Lương bổng
Nếu như chữ "lương" tồn tại đã từ rất lâu đời, thì khái niệm "tiền lương hoàn chỉnh" là câu chuyện chưa trở thành hiện thực ở xứ ta, giản đơn là như vậy. Cả một di sản ngàn năm về câu chuyện này. Không dễ giải quyết, nhưng đó chìa khóa để đi vào xã hội hiện đại.
Chữ “lương” xưa đơn giản là gạo mỳ khoai sắn.
Để sai tướng lính đi làm một công việc, một sứ mệnh nào đó, bề trên cấp cho một khoản đồ ăn để “ăn no đánh thắng”. Còn lại thì phần thưởng là chuyện khác, chuyện “bổng lộc” về sau.
Mở rộng ra dân gian, để sai hay thuê làm một công việc nào đó, người sai hay người mướn cấp cho người thực hiện một khoản đồ ăn để “trả lương” công thợ.
Câu chuyện là ở chỗ này.
Trong xã hội cổ truyền, tất cả các hình thức sai bảo, thuê việc này đều chưa có thể chế hợp đồng, chưa có thị trường lao động, cùng một hệ thống pháp lý ở tầm mức toàn xã hội để đảm bảo sự ổn định, công bằng cho việc thuê mướn và trả tiền lương.
—-
Để đảm bảo quyền lực tối cao của nhà nước xưa, một cơ chế khác được bảo hành để duy trì sự lệ thuộc mạnh mẽ của đội ngũ quan lại đối với triều đình.
Đó là cơ chế bổng lộc.
Trong cơ chế trả lương, người nhận lương và người trả lương không nợ gì nhau nữa. Tiền trao, cháo múc. Cái này nhà vua, nhà chúa tất nhiên không mê gì.
Trong cơ chế bổng lộc, cái ân nợ của người được nhận bổng lộc là hiển nhiên.
Cái bổng lộc là do bề trên ban phát trực tiếp.
Cái bổng lộc này là bao nhiêu, không có gì ràng buộc cả.
Cái bổng lộc này là cho mượn, có thể bị đòi lại bất cứ lúc nào.
Cái bổng lộc này, ngay cả đã tiêu hết rồi, vẫn là món nợ, có thể bị kể ra để hạch tội bất cứ lúc nào.
Và một khi cái bổng lộc bị tước đi, bị đòi lại, thì cả lợi ích sống còn lẫn danh giá của người được hưởng đều tan bay trong phút chốc.
Hơn thế nữa, thường là điềm họa đã đến.
Trong bổng lộc, không có sự công bằng, sự bảo đảm, sự tôn trọng, sự vững bền, sự tự do.
—-
Vậy nên nhà nước phong kiến xưa rất hạn chế việc trả lương cho quan lại, lương chỉ như một phụ phí để qua ngày đoạn tháng.
Mà sử dụng bổng.
Quan lại càng phải trung trinh.
Cái bổng lộc là do bề trên ban phát trực tiếp. |
Sự mẫn cán là đức tính phải có, để mà hy vọng một ngày kia bổng lộc của nhà vua, của bề trên sẽ đến với mình.
Được nhận bổng lộc không chỉ là quyền lợi vật chất. Đó còn là một danh giá lớn lao xác nhận hạng bậc quý tộc của một quan lại.
Mặt bên kia của vấn đề là sự nghèo hèn của đa phần quan lại, đặc biệt là các quan lại nhỏ bé.
Đồng lương bé xíu rồi sẽ mách bảo các quan lại con đường gần như duy nhất để kiếm sống : xà xéo kho bổng lộc, làm tiền bề dưới, nịnh bợ bề trên, và tranh giành phá phách nhau.
Còn các quan to nếu không biết chế ngự lòng tham của mình, của gia tộc mình, thì cũng chả ngại gì phương pháp phổ thông này cả.
Chính nhà vua cùng các đại thần cũng thừa hiểu câu chuyện này. Và nhiều khi họ cũng phải mặc kệ cho bề dưới kiếm sống, biết làm thế nào khác đây nếu như vẫn phải duy trì bằng được hệ thống bổng lộc tối đa, lương lậu tối thiểu này?
Điều này đau đầu cho các “vua sáng tôi hiền”, mà thực chất thì nếu muốn duy trì bằng được hệ thống này thì không thể có giải pháp nào cả!
—-
Hôm nay, xã hội ta đang làm một cuộc tự vượt mình : xây dựng một xã hội hiện đại.
Tất nhiên là phải xây nó từ cái xã hội cổ truyền! Xã hội mới không thể rơi từ trên trời xuống được.
Hình thành thị trường lao động, chuyển hóa hệ thống bổng lộc sang hệ thống tiền lương hoàn chỉnh. Đó là công trường vĩ đại nhất ngày hôm nay của toàn xã hội.
Đồng lương hoàn chỉnh hiện đại, một khi được hình thành, tuy có thể còn ít, có thể còn nghèo, nhưng nó phải là cái hiện thân của một xã hội tự do.
Nó là cái hợp đồng trên nền tảng của toàn xã hội, tuy được cụ thể hóa bởi những trường hợp cụ thể.
Nó đưa mọi thành phần kinh tế, xã hội vào một nền tảng chung.
Nó là giá trị lao động của mỗi con người, trong đó có tất cả các yếu tố xã hội đang nhắm tới.
Nó chứa trong mình tiền đóng góp cho các quỹ xã hội, cho y tế, giáo dục, đào tạo lại, văn hóa, xây cất nhà cửa, đóng góp chung, thuế má, giao thông, tai nạn, hưu trí…
Nó khẳng định cái tự do của người công dân hôm nay.