Pháp luật quốc tế trong bối cảnh đương đại: Có phải để gió cuốn đi? (Kỳ 2)

Mặc dù bức tranh thế giới hiện tại bị phân mảnh bởi những hành động đơn phương của một số quốc gia, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất niềm tin vào hệ thống pháp luật quốc tế.

Hội đồng thành phố ở Munster, Đức, nơi diễn ra lễ ký kết Hiệp ước hòa bình Westphalia.

Pháp luật quốc tế – hoa tiêu cho một trật tự bình ổn

Có thể thấy luật quốc tế đóng vai trò trọng tâm của các thuyết thể chế và thuyết tự do. Tuy nhiên, một vấn đề đầy tranh cãi nổ ra: luật pháp quốc tế thực sự là gì? Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng luật pháp quốc tế là một thuật ngữ luật “giả tưởng”. Lí do là bởi, đã là luật thì phải có ba trụ cột chính: cơ quan lập pháp ở tầm quốc tế, tòa án với thẩm quyền bắt buộc các bên phải tuân thủ, đặc biệt là với hệ thống chế tài tập trung và khả thi. Trong khi đó, luật quốc tế không có cơ quan lập pháp và lại càng không có chế tài.

Nhiều người nghi ngờ các thiết chế pháp luật quốc tế không chỉ liệu có hiệu quả, mà còn có thực sự công bằng. Bởi, không thể phủ nhận nhiều trường hợp chúng được đặt ra bởi các cường quốc và không thể hiện ý chí chung của các nước nhỏ. Ví dụ điển hình nhất là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1986 (Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT). Theo hiệp ước này, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cùng thống nhất không cung cấp hay tiếp nhận bất cứ vũ khí hạt nhân hay cho bất cứ bên nào. Tuy nhiên, trước khi hiệp ước này thông qua, Hoa Kỳ đã bí mật cung cấp vũ khí hạt nhân cho các nước trong khối NATO dù đã “bao biện” rằng vũ khí vẫn thuộc sở hữu và kiểm soát của lực lượng vũ trang Mỹ. Chưa hết, năm 2005, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cung cấp khoảng 180 quả bom hạt nhân chiến thuật B61 cho Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận của NATO.

Một trong những cây đại thụ trong lĩnh vực pháp luật quốc tế – Hans Morgenthau cũng công nhận sự bất công, vốn bắt nguồn từ sự chênh lệch quyền lực giữa các quốc gia sẽ không thể tránh khỏi khi ban hành và áp dụng các quy định pháp luật quốc tế. Do đó, luật lệ đặt ra chỉ giúp những cường quốc dễ dự đoán được hành vi của các nước khác, trong khi chính bản thân họ không chịu sự ràng buộc. Học giả John Austin còn chỉ coi pháp luật quốc tế như một bộ quy tắc đạo đức và nguyên tắc ứng xử chung, vì chúng dựa trên sự tuân thủ tự nguyện của các nước thành viên là chính chứ không có biện pháp chế tài hữu thiệu cũng như cơ quan giám sát thực thi chặt chẽ kèm theo.

Trong khi đó, luồng quan điểm còn lại xem pháp luật quốc tế là khái niệm luật thật sự vì bắt nguồn từ các tập quán và tiền lệ xét xử. Học giả Frederick Pollock cho rằng một thứ là luật miễn là nó thỏa mãn hai điều kiện: thứ nhất là sự tồn tại của một cộng đồng chính trị, thứ hai là các thành viên trong cộng đồng đều công nhận và thừa nhận bị ràng buộc bởi các quy định này. Luật quốc tế hoàn toàn thỏa mãn hai điều kiện này. Nhằm kiện toàn thêm lập luận ủng hộ giá trị của pháp luật quốc tế, học giả Hersch Lauterpacht nhấn mạnh “pháp luật quốc tế nên được nhìn nhận là một hệ thống chưa hoàn chỉnh […], là kết quả của khao khát hướng đến một hệ thống luật có tính thẩm quyền chính thức, hơn là việc xem đây là một loại đối tượng hoàn hảo và bất biến trong một hệ thống đa phương”.

Lịch sử đã cho thấy rằng các quốc gia trên thế giới vẫn luôn khao khát tìm kiếm một tiếng nói chung, một cách giải quyết chung bình đẳng và hiệu quả cho những tranh chấp, xung đột và khác biệt. Dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của luật pháp quốc tế truyền thống dựa trên nguyên tắc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia là Hiệp ước Westphelia do các quốc gia châu Âu ký vào năm 1648. Hiệp ước này đã chấm dứt những cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm vì xung đột tôn giáo ở châu lục này. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, năm 1945, bắt đầu với sự hội nhập trên quy mô toàn cầu, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã trở thành khuôn khổ quốc tế đến nay đã được hơn 190 quốc gia công nhận về các vấn đề chủ quyền và nguyên tắc không can thiệp bằng vũ lực và vào công việc nội bộ.

Bên cạnh đó, quá trình ra quyết định trong các thiết chế quốc tế luôn được cải tiến liên tục để giảm bớt các can thiệp chính trị và bảo vệ lợi ích đa phương. Cụ thể, nguyên tắc thông qua phán quyết dựa trên cơ sở đồng thuận (consensus) của các thành viên GATT (Hiệp định về Thuế quan và Mậu dịch) thời kỳ 1947 – 1993 gây ra sự tắc nghẽn của cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ này, khi chỉ cần một thành viên phủ quyết thì mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp của Ban Hội thẩm sẽ lập tức thất bại. Cho đến khi WTO ra đời và thay thế cơ chế GATT vốn đã tỏ ra quá lỗi thời, nguyên tắc thông qua phán quyết dựa trên cơ sở đồng thuận nghịch (negative consensus) tạo nên sự thành công vang dội cho cơ chế giải quyết tranh chấp WTO. Theo đó, phán quyết được tự động thông qua trong hầu hết các trường hợp, trừ khi có yêu cầu kháng cáo của một bên tranh chấp, bỏ qua các ảnh hưởng chính trị đơn phương một cách hữu hiệu. Các nguyên tắc về việc xem xét tới hoàn cảnh và lợi ích đặc biệt của những quốc gia đang và kém phát triển cũng được thừa nhận thành văn trong các hiệp định thương mại, đầu tư quốc tế. Tới nay, như là kết quả của công nghệ hiện đại, truyền thông, và các khía cạnh khác của quá trình toàn cầu hóa, luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế không chỉ được thừa nhận trên phạm vi toàn thế giới mà còn được nội luật hóa vào trong pháp luật của mỗi quốc gia.

ICJ đồng thời còn giúp luật pháp quốc tế trở thành “công thức ngữ pháp chung”, đặc biệt là trong các khái niệm quan trọng, mang tính “sống còn” trong việc duy trì mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia như “quyền tự quyết” và “toàn vẹn lãnh thổ”.

Đáng lưu ý rằng, dù hiếm khi bị cưỡng chế thực thi, “gần như tất cả các quốc gia đều tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế và nghĩa vụ quốc tế của họ”, theo học giả Louis Henkin. Điều này thể hiện qua việc giảm mạnh các xung đột vũ trang theo thời gian và các quốc gia càng thường xuyên tận dụng các thiết chế giải quyết tranh chấp quốc tế.

Có nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này. Theo lý thuyết về hành vi, với giả định rằng các quốc gia hành động một cách có chủ đích và duy lý, họ sẽ thấy nỗ lực tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về cơ bản là cách hiệu quả và tiết kiệm nhất để hòa giải các khác biệt. Sau Thế chiến thứ hai, bình diện quốc tế có nhiều chuyển biến lớn, ngoài sự phổ biến của các thể chế quốc tế, chủ thể phi nhà nước, ranh giới phân biệt chủ thể công và tư bị xóa nhòa, các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn thay vì ủng hộ chủ quyền tuyệt đối. Nhờ vậy, các quy tắc pháp lý quốc tế ngày càng trở nên hoàn thiện, phản ánh được mối quan tâm chung toàn cầu thay vì tập trung vào lợi ích riêng rẽ của từng quốc gia. Các quốc gia đều cảm thấy lợi ích rõ rệt khi trở thành thành viên hoặc tuân thủ luật pháp quốc tế. Từ đây, Ủy ban Luật pháp Quốc tế đã nêu rõ nguyên tắc thượng tôn pháp luật tại Điều 14 của Tuyên bố về Quyền và Nghĩa vụ của các quốc gia năm 1949: “Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tiến hành quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác phù hợp với luật pháp quốc tế và với nguyên tắc rằng chủ quyền của mỗi quốc gia phải tuân theo thẩm quyền tối cao của luật pháp quốc tế”.

Eric Wyndham (giữa), tổng thư ký đầu tiên của Hiệp định Thuế quan và Mậu dịch Quốc tế, tiền thân của WTO. Ảnh: WTO.

Đối với các cường quốc, Thomas Franck lý giải hành vi tuân thủ pháp luật quốc tế của họ là nhằm đạt được tính chính danh đối với biện pháp mong muốn thực hiện. Nếu các quốc gia khác liên minh chống đối mạnh mẽ vì họ cố tình phá luật chơi, không chỉ biện pháp đó của họ gặp trở ngại lớn mà những lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa lâu dài cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bị gạt khỏi các tổ chức quốc tế hay sụt giảm thu hút đầu tư nước ngoài. Căn cứ theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Ysof Ishak năm 2022, tỷ lệ tin tưởng của các nước ASEAN dành cho các cường quốc hành xử dựa trên luật lệ phản ánh các hứa hẹn hợp tác chính sách kinh tế – thương mại dành cho những đối tác ngoài khu vực, trong đó Nhật Bản đứng đầu với tỷ lệ tin cậy lên đến 68,2% – cao hơn đáng kể so với Hoa Kỳ xếp vị trí thứ hai là 47%, và thấp nhất là Ấn Độ với chỉ 18%.

Vào năm 2005, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới, theo đó các quốc gia “công nhận sự cần thiết phải tuân thủ và thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở cả cấp quốc gia và quốc tế”, cũng như tái khẳng định cam kết của họ đối với “một trật tự quốc tế dựa trên sự thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế, điều cần thiết cho sự chung sống và hợp tác hòa bình giữa các quốc gia”. Trên tinh thần này, luật pháp được xây dựng không chỉ nhằm tập trung xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm và cưỡng chế thực thi, mà còn tạo điều kiện cho sự hợp tác. Chính sự hợp tác này cũng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn nếu có một cơ quan tài phán quốc tế trung lập, khách quan phân định các quyền lợi, nghĩa vụ giữa các quốc gia dựa trên cơ sở luật lệ vững chắc để hóa giải hoặc ngăn chặn bất đồng leo thang.

Cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế – người gác đền công lý

Không chỉ luật quốc tế có khả năng thay đổi cách ứng xử của một quốc gia, các cơ quan tư pháp quốc tế cũng được thiết kế theo cách hỗ trợ các chủ thể công này tuân thủ luật chơi chung. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Vai trò chính của ICJ trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia khi có đệ trình được nộp lên một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Nói cách khác, sự tồn tại của ICJ thể hiện ý chí của Liên Hợp Quốc trong việc khuyến khích sử dụng các kỹ thuật pháp lý để giải quyết các tranh chấp quốc tế và để đảm bảo mục đích cuối cùng của tổ chức này là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế dựa trên luật lệ.

“Khi một nhóm các cường quốc nhận ra rằng họ có thể tự do lẩn tránh khỏi các ràng buộc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và sử dụng vũ lực một cách không ngần ngại, chiếc hộp Pandora sẽ bị mở ra” – Antonio Cassese.

ICJ được thiết kế để chỉ tiến hành điều tra và giải quyết tranh chấp được quy định bởi Hiến chương Liên Hiệp Quốc dựa trên ý chí các quốc gia theo Điều 36 Đạo luật của ICJ hoặc được trao quyền theo các điều ước quốc tế được ký kết, do vậy làm tăng sự ủng hộ của công chúng vì thể hiện tính hợp pháp của cơ quan này và đảm bảo không bị lợi dụng là công cụ trá hình để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Do đó, việc tích hợp hoàn toàn ICJ vào hệ thống Liên Hợp Quốc thay vì tách rời như thiết chế Toà án Công lý Quốc tế Thường trực (PCIJ) được thành lập vào năm 1922 trước đó dẫn đến hai hiệu ứng. Thứ nhất, Tòa án được định hướng bởi các nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc khi thực hiện các chức năng tư pháp. Cụ thể, các vụ tranh chấp được giải quyết bởi ICJ sau này cũng viện dận đến nhiều cơ sở pháp lý trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Khả năng giải thích pháp luật của ICJ cũng được trọng dụng khi vào năm 1994, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhờ ICJ đưa ý kiến tư vấn về trường hợp sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân theo pháp luật quốc tế, và tòa này cũng đã căn cứ vào chính Điều 2 và Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc để đưa ra nhận định của mình. Thứ hai, dù các phán quyết của tòa chỉ ràng buộc trực tiếp các bên tranh chấp, chúng cũng có giá trị được tôn trọng như nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc theo Hiến chương. Do đó, tính độc lập và khách quan của tòa án là điểm mấu chốt để thực hiện sứ mạng “người gác đền công lý” của mình, cũng như giữ vững niềm tin của các quốc gia thành viên vào cơ chế mà họ đang tham gia.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega vào năm 2011 cho biết nước này sẽ yêu cầu Mỹ bồi thường 17 tỉ USD sau phán quyết của ICJ. Vụ kiện Nicaragua và Hoa Kỳ đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia nhỏ thắng kiện trước một cường quốc lớn. Ảnh: cnn.com

Quá trình hoạt động của ICJ cũng trải qua nhiều thăng trầm. Ngay sau khi được thành lập vào năm 1945, công việc giải quyết tranh chấp của tòa này trở nên khá bận rộn từ giữa năm 1946 đến năm 1966, khi hàng loạt các vụ kiện về phân định biên giới quốc gia, sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng và quyền tài sản được đệ trình. Tiêu biểu như vụ Kênh đào Corfu (1947-1949) khi Chính phủ Anh đệ đơn kiện đòi Chính phủ Albania bồi thường thiệt hại vì không xử lý bom mìn làm đắm tàu chiến của nước này, và vụ Đền Preah Vihear (1962) theo đó Chính phủ Cambodia kiện Chính phủ Thái Lan đã có hành vi xâm lược bất hợp pháp vùng lãnh thổ thuộc khu đền này. Kể từ năm 1970, công việc của tòa trở nên trầm lắng hơn khi các bất đồng về hệ tư tưởng của các nước theo chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản đặt ra câu hỏi về tính trung lập của tòa. Tuy nhiên, vụ kiện Nicaragua v. Hoa Kỳ (1986) khi Nicaragua cáo buộc Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động quân sự trái phép trên lãnh thổ của mình đã tạo ra một bước ngoặt. Vụ kiện được giải quyết với phần thắng nghiêng về phía Nicaragua – một quốc gia yếu thế hơn hẳn trước một cường quốc quân sự như Hoa Kỳ, làm tăng niềm tin của các quốc gia vào sự công bằng của ICJ. Từ đây, thời kỳ 1992-1994 ghi nhận khoảng 12 tranh chấp được đệ trình lên ICJ mỗi năm. Trong đó, thành tựu đáng lưu ý của tòa này là nỗ lực trong suốt sáu năm liền (từ 1986 đến 1992) để giải quyết được tranh chấp kéo dài hơn 90 năm về biên giới lãnh thổ trên đất liền, đảo và hàng hải giữa El Salvador và Honduras. Đặc biệt, quyết định của tòa án trong vụ kiện liên quan đến phân định đường biên giới trên biển ở Biển Đen giữa Romania và Ukraine năm 2004 là phán quyết duy nhất trong lịch sử của tòa án đã được thông qua mà không có bất kỳ ý kiến bất đồng nào của các thẩm phán được ghi nhận lại.

Có thể thấy theo thời gian, tòa án đã tạo nên uy tín vững chắc trong việc xét xử các tranh chấp biên giới đất liền và phân định đường biên giới trên biển. Chỉ riêng các vấn đề phân định đường biên giới trên biển, khoảng 28 vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án để xét xử liên quan đến các khu vực hàng hải nằm ở Tây và Đông Âu, Bắc và Nam Mỹ, bao gồm Caribbean, Trung Đông và châu Phi. Bên cạnh đó, nội dung các tranh chấp được ICJ thụ lý cũng khá phong phú với các vấn đề về sử dụng vũ lực, quan hệ ngoại giao, hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, bắt giữ con tin, quyền của người tị nạn chính trị, các quyền về di chuyển qua biên giới và quyền kinh tế.

Trong vụ tranh chấp kênh đào Suez, Israel và Ai Cập nhất quyết từ chối không đưa vụ việc lên ICJ. Ảnh: Business Insider

Cách giải quyết tranh chấp của ICJ cũng đảm bảo sự nhất quán để tránh các hành vi can thiệp bằng chính trị vào quá trình xét xử, khả năng lạm quyền của tòa án, rủi ro đưa ra phán quyết mang tính “tiêu chuẩn kép” trong khi đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Cụ thể, mặc dù các phán quyết trước không ràng buộc nhận định của ICJ trong các vụ kiện sau, tòa án sẽ áp dụng cách giải thích pháp luật của mình “một cách thống nhất trừ khi có lý do đặc biệt để làm khác đi”. Do đó, thông qua hoạt động xét xử của mình, ICJ đồng thời còn giúp luật pháp quốc tế trở thành “công thức ngữ pháp chung”, đặc biệt là trong các khái niệm quan trọng, mang tính “sống còn” trong việc duy trì mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia như “quyền tự quyết” và “toàn vẹn lãnh thổ”.

Dù vậy, thiết chế này cũng không hoàn toàn vạn năng trong việc giải quyết bất đồng giữa các quốc gia khi một nước có thể quyết định sử dụng hay không sử dụng chức năng tài phán của ICJ để giành lợi thế cho mình, Cụ thể, vào giữa những năm 1970, Chính phủ Úc đã khởi xướng vụ kiện trước ICJ nhằm chống lại hành vi thử nghiệm hạt nhân của Chính phủ Pháp tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Đáng ngạc nhiên là vào năm 2002, chính nước này lại tuyên bố không chấp nhận thẩm quyền của ICJ về giải quyết tranh chấp biên giới trên biển, nhằm ngăn ngừa khả năng Đông Timor khởi kiện mình tại tòa này đối với vấn đề trên. Bên cạnh đó, các bên tranh chấp cũng e ngại cơ chế này sẽ “làm rõ trắng đen”, khiến chính họ trở thành bên thua kiện trên bàn cờ công lý quốc tế. Đó là lý do vì sao trong vụ tranh cãi về Kênh đào Suez vào những năm 1950 giữa Ai Cập và Israel, dù được Hoa Kỳ khuyến khích mang ra giải quyết bởi ICJ, các bên tranh chấp đã một mực từ chối.

Tuy vậy, điều này cũng ngầm cho thấy rằng phán quyết của ICJ có giá trị nhất định trong việc làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia, biến các hành vi còn đang tranh cãi trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” trở nên tỏ bày hơn bao giờ hết và không còn chỗ cho các can thiệp mang tính chính trị, bá quyền, từ đó thúc đẩy sự hợp tác thiện chí giữa những quốc gia tranh chấp. Minh chứng là trong vụ Iran v. Hoa Kỳ (1980), dù Iran không tuân thủ phán quyết của tòa vào năm 1980 yêu cầu thả ngay lập tức các con tin mà nước này bắt giữ, các bên tranh chấp dựa vào phán quyết của ICJ để đạt được thỏa thuận với nhau một năm sau đó. Tương tự, Hiệp định Green Tree được ký kết giữa Cameroun và Nigeria vào năm 2006 khẳng định thiện chí của các bên trong việc thực thi phán quyết của ICJ được ban hành trước đó trong hòa bình.

Các nguyên tắc pháp luật quốc tế chúng ta đang có là thứ quan trọng mà thế hệ trước qua hai cuộc Thế Chiến 1914 và 1939 đã không có được. Trong ảnh là bức tranh Người mù ở Belsen, Alan Moore, 1947 khắc họa họa khung cảnh rung rợn của trại tập trung trong Thế chiến thứ 2. Ảnh: Bảo tàng kỷ niệm chiến tranh Úc/Dự án Nghệ thuật và Văn hóa của Google.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là dù phán quyết của tòa đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ các vấn đề bất đồng ý kiến, việc thiếu vắng cơ chế cưỡng chế thực thi ở tầm quốc tế có khiến cho nỗ lực giải quyết tranh chấp của ICJ trở nên vô nghĩa? Trên thực tế, các quốc gia vẫn có thể tận dụng cơ chế ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời của ICJ để chống lại các vi phạm và duy trì hòa bình trong khi chờ một phán quyết chính thức. Ví dụ tiêu biểu như quyết định của tòa này vào năm 2018 yêu cầu Nicaragua dừng hành vi xâm lược kênh đào Cano và bồi thường đối với hành vi bất tuân quyết định trước đó của tòa và khắc phục vi phạm tổng cộng đến 378.890 USD cho Costa Rica, cũng như yêu cầu Hoa Kỳ dừng các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Cộng hòa Iran trong vụ kiện diễn ra cùng năm. Điều này nhấn mạnh vị thế của ICJ trong việc đặt ra các biện pháp tạm thời như nghĩa vụ pháp lý bắt buộc đối với những bên tranh chấp, tạo cơ sở để xét thấy rõ thiện chí tuân thủ luật chơi của một bên – vốn có ảnh hưởng lớn đến “hình ảnh quốc gia” và khả năng kêu gọi hợp tác, đầu tư với các đối tác khác sau này.

Theo thời gian, ICJ không còn là tòa án quốc tế duy nhất tồn tại, mà còn có thêm các thiết chế tòa án và trọng tài khác ở tầm quốc tế và khu vực như Tòa Hình sự Quốc tế, Tòa Trọng tài về Luật Biển, Tòa án Công lý châu Âu, các tòa trọng tài về nhân quyền trong khu vực và các tòa trọng tài hình sự quốc tế theo vụ việc khác. Các cơ quan này đã đóng góp rất lớn vào việc củng cố nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở tầm quốc tế cũng như phát triển pháp luật quốc tế thông qua các phán quyết của mình.

Thách thức hiện tại và tương lai nhiều ẩn số

Dù vậy, trong những thời kỳ trật tự quốc tế có sự phân mảnh bởi các hành vi đơn phương của một số quốc gia, với tranh cãi gần đây nhất là hành vi quân sự của Nga đối với Ukraine vẫn tiếp diễn sau khi có quyết định tạm thời của ICJ được ban hành vào ngày 16/3/2022 yêu cầu Nga đình chỉ các hoạt động quân sự, nền tảng pháp luật quốc tế và nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong hệ thống này gặp phải những rung chấn. Dù đã có những quy định pháp lý rất rõ ràng về việc cấm sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột và không thiếu những phán quyết làm rõ vấn đề này, thực tế cho thấy chiến tranh vẫn là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, để tránh việc phán quyết của một cơ chế trung lập như ICJ trở nên bất lợi cho mình, các nước lớn mà tiêu biểu là Hoa Kỳ đã cố tình xây dựng điều khoản loại trừ thẩm quyền của tòa này trong những điều ước quốc tế được ký kết gần đây. Học giả Cassese đã lên tiếng cảnh báo rằng: “Khi một nhóm các cường quốc nhận ra rằng họ có thể tự do lẩn tránh khỏi các ràng buộc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và sử dụng vũ lực một cách không ngần ngại, chiếc hộp Pandora sẽ bị mở ra”. Đến đây, có thể nhiều người bi quan cảm thấy rằng các thiết chế pháp lý quốc tế hiện tại không đủ vững chãi để kiềm chế hành động không mong muốn của một quốc gia. Tuy nhiên, liệu các sự kiện hiện tại có hoàn toàn phủ định vai trò của luật quốc tế và các cơ quan tư pháp quốc tế hiện hữu?

Nếu không có những thiết chế luật lệ, các cuộc chiến tranh giành quyền lực sẽ dẫn đến sự tàn lụi của cộng đồng quốc tế và nền văn minh mà chúng ta đang cố gắng xây dựng.

Sự tồn tại của pháp luật quốc tế và các thiết chế giải quyết tranh chấp quốc tế quả thật đã không ngăn chặn được chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, cơ chế này đã vạch ra một hướng đi rõ ràng dần theo thời gian trong việc ngăn chặm hoặc khắc phục các tình huống bất đồng leo thang và những cuộc chiến đổ máu, với đa dạng các vấn đề từ việc sử dụng vũ lực, quyền tự quyết, tội ác diệt chủng… để đảm bảo một thế giới mới an toàn và hòa bình hơn. Trong những thời khắc chúng ta cảm thấy mất niềm tin nhất, cần nhận thức rõ ràng rằng thứ đáng giá nhất mà chúng ta đang có trong tay chính là những gì mà thế hệ trước qua hai cuộc Thế chiến 1914 và 1939 không có được – các nguyên tắc pháp luật quốc tế được phát triển qua thời gian và một cơ quan trung lập để phân định đúng sai. Làm sao chúng ta có thể lên án một hành vi là sai trái nếu như không được dẫn dắt bởi một khuôn khổ luật lệ chung? Làm sao chúng ta phòng tránh các quốc gia khác đi vào vết xe đổ của nhau nếu không có một phán quyết rõ ràng và được áp dụng thống nhất? Và nếu ngay cả hệ thống pháp luật quốc tế hiện tại cũng chưa đủ để thuyết phục sự tuân thủ thiện chí của các quốc gia, liệu các biện pháp khác có thực sự hữu hiệu cho các quốc gia kiềm chế lẫn nhau?

Với tư cách là các công dân của một quốc gia từng trải qua nhiều cuộc chiến được khởi xướng bởi những cường quốc quân sự, chúng ta hiểu được cái gọi là “chính trị cường quyền”, “tham vọng thống trị” và “áp đặt, sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp”– như Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã phát biểu trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2022 vừa qua. Nếu không có những thiết chế luật lệ, các cuộc chiến tranh giành quyền lực sẽ dẫn đến sự tàn lụi của cộng đồng quốc tế và nền văn minh mà chúng ta đang cố gắng xây dựng. Các quốc gia nhỏ bé sẽ tiếp tục số phận bi thảm của một Melos trong lịch sử – đầy lý lẽ và mưu cầu công chính, nhưng không có gì để bấu víu kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia khác chống lại tham vọng bá quyền. Cái chúng ta cần không phải là chọn phe, mà là đưa ra quyết định và kêu gọi sự hợp tác thiện chí dựa trên một hệ thống luật lệ công bằng và minh bạch.

Con người vốn là sinh vật không hoàn hảo, và pháp luật – một sản phẩm do con người tạo ra, vì thế cũng cùng một số phận. Phán quyết cuối cùng của ICJ trong vụ Ukraine và Nga và khả năng thực thi của nó trên thực tế được trông đợi là tiếng chuông thức tỉnh cộng đồng quốc tế và vực dậy sức sống của một hệ thống pháp luật hiện đang phải chịu nhiều sự chỉ trích và nghi ngờ. Ngay cả khi thiết chế này bộc lộ nhiều điểm yếu, vấn đề chúng ta cần làm không phải là hủy bỏ nó, mà là phân định đúng sai để tiếp tục kiện toàn cơ chế này phục vụ cho lợi ích đa phương. Việc áp dụng luật quốc tế không thể khiến cho những người đã ngã xuống trong chiến tranh sống lại, nhưng có thể phòng tránh nhiều cái chết thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai.□

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Koh, Hongju (1997) “Why Do Nations Obey International Law?”, The Yale Law Journal 106(8).

2. Christopher J. Borgen (2015), Law, Rhetoric, Strategy:
Russia and Self-Determination Before and After Crimea, 91 INT’L L. STUD. 216.

3. Gregory Shaffer (2018), Legal Realism and International Law, Legal Studies Research Paper Series No. 2018-55.

4. James Crawford (2014), Chance, Order, Change: The Course of International Law, The Hague : Hague Academy of International Law.

5. Legality of the Threat or Use of Nuclear Weapons (General List No. 95) [1996] ICJ Rep., đoạn 105.

6. Herbert Eti (2020), The role of the international court of justice in actualising global peace,  Indian Journal of International Law 59 (10).

7. Keith Suter (2004), The Successes and Limitations of International Law and the International Court of Justice, Medicine, Conflict and Survival, 20(4).

Tác giả