Sức khỏe công cộng ở Việt Nam: Những ngộ nhận cơ bản

Ngành sức khỏe công cộng luôn có đóng góp quan trọng, nếu không muốn nói là hơn so với ngành y học lâm sàng trong việc bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của cả cộng đồng. Tuy nhiên, phải sau thời kì giải phóng, Việt Nam mới bắt đầu chú ý đến ngành khoa học này. Theo đó, các khoa chuyên ngành hoặc Đại học Y đều phải có bộ môn Y tế Công cộng. Chương trình học của sinh viên Y cũng phải có nội dung về Y tế Công cộng.

Tiêm cho từng người là việc của ngành y tế lâm sàng nhưng lên kế hoạch tiêm chủng trên diện rộng là nhiệm vụ của ngành sức khỏe công cộng. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Nhờ đó, ngành sức khỏe công cộng của Việt Nam đã có những thành tựu nhất định, nhưng sự phát triển của ngành này trong những năm qua vẫn trì trệ mà phần lớn là do bộ máy hành chính quan liêu. Một trong những ví dụ mà tôi từng trải nghiệm đó là trong lĩnh vực giảng dạy. Theo đó, có quy định rằng: “70% chương trình học được quy định bởi Bộ Y tế và 30% là do các trường tự quyết định”. Đây thực sự là một điều nực cười bởi chẳng có cơ sở nào khả dĩ có thể phân định phần nào của Chương trình học thuộc về Bộ và phần nào thuộc về trường. Đó còn chưa kể là phần quy định của Bộ Y tế chi tiết quá mức cần thiết, với nhiều nội dung đã lạc hậu từ năm 2006. Thậm chí cả Bộ Giáo dục cũng muốn giành kiểm soát một phần (hoặc toàn bộ) miếng bánh chương trình học! Dĩ nhiên, sự quan liêu không chỉ ảnh hưởng đến chương trình học Y tế Công cộng mà còn cả ở việc tổ chức và sắp xếp các cơ quan liên quan đến lĩnh vực này. Chẳng hạn, Bộ Y tế không có một cơ quan chuyên trách nào phụ trách Y tế Công cộng. Tồi tệ hơn, mặc dù đã cố gắng nhiều lần nhưng tôi không thể kết nối với bất cứ ai ở Bộ Y tế về một cái nhìn toàn cảnh, mạch lạc về bức tranh Sức khỏe Công cộng ở Việt Nam.   

Bài viết này xin chỉ ra những vấn đề chính của sức khỏe công cộng ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp hợp lý để giải quyết, dựa trên những gì tôi làm việc trong lĩnh vực này ở Việt Nam từ năm 1980 đến nay. Đây là tóm tắt của báo cáo lớn “Chương trình Y tế Công cộng ở Việt Nam” của tôi, nhằm thúc đẩy một cuộc thảo luận cởi mở và rộng rãi giữa những người làm sức khỏe công cộng ở Việt Nam và cả những người đang coi nhẹ ngành này.

Thuật ngữ “Y tế Công cộng”

Thuật ngữ Tiếng Anh “Public Health” và cách dịch nguyên văn từ này sang các ngôn ngữ khác đã được sử dụng hàng thế kỉ ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu dịch ra Tiếng Việt, “Public Health” phải là “Sức khỏe Công cộng” chứ không phải là “Y tế Công cộng” – từ mà Việt Nam đã dùng hàng chục năm nay. “Y tế” ở Việt Nam thường được hiểu là “Y học lâm sàng” hoặc “Bác sĩ”. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mắc sai lầm này.

Thế nào là “Sức khỏe Công cộng”?

Vì gọi tên sai thuật ngữ “Sức khỏe Công cộng” là “Y tế Công cộng”, không khó hiểu khi Việt Nam vẫn chưa thống nhất một định nghĩa cho ngành này.

Định nghĩa đầu tiên của khái niệm Sức khỏe Công cộng được đề xuất vào năm 1920 bởi Charles – Edward Amory Winslow, giáo sư tại Đại học Yale, Mỹ. Giám đốc cơ quan Y tế của Vương Quốc Anh và về sau Sir Donald Acheson, kế thừa và phát biểu súc tích hơn một chút. Theo hai người này, “Sức khỏe Công cộng là tập hợp những nỗ lực tổ chức cộng đồng nhằm nâng cao sức khỏe của họ”. Về sau này, các định nghĩa thường tùy ý liệt kê các hoạt động được cho là nằm trong những thành phần trong Sức khỏe Công cộng. Tuy nhiên, tất cả các định nghĩa theo kiểu liệt kê như vậy hoàn toàn vô ích.

Định nghĩa của tôi gần gũi với quan điểm của Winslow và Acheson và nhấn mạnh thêm vào sự khác biệt giữa Sức khỏe Công cộng và Y học lâm sàng: “Sức khỏe Công cộng là toàn bộ những hoạt động lý thuyết và thực hành liên quan tới sức khỏe con người và hướng tới toàn thể cộng đồng chứ không phải là những cá nhân cụ thể trong cộng đồng đó”. Để độc giả có thể hình dung rõ hơn, tôi xin nêu ra một ví dụ: tiêm chủng cho một người cụ thể là hoạt động Y học lâm sàng nhưng lên kế hoạch và tổ chức một chương trình tiêm chủng là thuộc về lĩnh vực Sức khỏe Công cộng.

Tài liệu cho giảng viên

Hiện tại, giảng viên của Việt Nam không được tiếp nhận một chương trình đủ sâu sắc và bao quát các vấn đề của bộ môn Sức khỏe Công cộng để về sau họ có đủ sự linh hoạt trong việc thiết kế chương trình dạy. Về cơ bản, bộ sách dùng để nâng cao chất lượng giảng viên cần có các nội dung: 1) Dịch tễ học (lĩnh vực nền tảng của sức khỏe công cộng), 2) Giáo dục sức khỏe, 3) Khoa học dân số và Y tế Công cộng, 4) Toán học và Thống kê trong khoa học y tế, 5) Sức khỏe môi trường – các nguyên lí cơ bản, 6) Dinh dưỡng – Quan điểm dịch tễ học, 7) Y học cổ truyền và Y học thay thế trong sức khỏe công cộng. Ở Việt Nam đã có hai bộ sách bao trùm các vấn đề này, trong đó có một bộ sách do tôi là tác giả, được xuất bản dưới dạng song ngữ Anh-Việt.

Ngoài ra, có một số nội dung quan trọng nhưng chưa được viết thành sách về các lĩnh vực như “Quy hoạch sức khỏe, Quản lý sức khỏe, Kinh tế sức khỏe” trong tình hình Việt Nam, “Sức khỏe Công cộng và Luật pháp” (đừng nhầm lẫn với “Y học và Luật pháp”), “Đạo đức trong Sức khỏe Công cộng” (hoàn toàn khác với “Y đức”).

Giáo trình cho sinh viên

Chương trình dạy chuyên môn cho sinh viên cần bốn nhóm mô-đun, xếp theo thứ tự quan trọng đến ít quan trọng hơn bao gồm:

Nhóm 1 là các công cụ khoa học nền tảng cho việc thực hành và nghiên cứu Sức khỏe công cộng bao gồm: Toán học (đặc biệt là Toán thống kê), Khoa học máy tính, Dịch tễ học, Vật lý, Hóa học, Sinh học

Nhóm 2 là những chủ đề gần gũi với Y học lâm sàng như: Di truyền quần thể (khác với di truyền vi sinh vật), Miễn dịch quần thể (không phải là miễn dịch vi sinh vật) và Y học cổ truyền

Nhóm 3 là những chủ đề bổ trợ trực tiếp cho việc thực hành y tế công cộng bao gồm: Nhân khẩu học (khoa học dân số), Giáo dục sức khỏe, Sức khỏe môi trường, Dinh dưỡng, Thử nghiệm lâm sàng, Các hoạt động Sức khỏe công cộng ở Việt Nam

Nhóm 4 là vấn đề của Sức khỏe Công cộng bao gồm: Quy hoạch sức khỏe và quản lý sức khỏe, Kinh tế sức khỏe, Sức khỏe công cộng và luật pháp, Đạo đức sức khỏe công cộng

Bằng cấp trong ngành Sức khỏe Công cộng

Tôi đã thấy sự lộn xộn với đủ loại chương trình giảng dạy Sức khỏe Công cộng dành cho các bằng cấp khác nhau tại các trường Đại học ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chỉ nên có ba loại bằng Y tế Công cộng bao gồm:

1. Bằng Cử nhân về Sức khỏe Công cộng

2. Bằng Thạc sĩ về Sức khỏe Công cộng

3. Bằng Tiến sĩ (Ph.D.) về Sức khỏe Công cộng

Mỗi Khoa Sức khỏe Công cộng sẽ tập trung vào chương trình Cử nhân trước. Chương trình cho Thạc sĩ và Tiến sĩ sẽ được bổ sung ngay sau khi Khoa có đủ giảng viên để triển khai.

Tôi cho rằng, không nên xây dựng giáo trình của chương trình cả ba bậc Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ độc lập nhau. Sẽ không hợp lý nếu yêu cầu một sinh viên đã có bằng Cử nhân Sức khỏe Công cộng và quyết định tiếp tục học lên bậc Thạc sĩ phải “học lại từ đầu”. Thay vào đó, có thể chúng ta sẽ coi chương trình dành cho khóa Cử nhân như là một phần của chương trình học Thạc sĩ, với số mô-đun ít hơn.

Tiếp theo, tôi muốn nhấn mạnh, đó là Khoa Sức khỏe Công cộng trong một Đại học Y khoa không chỉ nhằm mục đích đào tạo ra các chuyên gia Sức khỏe công cộng mà đồng thời cũng chuyển tải những khái niệm quan trọng nhất của Sức khỏe Công cộng tới các bác sĩ tương lai. Mục đích của điều này là tạo ra một nền tảng để hai ngành này có thể hợp tác với nhau – điều hiện nay tôi hầu như không thấy ở Việt Nam. Khi khái niệm Sức khỏe Công cộng bắt đầu bén rễ ở Việt Nam, người ta từng thống nhất chung rằng giáo trình Y khoa trong sáu năm đầu phải có một phần dành cho lĩnh vực Sức khỏe Công cộng, và phần đó là do Khoa Sức khỏe công cộng đảm nhiệm và xây dựng dành cho các sinh viên y khoa. Tôi tin rằng nội dung giảng dạy cho sinh viên y nên bao gồm:

– Khái niệm và lịch sử của ngành Sức khỏe Công cộng

– Dịch tễ học, bao gồm Thử nghiệm lâm sàng

– Giáo dục sức khỏe, bao gồm Vệ sinh

– Sức khỏe môi trường

– Dinh dưỡng

Để đưa những nội dung giảng dạy này thành hiện thực, tôi nghĩ điều này là việc của tất cả các trường, khoa về Sức khỏe Công cộng trên cả nước. Tôi phải nhấn mạnh rằng giáo trình ở các nơi khác nhau phải có điểm tương đồng để cho phép một sinh viên có thể chuyển từ Đại học này sang Đại học khác hoặc về sau là từ nơi làm việc này sang nơi làm việc khác.

Từ vấn đề hành chính quan liêu phía trên, một cách thức hợp lý để có thể giải quyết được vấn đề về sự thống nhất này đó là:

Các trường, Khoa Sức khỏe Công cộng ở Việt Nam phải thành lập “Hội đồng giảng dạy Sức khỏe Y tế Công cộng”. Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm đề ra chi tiết những giải pháp cho những ý tưởng tôi đề xuất phía trên. Họ sẽ xem xét và đa phần các Khoa Y tế Công cộng ở Việt Nam sẽ sử dụng một giáo trình với các mô-đun có nội dung thống nhất. Họ cũng sẽ xây dựng một giáo trình có chất lượng khoa học cao, dựa vào ý kiến đầu vào của tất cả các trường đại học. Hội đồng này còn có một nhiệm vụ khác, đó là giúp các sinh viên hoàn thành các bậc học có thể tìm được địa chỉ làm việc phù hợp. Hội đồng này có thể đặt ở một Đại học và tập hợp thông tin từ những người có năng lực và uy tín với kinh nghiệm làm việc lâu năm và bao quát trong lĩnh vực Sức khỏe Công cộng ở Việt Nam.

Tuyển sinh

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có một quy định bất thành văn là sinh viên nào không đỗ Đại học ngành Y thì sẽ chuyển sang học Y tế Công cộng. Điều này thực sự có tác động vô cùng tiêu cực tới sức khỏe của cộng đồng. Chúng ta phải xác định quy chế tuyển sinh riêng cho ngành Y tế Công cộng và độc lập với quy chế tuyển sinh cho ngành Y, để có những sinh viên tốt nghiệp có chuyên môn cao. Điều này có nghĩa là, họ phải được lựa chọn dựa trên khả năng thực hành Sức khỏe Công cộng về sau. Và như vậy, tiêu chí tuyển sinh cho bằng Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Sức khỏe công cộng sẽ không giống nhau!

Luôn luôn phải có một loạt các tiêu chí tuyển sinh đa dạng, chứ không phải chỉ một tiêu chí là đủ. Cho ba bậc học, ngoài phải hoàn thành bậc phổ thông, ứng viên còn cần có tri thức trong một vài lĩnh vực đời sống nhất định. Chẳng hạn, để đăng ký học Cử nhân Sức khỏe Công cộng, ứng viên cần có kinh nghiệm trong lĩnh vực phụ trợ ngành sức khỏe, chẳng hạn như làm Trợ lý kỹ thuật Y khoa hoặc là phụ tá cho một bác sĩ. Để được tuyển vào ngành Thạc sĩ Y tế Công cộng, một người phải có kinh nghiệm và trải nghiệm văn hóa nghiên cứu. Chẳng hạn như ứng viên đó nên trình bày những nghiên cứu trước của mình và nếu có thể thì cả những kinh nghiệm trước đây trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý, y, thống kê hoặc khoa học máy tính. Cho bằng Tiến sĩ, ứng viên thậm chí phải có chuyên môn về Toán học, Nhân khẩu học, Địa lý hoặc một ngành khoa học tự nhiên nào đó như Vật lý chẳng hạn.

Vị thế của người làm Y tế công cộng

Ở Việt Nam, tôi thi thoảng có dịp nói chuyện với những người trẻ tốt nghiệp phổ thông và dự định nộp đơn học Y. Tôi hỏi họ tại sao họ không chọn ngành Sức khỏe Công cộng. Câu trả lời hầu như đều giống nhau: “Là bác sĩ thì tôi kiếm được nhiều tiền hơn”.

Tình hình này cũng hết sức đáng ngại cho sức khỏe của dân số. Tôi đề xuất nhìn lại các giải pháp giúp cho những cán bộ khoa học Sức khỏe Công cộng trong các Đại học, các giảng viên và Giáo sư, một “địa vị”, hay một “vị thế” tương đương với những cán bộ ngành Y.

Vị thế của giảng viên Sức khỏe Công cộng không chỉ được quyết định bởi lương của họ mà còn nhiều yếu tố khác. Đầu tiên, các y bác sĩ trong các Khoa Y và các phòng khám liên kết với nó thường có thể kiếm thêm thu nhập ngoài lương. Liệu các giảng viên Y tế Công cộng có thể có những cơ hội tương tự? Tôi không nghĩ điều đó khó. Tiếp theo là số giờ giảng: Một giảng viên ngành Y tế công cộng phải giảng dạy bao nhiêu giờ mỗi tuần? Họ có bao nhiêu thời gian để làm nghiên cứu, và họ có phải chia sẻ các việc công ích khác không? Liệu các Đại học có nỗ lực để mô tả công việc của giảng viên Sức khỏe Công cộng trên báo chí nhiều như họ ca ngợi những y bác sĩ?

Trong Đại học công lập, sẽ không có gì khó để thiết kế các chức danh của cán bộ khoa học trong Khoa Sức khỏe Công cộng tương ứng với các chức danh của các cơ sở Y khoa. Trong Đại học Tư nhân, để làm được điều đó có thể sẽ cần một quyết định đặc biệt.

Tạm kết

Tóm tắt trên đã giúp người đọc có một hình dung rõ ràng về mục tiêu và cấu trúc của chương trình của tôi. Tôi sẽ viết tiếp các vấn đề khác về Sức khỏe công cộng ở Việt Nam trong tương lai. Chẳng hạn như:

– Việc làm tương lai của những sinh viên tốt nghiệp các bậc học ngành Sức khỏe Công cộng.

– Sức khỏe Công cộng bên ngoài trường đại học: các cơ sở nghiên cứu, các công việc liên quan đến đào tạo và thực hành.

– Sự khác biệt giữa các bệnh nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn: Viện Vệ sinh Dịch tễ học (NIHE) là một đơn vị chuyên về các bệnh nhiễm khuẩn và việc cần phải có một cơ quan tương đương phụ trách các bệnh không nhiễm khuẩn là vô cùng cần thiết. Cũng cần nói rõ rằng, dù NIHE là một đơn vị lớn với mạng lưới các cơ sở trực thuộc phủ khắp cả nước nhưng cơ quan phụ trách các bệnh không nhiễm khuẩn này không thể trực thuộc NIHE.

– Một thư viện số các nghiên cứu khoa học liên quan đến Sức khỏe Công cộng ở Việt Nam và một “Nhà xuất bản Sức khỏe Công cộng”.

– Các vấn đề Sức khỏe Công cộng gây ra do quản lý các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thiếu chặt chẽ.□

Hảo Linh dịch

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)