Postef 61 Trần Phú và kho di sản không được gọi tên

Đầu tháng tư vừa qua, tòa nhà Postef nằm ở 61 Trần Phú, Hà Nội chuẩn bị được tháo dỡ để thay bằng một khu trung tâm thương mại 11 tầng. Mặc dù Bí thư Thành ủy Hà Nội ngay sau đó đã yêu cầu tạm dừng thi công để kiểm tra, nhưng bên trong tòa nhà đã gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn chút mặt tiền ở phố Hùng Vương là nguyên vẹn.

Khu tổ hợp Postef 61 Trần Phú trước khi bị phá dỡ. Ảnh: dangcongsan.vn

Di sản bị lãng quên

Câu chuyện về tòa nhà này đã kéo theo những tranh luận khá gay gắt xoay quanh giá trị của nó. Trong mắt của những người dân xung quanh, cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan, công trình này chỉ là “ứ tồn” đợi thanh lý nên việc đập bỏ xây mới là cách tốt nhất. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại một lần nữa đánh mất một di sản, xóa bỏ một phần kí ức của Hà Nội. Công trình Postef 61 Trần Phú là một quần thể kiến trúc từ thời Pháp thuộc, có chức năng là một cơ sở công nghiệp bao gồm nhà kho, xưởng máy và nhà ở (của người quản lý) của Sở Bưu điện và Điện báo Đông Dương. Việc xây dưng quần thể này là một phần của kế hoạch mở rộng chương trình khai thác thuộc địa và giao thương buôn bán của Pháp tại Đông Dương. Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – nơi còn lưu trữ tài liệu và hồ sơ về công trình này, thì nó được thiết kế năm 1922, xây dựng năm 1923 và hoàn thiện năm 1927, là phần chức năng kho xưởng được mở rộng để hỗ trợ Bưu điện chính ở vị trí hồ Hoàn Kiếm. Theo đánh giá của các chuyên gia lịch sử kiến trúc, cho đến trước khi bị phá vài tuần trước, thì công trình này không chỉ giá trị bởi tuổi đời gần một thế kỉ, là một phần của lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc mà nó còn có những điểm độc đáo khác về kiến trúc và cảnh quan.

Là một quần thể công trình công nghiệp với khối nhà xưởng nằm giữa, Postef đại diện cho cho loại hình kiến trúc nhà công nghiệp hiện đại đầu thế kỉ 20 ở Đông Dương với điểm đặc biệt chính là hệ mái hình răng cưa sử dụng loại kết cấu giàn bê tông cốt thép có góc bo tròn – đặc trưng của nhà nhịp lớn thời đó (khác với sau này dùng giàn thép). Lối xử lý hệ mái này là cách xử lý rất thông minh, thích ứng với khí hậu của địa phương: cho phép chiếu sáng và thông gió tự nhiên. Về điểm này, người Pháp đã đi tiên phong cả trăm năm trong phong trào ‘Kiến trúc sinh khí hậu’ – hiện đang được thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu- khi tìm tòi và xử lý kiến trúc thích ứng với môi trường khí hậu rất khác với khí hậu ở châu Âu. Công trình này cũng có tính nguyên gốc, là đại diện cho loại hình công nghiệp duy nhất còn giữ được gần như nguyên trạng không thay đổi so với thời kì mới xây dựng, trong khi những công trình khác cùng loại cùng thời đã không còn nữa hoặc bị biến dạng quá lớn. Hơn thế, tổng mặt bằng và quy mô, kết cấu, chi tiết mái và các chi tiết kiến trúc của các công trình trong quần thể 61 Trần Phú là một phần hữu cơ, hài hòa với quần thể công trình Bệnh viện Saint Paul, tạo nên một tổng thể không gian kiến trúc đô thị đậm màu thời gian, góp phần tạo nên làm nên nét cổ kính, tôn nghiêm quý báu cho khu trung tâm chính trị Ba Đình;

Theo đánh giá của các chuyên gia lịch sử kiến trúc, cho đến trước khi bị phá vài tuần trước, thì công trình này không chỉ giá trị bởi tuổi đời gần một thế kỉ, là một phần của lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc mà nó còn có những điểm độc đáo khác về kiến trúc và cảnh quan.

Postef chỉ là một trong số hàng chục, có thể là hàng trăm các công trình kiến trúc lịch sử ở Hà Nội vốn đang có số phận mong manh, không nằm trong bất cứ danh mục xếp hạng hay bảo tồn nào của nhà nước. Phần lớn công chúng cũng không kịp nhận ra giá trị của những tòa nhà thuộc về kí ức đã quá xa, giờ phần nhiều đã xuống cấp, nằm im lìm hoặc hoạt động một cách cầm chứng. Điều này đáng buồn, nhưng không bất ngờ. Các cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước về di sản và kiến trúc cấp trung ương và tại Hà Nội vốn đã chậm trễ trong nhận thức, và hành động đối với di sản nói chung và di sản công nghiệp nói riêng. Khi thông tin và kiến thức liên quan đến những “di sản ngoài vùng xếp hạng” này quá thiếu, không được tập hợp, không được hệ thống hóa, và không được chia sẻ rộng rãi, thì sự tranh cãi về giá trị công trình và việc đập bỏ di sản không thương tiếc cũng là thực tế dễ hiểu.

Cứu vãn di sản công nghiệp

Tất nhiên, không phải mọi nhà máy, xí nghiệp cũ đều là di sản công nghiệp. Theo Ủy ban quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp (The International Committee for the Conservation of the Industrial Heritage), Di sản công nghiệp là những phần còn lại được đánh giá là chứa đựng nhiều giá trị của nền ‘văn minh công nghiệp’ (gắn với quá trình sản xuất, chế tạo, khai thác, vận chuyển bằng máy móc). Các giá trị ở đây được nhìn nhận trên các khía cạnh lịch sử, công nghệ, xã hội, kiến trúc hay khoa học…và những giá trị khác. Di sản công nghiệp có thể bao gồm các tòa nhà, máy móc, xưởng, nhà máy, mỏ, địa điểm chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả như những địa điểm dùng cho các hoạt động xã hội liên quan đến ngành công nghiệp như nhà ở, nơi thờ phụng, thực hành nghi lễ tôn giáo, cơ sở đào tạo…cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó.

Di sản công nghiệp gắn với hoạt động sản xuất theo lối công nghiệp; nó hoàn toàn có thể chứa đựng các giá trị lịch sử, chính trị. Như trong lịch sử nước ta, các nhà máy như Ba Son, Nhà máy Dệt Nam Định, luôn là nơi nuôi dưỡng các phong trào cách mạng của công nhân, người lao động, đấu tranh giành độc lập. UNESCO cũng khẳng định Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự thông thái được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

So với các đối tượng khác, Di sản công nghiệp được nhìn nhận và công nhận muộn hơn, nhưng đến nay UNESCO đã xác nhận 26 di sản công nghiệp với tư cách là di sản văn hóa thế giới. Các quốc gia cũng đã nhanh chóng bắt tay vào việc xác định và bảo tồn các Di sản công nghiệp của quốc gia mình. Phong trào bảo tồn di sản công nghiệp hiện đang phát triển rất mạnh mẽ ở châu Á với ANIH (Asian network of Industrial Heritages) là Mạng lưới nghiên cứu bảo tồn di sản công nghiệp châu Á có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam.

Khái niệm di sản công nghiệp đã được giới thiệu vào Việt Nam năm 2020 bởi các kiến trúc sư và các chuyên gia đô thị thuộc mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS) và liên tục được chia sẻ, lan tỏa trong xã hội trong hai năm qua. Tuy nhiên cho đến nay khái niệm này chưa được chính thức khẳng định trong bất cứ văn bản pháp lý hay được thừa nhận bởi các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về di sản hay các hội nghề nghiệp.

Năm 2020, cuộc khảo sát không chính thức đầu tiên về di sản công nghiệp đã được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia thuộc mạng lưới VMHNĐS, đã rà soát khoảng 100 cơ sở công nghiệp trong diện di dời theo quy hoạch tại Hà Nội. Qua đó, có thể thấy Hà Nội có rất ít các di sản công nghiệp còn lại, tuy nhiên, một số nhà máy có giá trị khá nổi trội, cụ thể, tôi đánh giá đứng đầu là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, kế đến là Nhà máy Bia rượu và Nước giải khát Hà Nội. Các nhà máy khác như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (trên đường Nguyễn Trãi), hay Xưởng Cơ khí Điện Thông (trên đường Bạch Mai) cũng có giá trị ở một mức độ nhất định và có thể xem xét giữ gìn một phần trong tổng thể.

Các nhà máy Diện tích Chất lượng CSVC Tình trạng hoạt động Giá trị Kiến trúc Giá trị lịch sử
1 Thuốc lá Thăng Long lớn TB đã chuyển giá trị giá trị
2 Cao Su Sao vàng lớn TB hiệu quả giá trị giá trị
3 Bóng đèn phích nước Rạng Đông lớn Tốt hiệu quả trung bình giá trị
4 Giày Thượng Đình TB xuống cấp cầm chừng trung bình giá trị
5 Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội lớn Tốt hiệu quả xuất sắc giá trị cao
6 Bánh kẹp Hải Hà TB TB cầm chừng trung bình giá trị
7 Bánh kẹo Hải Châu lớn xuống cấp đã chuyển trung bình giá trị
8 Kỹ thuật Điện thông nhỏ xuống cấp đã chuyển giá trị giá trị
9 Dệt công nghiệp Hà Nội lớn Tốt hiệu quả trung bình giá trị
10 Xe lửa Gia Lâm Rất lớn Tốt cầm chừng xuất sắc giá trị cao

Kết quả đánh giá nhanh 10 nhà máy tại Hà Nội (nguồn: tác giả)

Vì sự chậm trễ trong nhận thức và hành động của các cơ quan tổ chức, chúng ta đã chứng kiến sự biến mất của khá nhiều các di sản công nghiệp quan trọng của Việt Nam khi chúng còn chưa kịp được gọi tên như trường hợp Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Đóng tàu Ba Son ở TP.HCM, nhà máy Thuốc lá Yên Phụ.

Cần phải nhấn mạnh đây là cuộc khảo sát nhanh và chưa đầy đủ. Hiện nay chưa có một cuộc khảo sát đánh giá chính thức nào nên chưa thể có bất kì một kết luận nào về quỹ di sản công nghiệp ở Hà Nội và Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa có một cái nhìn tổng thể về những giá trị chúng ta đang có và có thể làm gì để giữ gìn chúng. Dù nhóm VMHNĐS chúng tôi đã vận động và truyền thông về di sản công nghiệp trong suốt hai năm nay, tình trạng phá bỏ các nhà máy trước khi đánh giá giá trị di sản vẫn diễn ra, vẫn được xem là “đúng quy trình”, một quy trình rất chậm chuyển hóa và cập nhật tri thức mới…Vì sự chậm trễ trong nhận thức và hành động của các cơ quan tổ chức, chúng ta đã chứng kiến sự biến mất của khá nhiều các di sản công nghiệp quan trọng của Việt Nam khi chúng còn chưa kịp được gọi tên như trường hợp Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Đóng tàu Ba Son ở TP.HCM, nhà máy Thuốc lá Yên Phụ. Thành phố Hà Nội cần khẩn trương giao cho các cơ quan chuyên môn như Viện Quy hoạch Hà Nội hay Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức rà soát, đánh giá, công khai, lấy ý kiến đầy đủ về các Di sản Công nghiệp của Hà Nội.

Quay trở lại câu chuyện của Postef 61 Trần Phú, tất nhiên giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ và vai trò lịch sử của tổ hợp này không thể bằng các công trình thuộc địa đỉnh cao, có chức năng công cộng như Nhà hát lớn, bảo tàng lịch sử. Vì vậy càng cần có sự phân loại về giá trị và ý nghĩa để có cách ứng xử hợp lý. Có thể công trình như Postef không đòi hỏi phải trùng tu bảo tồn nguyên trạng mà nó là sự lồng ghép và cân bằng giữa việc giữ lại các giá trị của công trình cũ với cải tạo, xây dựng một công trình mới.

Phương án “tái sử dụng thích nghi” cũng là cách khai thác phổ biến đối với các di sản công nghiệp – tức là chuyển đổi sang các chức năng mới cho phép cơ sở vật chất nhà xưởng đó vẫn “sống” và phát huy trong điều kiện và hoàn cảnh mới; việc này có thể đòi hỏi các can thiệp, sửa chữa, cấy ghép thêm, hoặc dỡ bỏ một phần, ở các mức độ khác nhau, nhưng nguyên tắc chung tà giữ gìn tối đa các giá trị đã được xác định của công trình, ví dụ: giữ các kết cấu hoặc chi tiết kiến trúc đẹp, độc đáo, đặc thù của công trình, tránh việc đưa các vật liệu – kết cấu mới che lấp các kết cấu gốc; giữ gìn tối đa ‘tinh thần’ hoặc ‘không khí’ công nghiệp của công trình khi lựa chọn yếu tố mới  nào được đưa vào, và đưa vào như thế nào; một phần công trình có thể được giữ lại nguyên vẹn và trở thành bảo tàng – hay phòng truyền thống lịch sử của ngành sản xuất công nghiệp trong quá khứ v.v… Nhìn chung, các di sản công nghiệp hay các công trình công nghiệp có giá trị lịch sử trên thế giới thường được chuyển đổi thành các trung tâm văn hóa, sáng tạo, trung tâm nghệ thuật kết hợp thương mại dịch vụ, Không gian công cộng và trở thành điểm thu hút các hoạt động, các sự kiện văn hóa của các thành phố. Các nghệ sĩ đặc biệt thích các không gian công nghiệp cũ để biến chúng trở thành các môi trường sáng tạo của mình.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm là một trong những cơ sở đường sắt lớn nhất Đông Nam Á với 100 năm lịch sử. Đây là chứng nhân lịch sử của Hà Nội và Việt Nam với giá trị kiến trúc xuất sắc và cơ sở vật chất còn tốt nhưng giờ chỉ còn hoạt động cầm chứng. Không gian này có thể giữ lại 1/3 diện tích để hoạt động sản xuất, còn lại chuyển đổi thành khu tổ hợp văn hóa sáng tạo công cộng nhưng vẫn giữ lại những kết cấu có giá trị kiến trúc – lịch sử.

Nguồn kinh tế to lớn từ di sản

Câu chuyện đáng tiếc về Postef 61 Trần Phú nguyên nhân sâu xa chỉ là vì chúng ta chưa hiểu đủ, chưa biết đúng về nó, và về tiềm năng của di sản nói chung. Di sản là ngành kinh tế không khói mang lại nguồn lợi to lớn, lâu dài bền vững trong xu hướng kinh tế thiên về du lịch, dịch vụ, văn hóa sáng tạo trên toàn cầu như hiện nay.

Nhà máy Bia Hà Nội đang dẫn đầu giá trị trên mọi khía cạnh theo khảo sát của chúng tôi. Chúng tôi đề xuất vẫn duy trì không gian làm việc của bộ máy tổ chức công ty và một số không gian sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, phần nhà xưởng cũ, biệt thự cũ hiện đang không hoặc ít sử dụng có thể chuyển đổi thành không gian văn hóa ẩm thực sang trọng.

Đối với riêng Hà Nội, việc bảo tồn giá trị của các di sản công nghiệp là lưu giữ dáng vẻ ẩn chứa những thăng trầm lịch sử của thành phố, là duy trì một dòng chảy kí ức liền lạc của đô thị từ quá khứ đến hiện tại. Điều này sẽ mang lại giá trị lâu dài cho việc phát triển thành phố một cách bền vững trong tương lai. Nhưng kể cả khi nhìn vào giá trị ngắn hạn, bảo tồn các di sản công nghiệp này bằng cách chuyển đổi chúng thành các không gian văn hóa – sáng tạo – công cộng, Hà Nội sẽ giải quyết được những vấn đề đang nhức nhối vẫn chưa có lời giải: giảm ô nhiễm, tăng diện tích cây xanh, thêm không gian thư giãn, giải trí, vui chơi lành mạnh cho người dân, trở thành một đô thị sôi động – thu hút cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nghệ sĩ.

Để làm được như vậy, thành phố cần có những công cụ mạnh mẽ và liên ngành trong việc nhận diện và khai thác quỹ di sản công nghiệp. Trong đó, các chính sách không chỉ dừng lại ở khía cạnh quy hoạch mà còn giải quyết cả khía cạnh kinh tế nhằm tìm ra phương thức hợp tác công tư hiệu quả để chuyển đổi mục đích và khai thác các cơ sở công nghiệp cũ và khía cạnh văn hóa để công chúng và cộng đồng những người khởi nghiệp, nghệ sĩ có thể thực sự hưởng lợi từ các không gian sáng tạo này.

Với sự tập trung dân số và mật độ xây dựng rất cao tại các quận nội thành Hà Nội, thì các nhà máy cũ này là những cơ hội cuối cùng để dành lại quỹ không gian cho các mục tiêu xã hội, trong đó có không gian văn hóa – sáng tạo và không gian công cộng.

Tháng hai vừa qua, Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết phát triển nền công nghiệp văn hóa thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Văn bản này nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa là một “nền kinh tế mũi nhọn”. Nhân cơ hội này, thành phố cần xác định việc phát triển hạ tầng văn hóa sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện nghị quyết này. Từ đó, việc tiếp theo sẽ là quy hoạch mạng lưới không gian văn hóa – sáng tạo của thành phố bao gồm các địa điểm từ cấp thành phố đến cấp phường, cụm dân cư với đa dạng về chức năng, mô hình hoạt động và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trước khi hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới, cần có sự hợp tác liên ngành giữa Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Văn hóa, cùng các cơ quan chuyên môn như Viện Bảo tồn di tích, Viện Kiến trúc Quốc gia để khảo sát, kiểm kê, đánh giá các cơ sở công nghiệp cũ Hà Nội dưới góc độ “Di sản” và “Kiến trúc có giá trị” theo Luật Kiến trúc. Từ đó, Hà Nội mới có được “Danh mục các công trình kiến trúc công nghiệp có giá trị” để lựa chọn các nhà máy tiến hành chuyển đổi và mô hình chuyển đổi phù hợp. Các địa điểm được lựa chọn chuyển đổi phải được lồng ghép vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, cập nhật một cách hệ thống vào quy hoạch chung khi tiến hành điều chỉnh Quy hoạch chung của Hà Nội. Chúng ta cần lưu ý rằng, với sự tập trung dân số và mật độ xây dựng rất cao tại các quận nội thành Hà Nội, thì các nhà máy cũ này là những cơ hội cuối cùng để dành lại quỹ không gian cho các mục tiêu xã hội, trong đó có không gian văn hóa – sáng tạo và không gian công cộng.

Đối với riêng Hà Nội, việc bảo tồn giá trị của các di sản công nghiệp là lưu giữ dáng vẻ ẩn chứa những thăng trầm lịch sử của thành phố, là duy trì một dòng chảy kí ức liền lạc của đô thị từ quá khứ đến hiện tại. Điều này sẽ mang lại giá trị lâu dài cho việc phát triển thành phố một cách bền vững trong tương lai.

Sau khi có cơ sở pháp lí về mặt quy hoạch, thành phố cần xây dựng chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư các không gian văn hóa – sáng tạo từ khối tư nhân. Trước hết, cần định nghĩa chức năng sử dụng đất với các không gian kiểu này là một dạng hỗn hợp, vừa mang ý nghĩa xã hội, vừa mang ý nghĩa kinh tế. Nó nằm giữa các chức năng sinh lời (như nhà ở thương mại, trung tâm thương mại, và các chức năng xã hội phi lợi nhuận thuần túy (như trường học công, thư viện). Chúng tôi đề xuất gọi đất này là “hạ tầng xã hội hỗn hợp” trong đó sẽ giới hạn một tỉ lệ quỹ đất nhất định dùng cho mục đích thương mại sinh lợi nhuận. Điều này là để tránh việc các thế lực tư nhân tận dụng quỹ đất này cho các mục đích sinh lời thuần túy nhưng vẫn cho phép các cơ hội vận hành theo cơ chế tự chủ. Thành phố có thể công bố danh mục các không gian tiềm năng này và đóng vai trò kết nối chủ quản lý đất với các nhà đầu tư không gian văn hóa sáng tạo tiềm năng để thực hiện hợp đồng thuê không gian 5-10 năm dưới sự bảo trợ của nhà nước.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần xây dựng cả cơ chế cho việc hình thành các doanh nghiệp bất động sản vì mục đích xã hội. Các doanh nghiệp này sẽ được tạo điều kiện khai thác trên đất hạ tầng xã hội hỗn hợp, được đảm bảo hợp đồng thuê đất ổn định và được hưởng các ưu đãi khác trong một khoảng thời gian đủ dài để thu hồi vốn đầu tư. Thực chất mô hình doanh nghiệp này đã xuất hiện ở Hà Nội, hoạt động khá hiệu quả và năng động với các dự án như Hanoi Creative City, hay dự án Complex 01, hoặc dự án 282 Factory. Xu hướng hiện nay có rất nhiều các startup trẻ quan tâm và mong muốn thực hiện các dự án như thế này, vừa để có chỗ thực hành sáng tạo cho chính mình, vừa cung cấp không gian cho các đối tác, đồng nghiệp, cùng phường, hội. Trong khi Complex 01 và Hanoi Creative City gợi nhớ đến khu tổ hợp văn hóa – giải trí cho giới trẻ Zone 9 trước đây đều được xây dựng trên nền nhà máy cũ, trường hợp 282 Design có phần đặc biệt hơn. Không gian này là một trong những ý tưởng tham dự Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội năm 2020-2021, được Kiến trúc sư Phạm Thanh Huy cải tạo từ một xưởng gỗ cũ thành một không gian đa năng, vừa là trụ sở công ty nội thất của anh mà cũng vừa là nơi tổ chức các sự kiện liên quan đến thiết kế – kiến trúc, trong đó có “Tuần lễ thiết kế Việt Nam” – Việt Nam Design Week hay triển lãm We play của nhóm Kiến trúc sư trẻ Hà Nội. Ba trường hợp trên đều là các ví dụ truyền cảm hứng cho việc chuyển đổi những kho xưởng cũ thành các không gian mới độc đáo, hấp dẫn, giàu sức sống và chứng minh hiệu quả đầu tư tốt.

*PGS.TS Phạm Thuý Loan là Thành viên Vì một Hà Nội Đáng sống, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)