Học thuyết Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa

Trong bài diễn văn tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của QH khóa XII vào ngày 19/7/2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã lần đầu tiên chính thức công bố nội dung của Học thuyết Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Học thuyết này khác với học thuyết tam quyền phân lập vốn là nền tảng của mọi thể chế pháp trị trên thế giới, là không có sự phân lập giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà chỉ có sự phân nhiệm trong nội bộ các cơ quan nhà nước để đảm nhiệm chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp.


Học thuyết này là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vận dụng thuyết tam quyền phân lập vào bối cảnh chính trị một đảng cầm quyền đặc biệt ở Việt Nam. Có thể tóm lược những điểm chính của học thuyết như sau:
1. Quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp.
2. Nhà nước quản lý đất nước và xã hội theo pháp luật do Quốc hội ban hành, trong đó hiến pháp và luật pháp là kết quả của sự thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng.
3. Thẩm quyền của Chính phủ được xác định trên cơ sở phân định những loại việc Chính phủ chủ động quyết định với những loại việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trực tiếp quyết định hoặc cho ý kiến định hướng. Cũng tương tự như vậy, thẩm quyền của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định những loại việc do hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân chủ động quyết định với những loại việc ban chấp hành và ban thường vụ đảng bộ quyết định hoặc cho ý kiến để hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân thực hiện.
4. Hoạt động tư pháp, kể cả việc đào tạo, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ tư pháp, do Đảng lãnh đạo thông qua vai trò của cấp ủy và ban cán sự đảng ở các cơ quan tư pháp căn cứ quy định của Đảng.
Vì quyền lực nhà nước tập trung và không phân lập nên Quốc hội và Tòa án chỉ là hai bộ phận của hệ thống cơ quan nhà nước thống nhất, chứ không độc lập tuyệt đối như cách tổ chức chính thể ở các nước khác.  Học thuyết Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa khẳng định toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trên cơ sở xác lập vai trò đại diện mặc nhiên của Đảng đối với nhân dân nhằm thực thi và bảo vệ quyền lực đó. Toàn bộ hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp tập trung vào việc bảo đảm và củng cố vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Đối với hoạt động quản lý hành chính từ trung ương đến địa phương, Học thuyết Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa đề xuất một sự phân định thẩm quyền cụ thể và tương ứng giữa chính quyền và các tổ chức Đảng cấp trung ương và địa phương.  Như vậy, có hai hệ thống cùng tồn tại để điều hành và cai trị quốc gia, đó là chính quyền và Đảng, trong đó Đảng vừa lãnh đạo, vừa trực tiếp quyết định.
Hoạt động của các cơ quan tư pháp, tức là tòa án, được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng trên cơ sở quy định của Ðảng. Cấp ủy Đảng ở địa phương đảm nhiệm việc lựa chọn để giới thiệu bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án các cấp.  Thẩm phán do vậy vừa là đảng viên vừa là công chức trong bộ máy nhà nước. Vì lẽ đó, việc xét xử của thẩm phán không chỉ dựa vào luật và các bản văn lập pháp khác, mà còn dựa vào các bản văn lập quy của Chính phủ, Bộ và Ủy ban nhân dân địa phương.
Với sự công bố minh bạch và dứt khoát nội dung của Học thuyết Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa như đã nêu trên, vị trí và vai trò của Đảng và Nhà nước trong chính thể hiện tại được xác lập rõ ràng, giúp tránh tình trạng can thiệp hoặc chồng lấn công việc giữa hai thiết chế như từ trước đến nay.  Tuy nhiên, sự áp dụng học thuyết này cũng đặt ra những vấn đề mới đối với bản Hiến pháp hiện hành.
Thứ nhất, nếu luật pháp là sự thể chế hóa đường lối và chủ trương của Đảng, thì vai trò của các đại biểu quốc hội ngoài Đảng trong việc xây dựng luật cần phải xác định cụ thể. Về mặt pháp lý, những đại biểu ngoài Đảng không có nghĩa vụ tuân thủ đường lối và chủ trương của Đảng. Vậy để những đại biểu này hành xử quyền hạn của mình, cần phải có cơ chế giúp họ hiểu và thấm nhuần quan điểm của Đảng đến mức có thể thể chế hóa thành luật, tất nhiên không chỉ đơn thuần qua vận động, mà phải bằng con đường hiến định. 

Mặt khác, do vai trò chính của các đại biểu quốc hội là đại diện nguyện vọng của nhân dân, nên vào một thời điểm nào đó và liên quan đến một vấn đề nhất định, chính sách của Đảng có thể không phản ánh được thực tiễn phát triển của xã hội, thì các đại biểu quốc hội sẽ thể chế hóa nguyện vọng của nhân dân hay chính sách của Đảng?  Đây là tình huống cần tiên liệu cho hoạt động lập pháp tương lai.
Thứ hai, tuy vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi nhận tại Điều 4 của Hiến pháp 1992, nhưng cần phải xác định phạm vi vấn đề nào các tổ chức Đảng trực tiếp quyết định và vấn đề nào chỉ cho ý kiến định hướng.  Điều này sẽ giúp tăng cường hơn nữa nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối và chủ trương đối với các vấn đề lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng, và tránh ý kiến dị nghị về mối quan hệ của Đảng và Nhà nước trong điều hành và quản lý quốc gia.
Thứ ba, nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo luật có thể gặp nhiều trở ngại khi trên thực tế sự bổ nhiệm và miễn nhiệm thẩm phán do cấp ủy và ban cán sự đảng ở các cơ quan tư pháp quyết định căn cứ quy định của Đảng, thay vì chỉ dựa vào Hiến pháp và luật pháp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực cải cách tư pháp của Chính phủ vì mục tiêu hàng đầu của chương trình cải cách là bảo đảm sự độc lập của hệ thống tài phán.
Cần phải xác định phạm vi lãnh đạo của Đảng và hiến định các quy định nội bộ của Đảng để bảo đảm tôn trọng nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập. Điều này cũng sẽ giúp các thẩm phán có thể chuyên tâm trao dồi nghiệp vụ lâu dài sau khi được bổ nhiệm, thay vì chỉ tìm cách làm hài lòng một cách ngắn hạn cấp ủy và ban cán sự đảng để chuẩn bị cho lần xem xét tái bổ nhiệm kế tiếp.
Một điều quan trọng khác là nên tập trung quyết liệt vào việc loại trừ sự buôn bán và ngả giá công lý giữa các bên tranh tụng. Đừng để người dân nghèo ngay tình chỉ biết mơ những giấc mơ công lý xa xăm mỗi khi bước chân đến cổng tòa của chính nhân dân. Điều chúng ta hiện nay thiếu là một công cụ hiến định giúp thanh lọc một số thẩm phán vừa bất tài vừa tham nhũng.
Cuối cùng, cần nghĩ đến khả năng tu chính Hiến pháp hiện hành để hiến định mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và Nhà nước mà Học thuyết Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa đã xác lập, nếu không mối quan hệ đó trở nên vi hiến.

Luật sư Lê Công Định

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)