Đi bộ về Hà Giang…

Giáo sư Hà Huy Khoái đặt một câu hỏi trải ra trong một bài báo vỏn vẹn 300 chữ. Hà Giang và tương lai? Nhân cảm hứng từ câu hỏi Hà Huy Khoái và lời bộc bạch chân tình "tôi cũng cố nghĩ và nghĩ chưa ra" nên sẽ mạnh dạn nói đôi điều về phương cách thay đổi công cuộc Giáo dục qua đó có chi tiết thay đổi những kỳ thi – không chỉ thay đổi để quay về một nền Giáo dục vẫn y hệt như trong quá khứ.

Giáo sư Hà Huy Khoái đặt một câu hỏi trải ra trong một bài báo vỏn vẹn 300 chữ. Hà Giang và tương lai? (Báo Tia Sáng số 14, năm 2018).

Tôi rất muốn tin rằng Hà Huy Khoái đã viết bài báo câu hỏi này chỉ để phản biện lại bài viết cũng trên Tia sáng số 13, một bài viết công phu, nhẹ nhàng nói đến những “khía cạnh kỹ thuật” của những kỳ thi.

Và rất có thể, giáo sư cũng luôn tiện phản biện lại vô số cuộc bàn cãi khác vẫn chi quẩn quanh chuyện Có học có thi, Thi hai trong một, Thi trắc nghiệm, Thi tự luận, Thi riêng Thi chung … ra sao …

Tôi cảm nhận thấy điều giáo sư Hà Huy Khoái gợi ra đau lòng hơn nhiều! Một nguy cơ loay hoay đưa nền Giáo dục Việt Nam trôi nổi hướng về quá khứ. Một công cuộc “tiến lên miền quá khứ” điểm trang bằng những “bông hoa” 10 điểm như ở Hà Giang và những bông hoa chưa lộ diện.

Giáo sư Hà Huy Khoái kết thúc bài báo giản dị và nghiêm trang. Ông viết: “Vậy thì làm thế nào đây? Cũng như các bạn, tôi cũng cố nghĩ. Và nghĩ chưa ra! Có điều tôi cũng không cố gắng quay về hay “cải tiến quá khứ”. Nó thay đổi rồi.”  

Nhân cảm hứng từ câu hỏi Hà Huy Khoái và lời bộc bạch chân tình tôi cũng cố nghĩ và nghĩ chưa ra nên sẽ mạnh dạn nói đôi điều về phương cách thay đổi công cuộc Giáo dục qua đó có chi tiết thay đổi những kỳ thi – không chỉ thay đổi để quay về một nền Giáo dục vẫn y hệt như trong quá khứ.

Học sinh ở trường tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội. Ảnh: Website của trường. 

Thời hậu chiến của tôi

Khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vào năm 1975, tôi đã gần 50 tuổi. Ba năm và dăm bảy tháng nữa nếu còn sống tôi sẽ được là ông cụ chín mươi. Năm 1975, tôi vẫn còn trên vùng cao Hà Giang nghiên cứu thay đổi cách dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Năm nay, tôi đang hoàn thiện bộ sách xã hội nhân văn Cánh Buồm cho bậc Phổ thông Trung học. Đầu năm 2019, nhóm Cánh Buồm sẽ summing up trình xã hội một tư tưởng Giáo dục nằm trong một con đường tổ chức sự tự học của con em.

Công việc của tôi khi tạm kết thúc vào năm 1978 được đánh dấu bằng tấm giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tuyên. Thế rồi, sang đầu những năm 1980, còn được huy hiệu Lao động sáng tạo và bộ sách học Tiếng Việt thì được giải thưởng hạng nhì của UNESCO khu vực kèm theo hai nghìn đô la Mỹ (mãi tới năm 1984 mới được nhận trọn một nửa bằng phiếu mua đồ ở cửa hàng Intershop Giảng Võ).

Cuối năm 1978, tiến sĩ Hồ Ngọc Đại tiếp tôi ở nhà riêng là một gian phòng tại phố Nguyễn Biểu. Khi đó tóc anh còn đen, trên bàn tiếp khách còn có thuốc lá. Trời mưa lâm thâm, tôi qua nhà anh, và được anh đón với câu nói đầy ấn tượng sao trông mặt anh buồn thế?

Hồ Ngọc Đại thuyết phục tôi làm ra sản phẩm và đem dùng được ngay, dứt khoát không làm với tư tưởng để bản thảo vào ngăn kéo cho đời sau. Một buổi tối ngắn ngủi, nhưng Hồ Ngọc Đại vẫn kịp huấn luyện tôi về bản chất chủ nghĩa Marx. Trên bàn có bộ Tư bản. Hồ Ngọc Đại lật đúng trang sách có câu các hình thái xã hội giống nhau ở chỗ làm ra CÁI GÌ và khác nhau ở chỗ làm ra theo CÁCH GÌ.

Thật tình, tôi “tham gia cách mạng” từ đêm 19 tháng 12 năm 1946 tại Thủ đô, rồi đi bộ đội rồi đi học sư phạm, đã vài ba lần chỉnh huấn chính trị, nghe giảng đủ điều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe giảng ngắn gọn về chủ nghĩa Marx.

Hồ Ngọc Đại bảo tôi lên Hà Tuyên mười năm, lăn lộn thế đủ rồi… Và anh bảo tôi, bây giờ về trường Thực nghiệm làm việc với anh.

Tôi sẽ làm gì ở trường Thực nghiệm? Anh muốn nghiên cứu gì thì tùy anh, tôi không ra lệnh. Làm như thế nào thì đúng, làm sai thì sao? Anh làm đúng thì học sinh thích học và học giỏi. Còn làm sai thì anh tự chữa, chẳng ai ở cái nước này chữa giúp anh được hết.

Hồ Ngọc Đại bảo tôi viết cho anh cái công văn xin tôi chuyển về làm với anh ở trường Thực nghiệm. Tôi viết, anh nhắm mắt ký.

Tôi bị Hồ Ngọc Đại hấp dẫn thực sự vì cách giải thích những điều cao xa bằng những cách diễn giải dân dã. Để phổ biến dần dần một tư tưởng Giáo dục, Hồ Ngọc Đại có những cuộc Hội thảo mang tên Hướng đi Cách làm. Để đoàn kết nội bộ, Hồ Ngọc Đại có khẩu hiệu rất vui tai Tất cả bí mật đều công khai; Tất cả đàn bà là đàn ông. Để giáo viên tập trung vào công việc, anh có khẩu hiệu Mọi thắc mắc cá nhân để ngoài cổng trường.  

Bây giờ nghĩ lại, thấy thời hậu chiến của tôi hình như có mấy đặc điểm này: một, tôi được học lại nghề sư phạm theo cách một thày một trò, với Hồ Ngọc Đại là thày giáo; hai, tôi tự học thêm vô số điều nhờ dịch thuê cho nhiều nguồn, nhưng mảng tài liệu lý thuyết thì chủ yếu từ nguồn Viện Thông tin Khoa học xã hội với “ông chủ” Phạm Khiêm Ích, Nguyễn Thành Duy…, và ba, tôi thực sự đi theo một con đường cải cách giáo dục của Hồ Ngọc Đại, mà anh gọi tên là Công nghệ Giáo dục.

Năm 2017, vào Ngày Nhà giáo, Hồ Ngọc Đại cử người đến chở tôi tới dự tiệc của cơ quan mới của anh. Ngồi bên cạnh anh với hai cốc bia trước mặt, tôi nói với Hồ ngọc Đại: đời tôi đã học của anh được ba điều. Một là học được cách làm việc với một tinh thần phương pháp chứ không à uôm chạy theo những hấp dẫn bất chợt. Hai là, tôi học được cách tổ chức cho học sinh làm việc theo một quy trình chặt chẽ, không lãng phí năng lượng, có thể kiểm soát được kết quả học tập của các em. Và ba là làm thực nghiệm như một cái van an toàn cho cuộc sống, nhất là cuộc sống của học sinh.

Mấy điều nghĩ ngợi

Suy ngẫm đến những việc mình đã học, đã làm, và những điều đã diễn ra, đem so với cái tiêu chí quá khứ của giáo sư Hà Huy Khoái, tôi có mấy điều nghĩ ngợi thế này.

Rành rành cuộc sống xã hội với cách làm việc và cách sống những năm khởi nghiệp của trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục, thấy vài ba chục năm rồi mà xã hội vẫn trì trệ, thấy đó quả là một giai đoạn không ngắn mọi người chúng ta hình như cách sống và cách làm việc rất là … quá khứ! Nghĩa là rất cũ.

Điều cũ kỹ rất là “quá khứ” được thấy rõ nhất trong cả một thời kỳ kéo dài, ấy là xã hội không được hưởng lợi từ sự tự do đóng góp của những sáng kiến khác nhau. Thực ra từ thời đó cho tới bây giờ, cũng vẫn mới chỉ có hai phương án. Một phương án “quốc doanh” và một phương án bị xem như là tư doanh có tên Công nghệ Giáo dục.

Phương án quốc doanh sốt ruột nhập nhanh hai hệ thống Giáo dục trong hệ 12 năm. Tôi đồ chừng rằng việc nhập hai hệ thống đã song song tồn tại nhiều chục năm, thực chất lúc đó là xóa hệ thống 10 năm của miền Bắc, việc này có nguyên nhân từ thói trọng học kiến thức hơn là một tinh thần trọng phương pháp học.

Hồ Ngọc Đại trung thành với cụ Marx thì chú ý đến cách làm hơn là làm cái gì. Nhưng bước đi của Hồ Ngọc Đại cũng vẫn hấp tấp. Trường Thực nghiệm ra đời từ năm học 1979, nhưng sách Tiếng Việt lớp 1 mãi đến năm 1984 mới tạm coi là ổn định. Bản in năm 1984 do họa sĩ Chu Hoạch vẽ và trình bày, in đen trắng, hoàn thành sau ba ngày anh bị nhốt ở nhà tôi, cơm bưng nước rót, xong việc mới cho về.

Còn hấp tấp hơn nữa là nhiều phát ngôn, khiến Hồ Ngọc Đại như là bị tách xa thiên hạ. Hồ Ngọc Đại đòi dỡ ra làm lại từ đầu. Ai chịu chơi đến thế?! Hồ Ngọc Đại chỉ rõ là vẫn chưa có trường sư phạm. Ai chịu lắng nghe nhận xét ấy?! Và làm cách gì để thực sự biến những trường sư phạm đang là nơi “chuột chạy cùng sào”, thành ngôi trường sư phạm theo cách khác như trường của Piaget hoặe Davydov?

Dẫu sao, phải công nhận nhờ có Quyết định của nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình năm 1984 cho phép hệ thống trường Thực nghiệm triển khai về những địa phương nào tiếp nhận nó, mà từ 12 trường năm học 1984-85 nở ra thành nhiều trường ở 43 tỉnh và thành phố – riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có tới già nửa số lớp 1 học theo Công nghệ Giáo dục.

Phương án Công nghệ Giáo dục sẽ còn bị hệ quốc doanh làm cho dúi dụi vào năm 1995 để mở đường cho bộ sách CT-2000 dự định dùng vào năm 2000 nhưng đến năm 2004 mới triển khai được và đến năm 2008 thì đã được chê “quá tải”. Ấy là báo chí phản ánh dư luận xã hội như vậy. Thực ra, nên đánh giá là hệ thống “mới” ấy rất là “quá khứ”. Nó chưa tìm ra cách học thay thế cho cách dạy kiến thức.

Nhưng nó đã làm cho phương án Công nghệ Giáo dục bị thành quá khứ vào năm 2004, chuyện này mọi người đều biết.

Học sinh tiểu học theo VNEN ở TP HCM. Sau nhiều tranh luận về chương trình VNEN và nhiều địa phương không tiếp tục dạy VNEN nữa, TP HCM vẫn chọn tiếp tục chương trình học tập này. Ảnh: vnexpress.net

Phương cách tiến lên

Việt Nam ta muốn thực sự Cải cách Giáo dục cần có một đời sống xã hội lành mạnh, để mọi con đường “tiến lên quá khứ” đều tự động bị xã hội chặn đứng.

Cuộc sống thì xô bồ muôn mặt, nhưng cho phép tôi sơ kết giản dị như sau đây, bằng cách so sánh hai phương cách tiến lên.

Một phương cách tiến lên theo lối quốc doanh hóa và một phương án … khác với nó.

Biểu hiện 1 – tư duy quốc doanh hóa

Tư duy quốc doanh hóa là tư duy thích đánh nhanh thắng nhanh, và thích ảo tưởng nhờ vào sử dụng những “quả đấm thép”! Quả đấm thép có khi là chính sách như Luật giáo dục hiện hành. Cuộc “cải cách” bằng bộ sách và chương trình mang ký hiệu CT-2000 dựa vào điều khoản của bộ Luật này, coi sách giáo khoa và chương trình học là pháp lệnh. Cuộc sống đã cho thấy, cách tư duy đó rất là … quá khứ. Vì quả đấm thép đã không che chắn nổi CT-2000 bị chê trách là quá tải ngay vài bốn năm sau khi đem dùng ngoài thực địa.

Một đời bộ trưởng cho đem cặp sách học sinh ra cân đong công khai, để thấy sách không nặng, chỉ nặng vì mấy củ khoai các cháu học sinh mang theo ăn trưa thôi! Mấy đời bộ trưởng sau đã nhang nhác thấy đây là chuyện nội dung và cách học, nên đã đòi hỏi giảm tải, rồi giảm tải sâu. Nhưng kết quả ra sao, ai ai cũng rõ cả.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng thích chen chân vào con đường quốc doanh hóa đó. Và con đường Công nghệ Giáo dục của ông đầy chông gai. Giải pháp VNEN cũng muốn chữa chạy sự nghiệp Giáo dục theo con đường quốc doanh, tràn ngập lãnh thổ. Và nó cũng không chứng tỏ nổi sức mạnh, cho dù vẫn sử dụng những quả đấm thep mà CT-2000 đã dùng.

Những mũ cao áo dài vẫn quen nghĩ người trí thức là người có học vị và học hàm cáo với những tác phẩm để con cháu nhiều đời tham khảo thì không đủ sức chữa chạy gì. Những nhà trí thức đó cũng không đủ sức nên cũng giữ thái độ không hợp tác với Công nghệ Giáo dục và với VNEN.

Lẽ ra, một xã hội lành mạnh nên tạo vị thế để Công nghệ Giáo dục và cả VNEN hoạt động song song với hệ thống quốc doanh. Để cho những nhánh không quốc doanh này trưởng thành dần và đem lại những đóng góp cho sự thay đổi.

Một tư duy tự do đóng góp và một thái độ dân chủ bình đẳng chẳng nhẽ lại khó xác lập  đến thế sao?

Biểu hiện 2 – trình độ bất cập

Bất cập thứ nhất là việc hoàn toàn thiếu vắng một tư tưởng xây dựng lại và xây dựng mới nền Giáo dục Việt Nam, làm một lần cho mãi mãi.

Có đủ các cuộc “tổng” – tổng chấn chỉnh, tổng sắp xếp, tổng triển khai… – nhưng thiếu hẳn một tư tưởng chỉ đạo cái tổng đó trong vài trăm năm. Có cái “tổng” nhưng lại dựa cơ sở trên những Nghị quyết và Nghị định và Chỉ thị. Và quên mất, các Nghị quyết và Nghị định và Chỉ thị đó chỉ có tính nhiệm kỳ. Có tư tưởng gì buộc những nhiệm kỳ kế tiếp với những đổi thay chắc chắn phải có nhưng vẫn sẽ hướng Giáo dục đi theo một hướng?

Bất cập rõ rệt tiếp theo là không thấy khả năng “kỹ thuật hóa” một tư tưởng Giáo dục bất kỳ thành chuỗi việc làm để tư tưởng ấy mỗi ngày một thêm sức sống.

Bất cập rõ nhất là ở chuyện thi không chỉ trong mấy năm vừa qua. Bất cập ở chỗ tư tưởng giáo dục vẫn chỉ loay hoay trong một cách thức thi và hoàn toàn không đếm xỉa đến khái niệm kiểm tra đánh giá mà một trong những người khởi xướng là nhà tâm lý học Henri Piéron đã “bịa” trong một từ docimologie và từ những năm 1950 thế kỷ trước.

Cần tổ chức cho học sinh phổ thông học mà không cần thi. Làm cách gì? Chỉ cần có biện pháp tự đánh giá ngay trong quá trình học. Điều này đòi hỏi định nghĩa lại khái niệm “kiến thức phổ thông” là gì và “cách tự tìm đến” kiến thức phổ thông sẽ phải được tổ chức như thế nào. Hình như chuyện này thấy vắng bóng trong những cuộc thảo luận. Ngay giáo sư Hồ Ngọc Đại, dù đã có tư tưởng học không cần thi, nhưng sau hơn bốn chục năm tổ chức “dỡ ra làm lại”, cũng chưa cho thấy sẽ dỡ chuyện này và làm lại từ đầu như thế nào.

Biểu hiện 3 – sự quay về quá khứ

Câu hỏi và những lời bộc bạch buồn bã của giáo sư Hà Huy Khoái chắc chắn có nguyên nhân từ thực trạng đáng buồn của nền giáo dục hôm nay.

Giữa những năm 1980, một bộ trưởng Giáo dục còn khăng khăng không thể có trường tư thục! Bây giờ đâu đâu cũng có trường tư thục. Và mỗi trường là một tuyên ngôn đẹp về triết lý giáo dục của mình. Nhưng tuyên ngôn cao xa biết mấy thì cũng “xin thề” theo chương trình khung của Bộ.

Mà chương trình khung đâu có phải là một sản phẩm cơ giới kiểu quả đấm theo quốc doanh? Một chương trình học không ra đời bằng những đề án và những cuộc study tour để đem về những “bài học” bất kỳ. Những bài học đó liên quan đến trình độ người đi học. Và giả sử nó thành ra được những bài học để truyền lại ở nơi đây hôm nay và mãi mãi thì vẫn còn đó điều ông giáo sư Hà Huy Khoái đã cảnh báo: sự quay về quá khứ.

Xin chỉ lấy một chi tiết nhỏ đó để gợi ra những suy tư khác nữa.

Ai ai cũng thấy sự nghiệp Giáo dục là to tát, cao đẹp, nhưng tại sao mọi cách làm vẫn cứ như thể đang có cuộc chạy thi “về Hà Giang” và chạy thi theo lối đi bộ?

_____________

Vài tài liệu mong bạn đọc tham khảo:

1. Hồ Ngọc Đại ,Tâm lý học dạy học, Bài học là gì?, Công nghệ Giáo dục, Cải và Cách … đều công bố ở nhà xuất bản Gáo dục, Hà Nội.
2. Henri Piéron, Examen et docimologie (Thi cử và “khoa học đánh giá”) và những tư liệu cùng chủ đề của Viện Nghiên cứu khoa học Giáo dục.
3. Phạm Toàn, Sản phẩm kép của Giáo dục phổ thông (bài báo được giải thưởng năm 2004 của báo “Người đại biểu nhân dân”; Bỏ thi, lấy gì bảo đảm chất lượng? cũng trên báo “Người đại biểu nhân dân” năm 2004. Cùng một số bài trên báo mạng Giaoduc.net trong năm 2017.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)