Phía dưới quyền lực của đàn ông: Nho giáo và nền kinh tế của phụ nữ

Ý tưởng này xuất phát từ sự trăn trở của cá nhân tôi về một đặc điểm của phụ nữ Việt Nam: sự đảm đang, tháo vát và thông minh lanh lợi trên mọi phương diện của cuộc sống.

Tranh “Chợ quê”, Nguyễn Phan Chánh, 1937.

Tôi thường có một ức chế khôn nguôi về sự đối lập thực tế giữa đàn ông và phụ nữ Việt Nam. Những gã đàn ông, phần lớn là gia trưởng và thường dương dương tự đắc, còn phụ nữ thì vừa nhẫn nại và tất tả sớm chiều. Đối chiếu thực tại với quá khứ, nhất là qua bài thơ “nịnh vợ” của Tú Xương, tôi muốn tìm hiểu về những căn nguyên lịch sử trong quá khứ xa xưa. Kết quả mà tôi nhận ra thật cũng bất ngờ: khi đất nước được vận hành bởi quân đội, thì phụ nữ là lực lượng sản xuất chính yếu. Khi xã hội hoạt động theo cơ chế thời chiến, thì nền kinh tế được vận hành bởi phụ nữ. Khi đàn ông dành cả đời trong quân ngũ và quan trường, thì đàn bà làm chủ gia đình, vừa phải mưu sinh/ làm giàu, vừa phải sinh nở, nuôi nấng dạy dỗ con cái, và điều hòa các mối quan hệ gia đình, họ tộc, cũng như các mối quan hệ xã hội khác. Phụ nữ trở thành trung tâm của đời sống xã hội, và kỳ thay, dưới tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo, đó là vị thế “trung – tâm – từ- bên – dưới”. Đây là một nét hằng xuyên của văn hóa Việt Nam trong nhiều thế kỷ, cho đến nay đã thành một căn tính, dù ở ý hệ khác, và dù trong điều kiện hòa bình.

Xã hội Đại Việt đã được vận hành theo cơ chế thời chiến bắt đầu từ khi nào? Trước đây, tôi cho rằng thời nội chiến Lê- Mạc (thế kỷ XVI) là giai đoạn khởi đầu. Nhưng đến khi viết bài này, tôi thấy rằng các dấu vết sử liệu có lẽ còn sớm hơn thế, có lẽ là vào khoảng cuối đời Trần. Những cuộc chiến tranh liên miên giữa Đại Việt và Champa vào cuối thế kỷ XIV đã khiến cho xã hội luôn đặt vào tình trạng bất an. Vua Trần Duệ Tông (1337-1377) tử trận tại Champa là nhân tố đầu tiên cho sự sụp đổ của một triều đại thịnh trị, hùng cường. Quân Champa ba lần cướp phá Thăng Long. Vua Trần và dân chúng phải chạy loạn để thoát khỏi sự chém giết của “giặc gió mùa”. Hồ Quý Ly tuy dẹp được sự càn lướt của phương Nam, nhưng ngay sau đó là những cuộc chiến nội bộ tranh giành quyền lực, khiến cho đất nước chịu cảnh xâm lược và đô hộ của nhà Minh. Những cuộc nổi dậy chống giặc ngoại xâm bị tắm trong bể máu, và chỉ kết thúc với chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn năm 1428. Trong giai đoạn nhà Lê trị nước, những cuộc chiến tranh vẫn liên tục nổ ra ở các vùng biên giới phía Bắc, phía Tây, phía Tây Bắc, và cuộc giằng co với Champa lại tiếp tục diễn ra trong nhiều thập niên của thế kỷ XV. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã gần như kết thúc sự tồn tại của vương quốc Champa bằng một chiến dịch san phẳng thành Đồ Bàn. Giai đoạn 1472 đến 1504 là thời kỳ 30 năm hòa bình hầu như không có chiến tranh, rồi kết thúc bằng cuộc tương tàn của nội bộ hoàng gia. Lê Uy Mục đã phá hủy nền móng “văn trị” của Lê Thánh Tông, và vô tình tái kích hoạt cơ chế “võ trị”. Con cháu nhà Lê chém giết lẫn nhau khiến cho các thế lực võ quan trỗi dậy, với ba lực lượng chính là họ Mạc, họ Trịnh và họ Nguyễn. Phe Lê- Trịnh- Nguyễn phải mất 70 năm chiến tranh mới đẩy được nhà Mạc lên Cao Bằng. Nhà Lê tuy được trung hưng, nhưng quyền lực phải chia ba với hai họ thông gia. Ngay trong quá trình đi đến chiến thắng, nhà Lê chỉ còn mỗi ngọn cờ chính danh, trong khi quyền lực thực sự nằm trong tay họ Trịnh họ Nguyễn. “Lưỡng đầu chế” (diarchy)1 và thực trạng “một vua hai chúa” là một siêu chỉnh của thực hành chính trị Nho giáo ở Đại Việt. Nhưng quyền lực chẳng chia sớt cho ai. Trịnh- Nguyễn (hai họ cọc chèo) tiếp tục đánh giết nhau, khiến cho Nguyễn Hoàng phải chạy vào phía Nam dải Hoành Sơn. Họ Trịnh tưởng đã loại được một kẻ thù, nhưng không ngờ lại biếu không cho Nguyễn Hoàng một vương quốc (ý của Li Tana). Cuộc chiến phân tranh Trịnh- Nguyễn diễn ra trong suốt 70 năm của thế kỷ XVII, song hành với cuộc chiến Lê- Mạc ở vùng Cao Bằng. Sau khi nhận thấy chiến tranh chỉ gây thiệt hại về người và của, từ thập niên 1670 đến 1770, Bắc Hà và Nam Hà chủ động đình chiến, và thực hiện chạy đua vũ trang bằng cách mở rộng giao thương, để vừa tranh thủ củng cố nền tảng kinh tế, vừa có thể mua bán vũ khí với với các thế lực phương Tây. Cục diện giằng co này kết thúc bằng 30 năm nội chiến trong giai đoạn 1771 – 1802. Những tập đoàn người liên tục xô đổ nhau, và xóa nhòa các ranh giới. Chiến thắng sau cùng là Nguyễn Ánh- người hậu duệ sống sót của nhà Nguyễn qua bao cơn binh lửa.

Trải qua 400 năm biến động (cả ngoại xâm, nội chiến, và chạy đua vũ trang), xã hội Đại Việt về cơ bản được vận hành theo chế độ thời chiến. Chế độ bắt lính song hành với chính sách ưu đãi cho quân đội. Thời Mạc, một suất lính được hưởng 2 mẫu ruộng. Thời Lê- Trịnh, quân lực chiến phải ra trận được hưởng 5 mẫu một người. Đó là chế độ sàn (thấp nhất) và được nâng lên thành nhiều cấp khác nhau, từ đội trưởng đến Đô tri. Các tướng lĩnh, binh lính chết trận được hưởng tử tuất ưu đãi, còn những người nên “công- hầu- khanh- tướng” thì lộc điền được cấp phát dồi dào, thậm chí còn được “thế tập đời đời”. Ở Đàng Ngoài, với số lượng quân lực trung bình 120.000 người, thì tổng số ruộng đất đai cấp cho tướng sĩ vào thế kỷ XVII là 600.000 mẫu (ruộng hạng nhất).

Nhất binhRuộng khẩu phần
Đô tri, Xá nhân, Đồng tri, Thiêm sự thuộc quân lực sĩ10 mẫu/ người
Chỉ huy, Đồng tri, Thiêm sự thuộc quân lực sĩ6 mẫu/ người
Đội bả dù5 mẫu / người
Đội tả hữu xạ4.5 mẫu / người
Tri đội, Trù đội thuộc doanh cơ3 mẫu / người
Đội trưởng quân lực chiến10 mẫu / người
Thứ đội trưởng quân lực chiến8 mẫu / người
Binh lính quân lực chiến4-5 mẫu/ người
Binh Trường Yên quân lực chiến5 mẫu / người
Chế độ cấp ruộng cho nhất binh, Phan Huy Chú, 1820.2

Chức vụ khi hy sinhDanh vị truy tặngRuộng tuất
Cai độiTả hiệu điểm20 mẫu
Cai thuyềnTả hiệu điểm15 mẫu
Chánh đội trưởngHữu hiệu điểm5 mẫu
Binh sĩkhông+ 5 mẫu, và miễn sai dịch cho một con trai
Chế độ tử tuất thời Lê, (Trương Hữu Quýnh, 2004)3

Khi xã hội được vận hành bởi quân đội, thì kinh tế sẽ được thực hiện bởi phụ nữ. Điều này đã diễn ra trong suốt gần bốn trăm năm, từ cuối thời Trần cho đến đầu thế kỷ XIX. Đây là sự phân chia lao động theo giới tính, điều mà Trần Tuyết Nhung đã chỉ ra.4 Những người đàn ông Đại Việt phải dùng cả đời mình cho quân ngũ, họ đồng thời là một lực lượng sản xuất mạnh mẽ cho nhà nước (từ các việc xây dựng, vận tải, cho đến buôn bán- đặc biệt buôn bán vũ khí). Nhưng nền sản xuất (nông nghiệp, thủ công nghiệp, và buôn bán nội ngoại thương) thì cơ bản “chừa lại” cho phụ nữ- tuyến hậu phương. Đi lính, làm quan trở thành một phương thức sinh nhai, để “một người làm quan cả họ được nhờ”, gia đình họ không chỉ những ưu đãi vật chất từ nhà nước, mà còn những quyền lợi và quyền lực đi kèm. Dù tại ngũ, hay hy sinh hay giải ngũ về làng, thì ruộng đất, cơ nghiệp của họ là do vợ con tần tảo làm lụng. 

Nền kinh tế thời chiến cơ bản là nền kinh tế được vận hành bởi phụ nữ. Đây hẳn nhiên là một hiện tượng “bản địa hóa Nho giáo” (localize Confucianism) ở Đại Việt. Những bà chủ đất, trên danh nghĩa của chồng, là những người “tay hòm chìa khóa”, là người “đứng mũi chịu sào” trong nền kinh tế gia tộc. Đây là một truyền thống khác biệt của Đại Việt so với Trung Hoa- nơi mà quyền lực và kinh tế đều nằm trong tay đàn ông, còn phụ nữ bị nhốt trong bốn bức tường khuê các5. Phụ nữ Việt Nam, ở tầng lớp thượng lưu – hoặc trung lưu, đôi khi vẫn phải vận hành toàn bộ nền kinh tế của gia đình6. Những người phụ nữ bình dân, ngoài những việc đồng áng, canh cửi, chăn nuôi, làm nghề thủ công, còn đồng thời lo liệu cả việc hương khói, chăm nom cha mẹ chồng, cha mẹ mình và gánh luôn tất cả  công việc “bốn bên hai họ”, cũng như các việc giao tế với xóm giềng và làng xã. Đó là một sự năng động đáng nể mà cho đến nay không hề có dấu hiệu suy giảm. Sự năng động và khôn ngoan ấy khiến cho William Dampier khi đến Đại Việt cuối thế kỷ XVII phải thốt lên rằng phụ nữ Đại Việt cũng sắc sảo lanh lợi như đám buôn cổ phần chứng khoán ở London.7 Với tư cách là lao động chân tay, thì công lao động của phụ nữ cũng được trả ngang bằng với những đàn ông xốc vác.8

Quan niệm “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo và gia tộc nam quyền, một mặt khiến đàn ông trì trệ và dễ hư hỏng, mặt khác lại khiến phụ nữ được tự do lo liệu “trăm công nghìn việc”, tuy vất vả, nhưng họ là những bà chủ “nội tướng – tay hòm chìa khóa”.

Quan niệm “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo và gia tộc nam quyền, một mặt khiến đàn ông trì trệ và dễ hư hỏng, mặt khác lại khiến phụ nữ được tự do lo liệu “trăm công nghìn việc”, tuy vất vả, nhưng họ là những bà chủ “nội tướng – tay hòm chìa khóa”. “Của chồng – công vợ” đã trở thành ngạn ngữ từ vài trăm năm nay, thực chất là một kiểu diễn ngôn nam quyền nhằm xoa dịu cánh đàn ông, còn trên thực tế có thể là “ra đường võng cáng nghênh ngang, về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày”. Quyền sở hữu tài sản/ ruộng đất của phụ nữ là một đặc điểm riêng có của văn hóa truyền thống Đại Việt. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho số lượng người cung tiến là nữ chiếm một tỉ lệ khá cao. 

Điều này dẫn đến hệ quả thứ hai là họ trở thành những người có công với làng xã (nhờ sức mạnh của kinh tế). Từ địa vị của những người lao động tần tảo – lam lũ, họ được gia nhập vào hệ thần điện của làng xã. Từ vị trí chỉ là vãi, họ được tôn bầu làm Hậu Phật sau ngôi Tam bảo, rồi tiến đến họ còn gia nhập vào cộng đồng tôn giáo của đàn ông – được bầu làm cả Hậu Thần ngay giữa đình làng – nơi mà cánh đàn ông lúc sinh thời còn canh gạnh nhau từng chỗ ngồi ăn cỗ – thụ lộc. Toàn bộ hiện tượng văn hóa này đã diễn ra một cách mạnh mẽ trong thế kỷ XVII, cùng với sự phát triển bùng nổ của đình làng, chùa làng và các cơ sở thờ tự dân gian. 

Nền tảng của việc phối thờ phụ nữ vào không gian thiêng của làng xã (do có kinh tế) đó chính là việc luật pháp của triều đình công nhận quyền sở hữu tư nhân, quyền thừa kế, đặc biệt là quyền sở hữu ruộng đất và tài sản của người phụ nữ – điều mà trong luật pháp của Trung Hoa không bao giờ cho phép. Cũng chính ở đây, ta thấy sự thương thảo giữa mô hình Nho giáo – tư tưởng Nho giáo với thực tiễn đời sống và lễ tục văn hóa bản địa. Căn nguyên sâu xa hơn của luật- tục này chính là nền kinh tế thời chiến được vận hành bởi đàn bà, khi phần lớn đàn ông phải đi lính. Chiến tranh kéo dài quá lâu, nên quán tính của một xã hội được vận hành bởi võ quan vẫn kéo dài. Xã hội “đàn ông làm tiền tuyến – đàn bà làm hậu phương”, đã trở thành một hằng số của văn hóa Đại Việt.

Tranh “Hội mùa xuân”, Nông Công Thắng, 1964.

Từ lịch sử pháp chế, ta có thể thấy rõ phụ nữ Đại Việt hoàn toàn có quyền sở hữu theo pháp luật ít nhất từ thời Lê sơ về sau. Hồng Đức thiện chính xác nhận con gái có quyền nối dõi và thừa kế như con trai (trong trường hợp gia đình đó không có con trai) suốt từ thời Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Chiêu Tông, cho đến tận Lê Trung hưng9. Luật lệ này có thể truy xa hơn nữa lên đến cuối triều Lý đầu triều Trần qua trường hợp hai con gái của nhà họ Đỗ Năng Tế trong bia Thiệu Long tự bi 紹隆寺碑‭.‬ Quyền thừa kế đất hương hỏa sẽ trao lại cho con gái đầu, hoặc tất cả các con. Mặt khác, khi đến tuổi trưởng thành (15 tuổi), con cái (cả gái, lẫn trai) đều có quyền tách ra ở riêng (để lập hộ, lập gia đình), bởi theo luật họ sẽ được chia ruộng công điền để cày cấy10. Đây rõ ràng là một chính sách để tăng cường sinh đẻ, tăng cường lực lượng lao động (dân số), và thúc đẩy việc sản xuất, cũng như mở mang đất đai. Kiểu văn hóa “ngũ đại đồng đường” (đại gia đình) hay “huynh đệ đồng cư” của gia tộc Trung Hoa ít được thực hiện ở Đại Việt (trừ trường hợp các đại tộc), mà ở vùng đất này, nhà nước coi trọng việc phát triển gia đình hạt nhân hơn. Việc con gái được quyền kế thừa, hoặc được ra ở riêng đã khiến cho tài sản của một gia đình gồm ba nhóm: phu tông điền sản (ruộng đất và tài sản của nhà chồng), thê điền sản (ruộng đất và tài riêng của vợ khi về nhà cồng) và tần tảo điền sản (ruộng đất và tài sản do vợ làm ra)11. Trong trường hợp ly hôn, theo luật sở hữu tư, chồng sẽ lấy phần của chồng, vợ giữ phần của vợ, kể cả đối với những quà do chồng tặng. Tài sản chung do hai vợ chồng làm ra sau khi lấy nhau thì sẽ được chia đều, thậm chí cả con cái12. Về lý thuyết Nho giáo, phụ nữ buộc phải theo đạo “tam tòng”, nhưng trên thực tế, địa vị tương đối bình đẳng. Theo Quốc triều hình luật 國朝刑律 (A.1995, 67b), khi chồng chết, phụ nữ được chia nửa số tài sản để làm sinh kế (nửa còn lại trả về cho bố mẹ chồng để làm cúng giỗ). Sự phân chia tài sản cho phụ nữ dựa trên cơ sở của việc họ là lực lượng lao động chủ yếu để tạo ra tài sản và kinh tế cho gia đình (rộng hơn là cho cả xã hội). Vì vậy, luật pháp đảm bảo quyền lợi này, ngoài mục đích để đảm bảo công bằng, còn là để khuyến khích phụ nữ tạo thêm nhiều tài sản cho bản thân, gia đình và xã hội. Người đàn bà chỉ bị tước quyền sở hữu tài sản khi mắc tội ngoại tình13. Khi con gái đã lấy chồng, họ đồng thời thuộc về cả hai gia tộc. Khi họ mất đi, tài sản một phần trả lại cho cha mẹ đẻ. Còn nếu có con cái, thì con cái đương nhiên được thừa kế toàn bộ tài sản. Khi sống thì phụ nữ vẫn có trách nhiệm chăm nom cha mẹ đẻ, hoặc chăm lo cúng giỗ để báo hiếu, đây cũng là một yếu tố tạo nên nét văn hóa “Hậu Tộc” từ giai đoạn thế kỷ XVII về sau. Trên đây là những nội dung quan trọng khiến cho phụ nữ vừa là chủ tài sản, vừa có quyền quyết định cung tiến tài sản, hay mua Hậu cho bản thân, cho gia đình và cho bố mẹ. 

Phụ nữ trở thành trung tâm của đời sống xã hội, và kỳ thay, dưới tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo, đó là vị thế “trung-tâm- từ- bên- dưới”. Đây là một nét hằng xuyên của văn hóa Việt Nam trong nhiều thế kỷ, cho đến nay đã thành một căn tính, dù ở ý hệ khác, và dù trong điều kiện hòa bình.

Nhìn lại tình hình xã hội Việt Nam trong lịch sử từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XIX có thể thấy,  chiến tranh diễn lâu dài khiến cho xã hội vận hành bởi quân đội. Tầng lớp văn quan, võ tướng, binh lính có những đặc quyền kinh tế và đất đai, khiến cho vợ con họ trở thành những điền chủ – thương nhân chốn quê nhà. Hệ quả của một xã hội được vận hành bởi quân đội là nền kinh tế (nông nghiệp, thủ công, thương mại) được vận hành bởi phụ nữ. Đây chắc chắn là một thực tế lịch sử nằm ngoài những khuôn mẫu trị quốc và lý tài (làm kinh tế) của Nho gia. Những người phụ nữ trở thành lực lượng sản xuất chính yếu, và nắm quyền trực tiếp thực thi việc tạo ra tài sản cho gia tộc và xã hội. Điều này dẫn đến vị trí, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ được luật hóa thành các điều khoản về sở hữu tư nhân, thừa kế, hôn nhân, tế tự, sở hữu đất đai. Luật hóa quyền lợi của phụ nữ cũng là một đặc điểm riêng có của Nho giáo Đại Việt. Từ trong xã hội nam quyền, những người phụ nữ, bằng sức vóc của mình, đã kiến tạo kinh tế của gia đình, dòng họ và xã hội, từ đó họ phát tâm công đức, đem hằng tâm hằng sản đầu tư lại cho các công trình công cộng và tín ngưỡng tâm linh ở nhiều làng quê. Để hồi đáp nghĩa tình, làng xã đã bầu những người cung tiến trở thành ngôi Hậu, thờ tự trong các đình chùa miếu mạo và ghi nhớ bằng hàng vạn bia đá để truyền cho mai sau.14 

——

Chú thích

1 Lê Kim Ngân, Lưỡng đầu chế tại Việt Nam dưới thời Lê Trung hưng (1599-1786), Viện Đại học Sài Gòn, Sài Gòn, 1969.

2 Phan Huy Chú (1820), Lịch triều hiến chương loại chí, NXB. Sử học, Hà Nội, 1961, T. IV, tr.20-21.

3 Trương Hữu Quýnh (2004), Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.333.

4 Trần Tuyết Nhung, Giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463-1778, Đặng Thị Thanh Dung dịch, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2023, nguyên bản: Familial Properties: Gender, State, and Society in early Modern Vietnam, 1483-1778, University of Hawai’I Press, 2018.

5 Jean – Baptiste Tavernier, Tập du kí mới và kì thú về vương quốc Đàng Ngoài, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2007, tr.44.

6 Quan điểm này khá khác so với một số hình dung trước đây, ví dụ: Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, The traditional roles of women as reflected in oral and written Vietnamese literature, Ph.D dissertation, University of California, Berkeley, 1973; Huynh Dinh Te, Vietnamese cultural patterns and values expressed in proverb, Ph.D dissertation, Columbia University, 1962.

7 Jean Koffler, “Description historique de la Cochinchine”, Revue Indochinoise 16 (1911), p.585.

8 William Dampier, Voyages and Discoveries, Argonaut Press, London, 1931, p.47.

9 Hồng Đức thiện chính 洪德善政, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.330, tr. 10-12, tr.16, tr.58. Quốc triều hình luật 國朝刑律, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.1995, tr.71a- 71b.

10 Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2023, tr.114.

11 Robert Lingat (1954-55), Les régimes matrimoniaux du Sud-Est de l’Asie, essai de droit comparé Indochinois, Vol.2., EFEO, Hanoi and Saigon, p.75-92.

12 Abbé Richard, 1, p.102; chuyển dẫn Insun Yu (2023), sđd, tr.10.

13 Quốc triều hình luật 國朝刑律, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.1995, tr.73b, 89a.

14 Bài viết chỉnh sửa và soạn lại từ: Trần Trọng Dương, “Xã hội Việt Nam và văn bia thế kỷ XVII”, Tạp chí Hán Nôm, số 5 (18) 2023. 

Bài đăng Tia Sáng số 5/2024

Tác giả

(Visited 632 times, 8 visits today)