Xuất bản ở Pháp

Ở Pháp, không có bộ luật nào quy định riêng về xuất bản. Bất kỳ ai cũng có thể xuất bản sách. Người ta ước chừng có 3600 cơ sở xuất bản, trong đó khoảng 300 nhà xuất bản hoạt động thương mại sách và có đăng ký trong Nghiệp đoàn Xuất bản Quốc gia.

Có hai “người khổng lồ” trong lĩnh vực xuất bản của Pháp: tập đoàn Hachette (doanh số đạt 1,7 tỷ Euro năm 2005, tức là khoảng một nửa tổng doanh số của lĩnh vực xuất bản cả nước) và tập đoàn Editis (doanh số 780 triệu Euro năm 2005); khoảng chục nhà xuất bản lớn (doanh số hơn 100 triệu Euro) như NXB France Loisirs, Gallimard, Flammarion, Albin Mihcel; và vô số nhà xuất bản nhỏ với doanh số khoảng vài chục nghìn Euro. Song chính những NXB nhỏ lại giúp cho độc giả phát hiện ra những tác giả lớn.
Những tập đoàn lớn có khả năng quảng cáo mạnh, song thành công của một cuốn sách không chỉ phụ thuộc vào quảng cáo: một trong những tác phẩm bán chạy nhất năm 2007 là cuốn L’Elégance du hérisson (Vẻ duyên dáng của chuột nhím) của Muriel Barbery – tác giả chưa có tên tuổi. Chỉ trong vài tháng cuốn sách này đã bán được 500.000 bản chỉ qua truyền miệng mà chẳng hề có quảng cáo gì. (Tác phẩm này sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam trong năm 2008, do NXB Văn Học và Công ty Nhã Nam phát hành trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh). Chuyện này khiến người ta nhớ tới nhiều nhà xuất bản Anh đã từ chối tập đầu tiên của Harry Potter vì cho rằng cuốn sách này là “không thể bán được”!
Liệu xuất bản sách có chống trả được mối “đe dọa” của Internet? Ngược lại với những gì ta quan ngại, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, lượng sách xuất bản càng ngày càng tăng: 400.000 đầu sách năm 1990 và đến nay là 68.000 đầu sách. Tổng doanh số ngành xuất bản cũng tăng, từ 2,4 tỷ Euro năm 2000 lên 2,8 tỷ Euro năm 2007 (lượng sách bán được năm 2000 là 412 triệu bản và năm 2007 là 494 triệu bản). Số lượng in trung bình là 9.000 bản.
Internet đã giúp cho việc quản lý xuất bản và phát hành tốt hơn. Hàng nghìn trang web với chủ đề sách nở rộ ở Pháp: tạp chí điện tử, blog của các nhà phê bình văn học (mỗi tháng có 300 000 kết nối đến Blog của Pierre Assouline). Internet còn tạo điều kiện cho mua bán sách qua mạng (chiếm 4% và còn tiếp tục tăng).

Những nhà xuất bản và những tủ sách huyền thoại

Đầu thế kỷ XX, Gaston Gallimard đã tiếp quản NRF (Nouvelle Revue Francaise) do một nhóm trí thức sáng lập. Gallimard trở thành nhà xuất bản danh giá nhất và đã phát hành tác phẩm của những tác giả nổi tiếng như Claudel, Malraux, Camus, Sartre, Beauvoir, Yourcenar, Sarraute, Garcia Lorca… Tủ sách La Bibliothèque de la Pléiade, ra đời vào đầu những năm 30, đã xuất bản khoảng 500 kiệt tác văn học thế giới.
Cùng thời với Gaston Gallimard, Bernard Grasset, nổi tiếng với đội ngũ “4M”– Maurois, Mauriac, Montherlant và Morand là nhà xuất bản đầu tiên đã cho in tác phẩm của Proust và của các tác giả Cendrars, Cocteau và Giono. Sự đổi mới của NXB này là phát hành với số lượng lớn (10 000 bản) đồng thời tiến hành quảng bá tác phẩm trên báo chí.
NXB Albin Michel có sáng kiến xuất bản sách bỏ túi và ngay từ năm 1903 đã bán những cuốn sách nhỏ với giá thấp. Nhà xuất bản này đã gặt hái những thành công lớn với Romain Rolland, Henri Barbusse hay Pierre Benoit.
NXB Minuit ra đời năm 1941 dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng, là nơi xuất bản dòng văn học Tiểu thuyết mới vào những năm 50 của các tác giả như Duras, Robbe-Grillet
Nxb Seuil ra đời năm 1935, chủ yếu xuất bản sách khoa học xã hội, nổi tiếng với tủ sách La Couleur des idées (màu sắc của những tư tưởng) và với các tác phẩm của Bourdieu và Barthes.

MN

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)