Làm con “hồng hộc” bay giữa trời xanh thật quả là khó

Cao Bá Quát - con người "nhất sinh đê thủ bái mai hoa", suốt cuộc đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai mà thôi, đã từng chia kẻ sĩ, nay ta gọi là trí thức, thành ba loại, ứng với ba loài chim. Loại thứ nhất là hồng hộc bay giữa trời xanh. Loại thứ hai là hạc đen ẩn bên sườn núi. Loại thứ ba là hoàng yến luẩn quẩn ở chốn lâu đài của kẻ quyền quý. Con người "những muốn vin mây mà lên cao mãi" như Cao Bá Quát tất nhiên muốn được là loại chim gì, và khinh loại chim gì rồi.

Đấy là chỉ nẩy ra từ một bài thơ làm khi uống ruợu ở nhà bạn, trong những bài thơ khác của ông, còn bao hình ảnh những kiểu loại chim khác nữa. Khi thì là cánh cò trắng giữa sông hồ trong cảnh sắc mùa xuân:”Xuân tĩnh giang hồ nhất bạch âu”. Có khi đó là”con hạc ốm kêu ở đền cổ”. Có khi chua chát, thảm hại như con sáo”chỉ vì có thể nói được tiếng người, để đến nỗi cụt mất đầu lưỡi” .

Chao ôi, chỉ để nói được tiếng người, đúng hơn, nhại được vài âm thanh vô hồn theo đúng tiếng người để rồi bị giam trong lồng, và rồi không bao giờ còn véo von được tiếng của chính mình nữa, cái thân phận con sáo nói được tiếng người sao mà khốn khổ làm vậy. Giá mà con sáo cũng biết suy nghĩ như con người thì liệu nó có cam chịu phận cụt mất đầu lưỡi như vậy không? Ấy thế nhưng, vào thời ông, lắm kẻ sĩ tuy không bị cụt đầu lưỡi nhưng nào có nói được chính tiếng của mình đâu, họ “…phải nói khẽ, sợ nói to trái ý trời, trời ghét”! Đâu phải là ý trời mà là ý người đấy thôi, người có quyền! Đâu phải là trời ghét mà là người ấy ghét đấy. Mà ghét, là vì lời của kẻ sĩ có tài và trung thực thường không thuận tai. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, đó là một khái quát xuyên thời gian! Kẻ sĩ, người trí thức mà không nói được tiếng nói của chính mình, không nghĩ được điều mình cần nghĩ và muốn nghĩ, thì suy cho cùng, nào có khác gì con sáo bị cụt mất đầu lưõi đâu?

Ấy vậy mà làm con “hồng hộc” bay giữa trời xanh thật quả là khó lắm lắm. Còn chọn được cách thế của con “hạc đen” ẩn bên sườn núi đâu có dễ? Sự nghiệp và thân phận của Cao Bá Quát thật long đong.

Ông cũng từng dấn thân trên đường hoạn lộ: “Quan cái phân phân ngã hành hỹ”, mũ lọng nhộn nhịp ta cứ đi! Thế nhưng, “bước đường phẳng lặng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều”. Đến núi Nam Tào, nhìn vào đền thờ của Trần Hưng Đạo và nơi ẩn dật của Chu Văn An, ông ngậm ngùi “Xuân trên dòng Kiếp dồn cả vào miếu của vị vương lừng tiếng. Mây ở núi Phượng phủ kín ngôi nhà của bậc ẩn dật ngày xưa, Mà nay thì chuyện cũ anh hùng đã gửi cả cho làn sóng biếc”.

Với ông, Chu Văn An và Nguyễn Trãi là hai thần tượng mà ông kính phục. Khi có người bạn lên đường nhận chức tri phủ Thường Tín, chốn quê của Chu Văn An và Nguyễn Trãi, ông viết bài thơ dài khuyên bạn và nhờ hãy vì ông mà đến lạy trước bàn thờ hai vị đó. Trong bài thơ này, ông bộc lộ nỗi niềm: “Tiều Ẩn và Ức Trai là hai nhân vật tuyệt vời, Tài trai sống ở đời, đã không làm được việc phơi gan, bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường. Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền sói lang hoành hành… Rồi lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết! Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng gặp hai Cụ. Thì cũng mặt dày, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi”.

 Những muốn làm con hồng hộc bay giữa trời cao như Nguyễn Trãi đã từng có lúc tung hoành trong sự nghiệp cứu nước, hoặc nếu không, thì như Chu Văn An thanh cao như chim hạc đen ngủ một mình bên sườn núi, thế nhưng Cao Bá Quát “Cây đàn thanh kiếm bao năm đi lầm đường… ngày nay một manh áo vải đứng giữa trời đất bao la”. Và, ông nhờ báo cho bạn: “rằng tôi còn khỏe, không chết, chỉ mắc chứng điên thôi! Ông điên vì thời cuộc như Khuất Nguyên bên dòng sông Mịch La. Ông điên vì hoài bão bị dập tắt, khát vọng không thực hiện được: “Mặt trời đỏ đi đằng nào? Để dân đen than thở mãi”.
 
Cái kết cục bi thảm của một kẻ sĩ như ông là điều đã được báo trước.
 

Tương Lai

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)