Bẫy giá trị thấp !

Trong giai đoạn từ 2005 đến 2017 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vào khoảng 6,2%, xuất khẩu tăng trên 35 lần từ 5,4 tỷ USD lên khoảng 192 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu bình quân là 34% năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra khá nhiều.


Hình 1. Chênh lệch xuất nhập khẩu. Nguồn: TCTK.

Tình trạng thâm hụt thương mại cao và triền miên đỉnh điểm là năm 2008 (18 tỷ USD) đã không còn. Thậm chí, năm 2016 thặng dư thương mại khoảng 1,8 tỷ USD và năm 2017 ước tính khoảng trên 2,3 tỷ USD (Hình 1). Không những thế, đến nay, không chỉ thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được mở rộng mà chủng loại hàng hóa cũng nhiều hơn và đã xuất hiện những sản phẩm có chất lượng và mang tính đặc trưng của Việt Nam đã vươn tới nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Cơ cấu thị trường xuất khẩu có bước dịch chuyển dần, đến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Á là 50%, châu Âu 25% và châu Mỹ tăng lên trên 25%…


Hình 2. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và FDI. Nguồn TCTK.

Nếu như nhìn sâu hơn vào cơ cấu của xuất khẩu thì sẽ thấy rất nhiều lo ngại. Số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng giá trị xuất khẩu tăng lên nhanh chóng, từ 47% năm 2000 lên 57,2% năm 2005 và đến năm 2017 tỷ lệ này xấp xỉ 73% (Hình 2). Đối với nhập khẩu tỷ lệ nhập khẩu của khu vực FDI trong tổng nhập khẩu cũng tăng từ 27,8% năm 2000 lên 37,1% năm 2005 và khoảng 59% năm 2017 (Hình 3).


Hình 3. Tỷ trọng nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước và FDI. Nguồn: TCTK.

Có thể thấy thặng dư thương mại hay thâm hụt thương mại đều do khu vực FDI quyết định. xét riêng về chênh lệch xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI (hình 4) cho thấy khu vực kinh tế trong nước luôn thâm hụt thương mại và mức độ thâm hụt thương mại của khu vực này ngày càng sâu hơn, trong khi đó khu vực FDI luôn có thặng dư thương mại và ngày càng ấn tượng


Hình 4. Chênh lệch XNK của khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI. Nguồn: TCTK.

Một điều ngạc nhiên là tuy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng giá trị xuất khẩu từ năm 2005 – 2017 tăng lên trên 16 điểm phần trăm, nhưng tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực này trong GDP chỉ tăng khoảng 3 – 4 điểm phần trăm; nếu năm 2005 giá trị tăng thêm của khu vực FDI chiếm trong GDP là 15,2% đến năm 2017 tỷ lệ này chỉ khoảng 19%. Điều này cho thấy sản xuất của khu vực này cơ bản là gia công, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngày một thấp. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất của giai đoạn 2013 – 2017 kém hơn giai đoạn 2007 -2012 ở hầu hết các ngành, nếu 2007 – 2012 tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất khoảng 36% thì giai đọan 2013 – 2017 thấy tỷ lệ này giảm xuống 28%. Điều này có nghĩa nếu giai đoạn trước làm ra 100 đồng sẽ có 36 đồng là giá trị tăng thêm, giai đoạn hiện nay làm ra 100 đồng chỉ còn 28 đồng giá trị tăng thêm. Tỷ lệ này sụt giảm mạnh mẽ nhất là ở nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Điều này phần nào phản ánh mức độ gia công của nền kinh tế Việt Nam ngày càng ở mức cao! Một lần nữa phải nhắc lại trường hợp đôi giày Nike 100 USD, phần Việt Nam nhận được là 22 USD, nếu có thể phân tách: trong 22 USD đó, nghĩa vụ thuế, đặc biệt là thuế đất đai và thuế gián thu, vốn là phần doanh nghiệp đóng thay người tiêu dùng chiếm bao nhiêu phần trăm. Nhiều người e ngại, con số thực nhận còn thấp hơn nhiều. Với Samsung cũng vậy. Sau 20 năm đổ bộ, đến năm 2016, trong hơn 30 tỷ USD xuất khẩu, phần đóng góp của Việt Nam (bao gồm cả xuất khẩu tại chỗ của một vài doanh nghiệp phụ trợ ở khâu bao bì) chỉ vào khoảng 20 triệu USD.

Nhìn từ góc độ khác, tính toán mô hình cân bằng tổng thể trong các giai đoạn cho thấy xuất khẩu tuy làm tăng giá trị sản xuất so với giai đoạn trước khoảng 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13.3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Sử dụng bảng cân đối liên ngành 2012 và 2016 cho thấy hàm lượng giá trị tăng thêm trong xuất khẩu giảm ở hầu hết các ngành (Hình 5).


Hình 5. Hàm lượng giá trị tăng thêm trong xuất khẩu một số sản phẩm vật chất1. Nguồn: Tính toán từ bảng cân đối liên ngành 2012 của TCTK và bảng 2016 cập nhật

Tương tự như bẫy thu nhập trung bình, bẫy giá trị thấp xuất hiện khi chúng ta không có cách nào để cải thiện tình trạng lóp ngóp ở đáy của chuỗi giá trị. Với những phân tích nêu trên, có thể thấy, Việt Nam đã bước chân và lún khá sâu vào chiếc bẫy này. Điều gì sẽ xảy ra nếu các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam khi những lợi thế về chính sách và nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn nữa.

Trong khi khối doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ bằng những ưu đãi về chính sách thì khối kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào khu vực kinh doanh cá thể (31% GDP), khối doanh nghiệp tư nhân mãi vẫn không chịu lớn (8% GDP). Khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân) ngoài việc bị khu vực kinh tế nhà nước và FDI chèn lấn, mà còn chèn lấn lẫn nhau và không muốn lớn lên. Không thiếu các doanh nghiệp Việt Nam đều dính dáng tới vấn đề lợi ích thân hữu khiến sân chơi chung bị làm méo mó không chỉ bằng những quyền lực không tên, mà cả bằng những ưu đãi chính sách giấy trắng mực đen. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt lại luôn lăm le cạnh tranh nhau không lành mạnh, tiêu diệt lẫn nhau.

Để có được nội lực, nền kinh tế phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, ngay ngắn. Nếu nền kinh tế cứ mãi không lớn được, chúng ta đã trao thêm quyền cho doanh nghiệp nước ngoài để đòi thêm yêu sách, lợi ích, bẫy giá trị thấp sẽ càng ngày càng thấp hơn và chúng ta mãi mãi sẽ chịu cảnh làm thuê ngay trong nhà mình.
—————-
1 Ngành 1: Nông lâm nghiệp và thủy sản, 2: Công nghiệp khai thác, 3: Công nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp, 4: Sản xuất các sản phẩm dệt may, trang phục và đồ da, 5: Sản xuất các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt, 6: Sản xuất các sản phẩm hóa chất, 7: Sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại, 8: Sản xuất và chế biến kim loại và các sản phẩm kim loại, 9: Sản xuất thiết bị, máy móc, 10: Công nghiệp chế biến chế tạo khác.

Tác giả