Vượn trần trụi

Khi nói về Vượn trần trụi*, rất nhiều độc giả phương Tây nhận định, đó là một trong những cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn tới họ về nhân sinh quan. Ra đời vào thời điểm năm 1967, Vượn trần trụi đã gây ra một cơn chấn động, bởi trước đó chưa có cuốn sách phổ thông nào về con người nào lại trần trụi, lạnh lùng và thấu suốt đến thế.

Trong Vượn trần trụi, Desmond Morris – nhà cách mạng lớn của ngành động vật học – gây chấn động dư luận thời bấy giờ với quan niệm rằng, để hiểu thêm về chính mình, loài người nên nhìn nhận bản thân như một nhà động vật học nhìn nhận một loài động vật mới lạ.

Vượn trần trụi là một nghiên cứu gây sửng sốt về con người, phơi bày những gì chân thực nhất mà qua hàng ngàn năm loài người chúng ta vẫn cố gắng giấu kín. Thay vì như cách các nhà tâm thần học và xã hội học vẫn làm, Morris phân loại một cách toàn diện loài người dựa trên giải phẫu học, tâm lý học, xã hội học… Với cách lập luận sắc sảo và những ý tưởng đột phá, Desmond Morris nhắc nhở chúng ta rằng loài người cũng chỉ là họ hàng với loài vượn, nhưng dù vậy, chẳng có gì khiến chúng ta phải ngượng ngùng, vì rốt cuộc, chúng ta vẫn là loài linh trưởng ưu việt nhất từ trước đến nay.

Với kiến thức từ hàng chục năm nghiên cứu, Morris chứng minh mối liên hệ chặt chẽ đến bất ngờ giữa loài người với thế giới hoang dã. Những ý tưởng ông nêu ra trong Vượn trần trụi đã khơi gợi cho vô số nghiên cứu khoa học về sau đối với con người. Hiển nhiên, ông đã đưa một cái nhìn không tránh khỏi tranh cãi, về nhân sinh quan và sự thừa nhận của chúng ta về bản chất của chính mình.

Cuốn sách cho chúng ta thấy, từ thưở bình minh của nhân loại, những tập tính và thói quen của loài chúng ta không khác biệt nhiều so với tổ tiên ông cha thời tiền sử. Morris cũng đưa ra những nghiên cứu và quan sát đáng chú ý liên quan tới trẻ nhỏ. Khi còn nhỏ, Morris chỉ ra, trong danh sách động vật ưa thích của trẻ phần lớn là những loài to lớn như sư tử, hổ, gấu… Nhưng khi lớn hơn một chút, chúng dần chuyển mối quan tâm sang các loài nhỏ hơn như mèo, chó, thỏ… Nói cách khác, đó là những loài động vật bọn trẻ nhận thấy chúng có đủ khả năng để chăm sóc, gần như một hình thức bắt chước vai trò của “phụ huynh”. Ông cũng lý giải nguyên nhân loài vượn trần trụi chúng ta, nhìn chung, đều thậm ghét những loài như rắn, nhện…, đương nhiên qua góc nhìn sinh học.

Tác giả cũng so sánh những thói quen của chúng ta với thói quen của những loài linh trưởng khác, nhấn mạnh và phân tích những điểm chung đến lạ kỳ cũng như những điểm khác biệt hiển nhiên nhất. Ví dụ, con vượn trần trụi cái là loài duy nhất cho đến nay được khoa học ghi nhận là vừa có thể trải nghiệm “cực khoái” cùng lúc lại sở hữu màng trinh. Ông chỉ ra tư thế tình dục chủ yếu của loài chúng ta là mặt đối mặt; bầu vú của con cái phần nào mang nhiều chức năng gợi dục với con đực hơn là đơn thuần chỉ để cho bú, bởi cấu tạo bầu ngực của của con vượn trần trụi cái không thuận lợi cho việc cho bú, đấy là so với các loài linh trưởng khác. Bởi khi một vượn trần trụi cái cho bú, “cô ta” phải cẩn thận kẻo bầu vú có thể khiến con bị ngạt nếu không chú ý. Nhưng với các loài linh trưởng khác, bầu vú chủ yếu chỉ gồm núm vú rất to hướng ra phía ngoài, nhờ thế việc cho con non bú dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều.

Morris chia sẻ, sau khi đọc một cuốn sách của nhà động vật học lừng danh Jane Goodall, trong đó bà nhận định rằng nhu cầu chải lông cho nhau của loài chimpanzee xuất phát từ mong muốn được giao lưu và tương tác với cộng đồng của chúng, ông nảy sinh ý tưởng so sánh tập tính này của loài chimpanzee với tập tính tương tự ở loài người: đó là tán gẫu, một phiên bản “chải lông cho nhau” ở loài người. Chúng ta thường tán gẫu khi tụ tập thành nhóm, và khi mỗi cá thể thấy thoải mái với đối phương, chủ đề cuộc đối thoại dần chuyển hướng sang những vấn đề sâu xa hơn, nhưng rồi hành động “tán gẫu” sẽ tái lặp khi nhóm người bắt đầu tan rã.

Khi nói về Vượn trần trụi, rất nhiều độc giả phương Tây nhận định, đó là một trong những cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn tới họ về nhân sinh quan. Vào thời điểm ra đời năm 1967, Vượn trần trụi đã gây một cơn chấn động, bởi trước đó chưa cuốn sách phổ thông nào về con người nào lại trần trụi, lạnh lùng và thấu suốt đến thế. Loài người quá thông minh và tỉnh táo đến mức việc chúng ta là chủng loại thiên thần hạ cấp nhất hay linh trưởng bậc cao nhất vẫn luôn là chủ đề nóng bỏng gây tranh cãi. Chúng ta có thể phản đối những chi tiết trong cơ chế tiến hóa của loài người mà Morris đưa ra, nhưng điều không ai có thể phủ nhận – là những bằng chứng sinh học – chúng ta là loài vượn trần trụi. Không thể phủ nhận rằng có điều gì đó thực sâu sắc trong việc lùi ra xa một bước và nhìn nhận bản chất vị trí của toàn nhân loại chúng ta trong thế giới này, như biết bao loài động vật khác.

Tạp chí Natural History (Lịch sử Tự nhiên) đã ca ngợi Vượn trần trụi “quá sắc sảo, khơi gợi suy nghĩ với những ý tưởng mang tính thách thức”. Morris dường không bỏ sót điều gì trong những liên hệ cơ bản nhất của chúng ta với thế giới động vật, nơi chúng ta vốn thuộc về. Morris luôn luôn cụ thể và khiến chúng ta ngạc nhiên trước những suy nghĩ quá sức logic của ông. Không ngần ngại với bất cứ từ ngữ nào có thể khiến kẻ lãnh đạm nhất trong chúng ta ngượng ngùng, cách viết của Morris sâu sắc và khoa học, hàn lâm và rành mạch, giải trình rất rõ ràng những ý tưởng và luận đề trừu tượng, ngay cả những người không chút hiểu biết về động vật học hoàn toàn vẫn có thể tiếp cận và nắm bắt những vấn đề Vượn trần trụi hướng đến

Dù cả nửa thế kỷ đã trôi qua từ lần đầu phát hành, với hơn mười triệu bản được bán ra trên toàn thế giới, Vượn trần trụi vẫn giữ nguyên giá trị với những ý tưởng không bao giờ bị coi là lỗi thời. Một cuốn sách kinh điển góp phần rất lớn trong việc thay đổi cách nhìn và tư duy khoa học về chính chúng ta, là tiền đề cho hàng loạt những nghiên cứu phân tính và tìm hiểu loài người ở cấp độ sâu hơn và toàn diện hơn sau này

(*) Tác giả: Desmond Morris; Dịch giả: Vương Ngân Hà; dày 392 trang, giá 70 nghìn đồng; NXB Hội Nhà văn ấn hành

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)