Độc lập- một khái niệm hẹp!
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) độc lập có các nghĩa sau: I) như một tính từ, “độc lập” có nghĩa là: “1. Tự mình tồn tại, hoạt động, không nương tựa hoặc phụ thuộc vào ai, vào cái gì khác”; và “2. (nước hoặc dân tộc) có chủ quyền, không phụ thuộc vào nước khác hoặc dân tộc khác”; II) như một danh từ, “độc lập” chỉ “Trạng thái của một nước hoặc một dân tộc có chủ quyền về chính trị, không phụ thuộc vào nước khác hoặc dân tộc khác”. Hai khái niệm liên quan đến chủ đề được Từ điển định nghĩa như sau: “sống” là “tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết”; còn “chết” là “mất khả năng sống, không còn biểu hiện của sự sống”.
Xét ngôn ngữ như một tổng thể, ta thấy các khái niệm – như một phần của cái tổng thể- luôn dẫn chiếu đến các khái niệm khác, các thành phần khác; không có cái độc lập. Một hệ thống có nhiều dẫn chiếu lên chính mình là một hệ thống động, luôn biến đổi và tiến triển.
Ta sẽ khảo sát vấn đề này ở hai khía cạnh. Thứ nhất xem trong toàn bộ vũ trụ vật chất này, có cái gì có thể coi là độc lập không. Độc lập hiểu theo nghĩa là tự nó tồn tại, không nương tựa hay phụ thuộc vào cái gì khác. Thứ hai cũng với nghĩa tương tự xét xem có nước nào hay dân tộc nào có chủ quyền, không phụ thuộc vào nước khác hay dân tộc khách không. Câu trả lời cho cả hai trường hợp đều là không. Nói cách khác cái gọi là độc lập chỉ có ý nghĩa trong thế giới của các ý tưởng, nó chỉ là một khái niệm để mô tả cái không bao giờ có trong thực tế (nhưng không phải vì thế mà nó không có ý nghĩa), đừng thần thánh hóa nó.
***
Trong thế giới vật chất không có cái gì là độc lập, tức là không nương tựa, không phụ thuộc vào cái gì khác đó. Từ thế giới vi mô của các hạt cơ bản, các nguyên tử, phân tử đến thế giới vĩ mô của các hệ thống vũ trụ, các dải ngân hà, các vì sao, hệ mặt trời, các hành tinh, đất, đá, các sinh vật, con người và cả xã hội, không có cái gì, không có bộ phận nào có thể coi là độc lập. Tất cả đều tương tác với nhau trong một mạng lưới phức tạp và đa dạng. Bất kể cái gì, nó chỉ có thể là nó, trong quan hệ, trong tương tác với những cái khác. Minh triết phật giáo gọi là duyên khởi. Nói cách khác trong thế giới, từ thế giới vật lý đến xã hội, từ lĩnh vực vi mô đến vĩ mô, từ những kích cỡ vô cùng bé nhỏ đến khổng lồ, từ thế giới sinh vật đến xã hội loài người khái niệm độc lập không có chỗ đứng. Như thế khái niệm phụ thuộc, kết nối, liên kết, tương tác mới là phổ biến; còn độc lập là xa lạ, là không thoả đáng và chỉ là sản phẩm của đầu óc con người, chỉ là tương đối, chỉ dùng để mô tả các sự vật hay các hiện tượng khi một số tương tác đang xét đến mức độ nào đó là không đáng kể; nếu tuyệt đối hóa nó có thể gây ra nhiều tai họa khôn lường. Loài người chúng ta là một bộ phận của thế giới, nó phụ thuộc vào, nó tương tác với các bộ phận khác. Chính vì thế mà phải sống hài hòa với môi trường, với thiên nhiên, mà vấn đề bảo vệ môi trường mới càng ngày càng có ý nghĩa với chúng ta. Nếu không chú ý, chúng ta có thể hủy hoại môi trường, và bằng cách đó hủy hoại chính mình. Thế nên những sáo ngữ một thời như “chinh phục thiên nhiên”, “cải tạo thiên nhiên” nếu hiểu thái quá sẽ có thể gây ra tác hại vô cùng, nếu không nói là những ý tưởng vĩ cuồng. Cái tưởng là quý, hóa ra lại không tồn tại, mà chỉ là ảo tưởng của con người. Hãy cảnh giác với những ảo tưởng ấy.
***
Nếu xét một quốc gia hay một dân tộc, như một tập hợp về lãnh thổ về con người, thì từ những lập luận trên có thể dễ thấy, không có nước nào độc lập cả! Độc lập chỉ có nghĩa hẹp trong một số khía cạnh nào đó, về một số lĩnh vực nào đó (nếu tương đối không bị ảnh hưởng của những nước khác). Ngàn xưa vẫn thế, chứ đâu phải chỉ trong thế giới hội nhập toàn cầu hóa ngày nay. Khi chưa có đường sá, các phương tiện giao thông còn thô sơ, thì các mối quan hệ, các tương tác chưa nhiều, chưa sâu. Ngày nay với sự phát triển của thương mại, của giao lưu, với hạ tầng cơ sở sẵn có và ngày càng được cải thiện, với các phương tiện giao thông hiện đại, nhất là với các phương tiện viễn thông hiện đại, các mối quan hệ, các tương tác chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ngày càng sâu rộng. Hãy chỉ nhìn quanh chúng ta ăn gì, uống gì, mặc gì, đi lại bằng gì, vui chơi giải trí thế nào, thì có thể thấy ngay hàng Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Pháp…. gắn với chúng ta quá quen thuộc. Họ cũng vậy. Phá rừng trồng đậu tương ở Brazil làm cho chúng ta có thức ăn nuôi gia súc tốt hơn, nhưng nếu do sự nóng lên toàn cầu thì hàng chục triệu dân Việt Nam có thể mất nơi cư ngụ nếu nước biển dâng lên 1m do tan băng ở Bắc cực và Nam cực. Có thể suy ngẫm về hàng ngàn hàng triệu chuyện tương tự, từ EU đánh thuế giày dép từ Việt Nam, đến động đất, sóng thần… Hành động của những người ở một nơi xa chúng ta hàng vạn dặm có thể ảnh hưởng đến chính đời sống hàng ngày của chúng ta. Và trong bối cảnh đó sự phụ thuộc lẫn nhau, sự nương tựa vào nhau là những khái niệm càng có ý nghĩa sống còn đối với mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Mở cửa, hội nhập, đóng góp những giá trị của mình cho thế giới, hấp thu những cái hay cái đẹp của những người khác là con đường thúc đẩy sự phụ thuộc, đẩy mạnh các tương tác. Thế mới thấy độc lập chỉ là khái niệm hẹp, có giá trị tương đối, không phổ quát, cái ngược lại –sự phụ thuộc, sự nương tựa vào nhau- mới là phổ quát, mới thực sự quan trọng.