Xây cầu, đường vấp phải di tích: Thế giới làm thế nào?
Nhiều thành phố trên thế giới chọn cách xây đường hầm sâu dưới mặt đất để tránh động chạm vào di tích hoặc phối hợp hoạt động khảo cổ học ngay từ khi bắt đầu dự án.
Italia có luật bảo tồn rất nghiêm ngặt vì cả khu vực trung tâm Rome đều có ý nghĩa lịch sử. Cho đến nay, thành phố mới xây được hai tuyến đường sắt đô thị phục vụ 2,5 triệu dân vì sợ phá hỏng cổ vật hoặc phế tích dưới lòng đất. Điều này khiến các tuyến đường trong thành phố luôn đông đúc, tắc nghẽn, ô nhiễm. Vài năm trước, các nhà quy hoạch và chuyên gia bảo tồn quyết định xây thêm một tuyến tàu điện ngầm, dự tính hoàn thành vào năm 2014. Thành phố phải sử dụng máy khoan để xây dựng đường hầm cách mặt đất 30m nhằm tránh động đến lớp đất chứa cổ vật. Tuy nhiên, người ta sẽ vẫn phải mở đường lên mặt đất để xây nhà ga và thông khí. Nhiều đồ vật khai quật trong quá trình đào đường thông lên mặt đất dự tính sẽ được trưng bày ngay tại các nhà ga.
Tại thủ đô Sofia của Bulgaria, phế tích của một pháo đài cổ và bức tường thành được phát hiện trong quá trình lên phương án xây dựng tuyến tàu điện ngầm 1 và 2. Từ đó, hai phương án được đặt ra: dịch chuyển hai tuyến đường hầm cách xa địa điểm khảo cổ và giữ nguyên địa điểm khảo cổ để nghiên cứu sau; phương án kia là xây đường hầm bên dưới khu phế tích để tránh động chạm. Cuối cùng, phương án thứ hai đã được chọn.
Thủ đô Vienna của nước Áo khởi công xây dựng một tuyến tàu điện ngầm năm 1969 – điều mà các nhà khảo cổ mong đợi từ lâu để họ có cơ hội khai quật nhiều cổ vật. Các chuyên gia khảo cổ học tham gia ngay từ khi khởi công dự án, và nhiều lúc còn cảnh báo cho các kỹ sư về chướng ngại vật dưới đất mà họ sẽ gặp phải. Sự hợp tác hiệu quả này giúp tìm ra rất nhiều cổ vật quan trọng, đồng thời giảm thiểu thời gian trì hoãn thi công. Khá nhiều đồ tạo tác được tìm thấy hồi đó đang được trưng bày tại một số nhà ga.
Nhiều nơi đã chán cầu vượt
Nhiều chuyên gia kiến trúc chỉ trích cầu vượt/ đường trên cao (overpass) tạo ra không gian chết và thiếu thẩm mỹ bên dưới. Giao thông trên mặt cầu vượt gây ra tiếng ồn, rung lắc, ô nhiễm cho cộng đồng xung quanh, trong khi bên dưới cầu là nơi biệt lập, có thể trở thành tụ điểm của tội phạm.
Cầu vượt ra đời ở Bắc Mỹ từ những năm 1940 – 1950, khi các nhà quy hoạch muốn tìm kiếm một giải pháp nhanh để tái thiết các thành phố sau chiến tranh. Cho đến nay, nhiều người cho rằng cầu vượt là vết tích không mong muốn của quá khứ. Một số thành phố trên thế giới đang dỡ bỏ cầu vượt, trong đó có Toronto, Seoul, Boston, Vancouver, Trenton New Jewsey, Portland Oregon và Chattanooga Tennessee.
“Dù tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng xấu đi, nhiều thành phố ở Mỹ đã hoặc đang dỡ bỏ cầu vượt để xây dựng đại lộ và đường trên mặt đất,” GS. Robert Cervero ở ĐH California (Mỹ) nói.
GS. Cervero cho rằng lý do một số thành phố dỡ bỏ cầu vượt là vì cấu trúc này ngăn cách cộng đồng và làm giảm giá trị đất đai. Khi cầu vượt Embarcadero ở TP San Francisco (Mỹ) bị dỡ bỏ năm 1991, nó được thay thế bằng “một đại lộ cảnh quan đẹp hơn, thân thiện với con người hơn, cải thiện giao thông cho người đi xe, đi bộ và tạo ra không gian công cộng”.
Nhiều cầu vượt ở Mỹ bị phê phán quá xấu xí, đặc biệt khi nó trở nên hoen gỉ và bong tróc, phần bê tông lỗ chỗ và sứt mẻ.
Báo London Evening Standard (Anh) ngày 13/7/2012 chạy bài chính chỉ trích gay gắt cầu vượt: “Cầu vượt đã quá lỗi thời và chúng ta cần tầm nhìn hướng về đường hầm. Sự thật là cầu vượt không khác gì cái gai trong mắt, chúng đã trở nên lỗi thời như cấu trúc tồi tàn của chúng. Cầu vượt là di sản của tầm nhìn sai lầm mà các nhà quy hoạch London mơ ước thời hậu chiến tranh nhằm thiết kế lại thành phố chịu ảnh hưởng của kiến trúc Thụy Sĩ.”