“Woyzeck” của G. Büchner nhìn từ góc cạnh dịch thuật

Trong quá trình dịch "Woyzeck" sang tiếng Việt, có thể nói người dịch như di chuyển trên hai chuyến tàu chạy ngược nhau và giữa những cơn ngược chiều ấy, cố gắng tìm ra một giao thoa khả dĩ, đáp ứng những nguyên tắc dịch thuật: Tín - Đạt – Nhã.

Về tác phẩm Woyzeck:

Được viết năm 1836 tại Straßburg trong lúc tị nạn truy nã, trong khoảng thời gian đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 năm 1836, nhà soạn kịch và nhà thơ G. Büchner (1813-1837), mệnh yểu, đã không có thể hoàn thành vở bi kịch Woyzeck, khi cơn bạo bệnh đã cướp mất đời ông đầu năm 1837, để lại tác phẩm Woyzeck còn là những mẫu bản thảo rời rạc, chưa được hệ thống thành kịch bản. Bản thảo đã nằm im một thời gian cho đến khi được nhuận sắc và sắp xếp lại bởi Karl Emil Franzos và được xuất bản lần đầu năm 1879. Mãi đến năm 1919, Woyzeck lần đầu tiên được diễn tại nhà hát Residenztheather München. Từ đó tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhiều lần được bình giải theo cách mới. Trên lãnh vực kịch nghệ, vở kịch với sự để ngõ, chưa kịp sắp xếp thứ tự của các đoạn kịch trở nên điển hình cho loại kịch mở hiện đại và thuộc về những vở kịch được diễn nhiều nhất và có ảnh hưởng nhất trên lãnh vực văn chương Đức, đã là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ sáng tác tác phẩm riêng, không những ở Đức mà trên thế giới.

Woyzeck đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới từ khi xuất hiện. Nhưng bản dịch tiếng Việt đã phải đợi sự quan tâm về văn chương cổ điển trong trào lưu hiện đại của ông W. Eckstein, viện trưởng đương thời của viện Goethe tại Hà nội, và với sự bảo trợ nồng nhiệt của ông, công trình dịch thuật mới được thực hiện và hoàn tất đầu năm 2018.

Mặc dù không phải là một công trình đồ sộ, kịch bản Woyzeck là một tác phẩm ngắn nhưng lại mang một chiều sâu phi thường, duy nhất trong văn chương Đức, không những về nội dung mà còn về ngôn ngữ.

Mặc dù không phải là một công trình đồ sộ, kịch bản Woyzeck là một tác phẩm ngắn nhưng lại mang một chiều sâu phi thường, duy nhất trong văn chương Đức, không những về nội dung mà còn về ngôn ngữ. Một nội dung đa tầng và đậm đặc tính hiện thực xã hội và nhân văn, gây chấn động trên sân khấu kịch nghệ, cần một ngôn ngữ tương xứng, hay nói khác đi, cần một ngôn ngữ thiên tài để lột tả được những tầng lãnh vực khác nhau trong tâm trạng của các nhân vật đầy cá tính mới mẻ đương thời, và nhất là nhân vật chính, một kẻ cùng đinh trong xã hội.

Tác phẩm Woyzeck của Büchner  không những nổi bật về nội dung xây dựng hình tượng nhân vật trong câu chuyện, mà còn đặc biệt khác với ngôn ngữ văn chương của trào lưu lãng mạn thế kỷ thứ 19. của Đức.

Cho nên dịch Woyzeck không đơn giản là một công việc chuyển tải máy móc từ một bản văn tiếng ngoại quốc sang tiếng Việt. Không đơn giản theo nghĩa gấp đôi: một đằng đó là tiếng Đức, đằng khác đó lại là tiếng Đức của một thiên tài văn chương. Hai lần thách thức trong cùng một công việc. Từ những khó khăn cơ bản cấu trúc ngôn ngữ rất khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Đức, trong quá trình dịch một tác phẩm từ tiếng Đức sang tiếng Việt, có thể nói người dịch như di chuyển trên hai chuyến tàu chạy ngược nhau và giữa những cơn ngược chiều ấy, cố gắng tìm ra một giao thoa khả dĩ, đáp ứng những nguyên tắc dịch thuật: Tín – Đạt – Nhã.

Về vấn đề dịch thuật

Trường hợp dịch Woyzeck sự khó khăn hầu như gấp đôi.

a.

Khó khăn đầu tiên trong quá trình dịch Woyzeck nằm ở điểm, trước hết Woyzeck sở hữu một thứ ngôn ngữ đặc biệt, thứ ngôn ngữ của vùng Hesse, nơi tác giả Büchner sinh ra, bao gồm những câu tục ngữ thành ngữ, ca dao đặc thù của vùng này, những câu nói cụt ngẵn, cộc lốc, góc cạnh, với cách nói bỏ chữ, rút ngắn (Elipse), những ẩn dụ (Metapher), những cách nói bóng, ám chỉ (Allegorie), nghệ thuật tu từ (Rhetorik) linh động và phong phú.

B. Brecht đã nhận định về vở kịch của G. Büchner: “Woyzeck là bi kịch hay nhất trong văn chương Đức”. Với Woyzeck, được viết trong 4 tháng trước khi từ giã cõi đời, ở tuổi đôi mươi (23 tuổi) G. Büchner đã chứng thực một thiên tài văn chương, đến nay vẫn luôn luôn là một tuyệt tác ảnh hưởng mạnh mẽ trên bình diện văn học trong thời hiện đại.

Trong trường hợp này người dịch cố gắng tuân thủ nguyên tắc tín và đạt, dịch sát nghĩa và cố gắng đạt được thể cách ăn nói của từng nhân vật, ví dụ Woyzeck hay nói cộc lốc, ngắn, tự nói một mình, Maria dùng thứ ngôn ngữ của một người đàn bà bình dân, nhưng tâm lý phức tạp, nên hay mượn  những câu đồng dao để diễn tả tâm trạng của mình. Để nhấn mạnh điểm độc đáo của thổ ngữ vùng Hesse, dịch giả đôi khi đã sử dụng một vài từ ngữ địa phương (Huế) hầu chuyển tải đến bạn đọc sự linh động hàm chứa trong bản gốc: Ví dụ: “Gái ơi chừ biết làm chi (từ địa phương Huế có nghĩa làm gì). Ôm thằng cu tí nằm trơ không chồng. Gái ơi giờ biết làm gì…” (Cảnh 2 Maria)

Sử dụng “làm chi” đồng nghĩa với “làm gì” ở câu thứ ba, dịch giả hi vọng chuyển tải được nét khác thường trong ngôn ngữ gốc đồng thời tránh được lỗi lặp lại tối kỵ trong văn chương Việt.

Tiếng Việt không phân biệt thời gian, quá khứ hiện tại vị lai. Trong tiếng Đức việc chia động từ để chỉ thời quá khứ, thời hiện tại, và thời tương lai, cho nên căn cứ vào động từ đã chia, người nghe có thể biết, chủ từ đang ở trong thì nào. Trong lúc trong tiếng Việt, để chỉ ý niệm thời gian, trạng từ về thời gian cần được sử dụng đi kèm với động từ để chỉ thời gian: “đã” chỉ quá khứ, “sẽ” chỉ tương lai, “đang”, “bây giờ” chỉ hiện tại. Trong Woyzeck, khi Woyzeck nói: “sie war”, mặc dù Marie còn hiện diện, chưa chết, nhưng ngụ ý đối với Woyzeck, Marie đã bị anh xử quyết trong tâm tưởng, Marie đã ở trong quá khứ đối với Woyzeck trước khi anh hạ sát nàng thật sự sau đó.

Vở “Woyzeck in Winter” của đạo diễn Conall Morrison. Nguồn: barbican.org.uk 

b.

Đặc điểm thứ hai, ngôn ngữ trong Woyzeck rất bình dân (volksnah) so với thể loại ngôn ngữ trau chuốt của các tác giả đầu thế kỷ 19, rất khác biệt với ngôn ngữ của trào lưu văn chương thời lãng mạn. Cùng thời với G. Büchner, các tác giả của trào lưu lãng mạn đã viết những tác phẩm phản ảnh một cách cảm nhận thực tại hoàn toàn khác với cảm nhận thực tại gần gủi đời thường trong Woyzeck của Büchner. Ở Büchner, ngôn ngữ phản ảnh thực tại của người dân ăn nói thường tục như nhân vật chính Woyzeck, một tên lính cùng đinh, lần đầu tiên là nhân vật chính trong lịch sử kịch nghệ từ trước đến thế thời điểm Woyzeck. Trình độ bình dân được phản ảnh trong ngôn ngữ bình dân hay trình độ giáo dục phản ảnh ngôn ngữ trí thức.

Woyzeck phản ảnh thêm một lần cuộc đổi mới ngôn ngữ kịch nghệ trong văn chương Đức đồng thời với cuộc đổi mới mô típ nhân vật và thể loại bi kịch.

Sự chuyển tải sang tiếng Việt trong trường hợp này là cố gắng dùng thứ ngôn ngữ bình dân và đơn giản theo lối đối thoại thường tục. May thay kho tàng  ngôn ngữ tiếng Việt không thiếu tính bình dân, bao gồm những tầng ngôn ngữ tục và thanh, trong thanh có tục, trong tục có thanh nên những nhân vật trong Woyzeck đã được hiển hiện phần nào trung thực qua cách ăn nói tiếng Việt.

c.

Büchner sử dụng những thành ngữ pha lẫn màu sắc thổ ngữ, để cho nhân vật dùng những đại danh từ trong cách xưng hô mà dùng sai – ví dụ ông Đại úy nói với Woyzeck mà dùng đại danh từ ngôi thứ ba ‘ER’. Phát biểu của các nhân vật bình dân trong vở kịch những vấn đề với cú pháp– syntax -, nói không đúng văn phạm, Büchner sử dụng những hình thức “Elipsen” rút ngắn ngôn ngữ thông tục (S‘ ist gewiss Gold), “S‘ ist Marie”), đặt những mệnh đề chính ngắn bên cạnh nhau, và như thế tạo nên một cấu trúc mạnh mẽ, dữ dội, nhất quyết (parataktisch) cho bề nổi của văn bản.

Ở đây, có một thách đố khác cho dịch thuật, khi chính nhân vật nói sai văn phạm tiếng Đức, dùng sai chữ…, người dịch tuân thủ nguyên tắc tín, trong chừng mực dịch nguyên văn mà vẫn dễ hiểu cho người đọc, hoặc thêm chú thích. Ngoài ra người dịch cũng chú ý đến cách xưng hô trong tiếng Việt, khác với tiếng Đức chỉ có ba ngôi số ít và số nhiều, các đại danh từ trong tiếng Việt lại từ theo cấp bậc xã hội và thứ tự tuổi tác, thân hay sơ mà có những cách xưng gọi khác nhau, anh, chị em, ông, bà, chú bác, cô, dì….

d.

Người bình dân sử dụng một ngôn ngữ bình dân (einfach). Và như thế trong vở kịch những nhân vật được dựng nên, nhất là Woyzeck và Maria, thường không thể diễn tả những cảm nhận và tri giác về thực tại, để cho những cảm xúc và tri thức này có thể trở nên đối tượng cho suy nghĩ của chính họ. Cá nhân không được giáo dục bị loại ra khỏi vòng lý luận, biện biệt (Diskurs), bị cô lập, và bị dồn nén. Người dân nghèo chỉ có những khả năng diễn tả có giới hạn và phải dùng những kiểu mẫu ngôn ngữ đã có sẵn để có thể diễn tả điều muốn nói.

Woyzeck phản ảnh thêm một lần cuộc đổi mới ngôn ngữ kịch nghệ trong văn chương Đức đồng thời với cuộc đổi mới mô típ nhân vật và thể loại bi kịch.

Woyzeck dẫn sách Thánh kinh (Hãy để đứa bé đến với ta), Marie tìm chỗ tựa trong Thánh kinh. Ngoài những yếu tố ấy, những bài đồng dao cũng được sử dụng góp phần đem đến ý nghĩa đầy sinh động cho cuộc đối đáp giữa các nhân vật.

Có lẽ phần khó nhất trong quá trình dịch Woyzeck là những bài đồng dao, ca khúc, vì ngữ cú đậm đặt, vần điệu tài tình, chứa đựng nhiều từ ngữ địa phương, trong trường hợp này người dịch chuyển tải chúng bằng thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn hay lục bát, đem lại phần nào vần điệu quen thuộc cho độc giả, nhưng đồng thời giữ được tín, đạt và nhã trong tinh thần tiếng Đức bằng cách tìm trong ca dao tục ngữ Việt những hình ảnh tương xứng.

Chỉ ở những đoạn Büchner đưa ra lời bình về những việc xảy ra trong vở kịch, bỗng nhiên những người thường dân lại nói một thứ ngôn ngữ phức tạp, tạo nên một cấp bực phản tư cao hơn. như anh chàng thợ thủ công đứng lên làm nhà giảng đạo, và bà nội trở nên người kể một chuyện phản thần tiên. (Antimärchen).

Ở đây ngôn ngữ dịch lại cố gắng theo sát những chuyển biến ấy với một lối hành văn phức tạp hơn.

e.

Trong các đối thoại giữa ông Đại úy và ông bác sĩ, ngôn ngữ quân sự và khoa học y học được hai nhân vật sử dụng, những người này không những nhìn Woyzeck từ trên xuống một cách khinh thị, mà còn sử dụng Woyzeck cho mục đích riêng của họ. Với hai nhân vật này Büchner cho họ nói một thứ ngôn ngữ ra vẻ trí thức nhưng đầy ám dụ – ví dụ ông đại úy nói về đức hạnh và đạo đức nhưng thật ra che dấu sự ức chế về tính dục, với những ẩn dụ “gió nam bắc” , “đôi bít tất nhảy qua”. Nhân vật ông đốc tờ nói ngôn ngữ y khoa nhưng thực ra coi mạng sống con người như vật thí nghiệm cho nghiên cứu của mình, nhân vật đốc tờ tượng trưng cho trường hợp méo mó nghề nghiệp, biến tất cả mọi thứ thành bệnh lý.

Trong trường hợp này người dịch đã sử dụng cách phiên âm một vài thuật ngữ khoa học ra từng chữ theo ký hiệu la tinh – mà khi đọc lên có tác dụng như một thần chú đối với kẻ ngoại đạo –  hầu chuyển tải được được tính hài hước mỉa mai chính sự thông thái của ông đốc tờ, đồng thời cho thấy sự khác biệt giữa chàng Woyzeck ngù ngờ và ông đốc tờ tinh quái. Ví dụ “cờ ru xi phê rê” (cruciferae) hay “huy pe ro xy đun” (Hyperoxydul) phiên âm từ tiếng La tinh (Cảnh: Tại nhà ông đốc tờ) Lối phiên âm này trong tiếng Việt cũng thông dụng, khi chuyển tải tiếng ngoại ngữ, nhất là tên họ. Trong trường hợp bản dịch, lối nói thông thái của ông đốc tờ nghe rổn rảng trong tiếng Việt, gây hiệu ứng hài hước vốn nội tại trong ngôn ngữ của Büchner. Hai chữ ‘đốc  tờ’ thay vì ‘bác sĩ’ cũng là phiên âm từ tiếng Đức, như cách người Việt đọc tiếng ngoại quốc từ khi tiếp xúc với những ngoại ngữ trên thế giới, sau khi tiếng Việt đã được ký âm hoá theo tiếng La tinh.

f.

Büchner đã sử dụng một lối phân biệt tài tình để làm nổi bật tính khác biệt giữa hai tầng lớp nhân vật trong xã hội bấy giờ: Tác giả để cho những người nghèo nói thứ tiếng địa phương (Dialekt), trong lúc ông đốc tờ hay ông đại uý nói thứ ngôn ngữ phổ thông (Standardsprache) và chêm vào nhiều thành ngữ chuyên môn. Thêm vào đó – nhất là để khêu gợi thiện cảm của người đọc- tác giả gọi những người nghèo với tên riêng Woyzeck, Marie, Karl…) trong lúc những nhân vận tầng lớp cao cấp được đưa ra như những mẫu người điển hình và được gọi bằng chức vụ nghề nghiệp (đốc tờ, đại úy, lích trưởng). Ngoài ra ở rất nhiều đoạn tác giả sử dụng những hình ảnh tu từ (Rhetorik), ví dụ cuộc đối thoại giữa ông đại uý và ông đốc tờ –  hay lối nói nuốt chữ (Elipse), thêm dấu ngoặc, dấu giải thích, ẩn dụ.

Nhiệm vụ của người dịch ở đây là chuyển tải được những thể cách văn phong khác biệt của các nhân vật, đồng thời cũng là văn phong đa dạng của tác giả. Thế nên việc sử dụng một số thành ngữ địa phương khác với tiếng Việt được gọi là chính qui có thể góp phần vào sự cảm nhận của độc giả về sự phong phú của chính bản gốc, có thể mang đến hiệu ứng tích cực.

g.

Những lời ca trong Woyzeck thuộc vào thể loại ngụ ngôn, phúng dụ (Allegorie). Trong những bài ca ấy, nếu nói về cuộc săn, con thú và người thợ săn, có nghĩa ngụ ý những điều khác, cuộc săn đuổi con mồi ở đây mang nặng ám chỉ tính dục: Woyzeck với Maria, Lích trưởng với Maria, một cuộc  săn đuổi con mồi, mà cuối cùng con mồi phải chết (Maria), nhân vật chính hoảng loạn điên rồ. Ngay cả chuyện ngụ ngôn thần tiên về đứa bé cô đơn cũng thuộc vào thể loại phúng dụ, dùng chính chuyện thần tiên để phản cách thần tiên. Trong nhiều đoạn kịch, Büchner dùng một thứ ngôn ngữ bí mật mà dân trí thức thường dùng cho riêng họ. Ví dụ từ khoá ‘mặt trời’, trong vở kịch Cái chết của Danton (Dantons Tod), Büchner đã giữ ý nghĩa của từ khoá này rất chặt chẽ, mà ông đã lấy từ vở Hamlet của Shakespiere. ‘Mặt trời’ không có nghĩa ánh sáng (tinh thần và ý thức), mà là sức nóng (tính dục).

Woyzeck ngay từ đầu đã nói về ‘lửa’ và ‘mặt trời hừng hực’ như một ám ảnh và đoạn kết Maria thấy vầng trăng đỏ như máu, đều là những ám dụ về tình yêu bi đát và cái chết của nhân vật phản diện của tấn bi kịch. Trong trường hợp này việc chuyển tải sang tiếng Việt người dịch đã có thể theo sát nguyên bản, vì chính tiếng Việt là kho lưu trữ súc tích những hình ảnh ngụ ngôn, phóng dụ, ám chỉ…Trong ngôn ngữ Việt ‘mặt trời’ hay ‘lửa đỏ’ đều là những hình tượng có nghĩa bóng ám chỉ sự ái dục, đam mê, đưa đến khổ não. Ngôn ngữ Phật giáo gọi ‘lửa tham, lửa sân, lửa si’ …Nguyễn Du gọi là lửa phiền khi nói về sự đau khổ vì tình của nàng Kiều.

Ngoài công việc dịch thuật, phần chú thích là một công việc đòi hỏi công phu. Nhưng đây là một công việc khác với phần giới thiệu tác phẩm cùng với những vấn đề ngôn ngữ qua dịch thuật.

3.

Nhà soạn kịch nổi tiếng, văn hào B. Brecht (1898-1956) đã nhận định về vở kịch của G. Büchner: “Woyzeck là bi kịch hay nhất trong văn chương Đức”. Với Woyzeck, được viết trong 4 tháng trước khi từ giã cõi đời, ở tuổi đôi mươi (23 tuổi) G. Büchner đã chứng thực một thiên tài văn chương, đến nay vẫn luôn luôn là một tuyệt tác ảnh hưởng mạnh mẽ trên bình diện văn học trong thời hiện đại.

Thay lời kết:

“Người dịch là kẻ chiêm nghiệm hơn ai cả về tính tương đối của chân lý ngôn ngữ: ‘dịch là diệt’, đồng thời cũng chiêm nghiệm sâu nhất sự thách đố với chính mình: phải vượt qua ‘diệt’, để ‘dịch’ có nghĩa LÀM SỐNG tác phẩm qua một ngôn ngữ khác” (Thái Kim Lan, phát biểu trong Hội luận Văn học về dịch thuật, 2008).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)