Không nên chạy theo GDP bằng mọi giá

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn là một chỉ số quan trọng, cần thiết để đánh giá mức độ tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên, không nên “chạy theo” GDP bằng mọi giá mà quên đi các chỉ số đánh giá sự phát triển bền vững. Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong cuộc trao đổi với Tia Sáng.


Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu tài nguyên không còn thuận lợi do nguồn lực ngày càng cạn kiệt. Ví dụ sản lượng khai thác dầu thô đang giảm, giá dầu thô cũng thấp. Ảnh: http://nangluongvietnam.vn

Một số nhà kinh tế học lâu nay cho rằng GDP là một phương thức đo lường không đầy đủ cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng xã hội, và do đó không nên là mối quan tâm duy nhất của các nhà làm chính sách. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Chuyện tăng trưởng hay là sử dụng thước đo GDP thì đến bây giờ các nước vẫn phải thừa nhận. Đúng là GDP không phải thước đo duy nhất, nhưng vẫn là thước đo chính khi người ta tính đến tăng trưởng của toàn cầu cũng như của từng quốc gia, từng khu vực, và để so sánh giữa các nước với nhau. Đấy vẫn là công cụ cần thiết, nước nào cũng tính chứ chưa có nước nào bỏ GDP, không có nước nào là không công bố mức tăng trưởng của mình bao nhiêu phần trăm GDP hằng năm. Kể cả những nước công nghiệp hóa cao, với nền tảng GDP của họ quá lớn rồi, tăng 1% hoặc thấp hơn nữa thì cũng rất nhọc nhằn, nhưng họ vẫn phải đặt ra mục tiêu đó, vẫn công bố hằng năm là đạt hay không đạt, hoặc âm bao nhiêu. Như vậy, thước đo GDP vẫn không bỏ được. Với Việt Nam, muốn đuổi kịp các nước thì vẫn phải tăng cường chất lượng, nhưng đồng thời phải có tăng trưởng. Mình đang thấp, bé quá so với các nước. Mỗi một bước của mình đi tuy tiếng là tăng trưởng 6 – 7% nhưng so với các nước khác còn kém xa. Ví dụ như ngay với Thái Lan, tăng 1% của Thái Lan bằng hơn 2% của mình, nghĩa là một bước đi của người Thái bằng hai bước của mình. Muốn đuổi kịp người Thái, nhiều khi mình phải tăng hơn gấp đôi họ về chỉ số GDP. Mỗi 1% của họ hàm lượng lại lớn hơn mình rất nhiều, cho nên đuổi kịp theo họ là cực kỳ vất vả, cho nên nếu mà không tăng GDP thì cũng không có cách nào đuổi được. Nhưng tôi nhấn mạnh là tăng GDP phải đi cùng với chất lượng, với hiệu quả tăng trưởng chứ không phải bằng mọi giá, và không biến nó thành một thứ thành tích, để đạt được trong nhiệm kỳ của mình, cho cá nhân người lãnh đạo này, lãnh đạo khác hoặc dàn lãnh đạo này, dàn lãnh đạo khác. Đó là cái cần phải chống.

Ở Việt Nam, phải chăng ta vẫn đang cố gắng chạy theo tăng trưởng và thành tích dựa trên chỉ số GDP chứ không phải là cải thiện chất lượng tăng trưởng?

Việc đặt ra mục tiêu (tăng trưởng GDP) để cố gắng mỗi năm một tốt hơn thì cũng là việc cần thiết. Bởi vì thực ra, nếu mà không có tăng trưởng thì không có cách gì đuổi kịp được các nước khác. Vấn đề là đặt như thế nào cho đúng mức, bởi vì cái chính không phải là tăng trưởng mà cùng phải đi với nó là cải thiện chất lượng tăng trưởng. Nhưng lâu nay, các chuyên gia trong nước hay phê phán về cách đặt mục tiêu GDP theo kiểu đạt được bằng mọi giá, vì đã có những năm, từ thời Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, cuối năm thấy không đạt được mục tiêu thì bơm thêm một triệu tấn dầu để bán trong lúc giá dầu đang xuống rất mạnh. Bán dầu lúc đó là lỗ, nhưng có thêm một triệu tấn dầu đó thì sẽ đẩy tăng GDP lên. Rồi bắt ngành than khai thác thêm trong khi đang thừa ế tới 9 triệu tấn than. Đó là kiểu tăng trưởng bằng mọi giá. Chưa kể là xào nấu số liệu để làm đẹp1. Đó mới là điều đáng phê phán.

Trước những khiếm khuyết trên, chúng ta đã có cố gắng cải thiện như thế nào, thưa bà?

Về mặt chỉ số đánh giá, sau này Quốc hội có đưa thêm những chỉ số khác về xã hội để bổ trợ, ví dụ như chỉ số về việc làm, chỉ số về xóa đói giảm nghèo, chỉ số về môi trường… chứ không phải chỉ có GDP. Tuy nhiên thông thường đến lúc cuối năm họp thường kỳ thì … GDP lại vẫn trở thành vấn đề được tranh cãi nhiều nhất, chất vấn nhiều nhất của Quốc hội đối với Chính phủ mà nhiều khi bỏ qua các chỉ số khác đạt rất thấp hoặc không đạt. Lúc nào cũng xoáy vào chỉ số GDP, tại sao nó là ngần này, không phải ngần kia. Đó cũng là một vấn đề từ phía Quốc hội, là người đặt ra chỉ tiêu. Đáng lẽ đưa ra hệ chỉ tiêu là việc đúng, thì Quốc hội cũng phải giám sát toàn bộ hệ chỉ tiêu và phải rành mạch, vạch ra các chỉ tiêu về chất lượng, hiệu quả không tốt chứ không phải bằng lòng với một chỉ tiêu GDP cao mà lại bỏ qua tất cả các chỉ tiêu khác. Đánh giá theo kiểu thế thì vô hình trung lại vẫn đánh giá về tốc độ chứ không coi trọng chất lượng, không coi trọng hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. 

Khía cạnh thứ hai, về đánh giá mức độ tăng trưởng. Quốc hội thường đưa ra mục tiêu tăng trưởng trên cơ sở Chính phủ trình, cũng có năm Chính phủ muốn trình một mức tăng trưởng GDP của năm tới vừa phải hơn để tập trung vào chất lượng hơn, thì Quốc hội bảo không, năm nay đã tăng được ngần này thì sang năm phải hơn, tại sao năm sau lại thấp hơn năm trước? Nếu chúng ta muốn điều chỉnh để tập trung cao hơn và hiệu quả vào chất lượng, vào cải cách thể chế thì phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại, có cải cách rồi mới có tăng trưởng cao và bền vững trong tương lai. Nhưng [chúng ta] lại không chấp nhận lui lại một bước trong một năm hoặc vài năm nào đó để mà vượt lên. Và điều đó tạo ra sức ép bất hợp lý. Mà ở đây toàn bộ hệ thống, bao gồm Quốc hội và Chính phủ đều nhận thức không thật đồng nhất, đặt vấn đề không thống nhất. Nên nếu tất cả đều xuyên suốt, thấy rằng tăng trưởng là cần thiết, muốn tăng trưởng bền vững, thì phải cải thiện chất lượng tăng trưởng, mà cải cách thì có bao giờ làm được trong một năm đâu? Phải dăm bảy năm liên tục. Sau một thời gian cải cách hẵng nghĩ tới mức độ tăng trưởng cao hơn. Nếu cả hai bên đồng lòng như vậy thì mới thực hiện được cải cách. Bây giờ cuộc cải cách ở Việt Nam cứ vất vả, vì nhiệm kỳ nào cũng vậy, cả nhiệm kỳ Quốc hội lẫn Chính phủ vẫn cứ phải lao vào lo tốc độ. Vẫn muốn đạt được tốc độ. Ai cũng phải chứng minh trong thời kỳ của mình là tốc độ. Chưa kể là ngay trong chính phủ cũng có người nghĩ thế này nghĩ thế khác, không phải lúc nào cũng nhất quán.

Bà vừa nói tới việc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng, phát triển cho mỗi giai đoạn sắp tới, vậy thì công tác dự báo để đặt ra các mục tiêu kinh tế của chúng ta hiện nay có đảm bảo cho việc đưa ra các mục tiêu như vậy?

Dự báo nhiều khi không dự báo được hết các tình huống, bởi vì nói thực là dự báo cực kỳ khó chứ không dễ.

Thứ nhất, để dự báo về thị trường bên ngoài, mình phải dự báo được về những đối tác có quan hệ lớn nhất, có ảnh hưởng chi phối đến thị trường Việt Nam, ví dụ như Trung Quốc, Mỹ hoặc EU, Nhật Bản. Nhưng mình không có khả năng đó. Nên thông thường chỉ dựa vào dự báo của các tổ chức có uy tín như ngân hàng thế giới, quỹ tiền tệ quốc tế, OECD, ADB. Thế giới cũng thường căn cứ vào dự báo của các tổ chức đó. Ít nhiều tương đối xác đáng, nhưng phải nhớ là hằng quý họ có điều chỉnh, mỗi quý lại công bố và điều chỉnh. Mặt khác, cần chú ý, thực ra đối với mình thì họ vô cùng quan trọng, nhưng đối với họ thì mình không có vai trò gì, không phải là đối tác quan trọng, nhiều khi những điều chỉnh của họ không phải là nhằm vào phía mình nhưng cuối cùng sẽ lại có tác động lớn tới mình. Ví dụ như hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế thép lên Trung Quốc nhưng nó cũng sẽ dội vào Việt Nam, vì Trung Quốc sẽ tuồn thép qua Việt Nam để tránh bị đánh thuế. Như vậy, trong dự báo của mình thì nhiều khi phải phân tích không chỉ ở quan hệ Mỹ với Việt Nam ra sao, mà là chuyện Mỹ – Trung như thế nào, cũng như khả năng tác động tới Việt Nam ra sao.

Mặt khác, các điều chỉnh chính sách của họ cũng sẽ không ngay lập tức tác động lên mình mà có tính lâu dài. Nhìn vào chính sách thương mại của Mỹ hiện nay, thấy rằng mặc dù Mỹ kêu gọi khuyến khích các công ty quay trở về Mỹ, và mới chủ yếu tác động tới ngành ô tô, các nhà sản xuất không ở Mexico nữa mà tập trung đầu tư vào Mỹ hoặc Nhật. Đúng là ngành may mặc của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi xu hướng này, nhưng mình cần dự báo được với là tốc độ tự động hóa cao ở Mỹ, ngành may mặc của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.

Thứ hai là các bối cảnh trong nước. Thì phải xem năm nay bối cảnh trong nước có động lực là gì, tạo thêm được gì, hay vẫn dựa vào những động lực cũ? Những động lực cũ còn cơ sở để mà tăng cao được hay không? Đấy là cách mà các chuyên gia của mình đang tính, ví dụ như báo cáo hàng quý hoặc nửa năm, cả năm của chỗ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) hoặc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách -ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) (VERP), bao giờ họ cũng đưa ra câu hỏi động lực tăng trưởng thời gian qua là gì, động lực tăng trưởng thời gian tới là gì, có tạo thêm được động lực mới hay không.

Các báo cáo của CIEM hoặc VERP  từ mấy năm nay đều đưa ra một lo lắng là chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng, trong khi cái cũ cùn mòn, hết dần đi.

Đúng vậy, như vậy nếu đưa ra dự báo tăng trưởng cao trong thời gian tới là khó trở thành sự thật được.

Chủ yếu tăng trưởng của mình dựa vào những ngành lao động giá rẻ, mà phần lớn do FDI làm và một phần xuất khẩu tài nguyên như dầu thô. Trong nước, hiện nay mình đang xuất khẩu tăng cao dựa vào khu vực FDI. Nhưng cái tăng trưởng cao đó không vững chắc. Ví dụ như Samsung, năm ngoái Galaxy Note 7 có vấn đề thì xuất khẩu của họ tụt xuống, nên xuất khẩu của mình giảm, tăng trưởng GDP cũng khó hơn. Năm nay bốc lên được quý I vì Samsung làm ăn tốt, không bị như quý I năm ngoái. Vai trò của xuất khẩu tài nguyên cũng giảm dần, ví dụ như dầu thô trong đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam ngày càng thấp đi, bởi lượng xuất khẩu ít đi, nguồn lực cạn kiệt, rồi giá cả của dầu thô đang giảm xuống.

Cái chốt của mình là năng suất lao động thì không tăng lên được. Giờ phải đẩy năng suất lao động lên, mà muốn đẩy lên thì phải bằng đổi mới sáng tạo, bằng nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn, có kỹ năng hơn, làm những ngành đòi hỏi tay nghề cao hơn, từ đó mới có năng suất cao. Hiện nay mình có sự dịch chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ, sang công nghiệp. Nhưng sang dịch vụ chủ yếu là bán buôn bán lẻ, ngành gần như năng suất lao động rất thấp, không tạo được giá trị gia tăng bao nhiêu. Hay là chuyển sang công nghiệp thì lại làm gia công nên không có giá trị gia tăng bao nhiêu. Năng suất cũng thấp. Để có thể dịch chuyển lên cao hơn trong chuỗi giá trị, làm những sản phẩm phức tạp hơn thì cần những người lao động có tay nghề tốt hơn, kỹ năng tốt hơn, đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào công nghệ. Nhưng nhìn lại thì những doanh nghiệp lớn nhất thì cả bốn đại gia đều làm bất động sản. Mà kiểu phân bổ đầu tư dồn vào bất động sản nhiều quá thì sẽ làm mất đi phần phát triển của các ngành khác.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Bảo Như thực hiện
———-
1Trong cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đã có tình trạng, có những năm, hầu hết các tỉnh đều công bố GDP trên địa bàn của địa phương cao hơn của cả nước, chỉ có vài tỉnh thấp hơn GDP cả nước. http://baochinhphu.vn/Kinh-te/So-lieu-GDP-dia-phuong-Se-khong-con-do-khoc-do-cuoi/279575.vgp.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)