Cái giá của cao su tiểu điền

Chiếm tới 85% tổng sản lượng cao su trên thế giới nhưng cao su tiểu điền đang đứng trước nguy cơ bị đặt ra ngoài lề chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi trách nhiệm của sáu triệu hộ cao su tiểu điền, chủ yếu ở Đông Nam Á, là phải đáp ứng Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Vì vậy, vấn đề ở đây là làm gì để tạo thế cân bằng giữa bảo tồn rừng, bảo vệ môi trường sống với lợi nhuận cần có mà vẫn đáp ứng được nhu cầu ngày một gia tăng của thế giới? 

Đây là một vấn đề khó. Không chỉ đến thời điểm châu Âu đi tiên phong trong yêu cầu các hàng hóa nhập khẩu vào lục địa này như cao su, cà phê, hồ tiêu, đồ gỗ… phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là chứng minh sản phẩm không phải là hệ quả của phá rừng, làm suy thoái rừng mà từ cả thập kỷ nay, người ta đã bàn thảo rất nhiều quanh những từ khóa “sản xuất bền vững”, “xanh”, “tiêu dùng có trách nhiệm”… 

Cao su tiểu điền chiếm 51% tổng sản lượng cao su Việt Nam. Ảnh: Getty Images

Dẫu khát hàng hóa nhưng giờ thị trường cao su thế giới đang bắt đầu đặt các nhà xuất khẩu vào tình thế này, và dĩ nhiên khiến Đông Nam Á, nơi cung cấp đến hơn 90% nguồn cao su tự nhiên cho thế giới, phải giật mình. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Đông Nam Á, và Việt Nam, lại phải lo lắng trước yêu cầu đó? Có phải những cánh rừng cao su hàng trăm hàng nghìn héc ta vẫn cho mủ hằng tháng, hằng năm là nguyên nhân của phá rừng, làm suy thoái rừng không?

Đằng sau những câu hỏi đó là cả một lịch sử trăm năm phát triển, kể từ khi cây cao su (Hevea brasiliensis) xuất hiện tại khu vực này, và các chuyển động chính sách được tận dụng (và cả lợi dụng?) đã tạo ra những đổi thay của nền kinh tế cao su hiện đại.

“Vàng trắng” bám đuổi “vàng xanh”

Ở gần đường xích đạo, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm với nhiều tháng mưa, Đông Nam Á hội tụ nhiều ưu điểm để cây cao su có thể thoải mái sinh trưởng mà không còn hoài nhớ quê hương Brazil. Dĩ nhiên, không tình cờ mà cao su đi một chặng đường nửa Trái đất tới vùng đất này. Trong quá trình khai thác thuộc địa vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở Đông Nam Á, người Pháp, người Anh đã nhận ra tiềm năng lớn của cao su, một mỏ “vàng trắng” hứa hẹn sinh lời cho các mẫu quốc (sau khi trồng được 6-7 năm thì cây cao su mở miệng cạo và mỗi cây có thể khai thác được chừng 40 năm). Thị trường tiêu thụ cao su lúc đó đã ở mức toàn cầu, khi được kích hoạt bằng sự xuất hiện liên tiếp của một loạt các công nghệ mới: lốp khí nén của Robert William Thomson (năm 1845), John Boyd Dunlop (năm 1888), ô tô chạy bằng động cơ xăng của Karl Benz (năm 1885)… Kể từ năm 1900, sản lượng của cao su trên thế giới, cả cao su tổng hợp và tự nhiên, đều gia tăng ở tốc độ trung bình 5,8% mỗi năm1.

Quyền lực của người Pháp và Anh đã đặt cây cao su vào Đông Nam Á, trên các diện tích nguyên thủy là rừng nhiệt đới hoặc nơi canh tác truyền thống của người bản địa. Ở Việt Nam, “những người thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp đã thành công lớn trong nỗ lực biến rừng thành ‘đất trống’ và ‘đất hoang’. Sau khi xem xét việc xây dựng đồn điền, người ta mới nhận thấy mô tả về cảnh quan trước khi lập đồn điền như vùng đất không màu mỡ, dân cư thưa thớt là hoàn toàn sai lầm…”2. Nguyên nhân của tình trạng ồ ạt phá rừng làm đồn điền cao su được lý giải: “Viên quản lý rừng đầu tiên ở Đông Dương đã thừa nhận rằng chế độ quản lý lỏng lẻo đã gây ra những hệ quả tai hại cho các khu rừng ở Nam Kỳ”. 

Việt Nam đứng thứ ba thế giới với sản lượng bằng 9,2% sản lượng thế giới, tương đương Malaysia và xếp sau Thái Lan, Indonesia. Ảnh cạo mủ cao su ở Bình Phước: Shutter stock.

Giờ cao su ngày một trở thành một ngành quan trọng của Việt Nam bởi theo thông tin của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), trong năm 2022, tổng diện tích trồng cao su của Việt Nam là 918,6 ngàn ha, sản lượng đạt gần 1,34 triệu tấn3. Giờ thì Việt Nam đứng thứ ba thế giới với sản lượng bằng 9,2% sản lượng thế giới, tương đương Malaysia và xếp sau Thái Lan 31%, Indonesia 30%. Có thể, diện tích và sản lượng cao su ở Đông Nam Á sẽ còn tăng thêm nếu như không bị cây cọ dầu cạnh tranh dữ dội – thời điểm các nhà khoa học và nông dân bắt đầu nhận thấy cây cao su có thể tăng trưởng tốt trên những vùng đất trước đây từng được cho là không phù hợp lại trùng khớp thời điểm bùng nổ của giá dầu cọ và giá cà phê, khiến người ta chặt bỏ cao su để trồng cọ và cà phê, buộc cây cao su phải dịch lên phía Bắc. 

Sự tác động của ngoại cảnh này khiến diện tích trồng cao su lan rộng ra các vùng không phải vùng trồng truyền thống trong những năm từ 1970 đến năm 2009, như Bắc Thái Lan, Bắc bán đảo Malaysia cũng như các vùng cao ở Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Cũng như câu chuyện ở đầu thế kỷ, việc mở rộng diện tích này đi kèm với tình trạng phá rừng, mất rừng. “Các doanh nhân Việt Nam, Malaysia, và Thái Lan đang khai thác một cách triệt để các diện tích trồng cao su ở những khu vực trước chưa từng trồng cao su tại Lào, Campuchia, Myanmar, cũng như những vùng tương tự ở chính quốc gia mình, ví dụ như miền Bắc Việt Nam và miền Bắc Thái Lan”, Jefferson Fox và Jean-Christophe Castella (Trung tâm Trao đổi văn hóa và Kỹ thuật Đông – Tây, Mỹ), nêu trong bài báo xuất bản vào năm 2013 trên tạp chí The Journal of Peasant Studies

Theo ước tính của họ, diện tích trồng cao su ở Việt Nam từ 395.000 ha vào năm 1999 đến 550.000 ha vào năm 2007, trong đó có 4.500 ha ở miền Bắc. Góp phần quan trọng vào việc mở rộng các diện tích trồng cao su ở Việt Nam là chính sách của chính phủ. “Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm mở rộng diện tích cao su, ví dụ Chương trình 327 “Phủ xanh đất trống đồi núi trọc” (1992 – 1997), Chương trình 661 “Trồng mới 5 triệu ha rừng” (1998 – 2005), Dự án Đa dạng hóa Nông nghiệp (2001 – 2010) hỗ trợ vốn vay dài hạn cho khoảng 27.000 hộ ở Tây Nguyên và miền Trung, Dự án Phát triển cao su tiểu điền (2010 – 2015) hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho khoảng 19.000 hộ cũng cho vùng Tây Nguyên và miền Trung”, TS. Nguyễn Anh Nghĩa, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), cho biết, đồng thời lưu ý “mục đích cơ bản của chính sách là nhằm ‘khai thác, phát huy có hiệu quả lợi thế về đất đai, tự nhiên ở một số vùng để phát triển bền vững’, trong đó cho phép việc ‘trồng mới cao su trên diện tích chuyển đổi tối đa đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và đất rừng tự nhiên là rừng nghèo phù hợp với trồng cây cao su’”. 

Giai đoạn mở rộng cực thịnh của cây cao su đều liên quan đến tình trạng phá rừng và mất rừng, ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Báo cáo của tổ chức Tropenbos International và Forest Trends, trình bày tại hội thảo khoa học “Chuyển đổi rừng sang trồng cao su: Cơ hội và thách thức” vào tháng 9/2013, đã không ngần ngại chỉ ra: việc mở rộng diện tích trồng cao su đã có tác động rất lớn đến tài nguyên rừng. Tại Tây Nguyên, 79% diện tích trồng mới cao su được phát triển trên diện tích đất rừng tự nhiên và không phải tất cả đều là rừng nghèo kiệt. Tương tự, ở Tây Bắc, cao su đã làm mất đi những diện tích rừng do cộng đồng trực tiếp quản lý 4. Ba năm trước khi hội thảo này diễn ra, báo chí đã đưa tin, nhiều tỉnh như Gia Lai đã giao gần 11.000 ha cho các doanh nghiệp để trồng cao su chỉ trong năm 2008; Đắk Lắk lập dự án “khai tử” gần 70.000 ha rừng tự nhiên để trồng mới cao su đến năm 2010; Đắk Nông có hơn 1.000 ha rừng tự nhiên bị triệt hạ chỉ trong vòng ba năm (2007 – 2009); Bình Phước cũng đã phá đi 3.403 ha để trồng mới cao su hợp pháp5.

Hơn 4 triệu ha rừng, tương đương với diện tích Thụy Sĩ, đã bị đốn hạ để dành đất cho cao su, kể từ những năm 1990, theo một nghiên cứu trên Nature

Cuộc bám đuổi của cao su (vàng trắng) với rừng tự nhiên (vàng xanh) được gia nhiệt bởi sự gia tăng lợi nhuận trên thị trường cao su thế giới. Ở bình diện Đông Nam Á, câu chuyện còn khốc liệt gấp bội. Khi người ta tưởng chừng đã biết chính xác quy mô đánh đổi rừng tự nhiên lấy rừng cao su thì một công bố trên Nature vào tháng 10/2023 đưa ra một con số lớn hơn so với hiểu biết trước đây 6: hơn 4 triệu ha rừng, tương đương với diện tích Thụy Sĩ, đã bị đốn hạ để dành đất cho cao su, kể từ những năm 1990 7. Trong tổng số diện tích trồng cao su, đáng tiếc có một triệu ha từng thuộc các khu vực có tính đa dạng sinh học cao – những nơi đóng góp một cách đáng kể vào các hệ sinh thái trên cạn, nước ngọt và biển. “Bản đồ của chúng tôi chỉ ra những diện tích mất rừng liên quan đến cao su chưa được đánh giá đúng mức. Quan sát viễn thám của chúng tôi cho thấy, tình trạng phá rừng trồng cao su cao gấp hai đến ba lần so với số liệu được đề xuất cho hoạch định chính sách”, các nhà nghiên cứu viết trong công bố.

Nhưng phá rừng mới chỉ là một phần trong chuỗi giá trị mà phần phức tạp nhất còn nằm ở những pha tiếp theo. 

Cao su tiểu điền, phần không nhỏ của chuỗi giá trị

EUDR, sẽ có hiệu lực từ 30/12/2024, trở thành hàng rào kỹ thuật không cho phép bất cứ sản phẩm cao su nào vào EU nếu không cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc cao su tới tận vị trí địa lý cùng với các bằng chứng chứng minh việc khai thác không làm mất rừng trên các diện tích trồng. 

Việc minh bạch thông tin về xuất xứ của hàng hóa, dẫu chỉ lấy cái mốc là từ năm 2020, là một thách thức lớn với ngành cao su Đông Nam Á, không chỉ do lịch sử phát triển của cây cao su. Vậy còn lý do gì để chúng ta thấy việc minh bạch thông tin quá phức tạp? Câu trả lời nằm ở chính bản chất của chuỗi cung ứng cao su giá trị 300 tỉ USD và 40 triệu người tham gia, đó là phụ thuộc rất nhiều vào cao su tiểu điền (rubber smallholders). Nếu tính trên toàn chuỗi giá trị cao su thế giới, cao su tiểu điền chiếm 90% và đóng góp 85% trong tổng chuỗi sản xuất cao su tự nhiên, và phần lớn cao su tiểu điền thuộc về Đông Nam Á. Thái Lan, quốc gia cung cấp 1/3 lượng cao su thế giới, có tỉ lệ cao su tiểu điền là 90% 8; Indonesia là 83%; Malaysia là khoảng 93%; Việt Nam 51% 9

“Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể diện tích ở mức nào thì được coi là cao su tiểu điền, vì thế cứ diện tích nào của hộ gia đình thì Tổng cục Thống kê xếp vào nhóm cao su tiểu điền. Trong thực tế, phần lớn các vườn cao su tiểu điền có quy mô diện tích nhỏ dưới 3 ha (87%); số hộ có trên 10 ha chỉ chiếm dưới 1,5%”.

(TS. Nguyễn Anh Nghĩa)

Việc minh bạch thông tin về cao su thường dễ thực hiện với cao su đại điền, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích trồng cao su Đông Nam Á, do đại điền thường gắn với các tổ chức, tập đoàn của quốc gia, có tính hợp pháp rất cao và có thể giải trình được toàn chuỗi giá trị của mình. Theo lý giải của ông Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tại hội thảo “Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu”, diễn ra vào ngày 17/5/2024, “Việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR đối với các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, đều không gặp khó khăn. Bởi các diện tích này đã trồng cao su từ lâu, đất đai đều có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất”10

Mối lo ngại của VRA, do đó, đều tập trung vào nhóm cao su tiểu điền, nhóm theo nhận xét của TS. Nguyễn Anh Nghĩa “bắt đầu phát triển tự phát từ khu vực Đông Nam Bộ kể từ sau những năm 1990, khi người dân tự trồng theo ý muốn của họ, không theo chương trình, dự án nào của nhà nước và đa phần là trên đất nông nghiệp của mình. Sau đó, quá trình này lan dần sang Tây Nguyên, miền Trung. Đặc biệt, diện tích cao su tiểu điền tăng mạnh từ năm 2005 đến 2011 do giá mủ cao su tăng rất cao trong giai đoạn này”. Dẫu phần lớn các diện tích trồng tự phát đều được khai báo và thống kê, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn có một số chưa có giấy chứng nhận. Vậy đâu là giới hạn diện tích của cao su tiểu điền? Câu trả lời khiến người ta bất ngờ. “Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể diện tích ở mức nào thì được coi là cao su tiểu điền, vì thế cứ diện tích nào của hộ gia đình thì Tổng cục Thống kê xếp vào nhóm cao su tiểu điền. Trong thực tế, phần lớn các vườn cao su tiểu điền có quy mô diện tích nhỏ dưới 3 ha (87%); số hộ có trên 10 ha chỉ chiếm dưới 1,5%. Riêng với Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế (FSC), họ quy định tiểu điền cao su là dưới 20 ha – đây cũng là mức để FSC áp dụng khi xem xét cấp Chứng chỉ Quản lý Rừng bền vững (FSC certificates)”, ông giải thích. 

Thu mua mủ cao su ở Bình Phước. Ảnh: Shutter stock.

Đi dọc theo chuỗi giá trị cao su, người ta mới thấy sự đa dạng và độ biến thiên của cao su tiểu điền, không chỉ ở diện tích trồng trọt. “Không chỉ có diện tích lớn hơn đại điền, sản lượng và năng suất của cao su tiểu điền cũng cao hơn đại điền. Năng suất mủ năm 2019 của cao su tiểu điền cao hơn đến 8% so với cao su đại điền, chủ yếu do diện tích cao su tiểu điền đang vào thời kỳ cao điểm của chu kỳ năng suất và sử dụng giống năng suất cao được khuyến cáo gần đây”, theo báo cáo của Forest Trends”9

Hơn 60% nguồn cung cao su thiên nhiên của Việt Nam là do hơn 260 ngàn hộ tiểu điền cung cấp theo một chuỗi “tương đối phức tạp, với cao su khai thác từ các hộ đi qua nhiều khâu trước khi được đưa vào chế biến”, theo TS. Nguyễn Anh Nghĩa. Hãy hình dung, để trở thành hàng hóa, cao su phải trải qua năm bước cơ bản, bao gồm trồng/sản xuất mủ – thu mua mủ nguyên liệu – sơ chế – tinh chế sản phẩm và xuất khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên hoặc sản phẩm cao su. Và cũng giống như câu chuyện hạt lúa trong mối quan hệ nông dân – thương lái trung gian – doanh nghiệp lớn, những giọt mủ từ những diện tích cao su tiểu điền phải trải qua nhiều khâu mới, từ hộ tiểu điền qua trung gian gồm bốn mắt xích là hộ tiểu điền – các cấp đại lý mủ nguyên liệu – các công ty chế biến, gia công – các công ty thương mại/xuất khẩu/tiêu thụ trong nước để chế biến sâu, theo khảo sát trên ba tỉnh Bình Phước, Kon Tum và Quảng Trị của Forest Trends. Liệu cao su tiểu điền có đi thẳng tới nhà máy chế biến không? Câu trả lời là không vì phần lớn vườn cao su tiểu điền đều ở xa nhà máy chế biến nên cần phải thông qua từ hai đến ba cấp đại lý, với các đại lý nhỏ gom nguyên liệu đầu vào cho các đại lý lớn hơn rồi mới đến công ty chế biến.

Nếu nhìn vào cao su tiểu điền, số liệu từ năm 2018 cho thấy khoảng trên dưới 90% lượng cung cao su từ đây đều phải qua các nhịp cầu thương lái, một khâu trung gian quan trọng kết nối họ với các nhà máy chế biến. Một nhóm nghiên cứu đánh giá, tuy mạng lưới thu mua do thương lái vận hành có mặt ở nhiều nơi với đội ngũ đông đảo các cá nhân tham gia nhưng thông tin về thực trạng vận hành của hệ thống này, bao gồm các hình thức thu mua, thành phần tham gia, các kênh thông tin về sản phẩm, giá cả, các hình thức mua bán còn rất hạn chế11

Giờ đây, chúng ta đã hiểu, vì sao không chiếm tỉ lệ cao như ở các quốc gia cùng khu vực nhưng việc quản lý và giải trình thông tin với cao su tiểu điền Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Trong sản phẩm chế biến ở nhà máy, mấy ai có thể phân định được rạch ròi nguyên liệu đầu vào là từ diện tích tiểu điền nào! Vì vậy, giáo sư Erik Meijaard, nhà sinh thái học ở ĐH Kent (Anh) đã nhấn mạnh “Câu chuyện về cao su không chỉ về cây cao su mà còn về hệ thống mà các sản phẩm khác nhau được tạo ra, buôn bán, tiêu thụ và cả chuỗi giá trị liên quan” 12

Tuy nhiên, chuỗi giá trị cao su còn hàm chứa sự phức tạp khác. Khó khăn trong việc bảo đảm truy xuất nguồn gốc của ngành cao su Việt Nam không chỉ nằm ở phần cung nguyên liệu của cao su tiểu điền trong nước mà còn phần cao su nhập khẩu, TS. Nguyễn Vinh Quang của tổ chức Forest Trends chỉ ra trong hội thảo ngày 17/5/2024. 

Có một thực tế là trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu cao su thiên nhiên từ nhiều quốc gia, TS. Tô Xuân Phúc của Forest Trends cho biết. Trong số này, chủ yếu là cao su từ Campuchia và Lào, với Campuchia khoảng 80%, Lào dưới 20% 13. Vậy chúng ta có thể truy xuất nguồn gốc được phần nhập khẩu này không? Đó cũng là một bài toán khó đi kèm bởi “hiện thông tin của chúng ta về nguồn cung nhập khẩu từ Campuchia và Lào rất ít ỏi. Chuỗi cung nhập khẩu hiện tại không cho phép chúng ta truy xuất nguồn gốc”, TS. Nguyễn Anh Nghĩa nói với quan sát của người hơn 30 năm làm nghề cao su. 

Trong cả bức tranh rộng lớn về cao su Việt Nam thì khoảng xám thông tin đều nằm ở phần cao su tiểu điền. “Thực trạng trên cho thấy, Việt Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu có đầy đủ thông tin và bằng chứng chứng minh sản phẩm cao su không gây mất rừng và hợp pháp theo quy định của EUDR, trong chuỗi cung từ các vườn tiểu điền trong nước và nguồn nhập khẩu”, ông nhận xét. 

Làm gì để không đánh đổi?

Cơn khát cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đã trở thành động lực chính để diện tích trồng cao su không ngừng được mở rộng và làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, kể từ khi cao su bén rễ ở Đông Nam Á hơn một thế kỷ trước. Không có dấu hiệu cho thấy cơn khát này sẽ hạ nhiệt trong tương lai. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Hà Lan, với mức cho mủ ổn định như hiện nay của cây cao su, sẽ cần phải mở thêm 2,7 đến 5,3 triệu ha nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu cao su của thế giới vào năm 2030 14. Nghĩa là sẽ lại mất rừng?

“Với tầm quan trọng về kinh tế, xã hội của các hộ tiểu điền trong ngành cao su hiện nay, về lâu dài, các thiết kế cơ chế chính sách cần đặt các hộ tiểu điền vào trung tâm, với các ưu tiên trong tiếp cận nguồn lực, cả về vốn và công nghệ kỹ thuật và thông tin thị trường”.

TS. Nguyễn Anh Nghĩa

Làm gì để tạo thế cân bằng giữa bảo tồn rừng, bảo vệ môi trường sống với lợi nhuận cần có mà vẫn đáp ứng được nhu cầu ngày một gia tăng của thế giới? Quả thật không mấy ai trong chuỗi giá trị cao su, ở Việt Nam và thế giới, có thể đưa ra một câu trả lời thấu đáo hay một giải pháp toàn vẹn. Bởi bất chấp việc có hay không có lời giải thì thế giới hiện đại vẫn cần cao su. Những đặc tính độc đáo, linh hoạt và đa năng khiến thứ vật liệu này trở nên đắt giá trong xã hội tiêu dùng, xuất hiện trong muôn mặt sản phẩm từ đồ gia dụng, thiết bị y tế đến nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ô tô. Đây chính là mấu chốt của ngành cao su! Đơn cử, cao su thiên nhiên là một vật liệu không thể thiếu của ngành ô tô, đặc biệt là lốp. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất lốp và cao su châu Âu (ETRMA), chỉ riêng ngành công nghiệp lốp đã chiếm trọn 76% tổng sản lượng cao su tự nhiên trên toàn cầu 15. Dẫu trong hàng thập kỷ, các phòng thí nghiệm chạy đua tìm giải pháp thay thế cao su tự nhiên nhưng điều này khó hơn tưởng tượng. Lốp xe tải vẫn cần 30% cao su tự nhiên, lốp ô tô thông thường 15%. Việc chế tạo một lốp xe tải cần từ 20 đến 25kg cao su tự nhiên, nghĩa là cần 200 đến 250 m2 diện tích trồng 16

Xu thế sử dụng xe điện hiện tại cũng thúc đẩy quá trình này. Xe điện nặng gấp rưỡi xe xăng, chủ yếu là do pin; chúng cũng có thể tăng tốc và phanh nhanh hơn nên lốp cũng bị mài mòn nhanh hơn. Michelin, nhà sản xuất lốp hàng đầu thế giới, đã thừa nhận lốp xe điện mòn nhanh hơn 20% so với xe chạy xăng nhưng người tiêu dùng thì bảo phải tới 50% 17. Có một cách để làm giảm áp lực lên các cánh rừng tự nhiên là tăng lượng cao su tổng hợp và giảm cao su tự nhiên. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách tự ngoạm chính mình bởi cao su tổng hợp là polymer được tổng hợp từ dầu mỏ và nói chung, lốp xe là nguyên nhân của 10% tổng ô nhiễm vi nhựa đại dương (có nghiên cứu nói là 28%) 18. Phải chăng để đảm bảo “sản xuất có trách nhiệm” thì cần cả “tiêu dùng có trách nhiệm” nữa?

Bản thân cao su tự nhiên cũng không dễ yên ổn. Tương lai của nó đầy bất định. Biến đổi khí hậu, với các hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ gia tăng, hạn hán khốc liệt, bão…, ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây cao su và có thể làm bùng phát các loại bệnh vẫn khiến người trồng khiếp sợ như phấn trắng lá, héo đen đầu lá, rụng lá mùa mưa, nấm hồng, loét sọc mặt cạo… Các nhà khoa học ở Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD), sau ba thập kỷ nghiên cứu về cây cao su, cho biết “Nhìn chung, thời tiết ngày một trở nên bất thường và không thể dự đoán. Dĩ nhiên, bất định gia tăng cũng là nguồn gốc của rủi ro” 19.

Trong bối cảnh như vậy, liệu Việt Nam có thể đảm bảo thế cân bằng? và ở mức nào? “Tôi cho rằng, với tầm quan trọng về kinh tế, xã hội của các hộ tiểu điền trong ngành cao su hiện nay, về lâu dài, các thiết kế cơ chế chính sách cần đặt các hộ tiểu điền vào trung tâm, với các ưu tiên trong tiếp cận nguồn lực, cả về vốn và công nghệ kỹ thuật và thông tin thị trường. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách cũng cần quan tâm tới việc phát triển và liên kết giữa các hộ, các đại lý, các cơ sở chế biến theo hướng minh bạch thông tin, giảm các khâu trung gian không cần thiết, đảm bảo sự công bằng cho các bên khi tham gia. Trong liên kết này, chính quyền địa phương cần có vai trò then chốt, đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của các hộ”, TS. Nguyễn Anh Nghĩa trầm ngâm trả lời. “Trước mắt, nhà nước cần nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao su trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, tích hợp số liệu về cao su vào hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, hỗ trợ các bên trong vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng các phương pháp truy xuất nguồn gốc”.

Đó có phải là lối thoát tốt nhất cho cao su tiểu điền Việt Nam hiện nay? □

———————————————

1. Jefferson Fox. “Expansion of rubber (Hevea brasiliensis) in Mainland Southeast Asia: what are the prospects for smallholders?”. The Journal of Peasant Studies.

2. Michitake Aso. “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử và sinh thái (1897-1975)”. NXB Tổng hợp TPHCM. 

3. https://www.vra.com.vn/thong-tin/thong-ke-tong-quat.html

4. https://dangcongsan.vn/kinh-te/co-hoi-va-thach-thuc-khi-chuyen-doi-rung-sang-trong-cao-su-208863.html

5. https://dangcongsan.vn/kinh-te/doi-rung-lay-cao-su-17086.html

6.Yunxia Wang. “High-resolution maps show that rubber causes substantial deforestation”. Nature.

7. Theo quan điểm của một số chuyên gia, con số hơn 1,6 triệu ha cao su của Việt Nam trong nghiên cứu này không chính xác vì theo thống kê, tổng diện tích thực tế chỉ hơn 900 ngàn ha. 

8. T. Nicod. “Households’ livelihood strategies facing market uncertainties: How did Thai farmers adapt to a rubber price drop?”. Agricultural Systems.

9. Nguyễn Vinh Quang. “Liên kết tiêu thụ cao su thiên nhiên từ hộ tiểu điền: Thực trạng và một số khía cạnh chính sách”. 

10. https://thanhnien.vn/tim-giai-phap-cho-viec-eu-cam-nhap-khau-san-pham-duoc-tao-ra-gay-mat-rung-185240517185451923.htm

11. “Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” (Hiệp hội Cao su Việt Nam, Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam)

12. https://www.carbonbrief.org/rubber-drives-at-least-twice-as-much-deforestation-as-previously-thought/

13. https://nhandan.vn/nganh-cao-su-viet-nam-chuan-bi-dap-ung-quy-dinh-chong-pha-rung-chau-au-post809879.html; https://vneconomy.vn/dam-bao-tinh-hop-phap-cua-cao-su-nguyen-lieu-nhap-khau.htm

14. Eleanor Warren-Thomas. “Rubber’s inclusion in zero-deforestation legislation is necessary but not sufficient to reduce impacts on biodiversity”. Conservation Letters.

15. https://www.etrma.org/key-topics/materials/natural-rubber/

16. https://btmauk.com/about/what-are-tyres-made-from/

17. https://www.miamiherald.com/news/local/environment/climate-change/article284533695.html

18. Pieter Jan Kole. “Wear and Tear of Tyres: A Stealthy Source of Microplastics in the Environment”. Int J Environ Res Public Health; https://www.iucn.org/news/secretariat/201702/invisible-plastic-particles-textiles-and-tyres-major-source-ocean-pollution-%E2%80%93-iucn-study

19. https://www.eco-business.com/news/drought-deluge-disease-how-should-the-natural-rubber-industry-respond-to-climate-change/

Tác giả

(Visited 79 times, 2 visits today)