Quyền riêng tư – Một phả hệ tư tưởng. Kỳ cuối: Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân

Lời tòa soạn: Trong kỳ trước, chúng ta đã phân tích, quyền riêng tư là một khái niệm gắn liền với môi trường văn hóa. Khái niệm này chủ yếu xoay quanh hiệu lực của sự đồng ý chủ thể, ranh giới giữa quyền riêng tư với quyền được thông tin của truyền thông và công chúng mà ta sẽ xem xét ngay sau đây.

Ảnh: Financial times.

Năm 1995, chỉ hai năm sau khi Liên minh châu Âu ra đời, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị số 95/46/EC về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là một trong những đạo luật hoàn chỉnh đầu tiên ở cấp độ liên quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tiền đề của chỉ thị này rất rõ ràng: quyền riêng tư của cá nhân trong thời buổi điện toán là quyền kiểm soát những thông tin về mình, và để làm được điều đó, cá nhân phải có quyền can thiệp và kiểm soát những dữ liệu phản ánh thông tin. Năm 2014, vụ Gonzalez đã lần đầu tiên đánh dấu việc thực thi quyền được lãng quên trên thực tế: Google bị yêu cầu phải xóa đi kết quả tìm kiếm có chứa thông tin không hay về Gonzalez trong quá khứ. Sự đồng ý, hay ý chí của chủ thể, được đặt lên hàng ưu tiên cao nhất.

Mặc dù quyền được lãng quên được nhìn nhận như thể một quyền bất khả xâm phạm, song nó làm dấy lên những quan ngại về việc mất cân bằng thông tin. Giả sử một người từng nhũng nhiễu tài chính công ty trong quá khứ, nhưng tin ấy đã bị xóa khỏi mọi cơ sở dữ liệu điện toán. Khi tìm kiếm lao động, hẳn người chủ sẽ muốn biết thông tin này: không phải để đánh giá, nhưng để có được lượng thông tin cần thiết và tiến hành đánh giá lợi ích – chi phí đầy đủ.

Quyền riêng tư của Chỉ thị 95/46/EC, và sau này là của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân (GDPR) được phân tách thành những quyền khác nhau, trong đó có thể kể đến như quyền yêu cầu xóa dữ liệu, quyền rút lại sự đồng ý và không cho phép tiếp tục xử lý dữ liệu cá nhân, v.v. Đây đều là những quyền mang tính nhân thân, nhằm bảo toàn giá trị phẩm giá của nhân tính (personality). Không thể áp dụng cơ chế bảo vệ quyền sở hữu cho dữ liệu cá nhân bởi vì những thông tin mà dữ liệu cá nhân phản ánh chứa đựng giá trị cao quý, hay theo ngôn ngữ luật học là “không thể trở thành đối tượng điều chỉnh của quan hệ tài sản pháp lý”. Châu Âu vẫn mong muốn quyền riêng tư theo kiểu của họ là một thứ quyền riêng tư phổ quát, đơn nhất, cho tất cả mọi người theo tư tưởng công bằng, bình đẳng.

Mua bán quyền riêng tư? 

Quyền được lãng quên, hay quyền riêng tư theo kiểu châu Âu lục địa, hẳn sẽ vấp phải sự phê bình của các lý thuyết gia Hoa Kỳ. Ở mức độ sơ đẳng nhất, các nhà luật học Hoa Kỳ sẽ tranh luận rằng việc bảo vệ quá mức quyền riêng tư như thế sẽ tiếm lấn quyền được thông tin của những người khác trong xã hội: Tu chính án I của Hiến pháp Mỹ đã tuyên xưng quyền tự do ngôn luận và báo chí của mọi người trong xã hội. Đối với người châu Âu, những tranh luận như thế chỉ kéo dài vô ích, vì luật thực định đã quy định thì phải làm theo.

Châu Âu vẫn mong muốn quyền riêng tư theo kiểu của họ là một thứ quyền riêng tư phổ quát, đơn nhất, cho tất cả mọi người theo tư tưởng công bằng, bình đẳng.

Nhưng người Mỹ, ít chịu ràng buộc từ những điều khoản pháp luật thành văn, có nhiều không gian hơn để bứt phá khỏi những khái niệm pháp lý truyền thống. Đi đầu trong phong trào đặt lại cách hiểu của thế giới pháp luật đối với không gian số là Lawrence Lessig, giáo sư luật học của Harvard, với trứ tác kinh điển Code and Other Laws of Cyberpsace (về sau được tái bản dưới tựa đề Code: Version 2.0). Lập trường tư tưởng của ông là “Code is law”, sử dụng phép chơi chữ “Code” với nghĩa nước đôi: vừa là mã máy tính, vừa là luật thành văn. Ông đã dự đoán, và dự đoán đúng, rằng code sẽ là công cụ để kiểm soát xã hội. Luật pháp, theo Lessig, sẽ cần được thiết kế bởi những người nói được cả ngôn ngữ pháp lý và ngôn ngữ điện toán. Lập trường đi trước thời đại đã xác lập cho ông chỗ đứng như là một trong những nhà tư tưởng cấp tiến và táo bạo nhất trong lĩnh vực luật học ngày nay. Ông cũng là người đã khởi xướng phong trào Creative Commons trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, hiện đã dần phổ biến trong cộng đồng chuyên gia giáo dục học tại Việt Nam.

Trong tiểu luận ngắn “Riêng tư như là tài sản”, Lessig đặt câu hỏi: sao ta không nói về quyền riêng tư như cách ta nói về tài sản?1 luật về quyền riêng tư ở Mỹ ra đời trong một cuộc tranh luận về quyền tài sản mà! Hãy nhớ lại, khởi đầu của thảo luận về quyền riêng tư từ thế kỷ 19, Warren và Brandeis (xem lại kỳ 1), đã liên hệ sự cần thiết phải có quyền riêng tư với sự thay đổi trong cách tài sản được phân phối. Lessig sử dụng cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ, tức sở hữu một thứ “tài sản vô hình”, được bảo vệ bằng các công cụ pháp lý, và hỏi: quyền sở hữu tài sản truyền thống trong luật có được thiết kế cho tài sản không thể nhìn thấy đâu? Hơn nữa, và Lessig nhấn mạnh điều này, pháp luật về sở hữu là sản phẩm của chính trị và nhà nước. Nếu ta có thể dùng ngôn ngữ về tài sản để nói về một thứ vô hình, tại sao ta không thể nói về quyền riêng tư như cách ta nói về tài sản cần bảo vệ?

Hãy còn sớm để nói về hợp đồng mua bán sự riêng tư, nhưng nếu xét sâu về bản chất, khi nào, ở đâu được mua bán một “tài sản”, món ấy là gì, giá cả định đoạt thế nào, khi nào thì bị cấm mua bán, v.v đều được luật hóa bởi quá trình làm luật của con người. Ông tin rằng, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy ngôn ngữ, ta có thể dần đi đến một cách thức bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn trong thế giới luật pháp bằng cách đối xử với nó như thể một món tài sản. Đừng quên rằng, trong thế giới số, “tài sản” như tiền ảo hay bức tranh mà AI vẽ ra, đã không còn đúng với khái niệm “tài sản” trong thế giới pháp lý truyền thống. Trong môi trường mà từ người số, “home” (nhà) đến tiền số – mọi hiện tượng đều đòi hỏi một sự tái định nghĩa, thì những giới hạn hiện tại trong ngôn ngữ pháp lý trước sau gì cũng phải thay đổi để thích ứng.

Việc sử dụng các app truy vết phục vụ chính sách chống dịch đã làm dấy lên lo ngại rất lớn về quyền riêng tư. Ảnh: SCMP.

Sở dĩ Lessig có thể nói về những ý tưởng táo bạo như thế, là nhờ quan điểm cởi mở của ông về luật pháp và quyền pháp lý nói chung. Không thể yêu sách một cách nhìn nào khác về quyền riêng tư, nếu ta không giữ thái độ hoài nghi đối với tính bền vững của những khái niệm đang được mọi người chấp nhận, trong đó có khái niệm pháp lý.

Thái độ hoài nghi của Lessig, sự đa dạng của riêng tư trong đời sống điện toán, cách mà các nền văn hóa va chạm và phá vỡ nhau trong mạng thông tin toàn cầu, cùng những quy định “cứng” của EU về quyền riêng tư gắn với kiểm soát dữ liệu, đã đánh thức trào lưu có tuổi đời non trẻ, nhưng đã và đang được đón nhận nhiệt liệt trong vài năm trở lại đây: quyền riêng tư bối cảnh (privacy in-context).

Bẻ cong, lộn trái, chia đều? Hãy để bối cảnh quyết định riêng tư

Trưởng thành trong thời đại điện toán và internet, lớp lý thuyết gia Mỹ hiện đại đã có nhiều trải nghiệm khi sử dụng internet. Họ va chạm nhiều hơn: dù vẫn sử dụng tiếng Anh nhưng một số khái niệm đó đây trên mạng hình như đã trở nên nhiều nghĩa hơn. Hôm qua người Mỹ chỉ biết cái muỗng như là để ăn, nhưng sau một đêm, có thể họ sẽ biết rằng “cái muỗng” là hình ảnh tượng trưng mà giới trẻ ở một nước xa xôi chia sẻ hàng loạt, với mong muốn sẽ đỗ đạt trong kì thi sắp tới.

Đứng trước sự mong manh của các khái niệm, các lý thuyết gia về quyền riêng tư trở nên nhạy cảm hơn với những hiện tượng nghe quen trong sách vở. Họ bắt đầu xét lại: quyền riêng tư, với một người Mỹ, là được hỏi trước khi chụp ảnh và công bố ảnh đó. Nhưng với một người Hoa, quyền riêng tư lại gần với bộ mặt tập thể hơn: anh chụp thì chụp, anh đăng thì đăng đi, miễn sao tôi đẹp là được, đừng chụp trong nhà, để tôi dọn đã. Nếu ta không thể có một khái niệm đúng cho mọi người trên quả đất này, thì cần phải xem xét thật cẩn trọng khái niệm ấy trong thế giới pháp lý: mỗi hệ thống pháp luật tất phải gắn liền với một vùng đất, một nền văn hóa cụ thể. Ngay từ năm 1967, Westin đã nói rõ trong cuốn sách kinh điển Riêng tư và tự do rằng, quyền riêng tư được lý giải và thực thi tùy thuộc vào những đặc điểm cụ thể của những nền văn hóa cụ thể.

Quyền riêng tư chỉ nên là mặc định đối với những điều kiện, quy chuẩn bên ngoài của nền tảng số mà cá nhân đó đang tham gia.

Những lý thuyết gia trong trường phái riêng tư bối cảnh khước từ việc định nghĩa quyền riêng tư. Với họ, khái niệm chỉ là cái bẫy ngôn ngữ dễ làm người ta rối. Muốn hiểu quyền riêng tư, ta cần đặt nó trong những điều kiện cụ thể của hoàn cảnh thực tế, kết hợp với nhận định của người trong cuộc. Khi tôi đăng tải bức ảnh con tôi lên trang cá nhân, sự riêng tư của đứa trẻ được định nghĩa bằng những người thấy, bình luận, và lưu ảnh đó, bằng chính sách lưu trữ dữ liệu và địa điểm lưu trữ dữ liệu của mạng xã hội ấy, nhưng cũng được định nghĩa qua cách mà dân tộc, tôn giáo, gia đình, văn hóa của đứa trẻ ấy cảm nhận về sự riêng tư. Phải kết hợp hết những yếu tố ấy lại để hình thành nên quyền riêng tư – và luật phải quan tâm đến việc dựng nên một bộ khung cho những yếu tố này.

Hiểu theo cách này, các nhà tư tưởng đương đại đã có thể kết hợp những yếu tố khác mà các lý thuyết gia đi trước chưa thể đưa vào khung phân tích, cụ thể là – cảm nhận chủ quan của người trong cuộc, quan hệ của người này với những người tiếp nhận sản phẩm, thông tin cá nhân của người này, dân tộc, màu da, tôn giáo, xu hướng tính dục của người này, nơi người này sống, hoàn cảnh vật chất của môi trường xung quanh, khả năng lên mạng, kĩ năng dùng mạng xã hội, chính sách bảo mật thông tin và chia sẻ dữ liệu của mạng xã hội, chính sách quản trị mạng của nhà nước nơi người này cư ngụ, v.v. Ai cũng sẽ định nghĩa quyền riêng tư theo cách của mình, và tư tưởng quyền riêng tư bối cảnh cổ súy điều đó.

Nissenbaum, người nổi tiếng vì phê phán cách tiếp cận riêng tư như kiểm soát, đã cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng phương pháp luận phê phán kiểu Gavison (luôn phải phân tích quyền riêng tư như một phạm trù văn hóa – xã hội học, đã đề cập trong kỳ 2) trong việc đề xuất ra một cách nhìn khác về quyền riêng tư. Lập luận của bà rất đơn giản: không nên nhìn quyền riêng tư như một giá trị chung cho mọi người, mà hãy đặt câu hỏi về quyền riêng tư vào mỗi một hoàn cảnh mà chủ thể cần sự riêng tư. Bà phản đối các quy phạm pháp luật trao quyền cho cá nhân định đoạt mọi thứ liên quan đến dòng chảy dữ liệu, vì sẽ có những yếu tố khác nằm ngoài ý chí của cá nhân như bài toán kinh tế của bên xử lý dữ liệu, phúc lợi xã hội, v.v khi nói về quyền riêng tư trong bối cảnh ấy. Gần đây nhất, Neil Richards (2022) đã đề xuất cách thức “định nghĩa lâm thời” về quyền riêng tư, phụ thuộc vào mức độ mà thông tin về cá nhân sẽ không được biết đến và không được sử dụng. Cách định nghĩa quyền riêng tư như mức độ sẽ giúp những ai đang nói về quyền riêng tư của cá nhân ấy, trong vụ việc ấy, với mức độ ấy, có thể thảo luận về cùng một đối tượng.2

Tương tự, J. E. Cohen, người đã tiếp thu quan điểm của Lessig, đã phê phán nặng nề cách xây dựng quyền riêng tư một cách cứng nhắc, áp dụng được cho mọi tình huống. Trong bài tiểu luận năm 2019, sử dụng một cách tiếp cận khác, bà đi đến một kết luận là quyền riêng tư của cá nhân trên mạng sẽ phụ thuộc vào điều kiện thực tế phát sinh khi đòi hỏi quyền riêng tư: không phải lúc nào cá nhân cũng có quyền riêng tư mặc định. Trái lại, quyền riêng tư chỉ nên là mặc định đối với những điều kiện, quy chuẩn bên ngoài của nền tảng số mà cá nhân đó đang tham gia. Với nghĩa này, luật về quyền riêng tư phải là luật về những điều kiện tối thiểu mà các chủ thể can thiệp vào quyền riêng tư – chủ mạng xã hội, chủ sàn thương mại điện tử, người xử lý thông tin thẻ ngân hàng, người bảo quản cơ sở dữ liệu đám mây của Google, v.v – phải tuân thủ khi xây dựng hệ thống.

Đến đây, không thể bỏ qua sự ảnh hưởng của GS. Daniel J. Solove đối với trào lưu “lộn trái” quyền riêng tư. Solove đã cho rằng quyền riêng tư nên được mở rộng hơn ra khỏi nỗi ám ảnh một cá nhân có thể bị theo dõi giám sát, và tập trung nhiều hơn vào những thể chế xung quanh cái tôi cá nhân. Ông cũng là người đã gợi ý rằng quyền riêng tư “không phải là một thứ” mà là “sự chất chồng của nhiều thứ đặc thù những rất liên quan đến nhau”.3 Từ năm 2001 đến nay, Solove vẫn luôn bền bỉ trên con đường lay chuyển nhận thức của mọi người, nhằm thay đổi từ việc chỉ đặt câu hỏi “quyền riêng tư là gì?” sang câu hỏi “quyền riêng tư để làm gì?”.4 Solove đại diện cho những tiếng nói khác, đi ngược so với những đạo luật như GDPR, rằng: đừng trao quyền thêm cho chủ thể làm gì, luật sẽ rất nghiêng về phía chủ thể. Khi luật cứ trao quyền cho chủ thể, các chủ thể sẽ đòi hỏi rất nhiều quyền xung khắc với quyền của các công ty cung cấp dịch vụ internet. Trong trường hợp này, thay vì phản kháng lại, các công ty cung cấp dịch vụ sẽ chiểu theo luật song họ sẽ không chủ động làm theo những thực hành tốt để tạo ra môi trường thân thiện với quyền riêng tư (privacy-friendly) của chủ thể nữa.

Khi nhà làm luật và thẩm phán chấp nhận riêng tư như một khái niệm có cách hiểu khác nhau, thì mỗi một cách hiểu khác nhau ấy có thể được mang ra đối mặt với những nhu cầu có thực của con người, của các hội nhóm và các định chế một cách cụ thể, thay vì cứ phải triển khai một lý thuyết không vừa vặn vào trong những bối cảnh đa dạng5.

Khái niệm quyền riêng tư không thể được đem lại như một định nghĩa đơn nhất, phổ quát; trái lại, nó phải được xem xét thật cụ thể từ sự kết hợp của những điều kiện khách quan với cảm thức chủ quan của người đang yêu sách quyền này. Cũng vì thế, từ chỗ lấy cá nhân làm trung tâm để triển khai thành các quyền pháp lý, tư tưởng về pháp luật riêng tư đã trưởng thành, và dồn sự tập trung vào việc quy định những chuẩn mực pháp lý trong bối cảnh cụ thể. □

——-

Chú thích

1 Lawrence Lessig, ‘Privacy as Property’ (2002) 69 Social Research 247 <https://www.jstor.org/stable/40971547> accessed 24 February 2021.

2 Neil Richards, Why Privacy Matters (Oxford University Press 2022).

3 Daniel J Solove, Understanding Privacy (Harvard University Press 2008).

4 Woodrow Hartzog, ‘What Is Privacy? That’s the Wrong Question’ (2021) 88 The University of Chicago Law Review 1677 <https://www.jstor.org/stable/27073959> accessed 19 June 2022.

5 Giáo sư Hartzog đã viết trong một bài tiểu luận tri ân GS Solove vào năm 2021 trên The University of Chicago Law Review.

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)