Nhân chuyện xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long

Chuyện nầy cứ nói hoài và nói nữa, nói mãi. Hổm rày đọc báo thấy nông dân Cà Mau "lén" bửa đê để lấy nước mặn vào ruộng nuôi tôm sú, nông dân Hậu Giang thì "làm ngơ" trước khuyến cáo của ngành chức năng và đã xuống giống hàng ngàn hecta vụ lúa hè thu.

Tại sao nông dân phải “lén” làm chuyện nầy? Tại sao họ lại “làm ngơ” trước các khuyến cáo của ngành chức năng? Bởi vì họ có “quyền sử dụng đất” và mục tiêu của họ là lợi nhuận, cái gì có lợi thì họ làm! Trong khi đó thì “sở hữu đất đai thuộc về toàn dân” và đại diện cho toàn dân là Nhà Nước, và mục tiêu của Nhà Nước là “bảo đảm an ninh lương thực”.
Vì vậy chính quyền địa phương đang bị “kẹt” giữa một bên là “ông chủ đất” (nhà nước) và một bên là “ông chủ ruộng” (nông dân), và hai ông chủ nầy có mục đích khác nhau xa.
Và bấy lâu nay, “ông chính quyền” khuyến khích nông dân “khai thác thế mạnh” để “trồng cây gì, nuôi con gì?” nên ông chủ ruộng A nói thế mạnh của tui là nuôi tôm sú, tại sao cấm? ông chủ ruộng B nói tui giỏi trồng lúa tại sao cấm? Thế là ông chính quyền địa phương hết biết phải làm sao!
Nhưng cái khó nó làm “ló” cái khôn mà! Thế là nhân chuyện xâm nhập mặn Ông Cà Mau cho chuyển đất “dành cho an ninh lương thực” sang nuôi tôm, Ông Hậu Giang xin kinh phí cho xây con đê to đùng để ngăn nước mặn từ phía Cà Mau tràn sang, và Trung ương cũng phải “ừ” cho xong, kẻo nông dân trồng lúa “uýnh” (“đánh”) nông dân nuôi tôm…thì chí nguy!
Rồi đây khi Hậu Giang xây xong đê ngăn mặn với Cà Mau, đến mùa mưa nước thoát không kịp đành ngập úng, lúa chết, và ông Hậu Giang “xin” thoát nước ô nhiễm qua Cà Mau làm tôm chết. Sau khi tôm chết, lúa chết thì ông chủ ruộng (nông dân) cũng chết, còn ông chủ đất thì vẫn … vô tư.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)