Sinh con từ noãn/ tinh trùng của người đã mất: Những vấn đề pháp lý nảy sinh 

Y học phát triển giúp nối liền sự sống sau khi chết. Nhưng khi kỹ thuật hiện đại giúp hiện thực hóa những mong mỏi rất nhân văn thì nhiều rắc rối pháp lý đã nảy sinh do chưa có quy định cụ thể về quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là đứa trẻ sinh ra.

Vấn đề tưởng chừng nhỏ này thực chất lại là tâm điểm của những phát sinh rất rắc rối về pháp lý liên quan đến hàng loạt các văn bản luật khác nhau và cả các khái niệm tài sản, sở hữu, thừa kế… một phần thuộc về cơ thể mỗi người. Ảnh: istock.

Việc sinh con từ noãn hoặc tinh trùng của người đã qua đời diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới kể từ sau ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1980. Nhưng kể từ đây nhiều vấn đề pháp lý đã nảy sinh xung quanh quyền của người đã mất, của thân nhân, và quyền của trẻ sinh ra. Tương tự, ở Việt Nam, câu chuyện cảm động và nhân văn của một người phụ nữ sinh con cho người chồng đã chết ba năm ở Hà Nội vào năm 2013 là trường hợp sinh con cho người chồng đã chết đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam1. Báo chí cũng phản ánh tình trạng này diễn ra nhiều trên thực tế nhưng được giấu kín2.

Về mặt đạo đức, trong những trường hợp được ghi nhận trên thực tế thì ý nghĩa của việc sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết thể hiện tình yêu thương, lòng chung thủy và đức hy sinh của người vợ. Tuy nhiên, xét ở góc độ những đứa trẻ, chúng được xác định trước hoàn cảnh mồ côi cha khác với việc mồ coi do hoàn cảnh khách quan. Về pháp lý, theo quy định tại Việt Nam, khi một bên chết, quan hệ vợ chồng chấm dứt và con sinh ra quá 300 ngày kể từ ngày hôn nhân chấm dứt không phải là con chung đương nhiên. Đứa trẻ sinh ra không phải là con chung đương nhiên theo luật và cũng không có quyền tài sản và nhân thân từ người cha đã chết của mình (dù có thể xác định quan hệ huyết thống theo quy định pháp luật). Thêm nữa, những đứa trẻ này không được thừa nhận là con chung của vợ chồng về pháp lý, không được pháp luật đối xử bình đẳng như những đứa trẻ được sinh ra hoặc thành thai trong thời kỳ hôn nhân. Còn ở góc độ người vợ/ chồng đã khuất, trừ trường hợp người này có nguyện vọng sinh con trước khi chết, ngược lại nếu không có bằng chứng về nguyện vọng này, việc đứa trẻ sinh ra có thể trái với ý muốn của người đã khuất và sẽ không công bằng khi bắt người đã khuất phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với đứa trẻ mà người đã khuất chưa hề có một ý niệm gì khi còn sống.

Vấn đề tưởng chừng nhỏ này, thực chất lại là tâm điểm của những phát sinh rất rắc rối về pháp lý liên quan đến hàng loạt các văn bản luật khác nhau và cả các khái niệm tài sản, sở hữu, thừa kế… một phần thuộc về cơ thể mỗi người. Trong đó hai câu hỏi mấu chốt là: Thứ nhất, người vợ/ chồng có được quyền sử dụng noãn/ tinh trùng của người đã khuất để sinh con không? Thứ hai, quan hệ giữa con sinh ra và cha mẹ sinh học đã chết được xác định như thế nào?

Tài sản hay phi tài sản? 

Việc xác định quyền liên quan đến tinh trùng hay noãn của người đã mất rất phức tạp, hàm chứa mâu thuẫn và còn nằm ở vùng xám của các quy định. 

Trước tiên, noãn hay tinh trùng là một tế bào nhỏ nhất nhưng không có chức năng thay thế, giúp duy trì cuộc sống mà sẽ tạo ra một con người mới, cuộc sống mới nên không phải là mô, bộ phận cơ thể người theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006. Tuy nhiên, để lấy noãn hay tinh trùng từ cơ thể người, bác sĩ lại phải can thiệp vào mô, bộ phận cơ thể người do đó phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vấn đề này. Nhưng ngược lại, Luật chỉ điều chỉnh việc hiến noãn/tinh trùng theo nguyên tắc vô danh vì vậy nếu người vợ lấy tinh trùng để sinh con cho đích danh chồng mình thì lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Các nhà làm luật chưa có quan điểm nhất quán về vấn đề tài sản hay phi tài sản đối với bộ phận tái sinh như noãn hay tinh trùng. Việc cho phép hay không cho phép người vợ được sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết để sinh con cũng không được quy định một cách rõ ràng.

Vấn đề thứ hai, noãn hay tinh trùng là tài sản hay giá trị nhân thân? Nếu được xác định là tài sản thì người chết có quyền sở hữu, đây có thể là đối tượng của giao dịch dân sự và đương nhiên là đối tượng của quyền thừa kế, và người thân có quyền thừa kế tinh trùng của người chết với cả ba quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Nếu là nhân thân về nguyên tắc không chuyển giao cho người khác. Những câu hỏi này vẫn lơ lửng treo, không chỉ ở Việt Nam mà pháp luật nhiều nước chưa có câu trả lời rõ ràng và còn nhiều quan điểm khác nhau giữa các quốc gia, thậm chí giữa các bang trong cùng một quốc gia. 

Con người có hai phần một là nhân cách, bản thể và hai là cơ thể vật chất. Noãn hay tinh trùng thuộc cơ thể vật chất của con người. Ngoài tinh trùng, máu, tóc, nước tiểu và tủy xương trong một chừng mực nào đó cũng được xem là tài sản. Đặc điểm chung của các bộ phận cơ thể này là chúng có thể tách rời và cũng có thể tái tạo. Chúng có thể được loại bỏ khỏi cơ thể mà không gây ra những ảnh hưởng bất lợi đáng kể hoặc lâu dài cho cơ thể đó và vì chúng tái tạo nên chúng sẽ tiếp tục có sẵn trong cơ thể người để sử dụng trong tương lai3

Theo pháp luật Việt Nam, vật chất cơ thể người là tài sản hay phi tài sản không rõ ràng. Đối với máu, dù không được chính thức thừa nhận là tài sản vẫn chỉ công nhận hiến không công nhận mua bán, tuy nhiên có thể thông qua quy định về “người hiến máu lấy tiền” và định giá máu và các chế phẩm từ máu4 có thể thấy về bản chất máu là tài sản. Tương tự, tóc người cũng được mua bán trên thị trường và pháp luật không có quy định rõ ràng. Một ví dụ khác, trong công nghệ làm đẹp con người có quyền quyết định loại bỏ các mô mỡ thông qua phẫu thuật, quyền định đoạt này ngầm thừa nhận tính chất tài sản của mô mỡ và con người có quyền định đoạt đối với vật chất cơ thể của mình. 

Nhưng trường hợp noãn và tinh trùng thì rắc rối hơn nhiều. Một người có quyền lấy, lưu trữ và sử dụng noãn hay tinh trùng của mình khi còn sống để điều trị vô sinh, lưu trữ cá nhân hoặc hiến vì mục đích nhân đạo. Việc này phải được thực hiện khi người đó còn sống, đối với người lưu trữ cá nhân hoặc điều trị vô sinh khi có bằng chứng rằng người đó đã chết phải hủy mẫu đã lưu trữ, trừ trường hợp người vợ/ chồng yêu cầu tiếp tục lưu trữ. Như vậy với quy định này, pháp luật đã thừa nhận quyền của một người đối với vật chất cơ thể của chính họ và người vợ/ chồng được kế thừa quyền này. Tuy nhiên, khi người vợ/ chồng hợp pháp có quyền sử dụng mẫu đã lưu trữ để sinh con bằng kỹ thuật IVF thì các quan hệ này được xác định là quan hệ ngoài hôn nhân gia đình. 

Y học phát triển giúp nối liền sự sống sau khi chết nhưng rắc rối pháp lý cũng nảy sinh. Ảnh: istock.

Trong các quyền dân sự pháp luật không đề cập đến cơ thể vật chất của một người sau khi chết thuộc quyền sở hữu của ai. Tuy nhiên, khi hiến tặng thì pháp luật gián tiếp thừa nhận quyền này thuộc về người thân của người chết trong trường hợp không có thẻ hiến người thân của họ gồm cha, mẹ người giám hộ hoặc vợ và các con đã thành niên phải đồng ý bằng văn bản. 

Pháp luật dân sự Việt Nam ghi nhận quyền bảo toàn thân thể là quyền nhân thân. Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, hiến lấy xác 2006, phân biệt rõ hai loại bộ phận cơ thể người là bộ phận cơ thể không tái sinh và bộ phận cơ thể tái sinh. Tuy nhiên pháp luật không công nhận bộ phận tái sinh là tài sản như pháp luật một số quốc gia khác vì Luật này cũng cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người cũng như cấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế cũng từng cho biết: “theo quy định, tinh trùng không được xác định là tài sản mà chỉ thuộc quyền nhân thân. Khi đã không được coi là tài sản thì cũng không được quyền thừa kế. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng việc gửi tinh trùng lưu giữ tại một cơ sở y tế phải được thực hiện theo quy định của pháp luật”5.

Tất cả những điều đó cho thấy, nhà làm luật chưa có quan điểm nhất quán về vấn đề tài sản hay phi tài sản đối với bộ phận tái sinh như noãn hay tinh trùng. Việc cho phép hay không cho phép người vợ được sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết để sinh con cũng không được quy định một cách rõ ràng.

Những mâu thuẫn phát sinh trong thực tế cần giải quyết

Thứ nhất, một người độc thân có quyền lưu giữ noãn, tinh trùng của mình nhưng chỉ người vợ/ chồng hợp pháp là chủ thể duy nhất có quyền đối với tinh trùng người chồng đã lưu giữ trước khi chết. Năm 2018, bà Vòng Ngọc Huyền (TP.HCM) muốn nhận lại tinh trùng của con trai (tên T.Đ.T., đã mất) để cho con dâu (chị V.T.B.D) thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, Bệnh viện Từ Dũ (nơi nhận giữ tinh trùng của anh T. khi anh còn sống) chưa chấp thuận vì cho rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định. Do chị D với anh T chưa đăng ký kết hôn nên chị D không phải là vợ hợp pháp, không có quyền với tinh trùng của anh T, còn bà Huyền dù là mẹ ruột của anh T. cũng không có quyền do không thuộc đối tượng có quyền theo quy định pháp luật6. Như vậy, chỉ có người vợ được quyền tiếp tục lưu giữ và sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết, còn nếu người lưu trữ chưa có vợ pháp luật bắt buộc cơ sở y tế lưu trữ tinh trùng phải hủy mẫu. Tương tự, trường hợp khác tại thành phố Hồ Chí Minh về một thanh niên đã lên kế hoạch kết hôn và sinh con nhưng không may mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi điều trị anh đã gửi tinh trùng của mình tại một bệnh viện với hy vọng có thể có con chung với bạn gái. Nhưng anh qua đời ở tuổi 22 khi vừa tổ chức đám cưới mà chưa kịp đăng ký kết hôn. Mẹ và bạn gái của anh đến bệnh viện để xin mẫu tinh trùng để IVF thì bệnh viện từ chối. Mẹ ruột người chết yêu cầu bệnh viện trả mẫu tinh trùng con trai mình cho gia đình. Phía bệnh viện yêu cầu nếu có văn bản pháp lý công nhận mẫu tinh trùng mà bệnh viện đang lưu trữ là tài sản mà bà được thừa kế từ con trai thì sẽ trả lại. Tuy nhiên, tinh trùng là tài sản hay không phải tài sản chưa được pháp luật quy định một cách rõ ràng. 

Sửa đổi quy định về người thừa kế theo hướng bổ sung, điều 613 Bộ luật dân sự 2015, “người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết” bổ sung “con thành thai sau khi người để thừa kế chết được sinh ra theo nguyện vọng của người để thừa kế khi còn sống hoặc được sự đồng ý của cha, mẹ người chết”, trừ trường hợp hiến.

Thứ hai, chưa có cách hiểu thống nhất nên mỗi cơ sở y tế có quan điểm khác nhau. Trường hợp bà P.T.H có con trai đã qua đời do bệnh nặng. Bà H yêu cầu bệnh viện trữ lại tinh trùng cho con với mong muốn IVF sinh con. Thế nhưng, khi bà H và con dâu làm thủ tục xin thụ tinh thì bị từ chối. Bệnh viện HV tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng con bà H đã qua đời và hiện chưa có quy định cho phép sinh con cho người chết. Bệnh viện sẽ giúp lưu giữ tinh trùng nhưng việc sinh con phải chờ quy định7.

Trong khi đó, tại một bệnh viện ở Hà Nội, năm 2013 đã thực hiện IVF từ tinh trùng lấy từ thi thể người chết vào năm 2013. Năm 2013 chồng chị Kim D ở Hà Nội qua đời đột ngột. Chị có nguyện vọng muốn sinh con cho chồng và tìm đến bác sĩ V. Vì ông đã tiếp cận vấn đề này hơn 10 năm, thêm 9 năm nữa đi sâu vào nghiên cứu nên không có trở ngại gì về kỹ thuật và quy định pháp lý. Việc thụ tinh thành công, tạo ra một thai đôi hai bé trai. Chị mang thai và sinh hai con khỏe mạnh. Hai con trai của chị D được xét nghiệm ADN để chứng minh cùng huyết thống với người chồng đã mất và gia đình bên nội. Một trường hợp tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng không công khai, anh T. 36 tuổi, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh đột nhiên lâm bệnh nặng và qua đời. Vợ anh đã yêu cầu mổ lấy mẫu tinh trùng của chồng để trữ lạnh. Sau này với mẫu tinh trùng đó, nhờ sự can thiệp của y học cô ấy đã sinh con với tinh trùng của người chồng quá cố8.

Như vậy, mỗi cơ sở y tế có quan điểm khác nhau về việc thực hiện IVF từ noãn hoặc tinh trùng người đã mất. 

Thứ ba, tinh trùng là tài sản hay nhân thân pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ. Pháp luật hiện hành, chưa có quy định riêng cho trường hợp này, nên khi áp dụng các điều luật có liên quan, ta gặp phải sự mâu thuẫn trong các quy định cùng điều chỉnh vấn đề này. 

Thứ tư, xác định cha cho con sinh từ tinh trùng người cha đã chết.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì mẹ các bé sẽ phải khai sinh cho con là con ngoài giá thú. Con sinh ra từ tinh trùng của người chồng đã chết được thành thai sau khi hôn nhân chấm dứt không được xác định là con chung đương nhiên trong hôn nhân. 

Nhưng ngược lại, theo Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình 2014, con có quyền nhận cha kể cả trong trường hợp cha đã chết. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha cho con trong trường hợp này thuộc về Tòa án. Về thủ tục hộ tịch, quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trên thực tế, trường hợp chị D như đã phân tích trên được hướng dẫn riêng để khai sinh đầy đủ cha mẹ. Ông nội của hai cháu bé đã đến UBND phường Hoàng Liệt đăng ký khai sinh cho các cháu với mong muốn ghi đầy đủ tên cha của các cháu trong giấy khai sinh và các cháu được mang họ cha. Để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình chị D và bảo đảm quyền lợi cho hai cháu bé, ngày 3/1/2014 Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực – Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 35/HTQTCT-HT gửi UBND phường Hoàng Liệt hướng dẫn UBND phường Hoàng Liệt vận dụng các quy định của pháp luật đăng ký khai sinh cho hai cháu, giấy khai sinh phải ghi cả tên cha, mẹ. Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cũng hướng dẫn: Về hồ sơ đăng ký khai sinh, gia đình chị D phải bổ sung giấy tờ của bệnh viện xác nhận việc tiến hành kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho chị D từ tinh trùng của người chồng đã mất hoặc kết quả giám định AND xác định hai cháu là con của người chồng đã mất. Phần ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh của hai cháu bé phải ghi rõ về việc các cháu được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách kết hợp giữa tinh trùng của người chồng đã mất và noãn của người vợ).  

Như vậy, pháp luật thực định chưa có quy định cụ thể cho trường hợp này, tuy nhiên vẫn có thể xác định cha cho con thông qua thủ tục nhận cha tại tòa án có thẩm quyền và trên thực tế hướng dẫn của cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực riêng cho trường hợp chị D cũng tạo ra một tiền lệ trong việc giải quyết vấn đề hộ tịch của trẻ sinh ra từ tinh trùng của người cha đã mất.

Thứ năm, xác định quyền thừa kế.

Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Vậy, con sinh ra từ noãn và tinh trùng người đã mất được thành thai sau thời điểm mở thừa kế không có quyền thừa kế tài sản từ cha. Tương tự, Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định người con sinh ra không có quyền thừa kế, quyền được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng từ cái chết của cha cũng như quyền hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ người cha theo quy định về bảo hiểm xã hội.

Gợi ý giải pháp 

Thứ nhất, thừa nhận noãn/ tinh trùng là một tài sản đặc biệt có thể để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế tinh trùng phải là người vợ/ chồng và được định đoạt theo ba hướng: (1) tiếp tục lưu giữ; (2) sinh con; (3) hủy. 

Thứ hai, cần có quy định riêng theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ được sinh ra. Vì sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết là nhu cầu có thật và diễn ra nhiều trên thực tế. Pháp luật không thể đứng ngoài cuộc, cần có những quy định điều chỉnh vấn đề pháp lý phức tạp này để bảo vệ quyền lợi cho các bên, đặc biệt là đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết. 

1. Luật quy định về sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết phải được xây dựng trên những nguyên tắc sau: 

– Mục đích việc sinh con nhân văn, không trục lợi.

– Người vợ phải đáp ứng điều kiện sức khỏe, tâm lý, điều kiện kinh tế.

– Phải tiến hành xét nghiệm cẩn thận mẫu tinh trùng trước khi thụ tinh như trường hợp IVF theo Nghị định 10/2015.

– Giới hạn số con sinh ra.

– Đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần cho trẻ.

– Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ.

– Xem xét nguyện vọng và quyền lợi của người chết và những người thân thích khác đối với sự kiện đứa trẻ sinh ra

2. Trao quyền cho người vợ/ chồng hợp pháp được phép lưu giữ và sử dụng tinh trùng của người chồng sau khi người này chết để sinh con và quyền được lấy, lưu giữ và sử dung tinh trùng người chồng từ cơ thể chết não hoặc thi thể của anh ta.

3. Việc lấy tinh trùng người chồng từ cơ thể, chết não và thi thể phải tiến hành kiểm tra chất lượng mẫu tinh trùng như trường hợp hiến tặng trước khi đưa vào IVF.

4. Điều kiện để sinh con từ tinh trùng người chồng đã chết:

– Về độ tuổi của người vợ được phép sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết để tiến hành IVF: còn trong độ tuổi sinh đẻ, có xác nhận về sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền nhằm đảm bảo sức khỏe sinh sản, tâm thần cho người mẹ trong quá trình thụ tinh, mang thai, sinh sản và chăm sóc đứa trẻ trong tương lai.

– Về điều kiện vật chất: người vợ phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu yêu cầu về nhân thân, kinh tế để đảm bảo môi trường nuôi dưỡng, giáo dục tốt cho đứa trẻ (các điều kiện này có thể tham khảo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010).

Thứ ba, việc xác định quan hệ cha con có xem xét nguyện vọng của người chết và cha, mẹ người chết. Về việc xác định quan hệ cha con nên chia làm hai trường hợp: (1) có bằng chứng về nguyện vọng sinh con của người chồng hoặc của cha, mẹ người chết thì con sinh ra được thừa nhận là con chung trong hôn nhân gia đình có quyền thừa kế đối với cha và ông bà nội; (2) không có bằng chứng về nguyện vọng sinh con từ người chết và ý kiến của cha, mẹ người chết con sinh ra không được xác định là con đương nhiên theo luật hôn nhân và gia đình, không được hưởng các quyền thừa kế nhưng có thể xác định cha cho con trong hộ tịch thông qua thủ tục nhận cha cho con theo Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Thứ tư, sửa đổi quy định về người thừa kế theo hướng bổ sung, Điều 613 Bộ luật dân sự 2015, “người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết” bổ sung “con thành thai sau khi người để thừa kế chết được sinh ra theo nguyện vọng của người để thừa kế khi còn sống hoặc được sự đồng ý của cha, mẹ người chết”, trừ trường hợp hiến.

Lời kết

Sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết là một vấn đề pháp lý phức tạp nhưng đã diễn ra trên thực tế, đòi hỏi bức thiết phải xây dựng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ phát sinh nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên về tài sản cũng như về nhân thân trong quan hệ hôn nhân và gia đình, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở y tế thực hiện hoạt động IVF. Các quy định pháp luật phải được xây dựng trên nguyên tắc có lợi cho đứa trẻ và đề cao tính nhân văn, nghiêm cấm các hành vi trục lợi.□

——

*Về các tác giả: Ths. Hồ Thị Thanh Trúc, Khoa Kinh tế – Luật, trường Đại học Tài chính – Marketing.

———–

Chú thích

1 Phương Trang (2013), Sinh đôi từ tinh trùng của chồng quá cố, https://vnexpress.net/sinh-doi-tu-tinh-trung-cua-chong-qua-co-2930031.html, truy cập 11/7/2024

2 Yến Nhi (2019), Sinh con từ tinh trùng người đã  mất mòn mỏi chờ luật, https://tienphong.vn/sinh-con-tu-tinh-trung-nguoi-da-mat-mon-moi-cho-luat-post1084062.tpo, truy cập 11/7/2024

3 Ngoại lệ Lockean và Hart, Ngoại lệ Lockean xem xác chết hoặc các bộ phận cơ thể có thể tháo rời, tái sinh là tài sản. Hart đưa ta việc phân loại các bộ phận từ cơ thể người được xem là tài sản:

1. Xác chết. Do đó, người chiếm hữu cơ thể của con người đã hết hạn sử dụng và sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc công nhận quyền ra quyết định đối với cơ thể của họ; 

2. Các bộ phận cơ thể có thể tháo rời và tái tạo, và không phải là bản chất đối với sự tồn tại của cơ thể vì chúng sẽ được tái tạo sau khi bị loại bỏ. Vì vậy, việc loại bỏ chúng sẽ không ảnh hưởng đến cơ thể theo cách sẽ hạn chế quyền ra quyết định của người chiếm giữ thi thể.

4 Thông tư số 17/2020/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 12/11/2021, Quy định tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

5 Ngọc Dung (2019), Có nên giữ tinh trùng của người đã chết, https://nld.com.vn/thoi-su/co-nen-giu-tinh-trung-cua-nguoi-da-chet-20190108223120186.htm, truy cập 11/7/2024

6 Tuổi trẻ (2018), Hướng ra nào cho vụ xin thừa kế tinh trùng,  https://tuoitre.vn/huong-ra-nao-cho-vu-xin-thua-ke-tinh-trung-20181224145515711.htm, truy cập 11/7/2024

7 https://laodong.vn/xa-hoi/sinh-con-tu-tinh-trung-nguoi-da-mat-nguoi-nha-than-benh-vien-kho-xu-647453.ldo

8 Thanh Huyền (2013), Sinh con từ tinh trùng của người chết, có nhiều nhưng giữ kín, https://vietnamnet.vn/sinh-con-tu-tinh-trung-nguoi-chet-co-nhieu-nhung-giu-kin-155882.html, truy cập 11/7/2024.

TS. Hoàng Xuân Sơn, trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Bài đăng Tia Sáng số 15/2024

Tác giả

(Visited 91 times, 1 visits today)