Xuất bản hai cuốn sử liệu về quan hệ Trung Quốc – Việt Nam
NXB Hà Nội vừa cho ra mắt cuốn Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, cuốn sử liệu đầu tiên trích dịch đầy đủ phần tư liệu về nước ta từ một bộ sử Trung Quốc, có in kèm đầy đủ bản gốc (phần dịch). Cùng thời gian này, NXB cũng đang  hoàn thành cuốn Thanh Thực lục: Quan hệ Thanh-Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX.
Hai cuốn sách được thực hiện trong một thời gian dài (2000-2010), trải trên một không gian rộng lớn (New Jersey, Sài Gòn, Hà Nội). Dịch giả và những người hiệu đính, bổ chú thậm chí chưa từng gặp gỡ.
Trong nhiều năm trời, đều đặn hàng ngày, bất chấp nắng mưa gió tuyết, nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo đã lái xe trên nhiều dặm đường, tới thư viện ĐH Princeton để đọc, tuyển chọn, dịch và chú thích hàng ngàn trang tư liệu trích từ hai bộ sử khổng lồ Minh Thực lục và Thanh Thực lục. Trên cơ sở đó, hai cuốn sách đã được hình thành.
Cuốn Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, gồm 3 tập, dày khoảng 3.000 trang, bao gồm 1.329 văn bản/đoạn văn bản chứa toàn bộ các thông tin có liên quan trực tiếp tới Đại Việt và Champa mà hiện nằm trọn trong lãnh thổ Việt Nam ngày nay; được trích dịch trong Minh Thực lục, bộ sử biên niên của 13 triều vua nhà Minh gồm 3.070 quyển ước 11.520.000 chữ.
Cuốn Thanh Thực lục: Quan hệ Thanh-Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX bao gồm 209 văn bản/đoạn văn bản liên quan chủ yếu đến quan hệ giữa nhà Thanh (Trung Quốc) và nhà Tây Sơn (Việt Nam); được trích dịch trong Thanh Thực lục. Tuy đã hai lần được xuất bản dưới các tên khác (Cao Tông Thực lục, Thư ấn quán, New Jersey, 2004 và Thanh Thực lục: sử liệu chiến tranh Thanh-Tây Sơn, NXB Hà Nội, 2008) nhưng bản in lần này đã được làm lại, hiệu đính và bổ chú kỹ theo tiêu chí của tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo còn là tác giả của của các sách: Những nét đặc trưng về lịch sử Việt Nam (Cal., 2002), Việt sử: Tư liệu cùng lời bàn, 2 tập, (Thư ấn quán, New Jersey, 2009).
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã hiệu đính, bổ chú và viết bài nghiên cứu sâu sắc cho cuốn Minh Thực lục.
Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh đã hiệu đính, ông Phạm Hoàng Quân bổ chú cho cuốn Thanh Thực lục.
Ông Nguyễn Bá Dũng đã bổ sung ý tưởng (đưa phần Champa vào sách, bổ sung bài nghiên cứu của Geoff Wade …), trợ giúp tư liệu, kết nối các tác giả, biên tập và hoàn chỉnh bản thảo cuối cùng; cũng như đại diện cho nhóm tác giả thực hiện các công việc có liên quan tới nhà xuất bản.
Các tác giả rất hài lòng và ngỏ lời cảm ơn hai nhà sử học, GS. Nguyễn Minh Tường và GS. Tạ Ngọc Liễn, đã giúp nhà xuất bản biên tập nội dung cuốn sách với chất lượng cao. Các tác giả đặc biệt cảm ơn GS. Tạ Ngọc Liễn về bài nghiên cứu của ông trong cuốn Thanh Thực lục: Quan hệ Thanh-Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX.
Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là cuốn sử liệu đầu tiên trích dịch đầy đủ phần tư liệu về nước ta từ một bộ sử Trung Quốc, có in kèm đầy đủ bản gốc (phần dịch).
Sử Việt, đọc vài quyển (tên một cuốn sách của sử gia Tạ Chí Đại Trường) là hiện trạng sử liệu nghèo nàn của nước nhà do cha ông để lại. Khắc phục khiếm khuyết này, không gì bằng phải tìm nhặt, dịch và công bố các tư liệu liên quan tới nước ta từ sách sử nước ngoài. Do vị thế địa-chính trị mà trong sử sách Trung Quốc sẽ là nơi có thể tìm thấy nhiều tư liệu sử Việt nhất. Hơn nữa, với hàng ngàn năm quan hệ Việt-Trung, việc “ôn cố tri tân” bằng những sử liệu đó luôn luôn cần thiết.