Đập vỡ trần định kiến

​​Bất bình đẳng giới luôn được hiểu là khoảng cách về trình độ và vị thế giữa phụ nữ và đàn ông. Thế nhưng các nghiên cứu quốc tế lại cho rằng sự tự tin mới là thứ phụ nữ thiếu và chính nó khiến họ thua thiệt so với đàn ông.


Sheryl Sandberg trong quyển sách của mình, khuyên phụ nữ hãy “Lean In” – Dấn thân, hãy tỏ ra tự tin hơn, dám đảm nhiệm những nhiệm vụ mình mơ ước. Nhưng quan điểm này cũng bị chỉ trích, vì rất nhiều khi, điều đó không thể thực hiện được. Nguồn: USAToday

Hàng chục nghiên cứu toàn cầu về phụ nữ và nữ quyền đã chỉ ra rằng các tập đoàn hàng đầu thế giới luôn vượt mặt đối thủ cạnh tranh nhờ tuyển dụng thành công các vị trí lãnh đạo và nhân viên nữ. Chúng ta có kiến thức, kỹ năng vượt bậc ở mọi khía cạnh để hoàn thành công việc ở mức xuất sắc. Thế nhưng chúng ta vẫn lẹt đẹt ở hàng dưới trong danh sách các lãnh đạo cấp cao, năm thì mười họa mới có mặt ở top dẫn đầu. Con số tổng hợp cụ thể thì hiếm khi ở tình trạng tăng đều. Nhân viên nữ mới vào nghề thì vẫn khó có thể thoát khỏi cảnh pha trà mở cửa đón khách. Nửa thế kỉ trôi qua, con đường sự nghiệp của phụ nữ vẫn rất khác so với đàn ông? Tại sao vậy? 

Phụ nữ tự ti như thế nào?

​Phương là một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại một trường đại học có tiếng ở châu Âu. Cô luôn đạt điểm giỏi trong suốt thời gian học và luận văn tốt nghiệp của cô luôn nằm trên giá sách của vị giáo sư hàng đầu về quản trị kinh doanh. Bất kể khi nào có khách ghé thăm từ Việt Nam ông cũng tự hào giới thiệu về cô và đề tài tốt nghiệp của cô. Thế nhưng khi có cơ hội thực tập và làm việc tại một tập đoàn toàn cầu rất lớn ở Bỉ, cô đã rất khổ sở đắn đo và rồi quyết định trở về Việt Nam, thay vì tiếp nhận công việc trong mơ. Lý do căn bản là sau một biến cố về gia đình, cô không tự tin mình có thể vừa thành công trong công việc vừa làm một người mẹ tốt. Cô trở về nhà để tiện nhờ ông bà chăm sóc con. Công việc đầu tiên cô có được ở Việt Nam cũng lại qua vị giáo sư nọ giới thiệu và bảo lãnh uy tín. Cho đến bây giờ sau hơn 5 năm trở về, cô vẫn vật vã với khả năng cân bằng cuộc sống riêng và công việc.​

Thanh vốn là một cán bộ nhà nước trẻ và năng động. Cô ham học học và thích tìm tòi nghiên cứu. Tuy nhiên cô không bao giờ nghĩ mình có khả năng hoặc có cơ hội theo học tại một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Sau vài tháng sang Hoa Kỳ chủ yếu nấu cơm rửa bát để chồng chuyên tâm học tập, cô mới nghe theo lời bạn bè nộp đơn vào vài trường để tránh “nhàn cư vi bất thiện”. Suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ, cứ có bất kỳ khó khăn nào như hệ thống máy tính lỗi khiến kết quả thi tiếng Anh biến mất, vợ chồng hết tiền cho cô đi lại ăn ở tại bang khác để hoàn thiện kết quả thi bị mất, v.v. cô lại chùn bước và nghĩ rằng mình không có “số” vào được một trường Ivyleague (hệ thống 8 trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ). Cũng may nhờ người chồng kiên trì thuyết phục, cô đã hoàn thành hồ sơ xin dự tuyển. Nhưng sự kiện quan trọng nhất khiến cô vượt qua sự tự ti của chính mình lại là cuộc phỏng vấn nhớ đời với một vị giáo sư hàng đầu về kinh tế phát triển. Khi nghe cô trình bày về những thành tựu cá nhân ít ỏi, nhạt nhòa trong thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước của mình, ông đã kết luận một cách lạnh lùng: “Tôi thấy chị chẳng làm được cái việc gì ra hồn ở đó cả”. Đúng ra với tính cách của mình, cô đã xin phép ra về và chấp nhận thất bại, nhưng câu nói của ông lại khiến sự tự tôn dân tộc, hoặc cá nhân, trỗi dậy, cô quay lại và phản biện quyết liệt về những điều mình trăn trở nhưng chưa tìm ra lời giải, và rằng đây chính là lý do cô muốn được đi học để tự trả lời những câu hỏi đó. Kết quả cô đã được nhận vào học và được hỗ trợ một phần học phí. Trong lần chia sẻ với chúng tôi, cô vẫn khẳng định sự tự tin quyết định rất nhiều vào sự thành bại trong sự nghiệp của phụ nữ. ​
Nhân vật thứ ba là Lan, một nguời phụ nữ trung niên cực kỳ thành đạt. Chị là gương mặt tiêu biểu trên truyền hình quốc gia và là “bông hồng vàng lõi thép” với những câu chuyện kinh doanh thành công và quyết liệt trên thương trường. Thế nhưng, rất thật lòng, chị tâm sự phụ nữ lãnh đạo vẫn là một cách gọi màu mè, nghèo về chất. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, chị phải đánh đổi quá nhiều thứ, bao gồm cả cách nhìn nhận của gia đình và xã hội. Cùng làm chung một công ty, nhưng là vợ chị phải về trước chồng để lo cơm nước con cái. Cùng một vị trí quản lý, nhưng chị không thể trực diện đấu tranh mà phải ép mình để dùng “quyền lực mềm” mới mong giành phần thắng trước đồng nghiệp nam. Trải qua nhiều thất bại mới lên được hàng ngũ lãnh đạo, chị cũng không thấy bận lòng khi thấy một phụ nữ lãnh đạo khác khoe trên Facebook cảnh đang rửa chân cho chồng. Chị bảo đàn ông ở xã hội này sinh ra là để ăn mâm trên rồi. Nếu muốn bình đẳng hoàn toàn thì đàn bà phải chấp nhận không chồng, con không có bố hoặc tự biến mình thành đàn ông để đối trọi với đàn ông trong công việc. Về sự tự tin, chị không cho rằng mình hoàn toàn làm chủ nó. Khi tuổi lớn dần lên với những nỗi lo toan về gia đình, những cuộc chiến trong sự nghiệp, chị còn thấy mình có kỹ năng mới: kỹ năng “giả vờ” tự tin. Khi nào có thời gian là chị lại up những bức ảnh quyền lực, hoành tráng của mình trên mạng xã hội, càng nhiều người thích chị càng thấy sảng khoái. Nhưng trong đời thực, chị thấy mình có thể nổi nóng bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, với bạn bè hay với gia đình. Nếu ai có ý kiến nào khác biệt, ngu ngốc hoặc có ý châm chọc, chị có thể biến thành một người hoàn toàn khác, hung dữ, cay nghiệt, tìm mọi cách để bảo vệ cái tôi và luận điểm của mình. Sở dĩ chị nói được ra điều này vì gần đây một người bạn thân thiết đã dám nói với chị sự thật mà không ai muốn nói, và chính chị không muốn nghe. Đó là nếu ta không thực sự tự tin từ thẳm sâu bên trong, sự tự tin bên ngoài chỉ là cái vỏ bọc mà có khéo léo che đậy đến đâu, có lúc nó sẽ lộ ra. 


Clara Shih, sáng lập Hearsay Social, một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong giới công nghệ Mỹ nhưng vẫn tự ti về khả năng của mình. Ảnh: Fortune.​

Câu chuyện với ba người phụ nữ của chúng tôi không mới. Ai cũng có thể cho rằng những khác biệt căn bản giữa đàn ông và đàn bà như thiên chức làm mẹ, sự yếu đuối cảm tính vốn có của nữ giới, định kiến của xã hội, khoảng cách văn hóa, v.v. là những lý do giải thích sự thất bại thường xuyên trên con đường phá tan tấm kính bất bình đẳng muôn thủơ của phụ nữ. Nhưng nghiên cứu của Đại học Cornell Hoa Kỳ lại chỉ ra rằng những lý do này không sai, nhưng chúng thiếu một “điểm đen”, một “thế lực” kỳ lạ đang kìm hãm sự phát triển không chỉ một, mà rất nhiều phụ nữ, không chỉ ở các nền kinh tế kém phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, mà còn ở những quốc gia hùng mạnh như Anh, Mỹ. Đó chính là sự tự tin.

​Tại sao phụ nữ lại không tự tin bằng đàn ông?

​Trong nghiên cứu này, các chuyên gia cho rằng đàn ông luôn đánh giá quá cao kiến thức và khả năng của họ, trong khi đó phụ nữ lại đánh giá thấp chính mình ở cả hai khía cạnh. Trong thực tế năng lực và hiệu quả làm việc của cả nam và nữ không quá khác nhau, cả về lượng lẫn về chất. 
​​Nhiều phụ nữ Mỹ tài năng và thành đạt cho rằng những gì họ gặt hái được là do “may mắn”, họ nghi ngờ khả năng của bản thân và sau đó là không dám tham vọng, cạnh tranh hoặc đối đầu để đạt được những gì mình tin tưởng. Đàn ông thì ngược lại. Họ cũng có lúc không tự tin nhưng điều đó sẽ không làm mất nhiều thời gian của họ và quan trọng là họ không để cho sự tự tin cản đường họ một cách thường xuyên như phụ nữ. Theo một cây bút của Forbes, báo cáo nội bộ năm 2018 của Hewlett Packard (HP) phát hiện rằng nhân sự là nam giới rất quyết liệt trong việc ứng cử công tác hoặc vị trí mới dù họ chỉ đạt 60% yêu cầu công việc nhưng nữ giới chỉ dám ứng cử nếu họ chắc chắn rằng mình đạt 100%. Rõ ràng sự khác biệt lớn giữa nam và nữ trong công việc không phải là trình độ của họ, mà là năng lực ra quyết định thử thách bản thân hay không.
Một giáo sư kinh tế của Đại học Mellon và là tác giả của cuốn “Phụ nữ không yêu sách – Women Don’t Ask” Linda Babcock, phát hiện rằng đàn ông thường đưa ra yêu sách cao hơn gấp bốn lần so với phụ nữ trong những cuộc đàm phán, và phụ nữ thường chỉ yêu cầu 30 phần trăm so với đàn ông. Các giáo sư khác cũng đồng ý với phát hiện này và cùng kết luận sự thiếu tự tin là nguyên nhân chính. Thế nên đa phần sinh viên nữ tốt nghiệp nghĩ mình chỉ có thể kiếm được 64,000 USD mỗi năm, trong khi đó nam sinh viên lại cho rằng mình đáng được trả ít nhất 80,000 USD, cao hơn 20% so với nữ.
​​Nghiên cứu của Đại học Cornell được thực hiện ở Hoa Kỳ trên đối tượng chủ yếu là phụ nữ Mỹ thành đạt và có ảnh hưởng xã hội. Các chuyên gia đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi lắng nghe chia sẻ của họ. Một sinh viên có bằng giỏi tại một trường hàng đầu và có thể nói được bốn thứ tiếng luôn lo lắng rằng mình không đủ thông minh để cạnh tranh ứng cử vào một công việc mơ ước trong ngành báo chí. Một phóng viên tài năng của CNN dù vào được đài này tại Nga từ năm 20 tuổi, cho đến bây giờ vẫn tin rằng phóng viên nam nói năng mạnh bạo hơn, quyết liệt hơn trên truyền hình vì họ hiểu biết nhiều hơn mình.
​Những phụ nữ tự ti có xu hướng tìm đến phụ nữ thành công hơn để tìm nguồn cảm hứng hoặc lời khuyên vì chắc chắn họ tự tin hơn, tham vọng hơn. Tuy nhiên, ngay cả những người phụ nữ thành công cũng không tin vào những thành tựu mình đạt được. Trước khi trở thành một trong số các CEO nữ hiếm hoi trong Thung lũng Silicon, vốn được biết tới là nơi đàn-ông-không-thể-bị-mất-mặt, khởi nghiệp thành công một công ty social-media triệu đô và gia nhập ban lãnh đạo của Starbucks khi mới sang tuổi 29, nữ doanh nhân Clara Shih vẫn nhận thấy các môn học ở Standford là quá sức, thậm chí cho rằng mình không khác gì một kẻ “mạo danh” dù tốt nghiệp với kết quả GPA cao nhất. “Hội chứng kẻ mạo danh” (Impostor Syndrome) là một hiện tượng tâm lý mà người mắc không có khả năng nhận thức được những thành quả mình gặt hái được, mà luôn cho rằng đó là do may mắn. Hội chứng này được hình thành khi chúng ta có ý nghĩ rằng bản thân mình chỉ là một người tầm thường, không đủ năng lực để làm bất cứ thứ gì. Nỗi ám ảnh đó giam hãm phần lớn chúng ta, khiến bạn trở nên sợ hãi mọi thứ. Trớ trêu thay, ngay cả COO nổi tiếng của Facebook Sheryl Sandberg cũng đã phải xuất bản cuốn sách “Lean In” với mục đích hỗ trợ những người phụ nữ thiếu tự tin và mắc hội chứng này giống như chính bản thân mình trước đây.

Phụ nữ cần làm gì để tự tin hơn?
​​​
Những lời khuyên từ Sheryl hoặc các chuyên gia tâm lý, chuyên gia về phụ nữ, bình đẳng giới, v.v. đều nhằm mục tiêu truyền thông điệp đơn giản: Có quá nhiều phụ nữ thiếu tự tin, hãy tiến lên phía trước bằng cách đối đầu với nỗi sợ của mình, hãy bắt chước đàn ông “nghĩ ít, làm nhiều”, đừng chỉ cho đi mà hãy mong được nhận lại, được tôn trọng. Hãy mạnh dạnh nói lên điều mình nghĩ, hãy dám đưa ra ý tưởng mới. Đừng quá lo lắng nếu bị thất bại, hãy quay lại và tiếp tục phát triển ý tưởng thứ hai. Và nếu mắc chứng “kẻ mạo danh” hãy tin hội chứng là có thật, hãy nhận lời khen một cách khách quan và đừng đánh đồng thành công của bạn là may mắn v.v.
Chúng tôi đọc nhiều lời khuyên như vậy sau các phân tích rất khoa học về nỗi sợ hay sự tự ti của phụ nữ hiện đại, nhưng chỉ đồng ý với một vài trong số đó. Với ba nhân vật Phương, Thanh, Lan được giới thiệu ở phần đầu bài viết này, sẽ thật là quá dễ dàng nếu chỉ khuyên họ hãy tự tin đi trong khi trong sự tự ti trong tiềm thức vẫn đang gặm nhấm họ. Họ cần nhiều hơn những lời khuyên:
​1. Phụ nữ cần hỗ trợ cụ thể để có động lực xua đi sự mặc cảm
​Nếu là gia đình bạn bè của Phương, hãy xem chúng ta có đủ hiểu biết và tâm lý để hỗ trợ hay kìm hãm hoặc gây áp lực tâm lý lên cô ấy? Liệu chúng ta có đang mặc định cô ấy phải làm tròn cả “việc nước” và “việc nhà” hoặc “ưu tiên gia đình” mà không tìm cách san sẻ đỡ gánh nặng để cô ấy có thể chuyên tâm làm việc?  Đây là các yếu tố khuyến khích khả năng tự ra quyết định của Phương có theo đuổi công việc mơ ước không. Một khi quyết định được nhờ sự hỗ trợ đó, Phương sẽ có tự do và cả động lực để xua đi nỗi mặc cảm bản thân không thể cân bằng được cuộc sống. Sau 5 năm trở về Việt Nam mà vẫn còn vật lộn với vấn đề này, có thể Phương chưa bao giờ nhận đủ hỗ trợ cần thiết. 
​2. Phụ nữ hãy hỏi bản thân muốn gì và đi tìm động lực để tự tin từ câu trả lời đó
​Thanh chưa bao giờ tự quyết được điều gì cho đến khi lời nói “khích bác” của ông giáo sư khiến sự tự tôn trong cô trỗi dậy. Có lẽ ngay chính thời điểm Thanh quay lại bảo vệ quan điểm của mình cũng là lúc cô ấy đã nhận ra điểm mạnh của mình là ở đâu và động lực nào thúc đẩy cô đi tới hành động đó. Phụ nữ tự tin nhất là khi là hiểu chính mình muốn gì. Hãy luôn tự vấn bản thân vào mỗi giai đoạn xem điều mình mong muốn nhất là gì, hoặc gặp thời điểm cụ thể hãy nhìn nhận hành động (dù có khi là bột phát) của mình, chúng ta sẽ đối mặt với con người thật nhất của mình, và vượt qua vùng an toàn từ đó. Với Thanh sau thành công này, chắc chắn cô ấy đã hiểu thẳm sau bên trong cô luôn có sự tự tôn vào bản thân và đó là điều khiến cô mạnh mẽ hơn rất nhiều. 
​3. Cởi mở với những lời phê bình chân thành 
​Trường hợp của chị Lan là ngoại lệ. Chị chính là biểu tượng của sự tự tin và là nguồn cảm hứng của những cô gái tự ti. Thế nhưng những hành động thái quá mà chị tự gọi là tự tin giả tạo có thể khiến chị mất đi nhiều mối quan hệ và cả hình tượng mà chị xây đắp. Nhiều người có thể nói chị có sẵn testosterone nên tự bản thân chị đã quyết liệt tham vọng không kém nam giới. Nhưng những người thực sự tự tin (true overconfidence) lại khác những người tự tin giả tạo (fake confidence). Cameron Anderson, một chuyên gia tâm lý nổi tiếng của Đại học California tại Berkeley cho rằng những người thực sự tự tin có khả năng tỏa ra một năng lượng tích cực vì chính sự tin bên trong của họ. Những người tự tin giả tạo thường có xu hướng cô lập bản thân hoặc đẩy những nguời khác ra bằng hành động, lời nói tiêu cực của mình. Điều quan trọng nhất với chị Lan là chị tự nhận ra rằng mình đã giả vờ tự tin. Đây là điều không phải ai cũng làm được. Chị Lan đã lắng nghe và đối mặt với ý kiến trái chiều từ người bạn của mình. Thực tế, những gì chị đạt được cũng quá đủ để chị có “sự tự tin thực sự”.
​Như vậy với ít nhất ba điều đơn giản nhất mà phụ nữ có thể làm cho chính mình, cho động lực và cho sự tự tin của mình, họ mới có thể thực sự tự mình đập vỡ tấm kính trần định kiến rằng nam giới luôn giỏi hơn họ. Những con số về bất bình đẳng giới giữa nam nữ theo đó mới có thể đổi chiều, hoặc ít nhất là thực sự bình đẳng. □

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)