Bài học về quyền lực Nhà nước từ mô hình công ty cổ phần

Một công ty cổ phần chỉ thực sự duy trì được bản chất là công ty của cổ đông, do cổ đông, vì cổ đông, khi bảo vệ được yếu tố minh bạch trong quyền lực điều hành. Đây cũng là quy luật tất yếu để chúng ta đánh giá liệu một Nhà nước có thực sự là của dân, do dân, và vì dân.

Quyền lực Nhà nước đến từ đâu?

Thủa hồng hoang, khi loài người mới hình thành, thì những tập tính của động vật còn rất rõ nét, chưa có trật tự như xã hội ngày nay. Khi đó con người có thể có những “quyền” nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới sự an nguy và quyền lợi tối thiểu của cá nhân và cộng đồng. Gọi là “quyền” vì người ta có thể thực hiện hành vi mà không phải xin phép ai, ví dụ như việc người này tàn sát hay cướp bóc người khác – cũng tựa như việc hai con bò húc nhau – không phải xin phép ai. Nhưng loài người thông minh đã nhanh chóng nhận ra sự tồn tại của cá nhân và cộng đồng không thể duy trì, phát triển nếu kéo dài thực tế này. Nên họ đã cùng nhau thỏa thuận loại bỏ những quyền nguy hiểm như vậy và đảm bảo điều này bằng việc giao quyền kiểm soát cộng đồng cho một chủ thể trung gian. Chủ thể trung gian này chính là tiền thân của Nhà nước.

Ngoài ra, người ta cũng nhận ra cần phải tập hợp quyền lợi kinh tế manh mún của nhiều cá nhân lại vào tay một chủ thể trung gian có năng lực điều hành, qua đó làm tăng quy mô và hiệu quả sử dụng các nguồn lực của cộng đồng. Chủ thể trung gian ấy cũng chính là Nhà nước. Việc tập trung quyền lực vào tay một chủ thể trung gian cũng tương tự như một công ty cổ phần được thành lập bởi các cổ đông, khi họ thấy rằng từng thành viên tiếp tục làm ăn riêng lẻ không mang lại hiệu quả, vì vậy cần trao quyền định đoạt tài sản cá nhân của mình sang bàn tay của một chủ thể trung gian bằng hình thức góp vốn.

Nếu như nhân dân đóng góp chủ yếu cho nhà nước bằng tiền thuế và sức lao động dưới hình thức lao động công ích và nghĩa vụ quân sự; thì các cổ đông chủ yếu đóng góp cho công ty bằng tiền. Nhưng thay vì đầu tư hết tiền bạc vào công ty, các cổ đông khôn ngoan bao giờ cũng giữ lại cho mình một góc tài sản để chi dùng cá nhân. Tương tự như vậy các thành viên xã hội cũng không dại gì tự nguyện trao hết tất cả các quyền của mình cho nhà nước: phần quyền còn giữ lại này chính là các quyền tự do cơ bản của công dân thường được ghi nhận trong các tuyên ngôn nhân quyền, trong các bản hiến pháp.

Không phải là nhà nước trao quyền cho các thành viên xã hội, mà là ngược lại – các thành viên xã hội trao quyền cho nhà nước.

Như vậy, bản chất vấn đề ở đây không phải là nhà nước trao quyền cho các thành viên xã hội, mà là ngược lại – các thành viên xã hội trao quyền cho nhà nước.

Qua việc phân tích nguồn gốc quyền lực của công ty cổ phần và của nhà nước, chúng ta có thể thống nhất với nhau một số điểm:

–    Nhà nước và công ty là chủ thể nhân tạo, nên nó không có quyền tự thân. Tất cả quyền mà nhà nước là do nhân dân trao cho, cũng như quyền lực công ty là do các cổ đông thành viên trao cho.

–    Mọi hành vi của công ty, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, đều phải nằm trong một khuôn khổ được các cổ đông đồng ý từ trước. Tương tự như vậy, mọi hành vi của Nhà nước điều chỉnh, can thiệp vào những quyền tự do của công dân khi xã hội trước đó đã đồng ý về điều này. 

–    Khi công ty làm ăn thua lỗ, cũng như khi nhà nước không còn đáp ứng được mục đích nhân dân đặt ra thì các thành viên có thể từ chối tiếp tục đóng góp hoặc trong trường hợp trầm trọng thì có thể tiến hành giải thể.

–    Tài sản chi dùng cá nhân là độc lập với tài sản công ty, thì nhân quyền là góc quyền tự do của từng cá nhân, nhà nước không được phép xâm phạm.

Hiến pháp và điều lệ công ty

Giữa hiến pháp và điều lệ công ty có những điểm tương đồng rất cơ bản.

Nếu hiến pháp quy định về việc thành lập, hoạt động của các cơ quan nhà nước chủ chốt như quốc hội, thủ tướng, tòa án, kiểm toán thì điều lệ công ty sẽ quy định về hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán …  những thiết chế chủ chốt của công ty.

Hiến pháp là một loại khế ước đặc biệt mà Rousseau gọi là khế ước xã hội.

Nếu hiến pháp quy định mối quan hệ giữa nhà nước và công dân thì điều lệ công ty điều chỉnh mối quan hệ giữa cổ đông và công ty. Nếu các công dân thực hiện quyền lực trực tiếp thông qua trưng cầu dân ý, thì các cổ đông thực hiện quyền lực trực tiếp thông qua đại hội cổ đông; nếu các công dân thực hiện quyền lực gián tiếp thông qua quốc hội, chính phủ, tòa án thì các cổ đông của mình cũng có ảnh hưởng gián tiếp đến đường lối, các quyết định của công ty thông qua lá phiếu bầu hội đồng quản trị.

Nhưng trên tất thảy, điểm tương đồng lớn nhất giữa hiến pháp và điều lệ công ty là ở chỗ, cả hai đều là những khế ước được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa các thành viên. Điều lệ công ty là một bản khế ước thỏa thuận giữa các cổ đông để phục vụ quyền lợi cao nhất của các cổ đông. Tương tự như vậy, hiến pháp là một bản khế ước được thỏa thuận bởi nhân dân để phục vụ quyền lợi cao nhất của nhân dân.

Chính vì vậy hiến pháp là một loại khế ước đặc biệt mà Rousseau gọi là khế ước xã hội. Khế ước xã hội hiện thân một cách minh thị[1] ở các bản hiến pháp thành văn hoặc hiện thân một cách mặc thị ở các quốc gia có “hiến pháp bất thành văn“.

Lời nói đầu Hiến pháp bang Massachusetts năm 1780 đã trực tiếp đồng nhất hiến pháp và khế ước xã hội như sau:

Cơ quan chính trị được thành lập bởi liên minh tự nguyện giữa các cá nhân; nó là một khế ước xã hội, qua khế ước này toàn thể nhân dân ký kết thảo ước với từng công dân, và mỗi công dân ký kết với toàn thể nhân dân rằng mọi người sẽ bị điều hành bởi những luật nhất định vì mục tiêu tốt lành chung.“

Một ví dụ kinh điển nữa cho hình thức thể hiện minh thị của khế ước xã hội là Mayflower Compact[2]:

Vào năm 1620 thì một nhóm bất đồng về tôn giáo (Pilgrim) đã rời bỏ nước Anh trên con thuyền mang tên là Mayflower để đi tìm vùng đất tự do cho mình. Khi con thuyền còn lênh đênh trên đại dương thì các thành viên có mặt trên con tàu đã bàn định về “nhà nước” tương lai của mình. Vào ngày 11 tháng 11 năm 1620, họ đã cùng nhau ký một thỏa thuận (Compact tiếng Anh cổ có nghĩa là hợp đồng) về sau được giới học thuật gọi là Mayflower Compact để thiết lập nên “nhà nước” tương lai của mình. Khi con tàu cập bến vào vùng đất trống mà ngày nay là Plymouth – USA, thì Mayflower Compact đã đóng vai trò là hiến pháp cho chính quyền Plymouth trong những ngày đầu tiên. 

Các học thuyết này làm giảm tính minh bạch của quyền lực nhà nước, tạo điều kiện hoặc hợp thức hóa cho sự lạm quyền.

Tuy không trực tiếp, rõ rệt nhưng chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hình bóng[3] về khế ước xã hội ngay trong bản hiến pháp đầu tiên của lịch sử Việt Nam – Hiến pháp 1946.

Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 ghi:

Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà,…”

Sau đó Điều 70 khoản c quy định về thủ tục sửa đổi hiến pháp như sau:

Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.“

Hành động phúc quyết ở đây có thể ví với hành động phê chuẩn hợp đồng.

Những cách giải thích không minh bạch về quyền lực Nhà nước

Trước khi có quan điểm “nhà nước của dân, do dân, vì dân“ được các quốc gia văn minh chấp nhận rộng rãi từ thế kỷ 18, các nhà nước phong kiến luôn đưa ra những sự giải thích rối rắm, huyền bí khi giải thích về nguồn gốc Nhà nước và bản chất quyền lực Nhà nước. Các vị vua phong kiến đã hậu thuẫn cho các học thuyết thần quyền về nguồn gốc nhà nước để lý giải cho sự cai trị độc đoán của mình và trạng thái vô quyền của nhân dân. Các học thuyết này đều có điểm chung: nhà vua nhận quyền lực từ một đấng siêu nhiên (Ngọc hoàng ở phương Đông, hay Thượng đế ở phương Tây) để thiết lập nên nhà nước và thay mặt đấng siêu nhiên trị vị nhà nước đó; nếu nhân dân chịu cảnh lầm than bởi bàn tay tàn bạo của một vị vua nào đó, thì họ không nên lật đổ nhà vua, mà nên tự sám hội, xem xét xem dân tộc đó đã phạm lỗi gì để thượng đế nổi giận cử một ông vua như vậy xuống trần gian trừng phạt dân tộc đó.

Vào cuối thế kỷ 17, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật thì các học thuyết thần quyền không còn chỗ đứng, nhưng nhân loại lại phải tiếp tục đối mặt với các nhóm học thuyết của những thể chế độc tài, ví dụ như học thuyết giám hộ.

Học thuyết giám hộ thừa nhận về nguyên tắc thì quyền lực nhà nước là thuộc về toàn dân giống như học thuyết khế ước xã hội, nhưng trong đó khẳng định rằng vì trình độ dân trí thấp, không đủ khả năng nắm bắt các vấn đề phức tạp trọng đại của quốc gia, nên người dân cần chấp nhận đi theo sự dẫn dắt của lãnh đạo quốc gia, giống như đứa trẻ vị thành niên cần phải có người giám hộ trong các giao dịch dân sự có giá trị lớn vậy. Học thuyết này có ưu điểm là vừa xoa dịu được sự phản kháng của tầng lớp thiểu số, bởi họ thừa nhận nhà nước là của toàn dân, vừa bảo đảm được đặc quyền chính trị của kẻ thống trị bởi họ được ghi nhận là người giám hộ. Trong lịch sử, chế độ bảo hộ của thực dân Pháp lên nước ta là một ví dụ điển hình cho học thuyết giám hộ.

Trong việc trao quyền cho người điều hành một Nhà nước, cũng phải có một sợi dây liên kết mật thiết giữa lợi ích của nhân dân và quyền lực của người lãnh đạo.

Không như học thuyết khế ước xã hội thừa nhận trọn vẹn Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, thì các học thuyết trên đây phủ một màn sương mù lên quyền lực nhà nước làm cho quyền lực nhà nước như một con rồng thần bí, nhân dân chỉ thấy cái đầu rồng, còn thân và đuôi của nó thì ẩn trong mây. Các học thuyết này làm giảm tính minh bạch của quyền lực nhà nước, tạo điều kiện hoặc hợp thức hóa cho sự lạm quyền.

Vì sao cần minh bạch trong trao quyền điều hành

Ở trong mỗi công ty, sợi dây liên hệ giữa lợi ích cổ đông và quyền lực thành viên hội đồng quản trị cùng các lãnh đạo khác là rất rõ ràng. Việc lựa chọn nhầm người cầm quyền ở công ty ngay lập tức gây ra sự sụt giảm cổ tức của cổ đông, và khi điều này xảy ra thì những người cầm quyền này sẽ nhanh chóng phải ra đi, không cứ họ phải có một vi phạm nhỏ nào, mà chỉ đơn giản là khi không đáp ứng được lợi ích kỳ vọng của các cổ đông. Hay nói cách khác sợi dây lợi ích trong công ty là rất minh bạch và nhạy bén theo cả hai chiều. Khi duy trì được sợi dây này thì sẽ tạo động lực mạnh mẽ buộc người lãnh đạo công ty phải phấn đấu nỗ lực trong việc bảo vệ và phát huy quyền lợi của cổ đông nếu muốn duy trì quyền lực.

Cũng tương tự như vậy, trong việc trao quyền cho người điều hành một Nhà nước, cũng phải có một sợi dây liên kết mật thiết giữa lợi ích của nhân dân và quyền lực của người lãnh đạo. Nếu như quyền lực của lãnh đạo Nhà nước được quyết định chủ yếu bởi những tác nhân nằm ngoài lợi ích của cử tri, thì người lãnh đạo sẽ ít quan tâm lợi ích của cử tri vì lợi ích của cử tri không đóng vai trò sống còn đối với sự nghiệp chính trị của họ.

Minh bạch trong đánh giá hiệu quả hoạt động

Đối với công ty cổ phần có một công cụ đánh giá vô cùng nhanh nhạy đối với hiệu quả hoạt động của công ty đó là thị trường chứng khoán. Chỉ cần một quyết định bổ nhiệm CEO hay sự ra đi của một nhân sự cao cấp của công ty có thể làm cho giá cổ phiếu của công ty thay đổi ngay tức thì. Chiến lược kinh doanh, sản phẩm mới và kể cả những vụ bê bối đều được phản ánh thông qua sự trồi sụt giá cổ phiếu của công ty.

Đáng tiếc là đối với nhà nước không thể nào có một công cụ như vậy. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính như Standard & Poor, Moody có thể xếp hạng tín dụng của các quốc gia; Humanright Watch có thể đưa ra các chỉ số về quyền cơ bản của công dân… Nhưng không có một chỉ số nào đánh giá một quốc gia toàn diện khách quan nhanh nhạy như chỉ số chứng khoán đối với công ty.

Vì thiếu một công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động kiểu như thị trường chứng khoán, nên các chính trị gia dễ dàng huyễn hoặc dân chúng về những thành công của mình, hoặc thoái thác trách nhiệm để có thể tái cử một cách dễ dàng.

(Đón đọc kỳ tới: Đưa tinh túy tinh thần doanh nghiệp vào Nhà nước)

[1] Theo GS Nguyễn Văn Bông thì khế ước xã hội chỉ tồn tại dưới dạng mặc thị, không tìm thấy dưới dạng minh thị. Nhưng tôi thì cho rằng khi GS Bông đưa ra quan điểm này đã bỏ qua Hiến pháp Massachusetts và Mayflower Compact năm 1620. Xem Nguyễn Văn Bông (1974), Hiến pháp và chính trị học – Quyển I, NXB Luật Khoa Sài Gòn, tr. 73

[2] Xem thêm http://www.allabouthistory.org/mayflower-compact.htm

[3] Tuy hiến pháp 1946 không trực tiếp khai sinh ra một nhà nước mới như trường hợp Mayflower Compact hay hiến pháp bang Massachusetts năm 1780, nhưng đã đóng vai trò là cơ sở cho việc vận hành quyền lực nhà nước của chính quyền cách mạng, làm cơ sở cho nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)