Căng thẳng thương mại với Mỹ: Những khó khăn và tính toán của Trung Quốc

Trong thời gian qua, những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang chóng vánh và trở thành một trong những quan tâm của nhiều quốc gia, cụm từ “chiến tranh thương mại” đã được khai thác tối đa, nhưng tôi cho rằng, đằng sau vấn đề thương mại ấy là một cuộc đua khốc liệt hơn nhiều. Và đó là cuộc đua để thắng trong tương lai dựa trên nền tảng công nghệ (CN).

Nguồn ảnh: Reuters.

Mục đích của Mỹ

Căng thẳng thương mại là cái cớ để Mỹ đáp trả vấn đề Trung Quốc (TQ) xâm phạm sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi mà bằng việc mua hoặc “chiếm đoạt” CN, TQ đã nhanh chóng trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược” như báo cáo An ninh Chiến lược Quốc gia năm 2018 của Mỹ xác định.  

Nếu nhìn vào danh mục các hàng hoá nhập khẩu từ TQ lần này có thể thấy Mỹ sẽ đánh thuế đối với màn hình cảm ứng, thép tấm nguyên liệu, máy móc thiết bị y tế, linh phụ kiện máy bay, pin và một số hàng hoá khác. Những mặt hàng này đều phù hợp với các ngành mà Mỹ muốn đảm bảo ưu thế trước TQ như bán dẫn, xe điện và sản phẩm y tế hiện đại. Ngoại trừ các mặt hàng bị áp thuế, Nhà Trắng cũng chuẩn bị hạn chế TQ đầu tư vào hoạt động R&D và các ngành CN của Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã nhìn nhận các lĩnh vực công nghệ cao là nơi Mỹ cần dẫn đầu để chống lại các “tay chơi” nước ngoài xấu tính. Trong báo cáo An ninh Chiến lược Quốc gia (Mỹ) năm 2018, TQ thậm chí còn trở thành “mối đe doạ lớn nhất”. Với sự quan ngại ấy, dễ hiểu vì sao nếu cách đây 10 năm không có trường hợp nào bị Uỷ ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xử lý liên quan đến TQ, thì trong năm 2016 – 2017 số vụ đầu tư bị yêu cầu ngừng giao dịch liên quan đến TQ chiếm tới 25% số vụ mà CFIUS thụ lý. Là một uỷ ban thuộc Bộ Tài chính, nằm trực tiếp dưới quyền quản lý của Bộ trưởng, CFIUS được thành lập từ thời tổng thống Reagan nhưng hoạt động của CFIUS đã tích cực một cách rõ rệt dưới thời tổng thống Trump. Mặc dù CFIUS không công khai các thương vụ đầu tư về điều tra liên quan  đến an ninh quốc gia nhưng nếu lần theo các hoạt động của uỷ ban này có thể thấy CFIUS đã dành rất nhiều sự chú trọng cho hai nhóm thoả thuận (i) những thương vụ can dự vào các sản phẩm kĩ thuật CN nào đó – như bán dẫn và (ii) tất cả những thương vụ có liên quan đến nhà đầu tư TQ.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của TQ vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỷ đô-la Mỹ (giảm tới 92% so với năm ngoái) và ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Bên cạnh đó, các công ty TQ cũng đã phải bán 9,6 tỷ đô-la Mỹ tài sản ở Mỹ trong cùng thời gian. Đầu tư của TQ vào Mỹ đã giảm mạnh từ năm 2017. Năm 2016, đầu tư TQ lên cao kỷ lục 46,5 tỷ đô-la Mỹ, nhưng năm 2017 đã giảm gần 1/3 còn 29,7 tỷ đô-la Mỹ. Làn sóng giảm đầu tư trùng với thời điểm tổng thống Trump nhậm chức. Điều này cho thấy CFIUS đã rất mạnh tay trong các hoạt động giám sát luồng vốn TQ.

Những khó khăn của TQ

Trái ngược với ngôn từ phản đối dữ dội và tấn công cá nhân tổng thống Trump trong giai đoạn đầu của “đấu khẩu thương mại”, khi việc áp thuế bắt đầu có hiệu lực, truyền thông nhà nước TQ đã cho thấy nhiều sự điều chỉnh chóng vánh. Đầu tiên, ông Tập Cận Bình vắng mặt trong các bài xã luận trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo, dấu hiệu cho thấy TQ không muốn phát đi các tín hiệu quá mạnh về chủ nghĩa dân tộc trong thời điểm này. Truyền thông nhà nước cũng được yêu cầu không nhắc đến chiến lược Chế tạo tại TQ 2025. Tiếp đó, các bài công kích ông Trump cũng biến mất. Và cuối cùng, “hội nghị” Bắc Đới Hà vừa kết thúc tuần trước tập trung vào nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quan hệ kinh tế Trung – Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng TQ bắt đầu cảm nhận được khó khăn mà “cuộc chiến” gây ra hay nước này đang có những tính toán thận trọng để tránh mắc sai lầm lớn hơn trong việc đối đầu trực diện với Mỹ?

Tổn thất tiềm ẩn đối với xuất khẩu của TQ có thể lên tới 5% giá trị xuất khẩu, cao hơn nhiều so với mức 0,7% của Mỹ nhưng đó có thể không phải là khó khăn lớn nhất. Những tổn thất “ngoài thương mại” có thể là điều mà đất nước này quan tâm hơn.

Tỷ giá và suy giảm dự trữ ngoại tệ. Có quan điểm cho rằng việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ góp phần làm giảm thiệt hại cho TQ trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ và nói rằng Ngân hàng Nhân dân TQ (PBoC) đã chủ động làm việc này khi quan sát thấy đồng NDT đã mất giá gần 10% trong vòng vài tháng qua (từ 6,3 NDT đổi 1 USD xuống còn 6,8 NDT đổi 1 USD). Nhận định này có thể không hợp lý. Mặc dù TQ vẫn tăng thặng dư thương mại với Mỹ nhưng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này nửa đầu năm 2018 chỉ đạt mức 5,4%, thấp hơn nhiều so với 19,3% cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy tỷ giá thấp không đem lại nhiều lợi ích cho TQ về xuất khẩu. Việc tiếp tục “phá giá” có thể phản tác dụng khi mà TQ đang nhập khẩu nhiều hàng hoá cơ bản – chẳng hạn dầu mỏ – và các hàng CN cao. Bên cạnh đó, việc duy trì kỳ vọng phá giá có thể làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư dẫn đến sự tháo chạy của luồng vốn như những gì xảy ra trong suốt năm 2016. Cuối cùng, PBoC có thể sẽ phải tăng lãi suất để đối phó với việc tỷ giá giảm quá mạnh và ngăn luồng vốn tháo chạy. Điều này rõ ràng không có lợi cho các doanh nghiệp của TQ.

Chính sách tái cân bằng nền kinh tế với mục tiêu giảm tỷ lệ đòn bẩy bị chậm lại. Căng thẳng thương mại xảy ra trong bối cảnh chính phủ TQ coi việc giảm nợ của nền kinh tế là một trong ba “cuộc chiến” quan trọng trong năm nay. Những tác động bất lợi từ căng thẳng với Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế TQ, nhưng quan trọng hơn, nó có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trong và ngoài nước, khiến cho cuối cùng PBoC sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Điều này sẽ làm chậm quá trình giảm tỷ lệ đòn bẩy. PBoC đã ba lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong năm nay.

Tác động đến chiến lược nâng cấp ngành “Made in China 2025”. Với tham vọng sẽ vươn lên hàng ngũ các nước dẫn đầu về CN trong 10 lĩnh vực then chốt và tăng tỷ lệ tự chủ về CN vào năm 2025, TQ thực hiện cùng lúc cả việc (i) mua bán, sáp nhập hoặc đầu tư ở nước ngoài (như Mỹ) để có CN nguồn và (ii) yêu cầu các công ty nước ngoài tại TQ phải chuyển giao CN. Nhưng “cuộc chiến” mà tổng thống Trump khơi ra đã làm cả hai nguồn tiếp cận CN này của TQ bị thu hẹp. Tại Mỹ, Uỷ ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã rất mạnh tay trong các hoạt động giám sát luồng vốn TQ.

 

            Những tính toán của TQ

Lôi kéo đồng minh. Trước sự “tấn công của Mỹ”, TQ đã nhanh chóng có các hoạt động lôi kéo EU để cân bằng các áp lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, ý tưởng lôi kéo EU đã thất bại vì EU đã bác bỏ đề xuất hợp tác chống lại việc tăng thuế quan thương mại mà Mỹ áp lên hàng hóa châu Âu và TQ.

Những phản ứng có lợi cho sản xuất trong nước. Trong việc áp thuế trả đũa, doanh nghiệp Mỹ chịu tác động rất lớn bởi chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp này (phần lớn đặt ngoài lãnh thổ Mỹ) sẽ bị xáo trộn. Trong khi đó, do 128 mặt hàng hiện nay mà TQ đánh thuế chủ yếu là hàng tiêu dùng như nông sản và thực phẩm (89 mặt hàng), rượu (5 mặt hàng), thép ống (33 mặt hàng) nên tác động đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp TQ rất hạn chế.

Leo thang căng thẳng kiểu TQ. TQ thường có cách trả đũa kinh tế là sử dụng các quy định trong nước nhắm vào một số ngành hoặc công ty nhất định để trừng phạt thay vì làm công khai (như cách của Mỹ). Theo số liệu của AmCham, nếu như giai đoạn 2013-2015, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp Mỹ là chi phí lao động tại TQ gia tăng, khó khăn thứ hai chính là sự gia tăng của các quy định và kiểm tra hành chính thì từ 2016- 2017 còn nỗi lo lớn nhất là sự gia tăng của các quy định và kiểm tra hành chính không rõ ràng. Đồng thời, chủ nghĩa bảo hộ kiểu TQ đã từ vị trí thứ năm nhảy lên thứ ba trong số các lo ngại của doanh nghiệp Mỹ.

Đợi đến bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11/2018. Nhìn vào các phản ứng của TQ có thể thấy mức độ phản ứng khá kiềm chế và mang tính thụ động. TQ có thể đang đợi các đòn trả đũa của mình phát huy tác dụng đối với nhóm lợi ích trong lòng nước Mỹ (nông dân, các hãng vận tải biển v.v.) và để xem liệu nó có thành một áp lực đủ lớn khiến tổng thống Trump phải thay đổi cách tiếp cận vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hay không. Tất cả các nước cũng có chung sự chờ đợi và quan sát này.

Khẳng định cam kết của “Made in China 2025”. Khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có một mục đích quan trọng là làm TQ thất bại trong việc thực hiện chiến lược Made in China 2025, thì sau cuộc họp Bắc Đới Hà vào tuần trước, thông báo của Quốc vụ viện TQ ngày 8/8 cho biết, chính phủ quyết định điều chỉnh Tiểu ban lãnh đạo Khoa học CN và giáo dục quốc gia thành Tiểu ban lãnh đạo Khoa học CN quốc gia, trong đó ông Lưu Hạc được giao làm tổ phó. Tín hiệu này cho thấy TQ dường như sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành mục tiêu này trước năm 2025.

Tác động đối với Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế. Độ mở kinh tế của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm cao nhất thế giới, tăng trưởng kinh tế cũng hưởng lợi nhiều nhờ xuất khẩu, vì vậy, môi trường xuất khẩu xấu đi sẽ tác động đến tăng trưởng của Việt Nam. Nghiên cứu của NCIF cho thấy tăng trưởng Việt Nam bị suy giảm mạnh không kém so với Mỹ, TQ, Hàn Quốc hay Singapore khi căng thẳng leo thang.

Xuất khẩu. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ làm suy giảm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Khi mức đánh thuế tăng từ 1000 dòng thuế (trị giá 50 tỷ USD) nhắm vào hàng hoá TQ tăng lên 6000 dòng thuế thì số hàng hoá trùng lắp với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng lên và nguy cơ bị “vạ lây” cũng tăng theo. Tuy nhiên, do Mỹ đã có luật thuế chống lẩn tránh nên khả năng sản xuất hoặc hàng hoá TQ chạy qua Việt Nam để lách luật vào thị trường Mỹ sẽ giảm đi đáng kể.

Tỷ giá. Trong một năm qua, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng 12 tỷ USD nhưng vẫn ở mức cơ bản của tuần nhập khẩu. Những căng thẳng thương mại leo thang sẽ làm giảm giá đồng VND và Ngân hàng nhà nước có thể sẽ phải hy sinh một phần dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá, ổn định tâm lý của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước (SBV) cũng đã có hai hoạt động nhằm ổn định tỷ giá là (i) Hút mạnh thanh khoản trong hệ thống và (ii) Thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để hút VND về. Mặc dù cán cân vốn đang thặng dư và hỗ trợ tốt cho dự trữ ngoại tệ nhưng nửa cuối 2018 cán cân này có tiếp tục duy trì được thặng dư hay không vẫn là một câu hỏi. Vì vậy trong ngắn hạn, ổn định tỷ giá sẽ là thách thức mới cho điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ năm 2018.

Tác giả