World Cup 2022: Bữa tiệc trên hình thể phụ nữ?

Những tưởng thể thao để tôn vinh tinh thần thể thao, thế nhưng thảo luận xung quanh ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của năm 2022 lại xoay quanh một vấn đề phi thể thao mà trước đó ít ai ngờ tới: kì thị giới tính.

Các cô gái tham gia chương trình “Nóng cùng World Cup 2018”. Trang vtc bình luận “Dàn hot girl mang lại sức sống mới cho những trận đấu World Cup căng thẳng”.

Cuộc thảo luận bắt đầu từ khi đài truyền hình VTV quyết định tiếp tục Chương trình Nóng cùng World Cup, một chương trình bên lề của World Cup, mời các cô gái trẻ và ăn mặc gợi cảm để cùng bình luận trước và sau trận đấu. Sau hàng loạt phát ngôn ngây ngô của các cô gái thời World Cup 2018, như “Em xem bóng từ những năm 2000, thời của Pele”, năm nay VTV khởi động chương trình với tham vọng tái chinh phục khán giả bằng những cô gái vừa xinh đẹp vừa có hiểu biết. Thế nhưng chưa đầy một tuần sau khai mạc, chương trình vẫn quay lại motif cũ – các cô gái xinh đẹp gợi cảm không am hiểu về bóng đá tiếp tục bình luận ngây ngô.

Cách chương trình lạm dụng hình ảnh phụ nữ thay vì tập trung vào thể thao của VTV hoàn toàn ngược lại so với xu hướng gần đây trong truyền thông về World Cup. Cách đây bốn năm, World Cup 2018 ở Nga, FIFA đưa ra cảnh cáo và yêu cầu các đài truyền hình chấm dứt thực hiện honey-shot (hành động cố ý tìm và quay cận cảnh các nữ cổ động viên xinh đẹp và khêu gợi) vì việc này thúc đẩy tư tưởng kì thị giới tính và coi phụ nữ như đồ vật giải trí. Khi được hỏi đây có phải chính sách chính thức của FIFA, ông Federico Addiechi, Giám đốc Chương trình đa dạng và Bền vững của FIFA chia sẻ: “Đây là một trong nhiều hoạt động mà chúng tôi chắc chắn sẽ làm trong tương lai – đây là một quá trình tiến triển bình thường” và FIFA sẽ có “động thái chống lại những gì sai trái”. Thực tế honey-shot đã bị FIFA “để ý” kể từ World Cup 2014 ở Brazil rồi.

Cũng trong mùa World Cup 2018, hãng ảnh hàng đầu thế giới Getty Images đã phải xin lỗi và gỡ bỏ bộ sưu tập mang tên “những cổ động viên nóng bỏng nhất tại World Cup” chỉ bao gồm phụ nữ trẻ, sau khi hứng chịu nhiều ý kiến phản đối.

Không dừng ở gỡ bỏ các khung hình bất lợi cho phụ nữ, World Cup còn là một sự kiện, một cơ hội để bày tỏ chính kiến bảo vệ quyền của phụ nữ. Ngày 21/11 vừa qua, cả thế giới chứng kiến một hành động vừa đẹp vừa dũng cảm của các cầu thủ Iran khi từ chối hát quốc ca trong trận đá với Anh. Cơ sự là ngay lúc này, Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đầy bất ổn vì vụ bê bối Mahsa Amini – một cô gái Iran nghi bị cảnh sát hành hung đến chết vì tội không đeo khăn trùm đầu (hijab) theo luật của Hồi giáo và Nhà nước Iran – điều này làm dấy lên làn sóng biểu tình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, với khẩu hiệu Woman – Life – Freedom (Phụ nữ – Quyền sống – Tự do), và các cầu thủ Iran không hát quốc ca để thể hiện mình ủng hộ làn sóng này.

Trái với xu hướng này, VTV lại đi vào một lối mòn xưa cũ, lạm dụng hình ảnh phụ nữ, “vật thể hóa” phụ nữ.

Vật thể hóa phụ nữ

Những ý kiến phản đối của FIFA từ bốn năm trước và dư luận Việt Nam ít nhiều đều có nhắc đến thuật ngữ “vật thể hóa” phụ nữ. Vật thể hóa (objectification) là thuật ngữ ban đầu thường được dùng trong các công trình chuyên ngành của Catharine MacKinnon và Andrea Dworkin về nữ quyền, nhưng giờ đây đã trở nên quen thuộc trong cả các thảo luận ở giới đại chúng. Năm 1995, nhà triết học Martha Nussbaum đã đưa ra định nghĩa cụ thể về “vật thể hóa” trong bài báo khoa học Objectification, rằng:

Các cô gái được mời đến chương trình bình luận bóng đá không phải cầu thủ, phóng viên, bình luận viên có liên quan đến thể thao, mà họ thường là những TikToker hay Facebooker nổi tiếng vì gương mặt khả ái; sự hiện diện của họ chỉ mang vai trò làm công cụ hút khách của nhà đài.

Vật thể hóa là hành động khi một người đối xử với người khác như một vật thể. Chỉ cần một trong bảy thuộc tính sau được áp dụng là đủ để thoả mãn điều kiện, nhưng cũng lưu ý rằng các thuộc tính có thể đa dạng hơn chứ không chỉ gói gọn trong bảy điều sau: (1) Coi đối tượng như công cụ cho mục đích của mình; (2) Coi đối tượng không có quyền tự chủ và tự quyết; (3) Coi đối tượng là thứ trơ lì, thiếu hoạt động; (4) Coi đối tượng là thứ có thể đổi chác và thay thế được; (5) Coi đối tượng là thứ không có một ngưỡng giới hạn, và có thể xâm phạm và vượt ngưỡng được; (6) Coi đối tượng là tài sản và có thể có một vị chủ nào đó; (7) Coi đối tượng là thứ không cần được xem xét đến cảm xúc và kinh nghiệm.

Chương trình của VTV, cũng như honey-shot và các hoạt động tương tự, đã phạm vào thuộc tính thứ nhất và thứ tư trong bảy thuộc tính của Nussbaum. Các cô gái được mời đến chương trình bình luận bóng đá không phải cầu thủ, phóng viên, bình luận viên có liên quan đến thể thao, mà họ thường là những TikToker hay Facebooker nổi tiếng vì gương mặt khả ái; sự hiện diện của họ chỉ mang vai trò làm công cụ hút khách của nhà đài. Đặc biệt trong những buổi bình luận đầu tiên, các cô gái bị xếp ngồi tách biệt hẳn khỏi các bình luận viên có chuyên môn như để tô đậm thêm tính chất “trang trí” của họ.

Một người phụ nữ có chuyên môn thể thao có thể để lại dấu ấn trong chương trình bằng những nhận định giàu hiểu biết về trận đấu, những quan sát tinh tế, những bình luận sâu sắc mà chỉ họ mới nói được, đó gọi là tính độc nhất và không thể thay thế được. Nhưng các cô gái của Nóng cùng World Cup thiếu vắng điều này, họ được chương trình thiết kế vốn dĩ để làm lu mờ đi cá tính. Suốt chương trình, thi thoảng họ mới được hỏi một câu vô thưởng vô phạt, và câu trả lời cũng vô thưởng vô phạt không kém. Người xem sẽ có cảm giác sự đóng góp của họ chỉ là một gương mặt xinh trong 32 gương mặt xinh được chương trình chọn, và nếu có thay thế người này bằng người khác cũng không có gì thay đổi đến nội dung chương trình cả.

Từ world cup 2018, FIFA đã đưa ra cảnh cáo và yêu cầu các đài truyền hình chấm dứt thực hiện honey-shot.

Nhìn rộng hơn, ở mức độ toàn cầu và trên khắp nền thể thao nói chung, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng vật thể hóa phụ nữ là hiện tượng phổ biến, mà điển hình của nó là vai trò của các hoạt náo viên (cheerleader) trong các trận đấu thể thao. Hoạt náo viên thường gồm một nhóm các cô gái ăn mặc gợi cảm để trình diễn nhảy múa và nhào lộn trong, trước, và sau các trận đấu nhằm làm “nóng” bầu không khí. Việc này bắt đầu phổ biến từ đầu thế kỉ 20, nhưng đến nay đã dần trở nên bất cập trong nhận thức của đại chúng.

Nếu như năm 2018 FIFA lên tiếng lần đầu tiên về vấn đề honey-shot trong bóng đá, thì 2020 là năm mà nhiều câu lạc bộ chính thức chấm dứt hoạt động của hoạt náo viên trong các trận đấu. Một bài báo trên tạp chí chuyên ngành mang tên Objectification of the Female Body in Sport Events (Hiện tượng vật hóa cơ thể phụ nữ trong các sự kiện thể thao) của ba tác giả người Serbia, cho biết câu lạc bộ bóng rổ Alba ở Berlin quyết định chấm dứt tiết mục hoạt náo dẫu nó đã có tuổi đời 25 năm, với lí do rằng câu lạc bộ muốn hướng đến xây dựng hình tượng phụ nữ dưới tư cách vận động viên thể thao để làm hình mẫu cho giới trẻ, thay vì chỉ là những cô gái gợi cảm mua vui. Nhiều câu lạc bộ ở Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia của Mỹ cũng có cùng quyết định với lí do tương tự.

Việc vật hóa phụ nữ trong làng thể thao thế giới không chỉ dừng lại ở những người ngoại đạo mà đang hiện diện ngay với những người làm thể thao, đó là các nữ vận động viên. Tra nhanh từ khóa “nữ vận động viên” (female athletes) chúng ta không khó bắt gặp các trang tin chạy những dòng tít như “50 nữ vận động viên nóng bỏng nhất” hoặc “20 cặp mông tuyệt vời nhất của làng thể thao”. Người ta có xu hướng tập trung vào ngoại hình của họ quá mức. Chẳng hạn tại giải Bóng ném bãi biển châu Âu 2021, đội bóng ném nữ của Na Uy thay thế chiếc quần bikini quen thuộc bằng quần đùi dài hơn với lí do muốn mặc gì đó ít hở hang và thoải mái hơn, thế nhưng hành động này đã bị ban tổ chức phạt vì tội mặc “trang phục không phù hợp”.

Việc những “bình hoa di động” được ra trước công chúng và trở thành đại diện đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội của những phụ nữ thật sự có kiến thức về thể thao nhưng vì các lí do khác mà không được lựa chọn.

Việt Nam không phải ngoại lệ, trước khi sự kiện VTV mời hot girl lên bình luận trên sóng truyền hình, việc vật hóa phụ nữ ở Việt Nam đã tồn tại dưới hình thức honey-shot. Đó là khi trong các chương trình thể thao, ống kính cận cảnh quá nhiều lần một cách có chủ đích vào những cô gái xinh đẹp và gợi cảm, để rồi sau đó dư luận ùn ùn đổ đi “săn” thông tin của những cô gái ấy. Đài truyền hình dùng họ như công cụ để tăng lượt xem và sức hấp dẫn của chương trình là một chuyện, nhưng việc đó cũng thúc đẩy cho người xem có xu hướng vật hóa các cô gái ấy. Có thể dư luận làm thế hoàn toàn từ thiện ý, có thể họ chỉ tìm để được ngắm nhìn thêm các cô gái mà thôi, nhưng việc coi các cô gái như một thứ kì quan để người người đổ xô đến ngắm nghía, không cần hỏi liệu các cô gái có hài lòng với việc ấy hay không.

Tất cả đều bị phương hại

Vấn đề trang phục của nam và nữ vận động viên xưa nay vẫn tồn tại một luật bất thành văn rằng quần của nữ giới luôn ngắn hơn và bó sát hơn quần của nam giới, chúng ta rất dễ thấy thực tế này trong các môn như bóng chuyền, bóng ném, thể dục dụng cụ giữa nam và nữ. Điều này vô hình trung tạo thành áp lực đối với riêng giới nữ vận động viên rằng tài năng thể thao không phải thứ duy nhất, thậm chí không phải thứ đầu tiên, mà họ được xã hội nhìn nhận và coi trọng, muốn được coi trọng dưới tư cách vận động viên thì họ phải nỗ lực thêm “tu bổ” vẻ ngoài xinh đẹp nữa.

Đã có nhiều nữ vận động viên mệt mỏi vì gánh nặng vô hình này, điển hình như trong kì Olympic 2020 ở Tokyo, đoàn thể dục dụng cụ nữ của Đức phản đối chiếc quần ngắn và bó sát quen thuộc, mà muốn mặc quần dài đến mắt cá nhân như nam vận động viên. May mắn thay, khác với việc bị phạt tiền như trường hợp bóng ném, các nữ vận động viên này nhận về sự đồng thuận và lời khen từ ban tổ chức. Vậy nhưng chặng đường của thể thao nữ xem chừng vẫn còn dài, bởi truyền thông đại chúng nhìn chung vẫn chưa hoàn toàn nhìn nhận nữ vận động viên ở tài năng thuần túy của họ, mà vẻ đẹp ngoại hình vẫn là thứ gì đó chiếm sóng hơn.

Nguồn: BBC.

Nếu như việc vật hóa nữ vận động viên đã mang nhiều tai hại, thì vật hóa các nữ hoạt náo viên hoặc những cô gái có vai trò giải trí tương tự còn tai hại hơn. Bởi với nữ vận động viên dẫu sao vẻ đẹp hình thể cũng chỉ là công cụ cho một mục đích cao đẹp hơn – năng lực thể thao, còn với các hoạt náo viên thì vẻ đẹp hình thể chính là mục đích. Khi ngắm nữ vận động viên người ta có thể nói tránh rằng đang thưởng thức thể thao, nhưng khi ngắm nữ hoạt náo viên thì chỉ có thể là đang thưởng thức vẻ đẹp hình thể mà thôi. Dẫu biết rằng để được ra trước công chúng các hoạt náo viên cũng cần tập dượt vũ đạo cực khổ không thua các vận động viên, nhưng điều này không thể phủ nhận dấu hiệu vật hóa ở hoạt náo viên rõ rệt hơn vận động viên rất nhiều.

Các hoạt náo viên hoặc hot girl lên sóng truyền hình có xu hướng mang tính đại diện cho hình ảnh của phụ nữ trong thể thao. Vậy mà những người đại diện này vừa thiếu kiến thức vừa bị đối xử như vật trang trí, việc này càng củng cố thêm định kiến phụ nữ không biết gì về thể thao cả, rồi người suồng sã hơn có thể nói rằng kiến thức tỉ lệ nghịch với vẻ đẹp. Từ đó, những cô gái xinh đẹp và có am hiểu về thể thao cũng bị đè nặng lên vai định kiến ấy.

Mặt khác, việc những “bình hoa di động” được ra trước công chúng và trở thành đại diện đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội của những phụ nữ thật sự có kiến thức về thể thao nhưng vì các lí do khác mà không được lựa chọn. Người ta thường chỉ nhìn vào những gì đã xảy ra cùng hệ quả của nó, mà hiếm khi mường tượng về những gì có thể và đáng lẽ nên xảy ra cùng những hệ quả tốt đẹp hơn mà nó mang lại. Đây gọi là chi phí cơ hội và một viễn cảnh nơi định kiến giới ngày càng bám sâu trong thể thao là cái giá mà tất cả chúng ta phải trả khi đưa ra lựa chọn tồi tệ và bỏ qua những lựa chọn tốt hơn.

Giờ đây đam mê thể thao chân chính của nhiều người đàn ông đang bị cuốn vào guồng máy của vật hóa phụ nữ, định kiến giới tính, và kì thị giới tính.

Không những thế, sự lên ngôi của các phụ nữ gợi cảm dường như đang muốn nói rằng tính giải trí của thể thao ngày càng trở nên phai nhạt, chỉ riêng các trận đấu thể thao thôi là không đủ để giải tỏa cơn khát giải trí của khán giả, không đủ để họ nhìn chăm chú vào màn hình như xưa kia. Và nếu một khi thể thao đã cần thêm gia vị thì cứ nhất định phải là phụ nữ gợi cảm chứ không thể là gì khác, điều này lại tiếp tục ngầm chỉ rằng khi xem thể thao nam thì khán giả buộc phải xem dưới lăng kính của đàn ông thì mới là “đúng”, bất chấp thực tế rằng khán giả của thể thao nam bao gồm cả phụ nữ hoặc trẻ em.

Nhưng đàn ông cũng không được nằm ngoài số những nạn nhân bị phương hại từ việc vật hóa phụ nữ, hành động ấy gián tiếp nói rằng đàn ông chỉ có thể thưởng thức thể thao trọna vẹn khi đi kèm các bóng hồng gợi cảm. Cũng mang cùng một gánh nặng như đam mê thể thao của người hâm mộ nữ và vận động viên nữ, giờ đây đam mê thể thao chân chính của nhiều người đàn ông đang bị cuốn vào guồng máy của vật hóa phụ nữ, định kiến giới tính, và kì thị giới tính.

Sau cùng, có lẽ chúng ta không nên quên rằng ở quãng thời gian đầu thế kỉ XX, công việc hoạt náo (cheerleading) chỉ dành cho đàn ông, nhưng làn sóng nữ quyền thứ hai nổi lên và từ đó mới khiến cho phụ nữ được có mặt trong công việc này. Vậy tức là thể thao nói chung và hoạt động hoạt náo nói riêng đã từng là lĩnh vực tiên phong cho việc giải phóng phụ nữ, đem đến quyền tự do ăn mặc, và tạo cơ hội bình đẳng việc làm cho nữ giới. Trớ trêu thay đến bây giờ chính công việc hoạt náo lại là lĩnh vực kìm hãm công cuộc giải phóng phụ nữ, bởi vì sự ra đời của hiện tượng vật thể hóa.

Nhưng điều đó không thể phủ nhận vai trò tiên phong và tiến bộ của thể thao là góp phần tạo ra những thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn về giới, nếu xưa kia nó đã từng giúp phụ nữ được giải phóng thì ngày nay nó có thể giúp họ được giải phóng nhiều hơn nữa. Các nỗ lực của FIFA, sự im lặng của đội bóng Iran, sự thay đổi của các nữ vận động viên Đức và Na Uy đã được thế giới ghi nhận và sẽ còn được nhắc đến nhiều. Và ở Việt Nam, làn sóng phản đối vật thể hóa phụ nữ cũng sẽ không vô ích. Chúng ta hãy hy vọng rằng nó sớm trở thành một phần của thế giới.□

Nguồn tham khảo:

1. Kraus, Marissa. “COLUMN: Why Objectification of Female Athletes Needs to End.” The Daily Nebraskan, 9 Dec. 2021, www.dailynebraskan.com/magazines/column-why-objectification-of-female-athletes-needs-to-end/article_7e97415e-588b-11ec-bbb7-ff7ecfc11525.html.

2. “Fifa Warns Broadcasters Not to Zoom in on Attractive Female Football Fans.” Stuff, 13 July 2018, www.stuff.co.nz/sport/football/world-game/105479528/fifa-warns-broadcasters-not-to-zoom-in-on-attractive-female-football-fans. Accessed 30 Nov. 2022.

3. NUSSBAUM, MARTHA C. “Objectification.” Philosophy and Public Affairs, vol. 24, no. 4, Oct. 1995, pp. 249–291, onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1088-4963.1995.tb00032.x, 10.1111/j.1088-4963.1995.tb00032.x.

4. Mijatov, Nikola, et al. OBJECTIFICATION of the FEMALE BODY in SPORT EVENTS 1.

Tác giả

(Visited 51 times, 1 visits today)