Giới công nghệ bỏ quên khách hàng nữ thế nào?

Ngành công nghệ hiện nay do đàn ông thống trị đầy rẫy những sản phẩm được quảng cáo là không phân biệt giới tính nhưng trên thực tế lại thiên vị cho nam giới.

Ảnh: https://indrivo.com/

Từ công nghệ thể thao

Bắt đầu từ sản phẩm cơ bản nhất: tính năng đếm calo trên máy chạy bộ. Dù đúng là nó không thể tuyệt đối chính xác cho tất cả mọi người, nhưng với một người đàn ông bình thường thì nó đo lường chính xác hơn, vì các tính toán đều dựa trên trọng lượng trung bình của nam giới (cài đặt đếm lượng calo mặc định trên hầu hết các máy tập thể dục là cho một người nặng khoảng 70kg). Và mặc dù bạn có thể điều chỉnh cài đặt trọng lượng đếm, thì phép tính vẫn dựa trên mức đốt cháy calo trung bình của nam giới. Phụ nữ nói chung có tỷ lệ mỡ cao hơn và cơ thấp hơn nam giới, cũng như tỷ lệ sợi cơ khác nhau. Như vậy ở mức độ cơ bản, ngay cả khi đã tính đến chênh lệch trọng lượng, trung bình nam giới sẽ đốt cháy nhiều calo hơn 8% so với phụ nữ có cùng cân nặng. Máy chạy bộ không tính đến thực tế này.

Với các thiết bị đeo trên cơ thể thì tình hình cũng không khá hơn là bao. Một nghiên cứu trên 12 thiết bị theo dõi vận động phổ biến nhất hiện nay cho thấy, chúng đếm thiếu những bước chân của người dùng khi làm việc nhà tới 74% (đó là Omron, trong khi sai số cho đi bộ hoặc chạy bình thường chỉ khoảng 1%), và tính thiếu lượng calo đốt cháy trong quá trình làm việc nhà là 34%. Dễ thấy nhất phải kể đến Fitbits, nó rõ ràng còn không tính toán vận động trong hoạt động cực kỳ phổ biến của phụ nữ là đẩy xe nôi trẻ em (vâng, tất nhiên là nam giới cũng có đẩy xe, nhưng không thường xuyên như phụ nữ, vốn là những người phải đảm trách 75% công việc không lương trên thế giới). Một nghiên cứu khác, cực kỳ hiếm hoi khi có tới gần 50% phụ nữ tham gia, đã phát hiện rằng các thiết bị thể dục đang ước tính thừa lượng calo đốt cháy nhiều hơn đáng kể so với thực tế. Thật không may, họ đã không phân tách dữ liệu đầu ra theo giới, nên không thể biết liệu có bất kỳ chênh lệch nào giữa nam và nữ hay không.

Đến công nghệ sức khỏe

Các nhà phát triển công nghệ thậm chí còn bỏ quên phụ nữ khi thiết lập tệp khách hàng tiềm năng của mình. Ở Mỹ, phụ nữ chiếm 59% số người trên 65 tuổi và 76% số người sống một mình, cho thấy đây là nhóm đối tượng tiềm năng hơn hẳn đàn ông về nhu cầu cho công nghệ hỗ trợ như các thiết bị phát hiện té ngã. Theo dữ liệu chúng ta hiện có, phụ nữ lớn tuổi không chỉ bị ngã nhiều hơn đàn ông, mà họ còn thường chịu chấn thương nặng hơn khi ngã. Phân tích dữ liệu về số lần nhập viện cấp cứu trong một tháng ở Mỹ cho thấy trong số 22.560 bệnh nhân đi khám vì chấn thương do ngã, 71% là phụ nữ. Tỷ lệ gãy xương ở phụ nữ cao hơn 2,2 lần và phụ nữ có tỷ lệ nhập viện gấp 1,8 lần đàn ông.

Để tìm ra công nghệ bỏ túi cho tất cả chúng ta (tôi luôn nuôi niềm hy vọng này), thì giải pháp hoàn toàn phụ thuộc vào việc ai là người đưa ra quyết định. Và cũng giống như thế giới của các nhà đầu tư mạo hiểm, ngành công nghệ hiện nay là do nam giới thống trị.

Tuy nhiên, dù nhu cầu của phụ nữ được cho là lớn hơn (và có nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng té ngã khác đàn ông, nguyên do té ngã cũng khác và thường té ngã ở những nơi cũng khác với đàn ông), thì quá trình phát triển của công nghệ này vẫn thiếu phân tích về giới. Trong một phân tích tổng hợp của 53 nghiên cứu về thiết bị phát hiện té ngã, chỉ có một nửa trong số đó chịu ghi chép giới tính của những người tham gia ở đầu vào, chứ đừng nói đến cung cấp dữ liệu phân tách theo giới tính đầu ra; một nghiên cứu khác lưu ý rằng “Mặc dù hiện có nhiều tài liệu về té ngã ở những người cao niên, nhưng chúng ta vẫn gần như không biết gì về các yếu tố nguy cơ cụ thể theo giới.”

Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế 2016 về Kỹ thuật Dữ liệu Thông minh và Học Tự động chỉ ra “một nguyên nhân thường gặp khiến người lớn tuổi từ chối dùng các thiết bị phát hiện té ngã là kích thước của chúng”, kèm theo đề xuất điện thoại di động có thể là một giải pháp ở đây. Chỉ có điều, nó không thực sự là một giải pháp đối với phụ nữ vì, như chính các tác giả kỷ yếu đã nêu ra, phụ nữ có xu hướng để điện thoại trong túi xách của họ, “là nơi mà các thuật toán phát hiện té ngã có thể không hoạt động được, vì chúng chỉ được đào tạo để phát hiện té ngã thông qua các cảm biến gia tốc gắn gần thân người”.

Riêng việc các tác giả chịu thừa nhận thực tế này đã là bất thường. Whitney Erin Boesel, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Berkman về Internet và Xã hội tại Harvard, là một thành viên của cộng đồng “định lượng hóa bản thân”, một hoạt động hứa hẹn dùng công nghệ theo dõi giúp con người ta “tự nhận thức bản thân mình thông qua các con số”. Những con số này thường được thu thập thông qua ứng dụng theo dõi thụ động trên điện thoại của bạn, thông thường là số bước chân bạn đi trong ngày hôm đó. Nhưng lời hứa hẹn này có một vấn đề về kích cỡ túi: “Hẳn nhiên là sẽ luôn có một anh chàng đứng ở một hội nghị, và [phát biểu] gì đó về chuyện chiếc điện thoại luôn bên bạn mọi lúc mọi nơi,” Boesel nói với tạp chí Atlantic. “Và cứ mỗi lần như vậy là tôi sẽ lại đứng lên và nói: “Chào anh, về chuyện bạn luôn nhét điện thoại trên người mọi lúc mọi nơi mà anh nói ấy. Điện thoại của tôi ở đây. Còn quần của tôi ở đây cơ”.”

Nhà khoa học NASA đã muốn giải quyết vấn đề gì khi quyết định lắp cho Valkyrie, robot định hướng không gian của mình, một bộ ngực? Ảnh: MIT Technology Review.

Thiết kế của các ứng dụng theo dõi thụ động này mặc định rằng phụ nữ có túi đủ lớn để nhét điện thoại, và đây là một vướng mắc dai dẳng với một giải pháp đơn giản: hãy may cho quần áo phụ nữ những chiếc túi đúng nghĩa (tác giả vừa gõ câu này vừa cáu nhặng lên khi điện thoại lại mới rơi ra khỏi túi và đập cốp xuống sàn lần thứ bảy bảy bốn chín). Tuy nhiên, cho đến khi đó, phụ nữ vẫn phải viện đến các giải pháp khác, và nếu các nhà phát triển công nghệ không nhận ra rằng phụ nữ đang bị buộc phải dùng những giải pháp thay thế như vậy, thì họ nguy cơ cao sẽ gặp thất bại trong phát triển sản phẩm của mình.

Một công ty công nghệ có trụ sở tại Cape Town đã rơi vào trúng chiếc bẫy này khi phát triển một ứng dụng giúp nhân viên y tế cộng đồng theo dõi bệnh nhân dương tính với HIV. Ứng dụng ấy “đã đáp ứng tất cả các yêu cầu về khả năng sử dụng; nó dễ dùng, có thể thích ứng với ngôn ngữ địa phương” và giải quyết một vấn đề rất cụ thể. Hơn thế nữa, các nhân viên y tế cộng đồng còn “hào hứng sẽ sớm được sử dụng nó”. Nhưng khi dịch vụ này được tung ra, nó trở thành một nỗi thất vọng. Sau nhiều nỗ lực để giải quyết bất thành, lỗi của ứng dụng vẫn là một bí ẩn cho đến khi một nhóm thiết kế mới tiếp quản dự án. Và tình cờ nhóm này có một thành viên nữ. Và người phụ nữ này “chỉ mất một ngày để phát hiện ra vấn đề ở đâu”. Hóa ra, để đi lại an toàn mỗi ngày vào các thị trấn có bệnh nhân sinh sống, các nữ nhân viên y tế thường giấu những vật dụng có giá trị trong đồ lót của mình. Mà chiếc điện thoại thì lại quá lớn nên nhét không vừa vào áo lót của họ.

Ai là người đưa ra quyết định? 

Dạng câu hỏi mỗi người đặt ra cũng chịu tác động của giới, theo Margaret Mitchell, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Google. Nếu nhóm nhà phát triển chỉ giới hạn trong cùng một giới nam hoặc nữ, tức là các công ty đang đặt mình vào “một vị trí có tầm nhìn thiển cận”, bà nói với Bloomberg News. Gayna Williams, cựu giám đốc thử nghiệm người dùng tại Microsoft, đồng tình với ý kiến này. Trong một bài đăng trên blog với tiêu đề “Bạn có chắc phần mềm của mình trung tính về giới?”, Williams giải thích rằng tất cả thiết kế sản phẩm đều bắt đầu từ bước lựa chọn xem vấn đề nào cần được giải quyết. Và câu hỏi này phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức chủ quan: thử nghĩ xem các nhà khoa học NASA đã muốn giải quyết vấn đề gì khi quyết định lắp cho Valkyrie, robot định hướng không gian của mình, một bộ ngực?

Apple rầm rộ tung ra hệ thống theo dõi sức khỏe vào năm 2014, họ đã mạnh miệng quảng bá về ứng dụng của họ giúp theo dõi sức khỏe “toàn diện”. Nó có thể theo dõi huyết áp; số bước chân; nồng độ cồn trong máu; thậm chí cả chất dinh dưỡng vi lượng molypden (tôi cũng không biết nó là gì) và lượng đồng nạp vào cơ thể. Nhưng như nhiều phụ nữ vào thời điểm khi đó đã chỉ ra, Apple đã quên mất một chi tiết quan trọng: tính năng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt. 

Tiện nói về chủ đề những robot gợi cảm, ngay cả khi nam giới xác định được một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, thì nếu thiếu đi ý kiến ​​của phụ nữ, nó cũng không có nghĩa là họ sẽ tìm ra được giải pháp phù hợp. Khi xảy ra vụ việc Alek Minassian lái xe tải thuê cán chết 10 người ở Toronto để “trả thù đời” vì phụ nữ từ chối lên giường với hắn ta, không cho hắn cuộc mây mưa mà hắn tin mình hiển nhiên có quyền hưởng, tờ New York Times đã đăng một bài báo có tiêu đề “Tái phân phối tình dục”. Trong đó lập luận rằng robot tình dục có thể là câu trả lời cho hoàn cảnh của những người đàn ông không thể thuyết phục phụ nữ ngủ với mình. Các nhà nữ quyền có lẽ sẽ tranh luận rằng, thay vào đó giải pháp nên là đặt câu hỏi ngược lại xem quan hệ tình dục có phải là điều hiển nhiên mà mọi người phải cung phụng cho nam giới.

Để tìm ra công nghệ bỏ túi cho tất cả chúng ta (tôi luôn nuôi niềm hy vọng này), thì giải pháp hoàn toàn phụ thuộc vào việc ai là người đưa ra quyết định. Và cũng giống như thế giới của các nhà đầu tư mạo hiểm, ngành công nghệ hiện nay là do nam giới thống trị. Margaret Mitchell (một nhà nghiên cứu tại Microsoft – ND) gọi đây là vấn đề của một “biển người toàn các nam nhân”. Trong năm năm qua, cô đã làm việc với vỏn vẹn khoảng 10 phụ nữ và “hàng trăm” đàn ông. Trong khắp ngành nghề “tin học chuyên nghiệp” ở Mỹ, chỉ 26% lượng công việc thuộc về phụ nữ, so với con số 57% công việc do phụ nữ nắm giữ trong toàn bộ lực lượng lao động Mỹ. Ở Anh, phụ nữ chiếm 14% lực lượng lao động STEM (ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Túi quần của phụ nữ luôn được thiết kế rất nhỏ so với nam giới, không vừa nổi chiếc điện thoại, đó là lí do vô vàn ứng dụng công nghệ “vô ích” với họ. Ảnh: Pudding.cool.

Cũng như trào lưu cuồng robot gợi cảm, biển nam nhân này tạo ra những sản phẩm kiểu như “bản mẫu robot nghiên cứu kềnh càng tên là PR2” mà nhà khoa học máy tính và đồng sáng lập công ty robot Tessa Lau đã gặp phải khi cô làm việc cho phòng nghiên cứu robot Willow Garage. Nó nặng “hàng trăm pound – lớn hơn nhiều so với cơ thể thấp bé của một người – và hai cánh tay của nó to cuồn cuộn. Nó trông thực sự đáng sợ. Nếu ở đó không có ai đứng điều khiển nó tử tế thì tôi còn chẳng dám lại gần thứ ấy.” Vài năm trước khi tôi phỏng vấn nhà robot học Angelica Lim, cô đã kể cho tôi nghe một câu chuyện tương tự về con robot mà cô gặp tại một hội nghị ở Slovenia. Nó sẽ đến và bắt tay bạn nếu bạn vẫy tay với nó. Khi cô thử vẫy tay với robot cao gần 1m77 có gắn bánh xe (phụ nữ Mỹ trung bình cao khoảng 1m65), con robot từ từ quay về phía cô, chìa tay nó ra và sau đó “lao vun vút thẳng về phía tôi”, khiến cô ré lên, nhảy lùi lại phía sau.

Hãy đặt những ví dụ này bên cạnh câu chuyện thử nghiệm chiếc kính thực tế ảo (VR) của nhà báo công nghệ Adi Robertson trong một bài viết trên The Verge. Chiếc kính ôm đầu này lẽ ra phải tự động đi theo đôi mắt của người dùng, nhưng với cô ấy nó lại không hoạt động được – cho đến khi một nhân viên hỏi có phải mắt cô có chuốt mascara hay không. “Khi chiếc kính được hiệu chỉnh lại một cách hoàn hảo vài phút sau đó, tôi đã cực kỳ ngạc nhiên – không phải vì đúng là nó có hoạt động được thật, mà bởi thực tế có người đã thực sự tính đến điều chỉnh cho người dùng trang điểm. Tình cờ là,” cô viết, “đây là công ty khởi nghiệp VR duy nhất trong số những doanh nghiệp mà tôi từng viết bài có người sáng lập là nữ”□

Nhung Nhung dịch 

Trích sách Invisible Women: Exposing Data Bias in a World Designed for Men củaCaroline Criado-Perez

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)