anh còn soạn bản nhạc Ballet Mecanique, với sự đồng bộ của 16 piano chơi tự động. Với tín hiệu radio nhảy giữa các tần số giống như những phím đàn piano, Lamarr và Anthiel tin rằng họ có thể tạo ra một hệ thống chống phá sóng cho ngư lôi. Hệ thống này gồm hai ống trụ quay bằng động cơ, như trong piano chơi tự động, lắp trong thiết bị phát tín hiệu và trong ngư lôi, có thể đồng bộ trên 88 tần số – chính là số phím đàn piano.

Xin tư vấn của một giáo sư kĩ thuật điện tử ở Caltech, hai người phát triển chi tiết phát minh của mình trong thời gian rảnh rỗi. Antheil tiếp tục soạn nhạc phim và Lamarr, ở tuổi 26, đóng trong phim Cô gái Ziegfeld (Ziegfeld Girl) bên cạnh Jimmy Stewart và Judy Garland. Họ nộp đơn đăng ký sáng chế cho “Hệ thống liên lạc bí mật” năm 1941 và tháng 10 năm đó, tờ New York Times đưa tin Lamarr đã sáng chế ra một thiết bị quá “nóng hổi” và cần thiết với quốc phòng “khiến chính phủ không cho phép công bố chi tiết”, chỉ nói rằng nó liên quan tới việc “điều khiển từ xa các máy móc phục vụ chiến tranh”.

Sau khi phát minh của họ được công nhận vào 11/8/1942, họ tặng cho Hải quân Mỹ – như một nghĩa cử yêu nước. Nhưng những nhà nghiên cứu của hải quân nghĩ rằng một cơ cấu giống như piano là quá cồng kềnh để lắp trong ngư lôi, và bỏ qua ý tưởng nhảy tần. Thay vào đó, người ta bảo Lamarr nên ủng hộ cuộc chiến bằng cách giúp bán trái phiếu chiến tranh, và cô làm vậy thật: Cô sẽ hôn bất kì ai nếu họ mua 25.000 USD trái phiếu. Và cô bán tới 7 triệu USD trái phiếu chỉ trong một buổi tối.

Mãi đến những năm 1950, các kĩ sư của công ty Điện tử Sylvania mới thử nghiệm những ý tưởng trong tài liệu của Lamarr và Antheil. Thay vì một thiết bị cơ học để nhảy tần, những kĩ sư này đã phát triển phương thức điện tử để thực hiện công nghệ trải phổ trong thời kì Mỹ dùng hải lực phong tỏa Cuba vào năm 1962. Lúc đó, bằng sáng chế của Lamarr và Antheil đã hết hạn và Antheil đã qua đời vì đột quỵ.

Không thể biết chính xác phát minh của Lamarr và Antheil đã ảnh hưởng nhiều thế nào tới công nghệ trải phổ, công nghệ đã trở thành cốt lõi của truyền thông không dây như GPS, Bluetooth, Wifi, 3G ngày nay. Chỉ có một điều chắc chắn là họ không nhận được một xu nào từ sáng chế này. Họ đã phát triển một ý tưởng đi trước thời đại.

Những năm cuối đời của Hedy Lamarr không lấy gì làm tốt đẹp. “Bất kì cô gái nào cũng có thể quyến rũ”, bà từng nói. “Tất cả những gì họ cần làm là đứng yên và tỏ ra ngu ngơ”. Bà kết hôn và li dị sáu lần, và khi những lời mời đóng phim thưa dần đi, tài chính của bà cũng sụt giảm. Năm 1966, bà bị bắt vì trộm đồ trong một trung tâm thương mại ở Los Angeles. Bà phẫu thuật thẩm mĩ nhiều tới mức con trai bà Anthony Loder bảo mẹ của mình trông như “quái vật Frankenstein”. Bà trở nên giận giữ, khó gần và liên tiếp rơi vào kiện tụng. Bà từng kiện Mel Brooks và nhà sản xuất phim Blazing Saddles vì đặt tên cho nhân vật là “Hedley Lamarr” và kiện Tập đoàn Corel vì sử dụng hình ảnh của bà trên bao bì sản phẩm phần mềm. Cả hai đơn kiện đều bị tòa bác bỏ. Bà sống trong một căn nhà khiêm tốn tại Orlando, Florida, nơi bà mất năm 2000 ở tuổi 86.

Hedy Lamarr có một ngôi sao trên Đại lộ danh vọng Hollywood. Năm 1998, bà nhận được một giải thưởng khác với tất cả các ngôi sao màn bạc: Tổ chức Electronic Frontier Foundation (Quỹ Điện tử Tiên phong) trao tặng giải Tiên phong cho bà và George Antheil, ghi nhận “đóng góp đáng kể và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của các phương thức truyền tin dựa trên máy tính”.  
“Mãi rồi cũng đến lúc” – Bà nói như vậy.     

Hảo Linh dịch
https://www.smithsonianmag.com/history/team-hollywoods-secret-weapons-system-103619955/

 

Tác giả