Những cuộc thi sắc đẹp: Áp lực của người phụ nữ ?

Cuộc thi sắc đẹp không phải là nguyên nhân mà chỉ là một dấu hiệu nhắc chúng ta rằng, xã hội vẫn còn nặng nề phán xét và coi trọng người phụ nữ qua vẻ bề ngoài.

Việt Nam tổ chức hơn 30 cuộc thi sắc đẹp quốc gia, chưa kể các cuộc thi cấp địa phương. Chúng ta ngạc nhiên vì đó là một con số lớn. Nhưng điều ta ngạc nhiên hơn cả, đó là tại sao sau bao nhiêu năm người ta công kích các cuộc thi sắc đẹp, sau một loạt những thay đổi quan niệm về vẻ đẹp đa dạng đang diễn ra ở khắp mọi nơi, giữa thời điểm phong trào nữ quyền đang dâng cao mạnh mẽ, trong đời sống hằng ngày, chỉ riêng việc đánh giá sắc đẹp của người khác đã khó chấp nhận; Thế mà, các cuộc thi sắc đẹp không chỉ vẫn còn “hợp thời”, phổ biến mà còn đang nở rộ, ngày một tăng về số lượng.

Sắc đẹp đại diện

Các cuộc thi sắc đẹp được cổ vũ, ủng hộ bởi nhà nước: hoa hậu có “trọng trách” đại diện, truyền bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Khi cần đại diện cho hình ảnh đất nước, người ta thường sẽ chọn phụ nữ mà không cần nhiều lí do. Miss Việt Nam chứ không phải là Mister Vietnam (dù cũng có cuộc thi sắc đẹp cho nam giới, nhưng lép vế hẳn về số lượng và tần suất tổ chức), mới khơi gợi được cảm xúc. Vẻ đẹp của hoa hậu, không đơn giản chỉ là vẻ đẹp của một cá nhân, mà gắn liền với danh tính quốc gia, là thông điệp mà Việt Nam muốn giao tiếp, muốn định vị mình với quốc tế: đó có thể là, vừa hiện đại vừa truyền thống, hòa nhập nhưng không hòa tan, thân thiện, dễ mến, muốn làm bạn với tất cả các nước…

Nhưng kể cả các cuộc thi hoa hậu không tồn tại, phụ nữ vẫn vô thức mang một áp lực về vẻ ngoài của mình phải đại diện cho một điều gì đó lớn hơn chính bản thân họ. Cuốn sách nghiên cứu gần đây của GS. Tu Thuy Linh, Đại học New York, “Thử nghiệm trên da: Vẻ đẹp và Chủng tộc trong những mảng tối của Việt Nam”, cho thấy, vẻ ngoài của những người phụ nữ Việt Nam gắn liền với da thịt hiện đại hóa của thành phố. Có một lực đẩy trong lòng các thành phố đang phát triển phải mang dáng vẻ của các siêu đô thị quốc tế (cosmopolitan), trẻ và sôi động như Tokyo hay Hong Kong. Không chỉ cơ sở vật chất của thành phố với các tòa nhà cao tầng, những trung tâm thương mại mọc lên hào nhoáng cần thể hiện được thông điệp đó, mà cư dân của nó – chính là phụ nữ thành thị cũng phải toát lên một vẻ ngoài thời thượng cho xứng với bối cảnh này. Các chiến dịch của nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng đều chung một thông điệp giục người phụ nữ ngay lập tức phải trở thành một đối tượng hiện đại, biết tiêu dùng các sản phẩm nước ngoài. Họ phải biết trang điểm, mặc đẹp để “hấp dẫn”, “quyến rũ”, “trẻ và đẹp”. Cuốn sách chỉ ra không phải ngẫu nhiên hay vô tình mà thông điệp mà các spa và mỹ phẩm chăm sóc da của người phụ nữ lại trùng với các khẩu hiệu của một loạt dự án phát triển đang mọc lên trong thành phố. Một bên là “sạch, sáng, đẹp”. Bên kia là “xanh, sạch, đẹp”. Hai khẩu hiệu đó đều là nội hàm của từ “hiện đại”, “hiện đại hóa”.

Thêm nữa, dù hiện đại, người phụ nữ vẫn phải giữ được truyền thống, cũng như thành phố vẫn phải còn “bản sắc”. Truyền thông và nhà nước khuyến khích họ dùng sản phẩm nước ngoài nhưng không được nổi loạn. Họ quyến rũ, xinh đẹp nhưng đó là một phần nghĩa vụ để phục vụ “người chồng” để duy trì “gia đình hạnh phúc”. Vẻ ngoài của người phụ nữ trong thời phong kiến bị gò trong khung của chữ dung (một trong tứ đức) thì bây giờ chỉ là chuyển sang một cái khung khác. Phụ nữ vô thức mang áp lực phải đại diện cho một hình ảnh mơ ước của một nơi chốn nào đó, đặc biệt là nếu nơi đó nằm trong một quốc gia đang phát triển với rất nhiều khao khát và mơ ước thay đổi. Nhưng hình ảnh mơ ước là thứ chưa thực hiện được, hay thậm chí là siêu thực, chẳng hạn vừa hiện đại, vừa quốc tế và vừa truyền thống. Dù là hoa hậu hay không, thì phụ nữ vẫn được trông đợi để thể hiện những lý tưởng bất khả.

Sắc đẹp khuôn mẫu

Các cuộc thi hoa hậu càng nở rộ thì càng tô đậm những vẻ đẹp phi thực tế để các hãng mỹ phẩm tóm lấy và quảng bá đến cho những người phụ nữ “bình thường”. Thị trường mỹ phẩm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, vượt qua cả Trung Quốc. 95% các sản phẩm mỹ phẩm đều là sản phẩm nhập ngoại, chủ yếu tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Trong năm 2011, Việt Nam nhập khẩu khoảng 500 triệu USD mỹ phẩm, con số này tăng lên thành 1,2 tỉ USD vào năm 2016 và đến năm 2020 tăng gấp đôi là 2,2 tỉ USD.

Cuộc thi hoa hậu không phải là nơi đầu tiên và duy nhất tạo ra những vẻ đẹp phi thực tế. Dù không tham gia, không xem các cuộc thi hoa hậu, phụ nữ vẫn bị bủa vây hằng ngày bởi “định nghĩa thế nào là đẹp”, qua vô vàn hình thức marketing. Hầu như toàn bộ mỹ phẩm, quảng cáo trên ti vi, tạp chí, đều hướng đến một dáng hình đậm tính phương Đông nhưng vẫn phảng phất sắc màu phương Tây: da trắng, sáng, sạch, tóc tối màu huyền bí, người gầy… Thị trường sắc đẹp khuyến khích người phụ nữ nhìn cơ thể mình như một nơi đầy rủi ro và bấp bênh, thúc giục họ kiểm soát điều đó bằng cách tiêu thụ mỹ phẩm ngày càng nhiều. Những tiêu chí của cuộc thi hoa hậu chỉ là sản xuất lại những vẻ đẹp được kiến tạo bởi truyền thông. Hay nói cách khác, cuộc thi hoa hậu chỉ là một trong muôn ngàn đại lộ để vẻ đẹp duy nhất đó tìm đường tiếp cận người phụ nữ.

Thậm chí mỗi chính chúng ta cũng sản xuất lại vẻ đẹp lí tưởng đó trong cuộc sống hằng ngày: ở cách chúng ta khen ai đó xinh đẹp trong gia đình, trong khu phố, trong nơi làm việc, cách chúng ta lựa chọn bạn đời, cách chúng ta chăm sóc cơ thể mình. Chẳng phải nhiều người trong chúng ta tránh ra nắng, che chắn từ chân đến đầu để giữ làn da trắng hay sao?

Kể cả ở Mỹ, khi các cuộc thi hoa hậu không còn nổi tiếng như cách đây 100 năm về trước, khi các phong trào tôn trọng cơ thể của mình đang lớn mạnh, khi đang có sự thúc đẩy xã hội phải đa văn hóa, tăng tính đại diện cho những sắc tộc và cộng đồng người thiểu số khác, khi công chúng bắt đầu được chứng kiến những quảng cáo với các diễn viên gốc Phi, và các quảng cáo không ngại quay lông trên cơ thể, thì tiêu chuẩn đẹp đơn nhất vẫn cứ thắng thế. Hãy nhìn vào tất cả các ngôi sao Hollywood, mọi cơ thể đều có dáng vẻ giống nhau, hầu hết đều trắng, gầy, quyến rũ và trẻ trung vĩnh cửu.

Sắc đẹp = quyền lực

Sắc đẹp và chăm sóc duy trì sắc đẹp theo một hình mẫu lí tưởng là một trong những cách để người phụ nữ thể hiện quyền lực, thể hiện sức ảnh hưởng của mình với xã hội. Từ đâu mà vẻ đẹp của phụ nữ lại có áp lực phải mang tính đại diện nhiều hơn so với nam giới? Có thể là do từ “thiên chức”, “trách nhiệm” mặc định của họ là sinh con đẻ cái, sản sinh ra thế hệ kế tiếp, nên họ được trông đợi phải mang dáng vẻ và khao khát của tương lai. Có thể là do từ xã hội phụ hệ và bất bình đẳng giới đã bén rễ quá chắc chắn trong xã hội loài người, nam giới phô trương quyền lực và tầm ảnh hưởng chính trong rất nhiều địa hạt (spheres) quan trọng và rộng lớn như kinh tế, chính trị. Còn lại, phụ nữ bị giới hạn trong những địa hạt nhỏ, chẳng hạn như gia đình. Họ chỉ có một vài con đường để phô trương tầm ảnh hưởng của bản thân, mà chăm chút vẻ bề ngoài là một ví dụ: người ta ngưỡng vọng phụ nữ đẹp, phụ nữ sinh những đứa con xinh đẹp và khỏe khoắn, phụ nữ trông sáng sủa, phụ nữ trông nề nếp, gia giáo…Dù không biết những suy nghĩ đó xuất phát chính xác từ bao giờ, nhưng dường như nó là cách xã hội được cấu trúc và vận hành từ xưa đến nay. Không chỉ ở Việt Nam. Mà cả những nơi tiến bộ và phát triển như Mỹ và châu Âu, dù họ cố che giấu điều đó dưới những lớp vỏ bọc tinh vi, phức tạp hơn. Đã có nhiều nghiên cứu ở phương Tây cùng chứng minh một kết quả, rằng trung bình, phụ nữ có vẻ ngoài “ưa nhìn hơn” sẽ có lương và thu nhập cao hơn.      

Và dù ở Mỹ, cuộc thi hoa hậu không còn nổi tiếng với đại chúng, nhưng vẫn có những ảnh hưởng mạnh mẽ trong một vài cộng đồng. Sự ảnh hưởng của các cuộc thi này thậm chí còn sâu sắc hơn với họ, số cuộc thi vẫn tăng lên, mở rộng từ cả nước đến bang, từ bang đến từng khu phố, biến hóa thành nhiều hình thức, dành cho nhiều lứa tuổi mà sự xuất hiện của cuộc thi sắc đẹp cho trẻ em gái là một trong những chỉ dấu cho sự lớn mạnh của nó. Các gia đình thậm chí sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền để tham gia và chiến thắng những cuộc thi này. Người đăng quang khiến gia đình, dòng họ, khu phố xung quanh tự hào và hãnh diện. Ở Việt Nam, điều đó cũng không ngoại lệ.

Cuộc thi hoa hậu là một con đường để người phụ nữ gây dựng quyền lực của mình. Sự tồn tại của nó như một lời nhắc chúng ta rằng, trong suốt lịch sử, phụ nữ đã từng đánh Đông dẹp Bắc, giao thương sôi động, đóng góp vào dòng chảy kinh tế, nhưng ảnh hưởng về mặt tinh thần của họ vẫn hạn chế so với nam giới. Trong khi đó, con đường tạo ảnh hưởng xã hội thông qua vẻ bề ngoài lại mở ra với người phụ nữ, và nhiều người đã nắm lấy cơ hội đó. Nhưng nên nhớ rằng, cơ hội đó và ảnh hưởng mà nó mang lại rất mong manh và giới hạn. □

—–

Viết từ cuộc phỏng vấn với GS. Tu Thuy Linh, Đại học New York, Mỹ và cuốn sách của bà “Experiments in Skin: Race and Beauty in the Shadows of Vietnam”.    

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)