Ngân hàng SCB: Nhìn thấy gì từ sở hữu chéo?
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đóng góp khoảng 16-18% GDP. Khi có vấn đề xảy ra với một ngân hàng sẽ để lại hệ lụy rất lớn, đơn cử, chỉ riêng tổng số tiền thiệt hại của SCB công bố đã bằng khoảng 7.54% GDP Việt Nam năm 2022. Hưởng ứng lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ “Không chấp nhận mô hình tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, đây là lúc cần xem xét sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Không phải lần đầu
Trong đại án Vạn Thịnh Phát, hầu hết các tờ báo đều giật tít việc bà Trương Mỹ Lan thâu tóm hơn 90% vốn cổ phần Ngân hàng SCB. Mặc dù, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 không cho phép cổ đông cá nhân sở hữu quá 5%, và tổng sở hữu của cổ đông và người liên quan không quá 20%, bà Lan đã sử dụng người quen đứng tên hộ các cổ phần, khiến SCB bị chi phối bởi một nhóm có mối quan hệ mật thiết, dẫn đến lũng đoạn, thao túng hoạt động ngân hàng.
Thực ra, đây không phải là một tình tiết quá bất ngờ, trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Sở hữu chéo trong ngành ngân hàng đã kéo dài hàng chục năm nay, biểu hiện qua mối quan hệ phức tạp và đa dạng giữa các cổ đông. Thông thường, một nhóm cổ đông (thường là các doanh nghiệp địa ốc) liên kết sở hữu trên 51% cổ phần, tạo lập mạng lưới quyền lực mềm để thao túng hoạt động ngân hàng. Sở hữu chéo có thể mang lại lợi ích nếu vốn được sử dụng hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn cho nền kinh tế, biến ngân hàng thương mại thành công cụ tài chính cho các doanh nghiệp cổ đông, làm lệch hướng dòng vốn khỏi nền kinh tế thực.
Cách đây 10 năm, những người đứng sau Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GP Bank), Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank), trong đó cũng có những “đại gia bất động sản”, cũng lách được luật giống như bà Trương Mỹ Lan, nhờ những người thân tín nắm giữ 70- 80% cổ phần rồi thao túng, rút ruột các ngân hàng cho mục đích riêng, dẫn đến ngân hàng bị âm vốn. Điều này đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại ba ngân hàng với giá 0 đồng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho người dân, tránh xảy ra hiện tượng rút tiền ồ ạt (bankrun), gây sụp đổ nền kinh tế. Dẫu nhiều năm trôi qua, truyền thông cho rằng đến tận bây giờ nhà nước vẫn “đèo bòng chữa trị tốn kém” chưa hết hậu quả của sự kiện này.
Nguy cơ vẫn còn đó…
Hình 1. Thực trạng sở hữu chéo hiện nay của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Một số nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần của 15/17 SIB của Việt Nam.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhận diện và siết quy định sở hữu chéo từ lâu, nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng, thể hiện ở việc lịch sử lại lặp lại với Vạn Thịnh Phát. Và trong tương lai, chưa có gì đảm bảo sẽ không có một vụ Vạn Thịnh Phát thứ hai. Những nguy cơ từ sở hữu chéo vẫn đang nhức nhối. Theo LSEG Workspace, tổ chức phân tích dữ liệu tài chính hàng đầu thế giới, 17 ngân hàng có tầm ảnh hưởng quan trọng (SIB) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều có mối quan hệ lẫn nhau thông qua một bên thứ ba (Hình 1): Một nhóm các nhà cổ đông nước ngoài nắm cổ phần của các ngân hàng lớn và đến lượt các ngân hàng lớn lại nắm cổ phần của các ngân hàng nhỏ hơn. Không ai dám chắc có ngân hàng nào nằm ngoài mạng lưới sở hữu chéo. Hơn nữa, để tài trợ vốn cho các dự án nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn huy động lãi suất cao hơn so với trần lãi suất hoặc lãi suất cho vay vẫn cao hơn so với quy định theo yêu cầu điều chỉnh của ngân hàng mà không có chế tài xử phạt. Thực tế không phải đến khi khởi tố, mà SCB đã có những dấu hiệu bất thường qua nhiều năm khi lúc nào cũng huy động vốn với lãi suất cao nhất thuộc top các ngân hàng, đặc biệt là vào cuối năm 2022 (Bảng 1). Và, các ngân hàng huy động vốn như vậy cho các dự án nào? Dĩ nhiên là cho bất động sản (Hình 2 và 3). Dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có chiều hướng tăng nhanh từ năm 2011, chỉ chững lại trong hai năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Toàn bộ hệ thống các ngân hàng của Việt Nam (đặc biệt là SIB) đều nỗ lực tăng trưởng tín dụng bất động sản trong những năm gần đây. Khi thị trường đóng băng, vấn đề thanh khoản gây khó khăn cho ngân hàng nhưng lại giúp chúng ta nhìn thấy được những lỗ hổng.
Hình 2. Dư nợ cho vay bất động sản theo mục đích sử dụng giai đoạn 2011-2022
Hình 3. Dư nợ cho vay bất động sản của một số SIB trong giai đoạn 2011-2022
Ngân hàng | 03 tháng | 06 tháng | 12 tháng | 13 tháng | 24 tháng |
SCB | 6 | 9,9 | 9,95 | 9,95 | 9,95 |
SaigonBank | 6 | 9,6 | 10 | 10,5 | 10 |
NCB | 6 | 9,5 | 9,7 | 9,9 | 9,9 |
Techcombank | 6 | 9,5 | 9,5 | 9,5 | 9,5 |
Dong A Bank | 6 | 9,35 | 9,75 | 9,85 | 9,85 |
Bac A Bank | 6 | 9,3 | 9,4 | 9,5 | 9,6 |
GPBank | 6 | 9,3 | 9,5 | 9,6 | |
PVcomBank | 6 | 8,9 | 9,4 | 9,7 | |
Vietcapital Bank | 6 | 8,8 | 9,4 | 9,5 | |
Sacombank | 6 | 8,85 | 9,4 | 9.4 | 9,7 |
Bảng 1. Thống kê lãi suất huy động cao nhất của một số NHTM cuối năm 2022. Nguồn: Tổng hợp của các tác giả.
Đối với sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, công tác thanh tra giám sát hầu như là mối quan tâm lớn nhất. Công tác này hiện nay đang trao trọn vào tay cán bộ thanh tra, giám sát của NHNN.Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu quy định rõ ràng về nội dung và phạm vi công việc của thanh tra, giám sát, ngân hàng, đặt vào tay họ quá nhiều quyền lực sẽ tiềm ẩn rủi ro lộng quyền. Quá trình thanh tra, giám sát dễ xảy ra hiện tượng xin – cho mà trong đó cán bộ sẵn sàng “làm ngơ” cho những sai phạm của ngân hàng mà trường hợp của cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát của NHNN trong vụ SCB vừa qua là ví dụ rõ ràng nhất.
Kỷ luật thị trường và minh bạch thông tin
Nhìn từ đại án Vạn Thịnh Phát – SCB, nhiều ngân hàng cho rằng, kể cả khi không có sở hữu chéo, họ vẫn có thể bị rút ruột do gặp khó khăn để xác định chủ thể đi vay có phải là các công ty “ma” hay không và đổ lỗi cho thủ tục cấp phép đơn giản và thẩm quyền cấp phép là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thực tế, các ngân hàng khó có trường hợp “vô can” như vậy. Nếu nhân viên ngân hàng thực hiện đúng quy trình cấp phép tín dụng tiêu chuẩn của ngân hàng thì việc xác định công ty ma không phải là thách thức (ví dụ trong đó có phần tham quan doanh nghiệp thì sẽ biết được doanh nghiệp đó đang hoạt động ra sao cũng như nhiều kênh thu thập hoạt động của doanh nghiệp). Cốt lõi vấn đề là lợi ích nhóm của các thành viên hội đồng quản trị đã can thiệp vào hoạt động của các nhân viên này. Vậy làm sao để hạn chế quyền lực – hay nói cách khác là giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần của các cá nhân này tại ngân hàng?
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 (ban hành ngày 18/01/2024) đã có những điểm mới tiếp tục giảm tỉ lệ sở hữu của các cá nhân/tổ chức để hạn chế sở hữu chéo (Bảng 2). Tuy nhiên, nó vẫn chỉ ngăn chặn tiềm ẩn rủi ro của sở hữu chéo về mặt danh nghĩa mà thôi. Nhóm cổ đông vẫn có thể sử dụng chiêu thức “nhờ đứng tên” của bà Trương Mỹ Lan để lách luật, sử dụng ngân hàng như công cụ tài chính cho cá nhân mình. Giải pháp cho vấn đề này, là kỷ luật thị trường.
Nội dung thay đổi | Luật Các TCTD 2010 | Luật Các TCTD 2024 |
Nghĩa vụ cung cấp thông tin của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD | Không quy định Cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên. | Khoản 2, Điều 49: Cung cấp các thông tin như: a) a) Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này; b) Thông tin về người có liên quan theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này; c) Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại tổ chức tín dụng đó; d) Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại tổ chức tín dụng đó. |
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông | Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. | Khoản 2 và 3, Điều 63: Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. |
Giới hạn cấp tín dụng | Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có của một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm về 15% trong 05 năm (đến 2029). Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có của một khách hàng và người có liên quan tại ngân hàng sẽ giảm về 25% trong 05 năm (đến 2029). | Điều 136: Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có của một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm về 10% trong 05 năm (đến 2029). Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có của một khách hàng và người có liên quan tại ngân hàng sẽ giảm về 15% trong 05 năm (đến 2029). |
Bảng 2. Điểm mới trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi ngày 18/01/2024 nhằm ngăn chặn hiện tượng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.
NHNN đã yêu cầu các ngân hàng phải hoàn thành Basel II – khung giám sát nội bộ của ngân hàng đối với quy trình cấp tín dụng. Tuy nhiên số lượng các ngân hàng hoàn thành vẫn còn hạn chế và không được công bố một cách chính thống và có hệ thống, rất khó theo dõi. Một trong những trụ cột của khung Basel đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định hệ thống ngân hàng làkỷ luật thị trường. Tại Việt Nam, khi mà yếu tố kỷ luật thị trường đến từ cổ đông bị che mờ bởi sở hữu chéo thì việc tăng cường kỷ luật thị trường đến từ người gửi tiền là điều cần thiết. Điều này bao gồm: (1) Minh bạch công bố thông tin về sở hữu của ngân hàng cụ thể cá nhân và tổ chức cũng như tỉ lệ nắm giữ. Theo nguồn LSEG Workspace database, thì công bố tỷ lệ sở hữu ngân hàng hầu như không có trừ một vài ngân hàng. (2) Việc xem đáp ứng yêu cầu khung Basel II hướng đến Basel III là kim chỉ nam cho việc đảm bảo sự ổn định và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng Việt Nam, thì cần minh bạch công bố thông tin cụ thể về mức độ đáp ứng khung Basel II chính thức từ NHNN. (3) Minh bạch công bố thông tin về chế tài cũng như lộ trình xử lý các ngân hàng chưa đáp ứng khung Basel II.
Minh bạch thông tin như vậy giúp “đưa ra ánh sáng” những cổ đông thân tín, tiềm ẩn lợi ích nhóm. Minh bạch thông tin cũng giúp người dân nhìn thấy sức khỏe của các tổ chức tín dụng, thực thi kỉ luật thị trường bằng cách rút tiền hoặc gửi tiền, gây sức ép lên các ngân hàng, buộc họ phải hoạt động hiệu quả hơn (chứ không phải đầu tư, cho vay để thực hiện ý chí riêng của nhóm cổ động, bất kể là có thể khiến ngân hàng bị nợ xấu cao).
Thêm vào đó, nếu phát triển hệ thống tài chính theo định hướng thị trường thì việc kêu gọi các ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ tái cấu trúc các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả cũng làm giảm sở hữu chéo. Nếu các ngân hàng nước ngoài tham gia tái cấu trúc điều đầu tiên sẽ minh bạch lại cấu trúc cổ đông và quyền chi phối của ngân hàng ngoại. Với thế mạnh về công nghệ, quy trình quản trị rủi ro, thì các NH nước ngoài sẽ hoạt động và giám sát nội bộ đủ tốt để tránh việc cho một số đối tượng vay phục vụ lợi ích nhóm. Do đó, sở hữu chéo phục vụ lợi ích nhóm cổ đông sẽ giảm đi. Hiện nay, các ngân hàng 0 đồng hoạt động như thế nào trong quá trình tái cấu trúc là một bí ẩn, ngoại trừ thông tin NHNN kêu gọi các ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ tái cấu trúc. Nhân cơ hội này, NHNN và chính phủ nên mạnh dạn thí điểm tăng tỷ lệ sở hữu của ngân hàng nước ngoài lên mức trần 45-50% có chọn lọc đối với các ngân hàng nhỏ, chưa hoàn thành khung Basel II.
Về việc giám sát hoạt động của các ngân hàng, sẽ không thể đặt hết lên vai cho thanh tra giám sát của NHNN bởi nguy cơ lặp lại cơ chế xin-cho vẫn sẽ tiếp diễn. Hơn nữa, thanh tra giám sát của NHNN đối với hệ thống vẫn có một độ trễ nhất định. Do đó, cần cơ quan độc lập khác giám sát ngân hàng là rất cần thiết. Để ổn định sự an toàn của hệ thống và sự phức tạp của sở hữu chéo và mức độ ảnh hưởng sâu và rộng của quốc tế hóa do đó chúng tôi đề xuất mô hình giám sát chéo. Trong đó, bên cạnh NHNN, việc thanh tra, giám sát ngân hàng còn được chia sẻ cho ba cơ quan khác bao gồm cơ quan giám sát độc lập giống như Australian Prudential Regulation Authority (APRA) của Úc, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tín dụng, và Bảo hiểm tiền gửi. APRA là cơ quan pháp lí chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, và bởi vậy sẽ có vai trò đối trọng với khối thanh tra, giám sát của NHNN. Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tín dụng và Bảo hiểm tiền gửi sẽ tăng cường tiếng nói từ phía người gửi, tạo sức ép mạnh mẽ hơn để các ngân hàng phải thực hiện khung giám sát Basel, hoàn thành quy trình giám sát nội bộ và minh bạch thông tin, chứ không phải chỉ chạy theo các con số như hiện nay. Chính phủ cũng cần tính toán đến chi phí tăng thêm cho việc thành lập cơ quan giống như APRA này. Khi bốn cơ quan này hoạt động song hành một cách hiệu quả thì hệ thống ngân hàng sẽ phát triển an toàn và vững mạnh.□
—-
*Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.