Xung quanh việc thu hồi tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông”
Quyết định của thanh tra sở Thông tin và truyền thông TP.HCM thu hồi toàn bộ tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của Nguyễn Vĩnh Nguyên vì cho rằng sách “truyền bá lối sống dâm ô đồi truỵ” đã vấp phải khá nhiều dấu hỏi trong dư luận.
* Nhà văn Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hà Nội:
Đừng để bất thường trở thành bình thường
Trường hợp tập truyện của Nguyễn Vĩnh Nguyên bị cấm, nhắc tôi nhớ tới trường hợp bị cấm, bị phỉ nhổ nữa, của nhà văn Anh David Herbert Richards Lawrence (1885 – 1930) với cuốn tiểu thuyết Lady Chatterley’s Lover. Liên tưởng ở đây chỉ là về việc cấm sách, không nói về chất lượng hai tác phẩm của hai tác giả ở hai phương trời khác nhau, hai thời đại khác nhau. Tác phẩm của D. H. Lawrence in năm 1928 ở Ý, mãi đến năm 1960 mới in ở Anh, nhưng vẫn bị coi là “khiêu dâm, đồi bại”, bị ném đá rất nhiều. Trong bản in năm 1960 của Penguin Books ở Anh, do giữ nguyên toàn bộ bản thảo của tác giả nên nhà xuất bản đã bị đưa ra toà, mà một trong những lý do phản đối là trong tác phẩm dùng quá nhiều những từ tục như “fuck” (giao cấu) và “cunt” (bộ phận sinh dục giống cái). May nhờ bộ luật Xuất bản sách khiêu dâm (Obscene Publications Act, 1959) đã cứu cho nhà xuất bản khỏi bị kết tội nếu họ chứng minh được tác phẩm đó là có chất lượng văn học. Và ngày 2.11.1960, toà án Anh quốc đã tuyên Lady Chatterley’s Lover là “vô tội”. Từ đó, nó trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của D. H. Lawrence, được chuyển thể thành phim, đoạt sáu giải Cesars của Pháp và giải Oscar cho phim xuất sắc nhất. Ở Việt Nam, tác phẩm này vừa được Hồ Anh Quang dịch ra tiếng Việt mang tên Người tình của phu nhân Chatterley, cũng do nhà xuất bản Hội Nhà văn in và được phát hành vào giữa năm 2011.
Ở ta, trong trường hợp Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông thì làm ngược lại, lệnh cấm đã ban ra mà trước đó không hề có một sự giám định nghệ thuật công khai nào đối với tác phẩm. Cuộc họp giám định của nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi cho ra đời cuốn sách, sẽ chỉ diễn ra khi lệnh cấm đã có. Còn công ty sách Phương Nam, đơn vị liên kết xuất bản, thì sẽ bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, bị doạ “sẽ bị cưỡng chế và phải chịu chi phí cho việc cưỡng chế” nếu trong vòng mười ngày không thu hồi sách và có quyền khiếu nại trong 90 ngày, nhưng “việc khiếu nại không làm đình chỉ quyết định xử phạt”. Quả là bất thường. Nếu vụ việc này xử theo cái luật của đảo quốc xứ sương mù dẫn trên đây thì tôi khẳng định tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên là có chất lượng văn học, là một tập truyện ngắn được viết với một bút pháp khác lạ.
Những sự cấm như đối với tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông hay với tập sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ, quả thật là bất thường đối với đời sống văn hoá, tinh thần của một xã hội đang cố gắng hoàn chỉnh về luật pháp của chúng ta.
* Ông Trịnh Hải Phương trưởng phòng khai thác bản quyền, Công ty TNHH sách Phương Nam: Chúng tôi đã làm đúng luật
Công ty TNHH sách Phương Nam đang thực hiện công văn trả lời sở Thông tin và truyền thông TP.HCM về những nhận định và quyết định yêu cầu thu hồi cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Chúng tôi đã làm đúng luật xuất bản, đúng nguyên tắc xuất bản, và cuốn sách cũng đã phát hành được nửa năm rồi, ngay cả Cục Xuất bản cũng chưa có ý kiến gì.
Về những nhận định liên quan đến việc cuốn sách có nội dung “dâm ô”, chúng tôi đang đợi thêm các ý kiến thẩm định từ Hội Nhà văn. Rõ ràng là cần phải có nhiều người, nhiều nhà văn, nhiều cấp quản lý tham gia vào việc thẩm định tác phẩm này. Và khi có các ý kiến thẩm định từ nhiều chiều, nhiều hướng thì chúng tôi mới tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo liên quan đến cuốn sách này.
* Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ:
Sự việc ảnh hưởng đến cả không khí chung của văn học Việt Nam
Tôi đã đọc khá đầy đủ các truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Đa hình, đa nghĩa, đó là nét độc đáo của văn chương Nguyễn Vĩnh Nguyên, cũng là cái tài của anh. Và tất nhiên, nhiều người không thích truyện của anh. Điều đấy phải coi là bình thường bởi mỗi người có một ý thích khác nhau, trước một tác phẩm nghệ thuật.
Riêng với Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, đứng ở góc độ người đọc, tôi thấy, nếu chỉ xem xét ở bề nổi câu chữ và kết luận một vài chi tiết trong đó là “dâm ô”, để rồi tịch thu tác phẩm, là quá tay. Và không nên tách một đoạn văn ra khỏi toàn cảnh câu chuyện để kết luận như vậy. Thực tình, những đoạn dính dáng đến sex trong Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông còn chừng mực hơn nhiều so với không ít tác phẩm văn học dịch được cấp phép và đang có mặt trên thị trường sách, với nhiều trường đoạn mô tả chuyện trai gái cụ thể và bạo liệt. Vậy nếu kết luận tập truyện này là dâm ô, thì có biết bao cuốn “dâm ô” hơn đang bán, được cấp phép thì sao?
Sự việc này, tôi nghĩ, ảnh hưởng đến tác giả thì ít mà ảnh hưởng đến không khí chung của nền văn học Việt Nam thì nhiều, đặc biệt là tâm lý của nhà văn thế hệ 1975. Một thế hệ nhà văn trẻ đang tìm tòi, phá cách để có những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân sẽ thế nào đây khi phải vừa “viết” vừa lo “lách” để có tấm vé thông hành cho tác phẩm, mà cửa cấp phép thì đâu chỉ có mỗi Cục Xuất bản như tất cả nhà văn Việt Nam lâu nay vẫn tưởng?
Dịch giả Cao Việt Dũng:
Sửng sốt!
Quyết định thu hồi tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên gây sửng sốt vì nhiều lẽ.
Thứ nhất là mức độ quyết liệt, có thể nói là cứng rắn của nó. Điều này là hiếm thấy trong các vụ việc liên quan tới thu hồi ấn bản phẩm xưa nay. Cách làm ta thường chứng kiến là các quyết định xử lý sai phạm về quy trình xuất bản, chẳng hạn tên sách in ra khác với tên sách khi đăng ký, người ký duyệt bản thảo không đủ thẩm quyền, không nộp lưu chiểu hoặc nộp lưu chiểu muộn… mặc dù lý do chính yếu của động thái từ phía cơ quan quản lý có thể là khác. Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông nhận quyết định thu hồi với những lý do rất cụ thể, đi thẳng vào nội dung sách: “Truyền bá lối sống dâm ô đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Điều gây sửng sốt thứ hai là hành động cương quyết này (cương quyết đến nỗi nhấn mạnh rằng “việc khiếu nại [từ phía công ty liên kết xuất bản cuốn sách, tức Phương Nam] không làm đình chỉ quyết định xử phạt”) được đưa ra rất muộn: sở Thông tin và truyền thông đợi đến gần sáu tháng mới ra quyết định thu hồi một cuốn sách. Có cảm giác sự cương quyết của sở xuất phát một phần từ việc họ đã không hoàn thành trách nhiệm theo luật định. Hành động này cũng cho thấy cơ quan quản lý không mấy coi trọng thẩm quyền chuyên môn của nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi xuất bản và cấp phép xuất bản cho rất nhiều tác phẩm văn học.
Tiếp theo, căn cứ pháp luật của sở là như sau: “vi phạm khoản 2, điều 10 luật Xuất bản; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất bản”. Đây là trích từ toàn văn khoản 2, điều 10 (“Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản”) của luật: “Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”.
Đến đây ta sẽ thấy nảy sinh điều gây sửng sốt lớn nhất của quyết định nói trên. Để nói tới “dâm ô”, “truỵ lạc”, theo tôi cần quan tâm đến hai điều: ý đồ của tác giả và văn phong của tác giả. Đã có không ít nhà văn và nhà phê bình lên tiếng, đại đa số đều khẳng định Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng yếu tố tính dục như phương tiện chứ không phải mục đích, và điều này đúng. Nhà văn được phép sử dụng tính dục như một yếu tố, thậm chí là thủ pháp trong tác phẩm của mình, chuyện này cho đến nay đã không mấy ai còn xa lạ.
Điều phân biệt thứ hai, theo tôi quan trọng hơn, nằm ở văn phong. Văn phong của Nguyễn Vĩnh Nguyên luôn luôn làm độc giả căng thẳng, mệt mỏi, trêu ngươi, thậm chí nhiều lúc bực bội; tâm trạng ấy không có gì chung với những xung động tính dục đơn thuần, khó lòng khêu gợi những ý nghĩ về khoái cảm xác thịt.