Chuyện “thày”, hay “thầy”?

Ngày hôm nay xu hướng phổ biến sách báo viết "thầy", hơn là "thày". Trong tiếng Việt, "thầy" và "thày" đều được sử dụng, tùy theo vùng miền, theo thời gian. Với tôi, tiếng Việt phía bắc trước nay sử dụng chữ "thày" phổ cập, từ rất lâu đời.

Ca dao.

“Không thày, đố mày làm nên.” Chữ “thày” ở đây vần với chữ “mày”.

Chữ “mày” cũng vậy, phổ cập phía bắc từ cổ xưa. Phía miền trung và nam, gọi “mầy”, và cũng gọi “thầy”.

Ca dao.

“Học thày, không tày học bạn”. Chữ “thày” ở đây vần với chữ “tày”.

Chữ “tày” cũng vậy, phổ cập phía bắc từ cổ xưa. Phía miền trung và nam, gọi “tầy”.

Chữ “tày” nghĩa là “bằng với”. Nói “tội tày trời”, nghĩa là tội lớn như trời. Không thấy người Việt nói “tài tày trời”, “công tày trời”, “đức tày trời”… Nghĩa là bảng chân lý văn hóa cho chê, ghét tha hồ, bằng cả trời, cho bõ lòng căm tức, nhưng khen bằng trời thì không được, phạm húy trời. Chê ghét được cổ súy hơn khen mến.

Tôi xưa nay vẫn dùng chữ “thày”, “mày”, “tày” của phía bắc. Rất tiếc là nhiều tờ báo cứ thấy chữ “thày” tôi dùng thì đương nhiên xóa đi, thay nó bằng chữ “thầy”.

Về lịch sử, tiếng Việt vốn lớn lên (cả) từ vùng đồng bằng sông Hồng.

Tôi nghĩ nên sử dụng cả hai cách phát âm, cả “thày”, “mày”, “tày” và cả “thầy”, “mầy”, “tầy”. Quan trọng hơn hết, là không độc đoán xóa đi chữ “thày” của cả ngàn năm.

Tại sao vậy? Vấn đề không đơn thuần là “thói quen”, hay là “gu” trong trường hợp này: bởi lẽ ngôn ngữ là kí ức của một cộng đồng, kí ức đó không chỉ đơn giản là “kỉ niệm”, nó còn là chìa khóa để giúp con người lần lại các kí ức khác, giúp giải mã các kí ức khác.

Tác giả

(Visited 64 times, 3 visits today)