Vũ Trọng Phụng – Một nhà văn của lý tưởng Cộng hòa?
Góc nhìn của Vũ Trọng Phụng, theo tổng kết và dẫn giải của Peter Zinoman, là quan điểm kiểu “chủ nghĩa cộng hòa thuộc địa muộn” (late colonial republicanism) hay một lý tưởng cộng hòa được tiếp thu qua con đường thuộc địa và có phần chậm muộn hơn so với nguồn gốc ban đầu của nó.
Vũ Trọng Phụng là một trong những cây bút có tiếng vang nhất của văn chương Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Rất nhiều nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đã được tiến hành, đa phần chủ yếu xoay quanh việc kiến giải ông trong tư cách một nhà văn hiện thực chủ nghĩa với các tác phẩm phóng sự và văn chương không ngại đề cập đến những hiện thực ngồn ngộn trong đời sống thuộc địa đương thời. Nhưng với công trình “Vietnamese Colonial Republican. The Political Vision of Vu Trong Phung” (Nhà tư tưởng cộng hoà thuộc địa của Việt Nam – Tầm nhìn chính trị của Vũ Trọng Phụng), được nhà in Đại học California xuất bản năm 2014, giáo sư Peter Zinoman đã đặt ra một cách tiếp cận hết sức mới mẻ về hiện tượng Vũ Trọng Phụng, khi nhìn ông như một trí thức thuộc địa tiêu biểu lựa chọn theo tư tưởng Cộng hoà – một hệ tư tưởng được du nhập từ Pháp và khá phổ biến trong giới trí thức Tây học đương thời.
Khi viết Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh và Hoài Chân đã phân tích sự chuyển mình của đời sống xã hội và đặc biệt là của giới trí thức Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, bắt đầu từ những thay đổi trong đời sống vật chất (sinh hoạt hằng ngày) đến những thay đổi về suy nghĩ quan niệm (vận động tư tưởng), và cuối cùng là nơi sâu nhất – đời sống tình cảm (hay “nhịp rung cảm”) của mỗi cá nhân1. Sự chuyển dịch mang tính nền tảng về điểm tựa văn hóa (từ Hán học sang Tây học) giai đoạn này đã cho ra đời một thế hệ trí thức/văn sĩ mới, có sự tiếp nhận một luồng tri thức hoàn toàn mới so với cả ngàn năm trước đó; hệ thống điển phạm cũ bị thay thế dần, song song với việc những mô thức tự sự mới mẻ kiểu văn chương Âu-Tây cũng được tích cực “du hành” vào bối cảnh văn học Việt giai đoạn ấy. Các nhà văn giai đoạn ấy, có thể nói, đã thoát khỏi khuôn khổ văn chương khoa cử trước đó để tìm được cho mình những thần tượng mới, những mẫu hình mới. Vũ Trọng Phụng, tất nhiên, chính là một trường hợp điển hình của lớp văn sĩ thuộc địa đương thời khi nền tảng học vấn, nền tảng đọc và tiếp nhận văn hóa, văn chương của ông đa phần đến từ một nguồn chủ đạo là tri thức Âu-Tây được “nhập khẩu” vào Việt Nam bằng con đường giáo dục, cùng việc tiếp nhận/nhập khẩu sách báo Pháp và sự nổi lên của dịch thuật tác phẩm văn chương Pháp.
Vũ Trọng Phụng ” một trí thức của “chủ nghĩa cộng hòa thuộc địa muộn”
Trong vòng chưa đến nửa thế kỷ, xã hội thuộc địa Việt Nam chứng kiến những sự chuyển mình lớn lao như một hệ quả tất yếu của quá trình xâm thực thuộc địa Âu Tây, khi nó trực tiếp tấn công vào một không gian văn hóa xã hội phong kiến với những rường mối cực kì vững chắc đã được xây dựng và củng cố qua cả ngàn năm. Trong buổi giao thời, những cải cách của chính quyền thuộc địa đã để lại dấu ấn mạnh mẽ lên không chỉ một vài mà toàn bộ thế hệ của nhà văn; tiêu biểu như hệ thống trường bảo hộ, mà ở đó thanh niên Việt Nam giữa hai cuộc Thế chiến được học tiếng Pháp và bắt đầu có những tiếp xúc ban đầu với các giá trị cộng hòa. Sự tiếp xúc này, không thể chối bỏ, đã khiến giới trí thức Việt suốt một giai đoạn dài, được phần nào hưởng thụ những khía cạnh tích cực của một nền chính trị theo lý tưởng cộng hòa. Ba vị toàn quyền Albert Sarraut, Alexandre Varenne và Jule Brévié cộng hòa nhận nhiệm vụ ở Đông Dương trong giai đoạn Vũ Trọng Phụng sống đã để lại dấu ấn quan trọng, “bằng cách thúc đẩy sự phát triển của báo chí tiếng Việt, những cải cách của Albert Sarraut đã mang lại một thiên hướng trí thức độc lập cho những nam giới có học thức (và một bộ phận nữ giới), khuyến khích tự do ngôn luận. Alexandre Varenne đã tổ chức lại các hội đồng chức trách địa phương, mở rộng cơ hội việc làm cho những người ứng tuyển bản địa, đồng thời tăng nguồn tài trợ của nhà nước cho y tế công cộng và xóa đói giảm nghèo. Jule Brévié chủ trì chương trình cải cách đầy tham vọng của Mặt trận Nhân dân, tính chính trị của chương trình này đã được tranh luận gay gắt trong các bài viết của Vũ Trọng Phụng và những người đồng trang lứa với ông”2.
Góc nhìn của Vũ Trọng Phụng, cuối cùng, theo tổng kết và dẫn giải của Zinoman, là quan điểm kiểu “chủ nghĩa cộng hòa thuộc địa muộn” (late colonial republicanism) hay một lý tưởng cộng hòa được tiếp thu qua con đường thuộc địa và có phần chậm muộn hơn so với nguồn gốc ban đầu của nó.
Như thế, những nhà văn như Vũ Trọng Phụng thuộc thế hệ học sinh Việt Nam đầu tiên ở miền Bắc được học tiểu học hoàn toàn bằng tiếng Pháp và bằng chữ Quốc ngữ. Hay theo lời Peter Zinoman, Vũ Trọng Phụng và các bạn cùng thời với ông đã tiếp nhận một định hướng văn hóa hoàn toàn khác biệt so với các thế hệ trí thức Bắc Việt trước đó. Chính vì thế, theo Zinoman, có nhiều lí do chính đáng để nhấn mạnh mối quan hệ giữa Vũ Trọng Phụng và tư tưởng cộng hòa: “Ông được tiếp cận với nền văn hóa chính trị cộng hòa thông qua hệ thống trường học thuộc địa và sự phát hành rộng rãi báo chí và sách vở ở đô thị Đông Dương. Những vị anh hùng của ông, Victor Hugo và Emile Zola, là những người khổng lồ của chủ nghĩa cộng hòa văn học”; và nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cộng hòa có thể được đọc ra khá rõ trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng: từ “mối bận tâm của ông đối với khoa học xã hội, quan điểm của ông về chủ nghĩa cộng hòa, cam kết tự do ngôn luận và pháp quyền”, đến cả “sự nôn nóng xóa bỏ những giáo điều tôn giáo và thiên hướng văn học theo chủ nghĩa hiện thực” (tr.8). Chính góc nhìn chính trị này về xã hội (trên phương diện thiết chế xã hội cũng như trên phương diện văn chương với các cây bút lớn đại diện cho tư tưởng cộng hòa) đã truyền cảm hứng cho Vũ Trọng Phụng và các trí thức cùng thế hệ với ông. Và chính lý tưởng về một nền cộng hòa dân chủ, theo dẫn giải của Zinoman, đã khiến tác giả nhận thức sâu sắc sự vênh lệch và thất bại của chính quyền thuộc địa cũng như các thể chế dân sự thuộc địa trong việc thực thi các lý tưởng mà nó truyền bá và rao giảng. Chính điều này, đến lượt nó, lại đem đến những âm sắc khác biệt và đặc thù của tiếng nói trào phúng Vũ Trọng Phụng.
Không chỉ thế, trong một bài xã thuyết xuất bản năm 1937, Vũ Trọng Phụng đã kêu gọi thành lập một “nền cộng hòa dân chủ” ở Đông Dương nhằm đảm bảo “một danh sách đầy đủ các quyền tự do” cho công dân nơi đây, bao gồm “tự do đi qua Pháp, tự do xuất ngoại, tự do hội họp và tự do buôn bán”. Một trong những lý tưởng tự do quan trọng và đặc biệt có giá trị xã hội theo tư tưởng cộng hòa được Vũ Trọng Phụng áp dụng triệt để là “tư tưởng tự do ngôn luận” (Peter Zinoman, tr.37). Các tranh luận báo chí về chủ đề này của tác giả có thể được xem là minh chứng rõ nét nhất, và những tác phẩm trào phúng của ông là hiện thân của lý tưởng cầm bút và lên tiếng ấy. Trong “Bức thư ngỏ cho một độc giả” đăng trên báo Tương lai, số 11, tháng 3/1937, Vũ Trọng Phụng thẳng thắn phát biểu: “Người đời sợ sự thực, nó ô uế, nó xấu xa. Có một vết thương sâu quảng, người đời chỉ muốn lấy lụa là, gấm vóc phủ lên trên, nhưng thế có phải đâu là chữa bệnh! Phải mổ nó ra, mặc lòng nó bẩn mắt, nó khó chịu cho khứu quan. Xã hội này có vết thương, tôi phô nó ra để ngài biết mà chạy chữa”. Việc cất tiếng và ý thức về quyền cất tiếng cũng như về phạm vi xã hội được phép lên tiếng đối với người cẩm bút, như thế, được nới mở hết sức; trọng trách xã hội của một nhà văn, theo đó, cũng được đặt ra.
Góc nhìn của Vũ Trọng Phụng, cuối cùng, theo tổng kết và dẫn giải của Zinoman, là quan điểm kiểu “chủ nghĩa cộng hòa thuộc địa muộn” (late colonial republicanism) hay một lý tưởng cộng hòa được tiếp thu qua con đường thuộc địa và có phần chậm muộn hơn so với nguồn gốc ban đầu của nó: “Bắt nguồn từ văn hóa cai trị của đế quốc Pháp, chủ nghĩa cộng hòa thuộc địa muộn bắt nguồn từ truyền thống chính trị thế kỷ XVIII đã thúc đẩy Cách mạng năm 1789 và tồn tại, dưới một hình thức được sửa đổi lại, trong những thập kỷ cuối cùng của nền Cộng hòa thứ ba (1870-1940). Nền tảng lập luận của nó là bộ ba Tự do-Bình đẳng-và Bác ái; kẻ thù không đội trời chung của nó là chế độ chuyên quyền của chế độ quân chủ và chủ nghĩa ngu dân của Giáo hội; và từ vựng của nó là biểu tượng Cách mạng năm 1789 và 1848. Chủ nghĩa Cộng hòa ủng hộ việc dân chủ hóa đời sống chính trị thông qua việc mở rộng quyền bầu cử và nuôi dưỡng một công dân có lý trí, có tinh thần công dân thông qua giáo dục đại chúng. Nó cũng thúc đẩy sự gắn bó với quốc gia như một sự thay thế cho sức mạnh thống nhất của Giáo hội và chế độ quân chủ”3.
Vậy, góc nhìn theo tư tưởng cộng hòa này có sự chi phối thế nào đến sáng tác của ông, tiêu biêu như Số đỏ?
Số đỏ – một đối thoại xã hội từ lý tưởng cộng hòa
Lý tưởng cộng hòa và sự bất mãn cay đắng khi những hứa hẹn ấy bị vỡ tan như bọt bóng xà phòng, như thế, chính là nguồn cơn cho những châm biếm đả kích xã hội và cảm hứng trào phúng trong văn Vũ Trọng Phụng. Không chỉ thế, tiềm năng đem đến những thay đổi cho xã hội từ sự lên tiếng quyết liệt từ mỗi cá nhân (một quan điểm vốn thấm đẫm lý tưởng cộng hòa) được thể hiện rõ qua chính tác phẩm trào phúng như Số đỏ, với liên tiếp những sự “lộn trái” về “văn minh”, về “tự do-bình đẳng” như một cách để chất vấn chính sự cọc cạch, vênh lệch mà các đại diện của chính quyền Pháp muốn rao giảng cũng như tham vọng thực thi ở xứ sở thuộc địa.
Chẳng hạn, ngay trong chương II của Số đỏ, đã có thể thấy một sự “giễu nhại” của Vũ Trọng Phụng đối với lý tưởng giáo dục đại chúng theo tinh thần cộng hòa của Pháp quốc mà chính quan Toàn quyền đương thời là một đại diện. Sự đối lập nghịch lí trớ trêu của hiện trạng thực tiễn với lý thuyết và hứa hẹn giáo dục được phơi bày sắc bén qua lối nói ngược của Vũ Trọng Phụng: “Ngày nay dân ta văn minh mất rồi, rõ thảm thay! Thầy phải biết là xưa kia, xã hội tinh những du côn và nặc nô, tinh những người bất lịch sự, chỗ nào cũng phóng uế, cũng đánh nhau. Hồi ấy có khi bốn người ngồi cùng một xe! Họ chửi nhau hàng nửa giờ, đánh nhau vỡ đầu, nhà cửa của họ thì rác rưởi […] Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả […] Ngay cả đến trẻ con chúng nó cũng không bậy bạ như xưa! Đứa nào cũng quần áo bảnh bao, đứng đắn lắm, trèo me trèo sấu, đá bóng giữa đường, những cái ấy là thôi cả.”4 Để rồi, càng đi sâu vào những trang viết của cuốn tiểu thuyết, người đọc càng nhận ra tất cả những thay đổi mang tính văn minh hóa ấy, những chuyển đổi mang lại cảm tưởng về nâng cao dân trí đại chúng ấy, thực chất chỉ là cái vỏ bề ngoài, khi nhà văn từng bước lật trái cái “lõi” bên trong xã hội được trưng ra dưới cái mác văn minh ở khắp mọi nơi.
Lý tưởng cộng hòa và sự bất mãn cay đắng khi những hứa hẹn ấy bị vỡ tan như bọt bóng xà phòng, như thế, chính là nguồn cơn cho những châm biếm đả kích xã hội và cảm hứng trào phúng trong văn Vũ Trọng Phụng.
Với Vũ Trọng Phụng, tưởng như tất cả những diễn ngôn và hình thức của một lý tưởng cộng hòa đều được hiện diện ở mảnh đất thuộc địa này (hay nói theo cách của Zinoman là các “nghi thức dân sự” như diễu hành, sự kiện thể thao, diễn thuyết chính trị); nhưng đáng buồn (và cũng đáng nực cười thay), tất cả chỉ là những cái mác, không hơn. Như một phản đề, sự trưng trổ quyền lực của bộ máy cầm quyền cồng kềnh được thể hiện qua những miêu tả về Sở cẩm, và cũng chính trong những mô tả về kiểu không gian “khuất mắt trông coi” này của các nhà giam, thực trạng của một nền dân trí thấp và sự khánh kiệt không chỉ về kinh tế mà cả về danh dự và nhân phẩm của một bộ phận không nhỏ công dân thuộc địa được phô bày: “Một sở cẩm to, oai, trông rợn tóc gáy, có bảy tám ông Cẩm ria mép to tướng ngực đặc những mề đay, ông nào cũng đeo súng lục! Lại có hàng trăm đội sếp dùi cui sơn trắng, cầm những xích to tướng, mà để bô thì cửa gióng sắt như chuồng hổ, tinh những muỗi với rệp, giam được hàng vài trăm người” (tr.162). Không những thế, hứa hẹn hão huyền về một nền báo chí tự do ngôn luận theo tư tưởng cộng hòa cũng bị Vũ Trọng Phụng lật tẩy chỉ qua một đoạn văn ngắn ghi lại những suy tư ngẫm ngợi của ông Joseph Thiết: “Ông Joseph Thiết – một bạn thân của Văn Minh – thì ngồi trầm tư mặc tưởng với cái lý tưởng mở một tờ báo bảo hoàng, không phải làm việc cho triều đình Huế, nhưng cho dòng họ Orléans bên Pháp, và cho ông Léon Daudet” (tr.212). Sự kệch cỡm của tư duy mở báo và cho mở những cơ quan ngôn luận dưới chính quyền thuộc địa, qua đó, lộ ra toàn bộ sự giả tạo sống sượng: mượn tự do báo chí để mở một tờ báo bảo hoàng (một tư duy đối lập hoàn toàn với căn rễ của tư tưởng cộng hòa), mượn danh nghĩa của một bước tiến để kéo thêm một bước tụt lùi.
Và nếu như tư tưởng cộng hòa, chịu sự ảnh hưởng chủ đạo từ chủ nghĩa Khai sáng, khuyến khích và thúc đẩy các giá trị như “tiến bộ, khoa học, lí tính và ý thức về một công dân tốt”5, thì chỉ cần qua hình tượng Xuân Tóc Đỏ, người đọc đã có thể thấy đầy đủ những hiện thân đầy “nghịch dị” của lý tưởng này: bài học về “tiến bộ” của Xuân Tóc Đỏ cũng như những quan điểm mới “Âu hóa” hơn, “văn minh hơn” về gia đình và xã hội được tiếp nhận qua câu chuyện về “người chồng mọc sừng” (Số đỏ, Chương V), việc Xuân trở thành một nhân tố công dân tham gia tích cực vào công cuộc tiến bộ xã hội (như lời ông chủ tiệm may nói với Xuân: “anh hãy cố sức giúp xã hội trong cuộc Âu hóa. Anh phải nhớ kĩ rằng hôm nay trở đi, anh đã dự một phần vào cuộc cải cách xã hội rồi! Từ đây mà đi, xã hội văn minh hay dã man là trách nhiệm ở anh!”, tr.187) té ra lại là làm công việc trông coi một cửa hàng đầy những trang phục “thắt đáy, nở ngực, nở đít”. Thủ pháp đối lập giữa tiền đề hay lý thuyết với kết quả và hành động khiến tiếng cười bật ra khi người đọc được dẫn dắt qua từng chi tiết của tác phẩm.
Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có thể được đặt ngang hàng với tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn trên thế giới, hay nói như Peter Zinoman, Vũ Trọng Phụng của văn học Việt Nam có thể ví với tầm vóc của George Orwell trong nền văn học Anh.
Ngay đến cả việc bồi đắp kiến thức khoa học cho công dân – một lý tưởng cộng hòa đầy tính cấp tiến khác, khi bước vào văn Vũ Trọng Phụng, cũng trở thành một sự đi tắt đón đầu, một sự lố bịch và giả cầy: “Xuân Tóc Đỏ nhảy vào khoa học” (Số đỏ, Chương VI). Sự giễu nhại tinh thần khoa học giả tạo và màu mè bề nổi này còn được thấy rõ hơn qua “cuộc khẩu chiến của mấy nhà khoa học” ở chương VII. Đó là cuộc tranh luận giữa hai vị “danh sư” lang Tỳ và lang Phế (đại diện cho nền y học cũ) với đốc-tờ Xuân – cái tên đại diện cho cuộc Âu hóa, nhân tố tích cực của công cuộc văn minh, nhưng lại lộ ra hết những sự ấu trĩ, mông muội của kẻ theo đòi ngành thuốc nhờ nghề bán cao đơn hoàn tán dạo và nhặt ban quần: “Đây, thuốc Thánh chúng tôi xin ở đền Bia cho cụ chúng tôi đây. Thưa hai cụ, khoa học của người trần dù tiến bộ đến bậc nào thì cũng chẳng mầu nhiệm bằng sự cứu vớt chúng sinh của đức Thánh được” (tr.216).
Sự rởm đời kệch cỡm càng được đẩy lên cao hơn khi Xuân dần được những người xung quanh khoác lên mình định danh “sinh viên trường Thuốc”, một dán nhãn dành riêng cho một bộ phận trí thức quy tụ được tri thức y học phương Tây, nâng y lên một đẳng cấp khác hẳn. Dù chưa thể xác quyết ngay những ảnh hưởng của văn chương phương Tây đến cách xây dựng chi tiết này của Vũ Trọng Phụng, nhưng có thể kể đến một sự tương đồng (có lẽ không hoàn toàn ngẫu nhiên) là, trong các tác phẩm văn học phương Tây (cụ thể là văn học Pháp), nghề thuốc và những kẻ tự nhận mình là “bác sĩ”, tự xưng mình nắm giữ tri thức y học, thường xuyên trở thành đối tượng bị châm biếm, đả kích. Có lẽ đó là bởi y học là một lĩnh vực mà sự giả cầy về hiểu biết và tri thức được bày ra rõ nhất, mà sự dốt nát cóp nhặt chỉ có thể lòe bịp những kẻ cũng đạo đức giả không kém. Không khó để dẫn ra một số hình tượng trí thức y khoa kệch cỡm trong văn học phương Tây gần với Xuân Tóc Đỏ. Chẳng hạn, đó là “quý ông” Homais trong truyện Bà Bovary của Flaubert, một người ưa diễn thuyết khoa trương, tìm cách len lỏi vào những cuộc hội họp tụ tập của giới thượng lưu để khoe bày trưng trổ huyên thiên về những kiến thức y học y cóp nhặt một cách vụn vặt, chắp ghép một cách bừa bãi và hoàn toàn không hiểu gì về chúng, nhưng cuối cùng lại được nhận mề đay (huân chương) cống hiến. Dễ thấy ở đây sự tương đồng trong motif một kẻ khôn lỏi chen chân vào giới nhà giàu, lòe bịp bằng thứ tri thức y học giả cầy nhưng cuối cùng lại ăn may và thành công ở cả Xuân và Homais. Trong Số đỏ, tiếng cười càng vỡ ra khi người đọc chứng kiến Xuân chẩn đoán trọng bệnh cho một cụ cố Hồng “bệnh tưởng” hệt như vậy, đem “nước ruộng, nước ao” cho cụ uống, lại còn biện hộ “Thánh” chỉ phù cho những đốc-tờ Tây học chứ chẳng cho những ông “lang ta”: “Thưa cụ, con đã xin âm dương. Thánh truyền rằng một ông đốc-tờ mà chịu ơn Thánh thì Thánh sẵn lòng giúp lắm, Chứ mà ông lang ta thì không đời nào thánh giúp” (tr.220). Sau tiếng cười ấy, tất cả những gì giả cầy nhất, lố lăng trơ tráo nhất dưới cái danh “đốc tờ” và “lang tây” đã bị phơi lộ đến tận cùng. Cái nhân tố được mệnh danh là công dân tích cực góp phần cho công cuộc Âu hóa như Xuân, té ra, lại là kẻ kéo lui mọi thứ về hướng dốt nát hơn, ngu muội hơn. Văn chương Vũ Trọng Phụng tấn công những rởm đời, lố bịch, nhố nhăng, và có thể nói là “nhơ nhuốc” nhất trong xã hội đương thời, nhưng tiềm ẩn đằng sau tất cả lại chính khát vọng hướng đến lý tưởng cao đẹp về một xã hội thực sự “văn minh”, “tự do”, “bình đẳng” mà nước Đại Pháp đương thời hứa hẹn mang tới (nhưng chính nó cũng bội phản lại niềm tin này, cũng như bội phản lại sự mong đợi của những trí thức thuộc địa như Vũ Trọng Phụng).
***
Có thể thấy, nếu như ở Nguyễn Công Hoan và Tú Mỡ, mâu thuẫn trào phúng nổi bật vẫn là mâu thuẫn dân tộc (tiếp tục con đường của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương), hay cụ thể hơn là mâu thuẫn giữa những người yêu nước và lên tiếng bằng ngòi bút với chế độ thực dân phong kiến do thực dân Pháp và chính quyền tay sai dựng nên – những kẻ đã tạo nên một xã hội đáng cười với những bi kịch cười ra nước mắt của người dân thuộc địa; thì với Vũ Trọng Phụng, mâu thuẫn trào phúng không chỉ dừng lại ở đó. Thứ diễn ngôn hiện thực được ông thể hiện trong cuốn tiểu thuyết trào phúng nổi tiếng của mình (Số đỏ) còn chứa đựng những mâu thuẫn thường nhật nảy sinh trong lòng xã hội. Và những chất vấn của ông, như Zinoman chỉ ra, có căn nguyên sâu xa từ tư tưởng cộng hòa mà chính Vũ Trọng Phụng tiếp nhận từ bối cảnh và hệ thống giáo dục cũng như sách báo đương thời. Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân tác phẩm của ông có thể được đặt ngang hàng với tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn trên thế giới, hay nói như Peter Zinoman, Vũ Trọng Phụng của văn học Việt Nam có thể ví với tầm vóc của George Orwell trong nền văn học Anh.□
*Về tác giả Đặng Hà: Nghiên cứu viên, Viện Văn học.
——
1 Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB.Văn học, 2002.
2 Peter Zinoman, Vietnamese Colonial Republican, Sđd., tr.7.
3 Peter Zinoman, Vietnamese Colonial Republican, Sđd., tr.5.
4 Vũ Trọng Phụng (2004), Toàn tập (2), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 159-160.
5 Peter Zinoman, Vietnamese Colonial Republican, Sđd., tr.23.
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024