“Kỷ nguyên Park Chung Hee” bản tiếng Việt: Có làm thoả mãn độc giả?

Việc cho ra đời cuốn sách hàn lâm và chuyên ngành Lịch sử Chính trị của Đại học Harvard (Mỹ) dành cho giới đại học và trên đại học qua một bản dịch mềm hóa (bằng dịch thuật và cắt bỏ), liệu có làm thỏa mãn độc giả hay không?

Trong khuôn khổ Bộ sách về các nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại/Tủ sách “Nhân vật chính trị – thời cuộc”, tháng Tám vừa qua, Alpha Books đã phát hành cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc1 (Kỷ nguyên Park).

Park Chung Hee được coi là người kiến lập Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) mới. Ông xứng đáng được coi là người tạo ra một kỷ nguyên mang tên ông, bắt đầu và tạo nền móng cho “Kỳ tích sông Hàn” được công nhận trên toàn thế giới.

Lịch sử đã ghi lại nhiều dự báo thành hiện thực của các nhà kiến tạo quốc gia, nhưng chắc chỉ có Park là người duy nhất mà dự báo trở thành hiện thực trong đời cầm quyền của ông (tuy đã bị ngắt đi ít năm bởi một vụ ám sát). Ngay sau khi đảo chính nắm quyền tháng 7/1961, Park tuyên bố trước 20 ngàn sinh viên Đại học Seoul: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Nếu làm được vậy, trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới… Hôm nay, có thể một số người dân bất đồng ý kiến với tôi, nhưng xin hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân… Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra.”2

Và, người ta đã đánh giá về Park: “Với những thành công vĩ đại và thất bại tệ hại của ông, cùng phong cách lãnh đạo tuy vô cùng hiệu quả nhưng lại khét tiếng độc tài… Park vẫn sống như một người hùng đồng thời cũng như một tội đồ trong chính trị Hàn Quốc… ký ức về thời kỳ cầm quyền hào hùng và gây tranh cãi của ông vẫn còn cao ngất ở đất nước này.” (Kỷ nguyên Park, Kết luận, tr. 850). Đây quả là một tấm huy chương vàng chói ngời cả hai mặt! Có một số chi tiết về ông Park cần được nhấn mạnh: Ông Park, tuổi học trò đã rất mê sách về Napoleon. Ông tốt nghiệp xuất sắc Học viện Quân sự Đế quốc Nhật Bản tại Tokyo và là chỉ huy một trung đoàn khi Thế chiến II kết thúc. Năm 1948, ông từng bị kết án tù chung thân vì là thành viên của Đảng Công nhân Nam Triều Tiên (là đảng cộng sản ở Nam Triều Tiên từ năm 1946 đến năm 1949). Cuối cùng, điều này cũng rất quan trọng: từ khi ông bị ám sát (1979) tới nay, người ta tố cáo ông nhiều tội, song không hề có tội tham nhũng, không hề có những khoản tiền nào mang tên ông bị phơi bày. Nói như một thành ngữ Nga, ông đã nếm trải đầy đủ “Lửa, Nước và Ống Đồng” để lập ra một quốc gia hùng mạnh. Kết thúc đoạn này bằng hồi ức ngắn dưới đây hẳn không thừa:

“…Ông Jo Rip, một Hàn kiều ở Đức, người đã từng làm thợ mỏ thời đó nhớ lại: Khi đó [tháng 12/1964], Tổng thống Park tới thăm Đức là để hỏi vay tiền viện trợ. Vì là người đứng đầu của một nước nghèo nên ông chỉ có một xe máy hộ tống. Ông tới chỗ chúng tôi vào lúc đêm muộn. Tôi cùng các đồng nghiệp và các nữ y tá đã đứng chờ Tổng thống ở đó. Cuộc gặp khi đó rất nhiều cảm xúc không nói nên lời, chúng tôi chỉ nhìn nhau mà nước mắt tuôn trào.”3

***
The Park Chung Hee Era: The Transformation of South Korea là bản gốc (tiếng Anh) của cuốn sách Kỷ nguyên Park. Theo GS sử học Kyung Moon Hwang ở Đại học Nam California, đây là một trong hai cuốn sách quan trọng nhất viết về Park và kỷ nguyên của ông – cuốn kia là  Reassessing the Park Chung Hee Era, 1961–1979: Development, Political Thought, Democracy, and Cultural Influence của Hyung-A Kim và Clark W. Sorensen.

The Park Chung Hee Era do Harvard University Press (HUP) xuất bản lần đầu năm 2011, có năm mục và 21 chương, kết cấu gồm ba phần như một sản phẩm thời thượng của Hàn Quốc (smartphone Samsung chẳng hạn) mà chúng ta quan tâm: Nguồn gốc (mục I: Sinh ra trong khủng hoảng, ba chương), tính chất (các mục II-IV: Chính trị, kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế, 14 chương), và đánh giá (mục V: So sánh, bốn chương).
Cuốn sách là một bộ sưu tập rất giá trị những tiểu luận của các chuyên gia Hàn Quốc. Chỉ tới mục V mới có sự tham gia của các chuyên gia ngoài Hàn Quốc. “Phạm vi và độ sắc bén của bộ sưu tập về giai đoạn quan trọng này trong lịch sử Hàn Quốc khiến nó phải được dành cho bậc đại học, sau đại học và các bộ sưu tập Hàn Quốc trong thư viện …” (JM Peek, Choice – bìa 4 bản gốc tiếng Anh)

Sách do HUP xuất bản càng cho thấy nó thuộc loại sách hàn lâm và chuyên ngành. Vậy chuyên ngành của nó là gì? Chủ biên KimByung-Kook đã chỉ rõ bằng tựa đề của phần Giới thiệu: “Một bài học Lịch sử Chính trị”. Thật vậy, xuyên suốt toàn cuốn sách hơn 900 trang chữ nhỏ, khổ lớn là Lịch sử Chính trị của Kỷ nguyên Park, một tài liệu rất quý cho ngành Hàn Quốc học. Tuy nhiên, từ đây hình như đã có thể nhìn thấy sự khác nhau rõ rệt về điều mà bản chính và bản dịch hướng tới.

Bảng dưới đây cho thấy một số khác biệt.

Sự khác biệt

 

Bản gốc

Bản dịch

Tên sách

Kỷ nguyên Park Chung Hee: Sự chuyển đổi của Hàn Quốc (dịch)

Kỷ nguyên Park Chung Hee và Quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc

Dịch thuật (một ví dụ):

The Military Junta’s Path (tên Chương 3)

Chính quyền độc tài quân sự

Chính quyền quân sự

Bổ sung của bản dịch

… phong cách lãnh đạo quyết đoán cùng chiến lược “trước là công nghiệp hóa, sau là dân chủ hóa” và bộ máy hoạt động tinh gọn của Park Chung Hee sẽ cung cấp thêm nhiều góc nhìn mới mẻ trong việc xây dựng đường lối lãnh đạo và chiến lược phát triển đất nước đối với các quốc gia hiện đang theo đuổi đồng thời cả hai sự nghiệp công nghiệp hóa và dân chủ hóa.” (Trích bài viết dài bốn trang của Rhee Jae Hoon). Tại tọa đàm về cuốn sách hôm 15/11 ở Hà Nội, diễn giả Rhee Jae Hoon tiếp tục đề cao tấm gương này.

Loại sách và đối tượng đọc

– Sách Lịch sử chính trị do Harvard xuất bản, hàn lâmchuyên ngành.

Dành cho bậc đại học, sau đại học và các bộ sưu tập Hàn Quốc trong thư viện

– Thuộc “Bộ sách về các nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại” của Alpha Books.

– Bỏ phần ghi: dành cho bậc đại học, sau đại học… ở bản gốc (bìa 4)

Số chương

21

19

Tên các chương bị cắt ở bản dịch (các phần cắt bỏ khác chỉ có thể biết khi có bản gốc)

Chương 14. Chiến tranh Việt Nam: Tìm kiếm của Hàn Quốc đối với an ninh quốc gia, Min Yong Lee (27 trang)

Chương 20. Các chế độ độc tài là hoàn hảo? Hàn Quốc so với Argentina, Brazil, Chile, và Mexico, Jorge I. Dominguez (30 trang)


Vậy, liệu một cuốn sách hàn lâm và chuyên ngành Lịch sử Chính trị của Đại học Harvard giới thiệu một hình mẫu phát triển vĩ mô của quốc gia, như một tấm gương dành cho giới đại học và trên đại học, qua một bản dịch mềm hóa (bằng dịch thuật và cắt bỏ), có làm thỏa mãn độc giả hay không? Đương nhiên câu trả lời luôn luôn là: và  không. Hiện giờ, vì mới chỉ nhìn thấy phần không nên chúng tôi tự đặt cho mình những câu hỏi mà có thể nhiều độc giả cũng muốn điều tương tự.

Do nhiều hoàn cảnh, việc dịch thuật không trọn vẹn một tác phẩm là điều bình thường ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với loại sách khảo cứu như Kỷ nguyên Park, dù đã được nhà xuất bản gốc cho phép (giả thiết như vậy với HUP) thì các cắt bỏ phải được bên xuất bản nói rõ với độc giả để khỏi bị coi bán một sản phẩm không đầy đủ dưới vỏ hoàn chỉnh. Thông thường, các phần cắt bỏ phải là bất khả kháng nhưng đối chiếu với yêu cầu này, việc cắt bỏ hoàn toàn Chương 20 (Các chế độ độc tài là hoàn hảo? Hàn Quốc so với Argentina…) là không hợp lý, làm hỏng kết cấu cuốn sách. Chương này cho thấy nền độc tài quân sự Hàn Quốc thành công với giá đắt trong sự so sánh với các nền độc tài quân sự Mỹ latin. Nếu thiếu chương 20, chưa chắc cuốn sách đã an tâm kết luận Kỷ nguyên Park là “thành công vĩ đại và thất bại tệ hại”.

Bên cạnh đó, việc cắt bỏ hoàn toàn Chương 14 (Chiến tranh Việt Nam: Tìm kiếm của Hàn Quốc đối với an ninh quốc gia) có rất nhiều hệ lụy. Nếu chương này được lược dịch, loại đi những phần bất khả kháng thì tốt hơn cho bản dịch tiếng Việt rất nhiều. Bởi vì, nói tới Kỷ nguyên Park và Quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc mà loại bỏ hoàn toàn (liên hệ với) Chiến tranh Việt Nam thì đó là một sự xóa bỏ lịch sử rất khó chấp nhận. Trong số các nước tham gia cùng Mỹ vào chiến tranh Việt Nam (1954-1975), Hàn Quốc đứng vị trí số 1. Trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1973, đã có 312.853 binh sĩ Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam. “Đổi lại cho các cam kết quân sự, Hàn Quốc đã nhận được hàng chục tỷ đô la viện trợ, cho vay, các khoản trợ cấp, chuyển giao công nghệ, và các thị trường ưu đãi, tất cả được cung cấp bởi chính quyền Johnson và Nixon.”4

Bài viết này xin kết thúc bằng mẩu tin thời sự nóng hổi dưới đây để chúng ta cùng suy nghĩ.

“Biểu tình lớn ở Nam Hàn: Hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình sáng Chủ nhật 15/11… Cuộc tuần hành có sự tham gia của nhiều nhóm, trong có các nghiệp đoàn vốn không ủng hộ các chính sách khuyến khích doanh nhân của bà Park. Một số nhóm khác thì phản đối sách dạy lịch sử trong nhà trường mà theo họ đã xóa sạch quá khứ độc tài quân phiệt của Nam Hàn.”5

***

1Kim Byung-Kook và Ezra F. Vogel (chủ biên), Hồ Lê Trung dịch, NXB Thế giới, Hà Nội, 2015, 908 tr., 309.000 đ.

2http://www.vietdc.org/wp-content/uploads/2008/10/park-chung-hee-xay-de1bbb1ng-kinh-te1babf-de1baa1i-han.doc

3http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_kpanorama_detail.htm?No=10037187

4Theo: The Legacies of Korean Participation in the Vietnam War: The Rise of Formal Dictatorship.http://citation.allacademic.com/meta/p_mla_apa_research_citation/1/1/3/6/7/p113675_index.html

5http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151115_skorea_protest

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)