Lý tưởng bình thiên hạ

Cái thế mạnh nhất của lý thuyết Khổng giáo là tính cực giản. Tất cả các quan hệ xã hội chỉ cần quy về ba giềng mối chính yếu: vua tôi, cha con, chồng vợ, gọi là tam cương. Ba mối quan hệ này lại được cực giản hóa một lần nữa: sự thống trị một chiều tuyệt đối của vua với tôi, cha với con, chồng với vợ.

Thiên hạ thái bình… Con người còn mong gì hơn thế?

Lý tưởng Khổng giáo của bậc lập chí ở xứ Đông xưa thật rõ ràng: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đỉnh cao nhất là thiên hạ thái bình.

Thật trong trẻo, còn gì phải nghi vấn?

Vậy nên ngày hôm nay, nhiều người còn đang mong làm hồi sinh lại thật mạnh mẽ cái lý tưởng này.

—-

Có thể bàn về cái việc đầu tiên, “tu thân”, bằng thiên kinh vạn quyển. Chữ nghĩa tha hồ sáng láng. Mà cũng có thể kết cái việc này lại rất cô đọng trong mấy nguyên lý “cách vật, trí chi, thành ý, chính tâm”.

Việc tu thân, lo sửa mình, theo nghĩa thông thường, tất nhiên là một việc rất thiết yếu trong đời sống thường ngày.

Vấn đề còn lại là tại sao phải sửa mình, và sửa mình theo hướng nào?

Chữ “sửa mình” đã ngụ ý rằng: con người sống là một quá trình bị xa rời, bị hư hỏng, bị trật khỏi nguyên mẫu, cần phải luôn luôn níu kéo, uốn nắn, chỉnh gọt lại mình.

Con người của Khổng giáo không có lựa chọn: sửa mình theo khuôn mẫu của thánh hiền.

Thánh hiền trừu tượng quá? Thì Vua Phương Đông chính là hiện thân trực diện nhất, cao nhất của thánh hiền. Vua Phương Đông là toàn quyền, toàn năng. Vua nắm trọn thế quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, toàn dân là nô dân. Vua nắm trọn thần quyền: thực thi chức năng giáo chủ, toàn quyền diễn giải giáo lý, và toàn dân phải là thần dân.

Điều căn bản nhất trong “tu thân” là gì? Là phủ nhận tự do của cá nhân con người và của xã hội, phủ nhận khám phá, phủ nhận sáng tạo, phủ nhận lý tưởng nhân văn, phủ nhận tiến hóa.

Dưới mẫu vua thì người ta có các quan to, rồi quan nhỡ, quan nhỏ.

Tu thân, căn bản nhất, là để mình đừng đi trật ra khỏi cái khuôn quyền chính của xã hội Khổng giáo.

—-

Tiến lên một bước, bậc quân tử lo tề gia.

Sắp xếp việc nhà “đâu ra đấy” thì là lẽ hay thông dụng. Nhưng việc quan trọng nhất của tề gia cũng là để cái nhà mình đừng đi trật ra khỏi cái khuôn quyền chính của xã hội Khổng giáo.

Trong tề gia, “người quân tử” có cái lợi thế riêng là mình được đứng ngôi vua trong nhà, còn đàn năm thê bảy thiếp cùng con cháu thì chính là bày tôi của mình. Trong nhà, người quân tử làm vua, còn thê thiếp con cháu làm nô dân, thần dân.

Cái thế mạnh nhất của lý thuyết Khổng giáo là tính cực giản. Tất cả các quan hệ xã hội chỉ cần quy về ba giềng mối chính yếu: vua tôi, cha con, chồng vợ, gọi là tam cương.

Ba mối quan hệ này lại được cực giản hóa một lần nữa: sự thống trị một chiều tuyệt đối của vua với tôi, cha với con, chồng với vợ. Tuyệt đối là gì? Là vua xử tôi chết: tôi phải chết, cha xử con chết: con phải chết, chồng hô việc gì: vợ phải rắp theo. Cái đó là trung, là hiếu, là tiết.

Thực chất Khổng giáo phủ nhận các quan hệ xã hội! Nói khác đi, Khổng giáo cấm xã hội và con người tự do tồn tại.

Sau này đôi lúc tam cương được mở rộng thêm ra thành ngũ thường, bằng cách kết nạp thêm vào hai quan hệ phụ là anh em, bạn bè. Anh thống trị em, vậy nên khi nói kết nghĩa anh em, thì nên làm rõ ai là anh, ai là em, để còn biết ai trị ai!

Tính cực giản này cho thấy một tinh thần lý thuyết cực đoan được bồi đắp ngự trị qua hàng ngàn năm trong tư duy và trong các giá trị xã hội xứ Đông! Thực chất Khổng giáo không cần hiểu biết và bất chấp con người, không cần hiểu biết và bất chấp xã hội với các cách thức tổ chức cùng vận hành của nó. Khổng giáo chỉ nhăm nhăm lo áp đặt “tam cương”, giáo hóa tam cương để cúc cung phụng sự quyền thế mà thôi.

Nếu hôm nay mà ai đó bảo rằng người dân xứ Đông đã ra khỏi hoàn toàn được cái tinh thần Khổng giáo cực đoan này, xin người đó hãy tự sờ lại gáy mình.

—-

Tiến lên bước nữa, lo trị quốc, để rồi lo bình thiên hạ.

Khổng giáo coi thiên hạ như là một khu rừng nguyên sinh. Những mảnh đất rừng đã được khai phá làm thành những thành bang có chủ.

Phải có sức mạnh để chiếm được bờ cõi, giữ được bờ cõi, và mở rộng được bờ cõi của mình trong thiên hạ.

Việc trị quốc như vậy gắn liền với việc bình thiên hạ, tùy theo sức mình. Chúng là hai nhiệm vụ chiến lược song song.

Trị quốc, là để mọi quyền lực về tay triều đình một cách tuyệt đối, và để giáo hóa cái hệ tư tưởng Khổng giáo cực giản của mình ngày một thấm đẫm vào người dân cũ mới.

Người dân là của thiên hạ, và bị chiếm đoạt được như một nguồn lợi tức, một nguồn tài sản. Trị dân xứ mình, giáo hóa dân xứ mình, hay trị dân xứ mình mới chiếm đoạt được, giáo hóa họ, về bản chất là như nhau. Không ai lại đi đặt vấn đề dân chủ, quyền lực xã hội-chính trị đến từ người dân cũ hay dân mới ở đây cả! Vua quan Khổng giáo cai trị dân mình với tâm thế của những kẻ đang chiếm đóng.

Lý tưởng bình thiên hạ như thế chỉ là để mở việc trị quốc rộng ra tới vô cùng.

Cho nên nếu việc trị quốc đã yên được vài năm thì lại phải lo mở rộng lãnh thổ, chiếm thêm dân, như thế gọi là quá trình “bình thiên hạ”.

Chiếm đoạt, cướp bóc lãnh thổ, tài sản, và con người là phương pháp đương nhiên trong quá trình bình thiên hạ này. Không có gì lạ khi một chí sĩ có thể khuyên vua thản nhiên như “tiên sinh nọ là một kẻ đại tài, bệ hạ nên dùng ông ấy vào việc lớn. Còn nếu không dùng được ông ấy, thì bệ hạ nên giết người đó đi, kẻo rồi có ngày người khác dùng ông ấy mất”.

—-

Khổng giáo không đặt vấn đề “tinh thần dân tộc” hay “tinh thần quốc tế”. Khổng giáo quan tâm “chủ nghĩa thiên hạ”.

Lý tưởng “bình thiên hạ” diễn chữ hôm nay thì chỉ đơn giản là lý tưởng bành trướng cái quyền chính Khổng giáo cực đoan cực giản, vật chất và tinh thần, trên toàn thiên hạ.

 
 

Tác giả