Định danh trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Trung Quốc từ thời Xuân Thu sang thời Chiến Quốc (453-221 TCN), chiến tranh giữa các nước nhỏ diễn ra liên tục, để sống còn và chiến thắng, các nhà cầm quyền tìm mọi cách thu phục nhân tài. Hàng loạt nhân tài được giao quản lý nhà nước, cầm quân đánh trận, thương thuyết ngoại giao như Tô Tần, Trương Nghi, Lạn Tương Như, Tôn Vũ, Tôn Tẫn, Ngô Khởi...

Với nhu cầu xây dựng quốc gia thống nhất, kinh tế phát triển, binh lực hùng mạnh, nhiều chính sách cải cách đã ra đời và thể nghiệm thành công như chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp, khai hoang, áp dụng kỹ thuật thâm canh, thu thuế theo mức thu hoạch của Lý Khôi; chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp và thủ công, khuyến khích lập công trong chiến đấu, quản lý dân theo hộ, thưởng phạt nặng, thống nhất đo lường của Thương Ưởng… Thế nhưng chỉ có một lý thuyết ra đời lúc đó còn sống mãi, tiếp tục phát huy tác dụng đến ngày nay là thuyết chính danh của Khổng Tử.
Chiến tranh và phát triển kinh tế dẫn đến giai đoạn cải cách thể chế quyết liệt của nhà nước phong kiến bước sang giai đoạn tập quyền chuyên chế. Một quá trình đổi mới sâu sắc diễn ra nhằm xác lập trật tự xã hội mới, thống nhất quản lý nhà nước mới.
Trong xã hội diễn ra hàng loạt sự đổi thay giá trị: con cái trong gia đình đòi suy nghĩ độc lập với cha mẹ, quan lại và chư hầu trong triều đình đòi phân quyền với nhà vua, nho sỹ đòi tham gia quản lý, nông dân đòi tách ruộng tư khỏi ruộng công, nhà giàu muốn chia quyền lực với quý tộc.
Không như các nhà cải cách liên tục đưa ra các giải pháp chính sách cho nhà cầm quyền, Khổng Tử truyền bá cho toàn dân một qui tắc ứng xử mới. Cho rằng gốc của vấn đề là xác lập cho được thước đo giá trị phù hợp với hoàn cảnh xã hội mới, Ông đề ra thuyết “chính danh”, coi danh chính là giải pháp hàng đầu để trị nước. Theo ông, muốn khắc phục sự rối loạn xã hội thì phải xác lập sự thống nhất giữa danh và phận, giữa tên gọi với thứ bậc xã hội, chức vụ hành chính, với nhiệm vụ được giao, gắn lời nói với việc làm.
Trong giao dịch hàng ngày (buôn bán, dịch vụ, tình cảm, hành chính…), giữa người với người thường xuyên phải xác định danh tính bản thân và đối tác. Nếu quen thuộc, đáng tin cậy thì chi phí giao dịch được cắt giảm, nếu đối tác giỏi giang, giàu có thì giao dịch có thể đem lại lợi ích trực tiếp, ngược lại nếu đối tác khó khăn, lâm vào thế yếu thì có thể phải giúp đỡ, đối tác đáng nghi, khó chịu thì chấm dứt quan hệ hoặc phải tăng chi phí đề phòng rủi ro…
Trong quan hệ giữa các quốc gia, giữa công dân với chính quyền, giữa nhà đầu tư với một địa bàn xa lạ, giữa các tổ chức với nhau… việc định danh càng quan trọng. Luật lệ, danh tính chính thức là một chuyện, thực chất năng lực, quyền hành, tính cách hoạt động của mỗi tổ chức bộ máy lại là chuyện khác. Có chỗ, có thể dùng quan hệ hành chính, giấy tờ, có chỗ áp dụng quan hệ buôn bán, thị trường, có chỗ là tình cảm, quan hệ. Có nơi phải đi từ trên xuống, có nơi là từ dưới lên… sự thành bại của giao dịch quyết định bởi sự hiểu biết về thực chất hệ thống ra quyết định, về động lực hoạt động của đối tác, biết ai là ai?
Trong kinh doanh, muốn có một thị trường lành mạnh, dứt khoát người cung cấp hàng hóa và dịch vụ phải đăng ký hành nghề để được giám sát chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn, bảo hộ lao động, đóng thuế… Hàng hóa phải có nhãn hiệu đăng ký, biết rõ xuất xứ, thời hạn sử dụng, các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật, tiến đến có mã vạch, mã số thống nhất.
Trong một nhà nước hiện đại, người giao dịch với công chúng như công chức, cán bộ thuế, cán bộ kiểm lâm, kiểm tra viên, người bán vé giao thông, nhân viên ngân hàng… phải đeo bảng ghi rõ tên đơn vị, chức vụ, tên tuổi cá nhân để người đến giao dịch nắm rõ danh phận của đối tác. Thành viên các tổ chức vũ trang như quân đội, cảnh sát, quân cảnh… của nhiều nước phải mặc đồng phục thêu rõ tên khổ to trên áo, gắn rõ số hiệu, đeo đủ quân hàm, quân hiệu để chịu trách nhiệm rõ ràng về hành vi thừa hành pháp luật của mình.
Trong cơ chế cộng đồng, việc định danh mang tính tự giác nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện tiếp cận hoạt động và dịch vụ xã hội, vì thế thông qua danh bạ điện thoại, giới thiệu cá nhân, danh thiếp, trang web… của cá nhân, đoàn thể, hội đoàn, câu lạc bộ… con người biết về nhau và liên kết với nhau.
Việc định danh trong thời kỳ cải cách thể chế lại càng trở nên quan trọng, nó quyết định sự vận hành ổn định, hiệu quả và an toàn của cả nền kinh tế xã hội trong quá trình đổi mới cơ chế. Giống như chiếc xe đi vào một hệ thống đường mới cần có hệ thống biển báo, bản đồ chỉ dẫn rõ ràng; đài phát thanh thay đổi tần số phát sóng, người nghe cần được chỉ dẫn rõ ràng về những địa chỉ tần số chương trình phát sóng mới.
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam hôm nay đang đi vào giai đoạn cải cách thể chế quan trọng. Từ cơ chế kinh tế kế hoạch chuyển sang cơ chế thị trường, từ xã hội tiểu nông bước vào công nghiệp hóa, từ đất nước đóng của sang hội nhập quốc tế… các chính sách đổi mới kinh tế đang được bổ sung thêm về các giải pháp tổ chức, cơ cấu lại hệ thống. Cải cách hành chính, sắp xếp lại doanh nghiệp, trao quyền tự chủ, phân cấp quản lý, tham gia vào quá trình ra quyết định, xã hội hoá hoạt động… đang trở thành các giải pháp mới cho phát triển. Trong bối cảnh thay đổi cơ chế như vậy, việc định danh cho các vị trí xã hội thực chất là xác lập các cột mốc cụ thể để định hướng hoạt động.
Điều đáng lo ngại là đúng vào lúc chúng ta cần có một hệ thống định danh rõ ràng nhất thì tình hình “danh phận” ở Việt Nam lại rơi vào tình trạng mơ hồ. Cái đáng phải rành mạch nhất là hệ thống chức danh hành chính hiện cũng khó hiểu ngay với người trong cuộc. Chức danh không đi với quyền hạn. Thủ trưởng không có quyền sa thải, tiếp nhận, nâng cấp, hạ chức nhân viên. Chức danh cũng không đi với quyền lợi. Mức lương của viên chức chỉ đáp ứng 1/3-1/4 chi phí đời sống thực tế, trong khi những đặc quyền về nhà cửa, xe cộ… vẫn tồn tại dưới nhiều dạng. Chức danh cũng không gắn với trách nhiệm cá nhân. Nhiều quyết định dựa theo đồng thuận tập thể, văn bản với nhiều chữ “ký ruồi, ký nháy”, hoạt động phải thông qua sự phê duyệt của nhiều cơ quan… Tình trạng không chính danh tạo ra hàng loạt vụ án “cơ chế” gần đây.    
Trong đời thường, tình trạng còn xấu hơn khi xuất hiện sự “ẩn danh, nặc danh”. Ví dụ nạn “cơm tù, xe dù, bến cóc” diễn ra kéo dài trên suốt các tuyến giao thông dọc các đường quốc lộ lớn vì những xe, thuyền, tàu, đò này đều giấu tên, không có bến đăng ký… và chủ dịch vụ này thả sức hành hạ khách nhờ tình trạng ẩn danh của mình.
Tình trạng ẩn danh cũng diễn ra với sản xuất hàng hóa ở Việt Nam. Chẳng cứ khách có thể mua phải “bánh chưng đất” trong thoáng chốc tàu hỏa đỗ qua ga, mà hàng giả nhãn hiệu, hàng không xuất xứ lan tràn khắp nơi từ những chiếc điện thoại di động đắt giá trong các cửa hàng sang trọng đến mớ rau, con cá bán tại chợ quê. Hàng hóa đeo nhãn giả, không có số đăng ký hay địa chỉ sản xuất kinh doanh, rau nhiễm thuốc sâu, cá tẩm phân đạm, bánh phở tưới phoóc môn, tất nhiên lại càng ẩn danh. “Khuất mắt trông coi”, không ai có thể làm gì được những kẻ giấu tên.
Thẳng thắn mà nói, chính cung cách định danh hiện tại đang góp phần làm thông tin về danh phận trong xã hội không rõ ràng. Ví dụ cán bộ ở Liên hiệp xã, cán bộ công đoàn phải do xã viên và công nhân bầu lên và đóng góp kinh phí trả lương thì mới có thể thực sự đại diện cho quyền lợi của người lao động. Nhưng hiện nay các đối tượng này hoặc là viên chức nhà nước hoặc ăn lương của giới chủ. Đây là tình trạng chung của nhiều tổ chức đoàn thể quần chúng.
Trong doanh nghiệp nhà nước, khi cả giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị đều là viên chức, khó mà lý giải ai là đại diện cho quyền sở hữu của nhà nước. Trong cơ quan khi nhân viên có chức vụ đảng cao hơn giám đốc thì quyền lực cũng có thể bị chia sẻ. Trong quốc hội, hội đồng nhân dân khi nhiều đại biểu cũng đồng thời là thành viên Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Tòa án thì khó tách bạch vai trò tư pháp, lập pháp, hành pháp của họ… Trách nhiệm của nhiều chức danh quản lý có nguy cơ bị lẫn lộn.
Nhiều danh hiệu tôn vinh theo kiểu các nước XHCN cũ như nhà giáo, thày thuốc, nghệ sỹ… công huân, nhân dân, ưu tú… ít đem lại ý nghĩa thiết thực so với các hình thức công nhận và ca ngợi một cách tự nhiên của công luận và quần chúng áp dụng phổ biến trên thế giới. Tương tự như vậy là các phương thức suy tôn, bình bầu thi đua theo kiểu cũ được làm định kỳ ở mọi cơ quan tổ chức, ít gắn với hiệu quả công việc, tư chất con người, không có ý nghĩa khi tuyển dụng, giao việc, đấu thầu… nghĩa là trong các định danh giao dịch chuyên môn tiêu chuẩn.
Tình trạng chạy theo bằng cấp đôi khi vì danh hơn vì kiến thức dẫn đến sự lạm phát về các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, làm giảm sút chất lượng của học vị Tiến sỹ, Thạc sỹ nhất là trong các lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa, nghệ thuật… so với chuẩn quốc tế chung và so với nhu cầu thực sự của đời sống.
Ở nhiều quốc gia Châu Á, khi xã hội bước vào giai đoạn cải cách thể chế thì người ta thường nhắc lại câu nói nổi tiếng của Khổng Tử trong sách Luận ngữ: “Nếu danh không chính thì lời nói không thuận lý, lời nói không thuận thì sự việc không thành, sự việc không thành thì lễ nhạc, chế độ không kiến lập được, lễ nhạc, chế độ không kiến lập được thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu” (không biết xử sự như thế nào)1. Rõ ràng, tiêu chuẩn hóa vị trí là biện pháp để hình thành một nhà nước pháp quyền, thể chế hóa nhiệm vụ xã hội là điều kiện tạo lập nền kinh tế thị trường, hài hòa hóa hệ thống chức danh là môi trường để hội nhập quốc tế.
——-
  Nguyễn Hiến Lê. Khổng Tử. NXB Văn hóa. Hà Nội, 1996.

Chương trình định danh “công dân điện tử” của Thái Lan


Hiện nay, Thái Lan có 572 phòng đăng ký dân số rải đều cả nước. Thái Lan đang tiến hành một chương trình mang tên “công dân điện tử”, theo đó, các trung tâm dân số sẽ kết nối với nhau và với Phòng quản lý đăng ký (BORA). Tất cả có 15 loại đăng ký quản lý được thực hiện cho mỗi công dân bao gồm đăng ký chứng minh thư, đăng ký thẻ cử tri, đăng ký vũ khí, đăng ký quỹ, đăng ký hiệp hội, đăng ký hôn nhân… Các trung tâm trong cả nước kết nối với nhau qua Internet tạo thành cơ sở dữ liệu công dân toàn quốc làm cơ sở thực hiện các dịch vụ hành chính công.

Tiếp theo đó, hệ cơ sở dữ liệu này bắt đầu phục vụ 10 dịch vụ thông dụng là cấp bằng lái xe, cấp hộ chiếu, đăng ký kinh doanh, cấp giấy sở hữu đất đai… tất cả đều làm qua mạng miễn phí. Tại các văn phòng, mọi dịch vụ được thực hiện chỉ trong 15 phút. Người dân chỉ cần đăng ký một địa chỉ thư điện tử kèm một mã số đăng ký như là chữ ký điện tử của mỗi cá nhân hoặc cơ quan, doanh nghiệp để thực hiện các dịch vụ hành chính trực tuyến và tiến hành hoạt động thương mại điện tử.

Thông qua hệ thống thông tin này, mọi công dân còn có thể gửi kiến nghị, câu hỏi đến cho các cơ quan chính phủ. Ủy ban quản lý triển khai chương trình này do Thủ tướng Thái trực tiếp điều hành với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính là thành viên. Nếu dự án này thành công, tuy là một nước đang phát triển, Thái Lan có thể trở thành một trong những nước có công nghệ chính phủ điện tử cao nhất thế giới.

 
Đặng Kim Sơn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)