Điều gì có lợi cho cả hai giới ?

Dù theo thời gian, các hàng rào định kiến giới dành cho nữ đã dần được xóa bỏ ở Việt Nam, thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hoạt động kinh tế xã hội hơn nhưng vẫn còn một câu hỏi đặt ra: những kết quả đó đã đủ để hình thành những giá trị và quy tắc văn hóa mới một cách bền vững và có lợi cho nữ?

Trong khi nam giới được tối ưu thời gian của mình cho công việc có lương thì phụ nữ làm công việc không lương gấp 3 lần so với nam giới. 

Định kiến giới, thiên vị giới bắt đầu đè nặng lên một người từ khi nào? Tôi nghĩ là từ khi bắt đầu hoài thai một đứa trẻ!”, nhận định của TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) có thể khiến người ta cảm thấy hơi làm quá về quan điểm “trọng nam, khinh nữ” ở Việt Nam. Nhưng trên thực tế, vấn đề còn tồi tệ hơn thế.

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 củaQuỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ước tính: khoảng 41.000 trẻ em gái Việt Nam không có cơ hội chào đời vì niềm mong mỏi sinh con trai ở các gia đình. Với sự hỗ trợ của nhiều phương pháp hiện đại, các ông bố bà mẹ có thể biết được giới tính của đứa trẻ trong bụng mẹ và qua đó, có thể ra quyết định bỏ thai… “Đó là bằng chứng quá mạnh để thấy được sự phân biệt đối xử theo giới tính kinh khủng như thế nào, bất bình đẳng giới bắt đầu sớm như thế nào”, TS. Khuất Thu Hồng nói.

Điều này dẫn đến hệ quả là sự chênh lệch tỉ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái, thậm chí ở một số địa phương, con số này còn vượt ngưỡng 115/100, trong khi tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái (theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019). Không phải bây giờ mới có tình trạng này mà gần 20 năm trước, nó đã được phát hiện tại Việt Nam, sau đó, chênh lệch giới tính khi sinh đã gia tăng nhanh chóng.

Nếu nhìn lại chiều dài lịch sử Việt Nam, có thể thấy tâm lý mong mỏi sinh con trai “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã được định hình hàng trăm năm với một xã hội mang cấu trúc trọng nam, và giờ được các công cụ y học hiện đại thêm phần củng cố. Xét dưới góc độ hình tượng, nam giới được định vị gắn liền với trách nhiệm nối dõi, gánh vác, trụ cột còn nhìn về động lực kinh tế, “người ta luôn mong con trai vì tin người đàn ông làm ra được nhiều của cải hơn, có sức vóc hơn, đóng góp cho gia đình để bố mẹ có thể dựa vào. Những gia đình toàn đàn bà con gái thì bị coi là ít có cơ hội làm ra của cải hơn, bị coi là thấp cổ bé họng”, TS. Khuất Thu Hồng lý giải.

Trái với những chỉ số khác về bình đẳng giới mà nhà nước có thể ban hành quy định như tỉ lệ nữ đi học, có bằng cấp, tham gia các hoạt động chính trị xã hội…, không có một quy chế nào cho những hình thức lao động không được trả lương có thể ngốn gần 3 giờ lao động mỗi ngày của phụ nữ cả. Để thay đổi điều đó phụ thuộc vào việc thay đổi nhận thức, định kiến giới về vai trò của nam và nữ.

Thiên kiến giới tạo thêm gánh nặng

Thực ra, đúng là từ trong gia đình đến ngoài xã hội, người phụ nữ vẫn luôn ở thế yếu dù họ làm việc như, hoặc thậm chí hơn nam giới. Chưa có số liệu ở Việt Nam nhưng một khảo sát ở 63 nước cho thấy phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới về tổng số giờ làm việc – chiếm 52% tổng số giờ làm việc so với nam giới là 48% (UNDP, 2015). Có điều, làm việc nhiều hơn chưa chắc đã mang lại cơ hội và địa vị. Trong khi nam giới được tối ưu thời gian của mình cho công việc có lương thì phụ nữ làm công việc chăm sóc không được lương gấp ba lần so với nam giới.

Trong khảo sát Tiếp cận nguồn lực Việt Nam năm 2018, chỉ riêng một câu hỏi rất nhỏ về việc rửa bát của nam giới có thể giúp chúng ta phần nào định lượng được thời gian làm việc không lương của phụ nữ: 20% ông chồng không bao giờ rửa bát, chỉ có ít ỏi 3% ông chồng thường xuyên rửa bát và chỉ có khoảng 0,5% là rửa bát hoàn toàn. Theo phân tích của TS. Nguyễn Việt Cường (Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), điều này cũng phản ánh sự bất bình đẳng giới rõ rệt trong công việc: chẳng hạn có 20% người chồng không bao giờ rửa bát tức là khoảng 20% người vợ rửa bát hoàn toàn. Như vậy, tỷ lệ rửa bát hoàn toàn này của vợ nhiều gấp 40 lần chồng.

Câu chuyện rửa bát tưởng nhỏ nhưng nó còn cho ta thấy thêm một điều khác: thiên kiến trong quan niệm “người làm ra tiền”. Đây chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều việc chăm sóc không được đong đếm, trả lương mà người phụ nữ phải đảm đương, ngoài số giờ làm công việc chính của họ. Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê cho chúng ta hiểu rõ cách thức phụ nữ và nam giới ở Việt Nam sử dụng quỹ thời gian hằng ngày như thế nào – 20% nam giới cho biết họ không hề dành bất kỳ chút thời gian nào phụ giúp việc nhà. Kể cả khi nam giới phụ việc nhà thì cũng chỉ làm bằng một nửa thời gian so với nữ, phụ nữ vẫn phải dành tới 20,2 giờ một tuần để làm các công việc chăm sóc không được trả lương (ngoài 48 tiếng làm việc mỗi tuần như nam giới).

Vậy những biểu hiện của thiên kiến giới này dẫn đến hậu quả kinh tế cho phụ nữ như thế nào? “Bạn thử nhân số giờ lao động này với lương trung bình của hàng chục triệu người lao động sẽ thấy giá trị kinh tế của thiên kiến giới trong phân công lao động ở đây là gì”, TS. Khuất Thu Hồng nói. Dù hiện tại chưa có phép tính cụ thể như thế ở Việt Nam về sự mất cân đối trong công việc chăm sóc không lương giữa nam và nữ tương ứng với bao nhiêu tiền nhưng nếu dựa vào các ước tính phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, chúng ta có thể tạm hình dung. Ví dụ theo một ước tính cho thấy phụ nữ làm 75% khối lượng công việc chăm sóc không lương trên toàn cầu, ước tính khoảng 13% GDP toàn cầu*.

Sự mất cân bằng trong phân công lao động trong công việc này là yếu tố chính làm ảnh hưởng và duy trì sự tồn tại của bất bình đẳng giới. Đáng tiếc là phụ nữ Việt Nam có riêng một hội để thúc đẩy bình đẳng giới nhưng thay vì gỡ bớt các rào cản thì tổ chức này lại nhắc nhở họ phải luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, anh hùng bất khuất trung hậu đảm với nhiều diễn ngôn và phong trào thi đua củng cố các gánh nặng kép “ba đảm đang” “giỏi việc công, đảm việc nhà” thay vì có cách tiếp cận cân bằng hơn giữa nam và nữ. Bất chấp hàng loạt các phong trào cho nữ như “Rèn luyện phẩm chất Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”, Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cho đến những đề án hết sức cụ thể như “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt (giai đoạn 2010 – 2015)”, hoàn toàn không có phong trào nào tương ứng dành cho nam giới.

Gánh nặng kép“đảm việc nước, giỏi việc nhà” khiến phụ nữ tốn rất nhiều thời gian cho công việc không được tính lương. Nó cho thấy thu nhập thấp hơn nam giới không phải do phụ nữ có trình độ học vấn, mức độ tham gia vào thị trường lao động thấp hơn mà họ bị tước cơ hội có công việc ổn định hoặc nâng cao kỹ năng tay nghề với một mức độ liên tục như nam giới. Gánh nặng hai vai công việc sản xuất và công việc tái sản xuất đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của phụ nữ, hạn chế cơ hội kinh tế và quyền lực trong gia đình. Câu hỏi đặt ra là liệu người đàn ông có thể san sẻ việc nhà với phụ nữ để phụ nữ cũng có cơ hội tăng lao động có trả lương như nam giới hay không? Cùng với đó là có thời gian gánh vác thêm để giảm áp lực trụ cột cho nam giới?

Thay đổi nhận thức từ đâu?

“Phải tránh việc gia cố định kiến trong môi trường giáo dục, cả giáo dục nhà trường (cách dạy, cách nói, thông qua các bài học, hoạt động trong nhà trường), giáo dục trong gia đình (dạy dỗ của bố mẹ, phân công công việc, việc làm, áp đặt của bố mẹ) và giáo dục trong xã hội thông qua truyền thông (báo chí, phim ảnh, mạng xã hội)”, TS. Khuất Thu Hồng nói.

Tuy nhiên, cả ba kênh chính đó vẫn củng cố tất cả định kiến ở mức độ khác nhau, không phải lúc nào cũng song song đi cùng một hướng củng cố định kiến nhưng nó đưa ra rất nhiều thông điệp mâu thuẫn. Ví dụ trong nhà trường đang dạy về bình đẳng, truyền thông xã hội nói về bình đẳng nhưng song song với nó là những thông điệp khác trong sách giáo khoa theo cách củng cố những truyền thống bất lợi cho nữ hay trong truyền thông xã hội hằng ngày vẫn nhấn mạnh vai trò “ba đảm đang” của nữ.

Hầu như tất cả những người trưởng thành hiện nay đều đang được học các bộ sách giáo khoa mang theo nhiều thiên kiến giới. Theo nghiên cứu “Khảo sát chiều kích giới trong sách giáo khoa của nền giáo dục phổ thông Việt Nam” của PGS.TS Trần Hữu Quang, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của sáu môn học từ lớp 1 đến lớp 12 thì có xu hướng “thiên lệch giới” rõ ràng. Trong gần 8.300 nhân vật được đề cập trong các nội dung văn bản trong sách giáo khoa thì nam giới chiếm 69%, nữ 24% và trung tính về giới (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh) là 7%. Mức độ chênh lệch số lượng về giới tính có xu hướng gia tăng theo cấp học, và nặng nhất ở bậc trung học phổ thông. Trong văn bản, số nhân vật nam xuất hiện từ tỷ lệ 51% ở cấp tiểu học, 67% ở cấp Trung học cơ sở, và lên tới 81% ở cấp Trung học phổ thông. Còn trong hình ảnh, số nhân vật nam tăng tương ứng từ tỷ lệ 56% ở tiểu học lên 57% ở Trung học cơ sở và 71% trong sách giáo khoa Trung học phổ thông.

Mặt khác, nghề nghiệp của nhân vật nam trong sách giáo khoa cũng đa dạng hơn. Nếu nữ chỉ làm nội trợ, giáo viên, nhân viên văn phòng và là phái yếu, phải phụ thuộc thì nhân vật nam trong sách giáo khoa là bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, công an, bộ đội, là trụ cột trong gia đình và có tiếng nói quyết định. Đáng chú ý là nam giới chiếm tới 95% các nhân vật lịch sử và 88% các nhân vật đương đại, còn nữ giới chỉ chiếm 5% các nhân vật lịch sử và 11% các nhân vật đương đại. Điều này có nghĩa là giới “nam nhi” coi như thống lĩnh tuyệt đại đa số trong số các nhân vật nổi tiếng đáng chú ý trong sách giáo khoa hiện nay. Thậm chí, các hiện tượng rất trung tính như đám đông xuất hiện trong các hình ảnh trong sách giáo khoa cũng thấy rõ xu hướng thiên lệch về phía nam giới.

Sự xuất hiện và vai trò của phụ nữ trong không gian công cộng, do đó, ít hơn hẳn so với nam giới. Chỗ của người phụ nữ chủ yếu vẫn được gói gọn trong là trong các không gian gia đình. Nói cách khác, thế giới của người phụ nữ được trình bày trong sách giáo khoa chủ yếu là thế giới gia đình.  Hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong sách giáo khoa, chương trình giáo dục có thể làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em, làm chậm tiến trình đạt được bình đẳng giới thực chất và tiếp tục nối dài vòng tròn định kiến giới ở cả hai giới.

***

Những sự bất bình đẳng ở trên cũng không hề có lợi cho nam giới. Vì nam giới đang ngày càng gặp nhiều vấn đề về tinh thần và thể chất hơn trước những áp lực và khuôn mẫu đòi hỏi họ giữ vững vai trò trụ cột trong cả môi trường gia đình và xã hội. Theo khảo sát vào 2020 của ISDS về nam giới và nam tính cho thấy đàn ông Việt luôn bị ám ảnh bởi vai trò trụ cột gia đình, luôn tạo áp lực cho bản thân, đang ở trong một nan đề vừa phải đáp ứng những đòi hỏi hiện đại (là trụ cột trong gia đình, rường cột quốc gia, bắt kịp và đáp ứng tất cả những yêu cầu của một xã hội ngày càng đề cao nhu cầu vật chất) nhưng đồng thời vẫn bảo lưu những mong mỏi của một cấu trúc xã hội truyền thống trọng nam vốn yêu cầu người đàn ông phải hoàn thành nhiều bổn phận với gia đình, dòng họ. Thậm chí tỉ lệ nam giới có ý định tự tử cao gấp ba lần phụ nữ, đặc biệt nhóm tuổi từ 18 đến 29 tỉ lệ trả lời cảm thấy tiêu cực tới mức muốn tự tử là 5,43%.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cũng cho thấy gánh nặng công việc chăm sóc gia đình, làm việc không lương đặt lên vai bé gái từ khi còn rất nhỏ. Trên toàn cầu, bé gái trong độ tuổi từ 5-14 bỏ ra 550 triệu giờ mỗi ngày để làm việc nhà, gần gấp 3,5 lần so với 160 triệu giờ của bé trai cùng lứa tuổi (UNICEF, 2016). Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, trẻ em gái 5 đến 9 tuổi làm 4 giờ mỗi tuần và trẻ em gái từ 10-14 tuổi làm 9 giờ mỗi tuần cho công việc nhà*.

Điều gì có lợi cho cả hai giới? “Nuôi dưỡng và thúc đẩy sự thay đổi nhận thức, tốt nhất là không còn phân ranh giới nữa. Không có khuôn mẫu đấy thì thế giới này đa dạng hơn nữa, mỗi người sẽ thể hiện mình chứ không trông đợi vào hai khuôn nam và nữ thì nên làm việc này, phải làm việc kia”, TS. Khuất Thu Hồng nói. “Nếu vẫn nặng khuôn mẫu đó thì trong một tương lai gần, khi nam giới không còn lợi thế cơ bắp, sức mạnh vì được thay thế bởi robot, AI thì nam giới sẽ đối diện như thế nào với cuộc khủng hoảng vai trò của mình?”.□

—-

* Nguồn số liệu: UN Women, Tài liệu thảo luận chính sách về Công việc chăm sóc không lương: Những vấn đề đặt ra và gợi ý chính sách cho Việt Nam, 2016.

Tác giả