Tia Sáng – Một không gian đối thoại của trí thức

Góp phần khuyến khích trí thức, những người có trách nhiệm cất lên tiếng nói đóng góp vào sự phát triển của xã hội là điều mà các cộng tác viên và bạn đọc gửi gắm ở Tia Sáng hôm nay.

Từ trái sang phải, TS. Trần Chí Thành, GS. Pierre Darriulat, GS. Hoàng Tụy, GS. Phạm Duy Hiển tại cuộc gặp gỡ cộng tác viên của Tia Sáng năm 2014.

Cách đây hơn bốn thập niên, nhà văn Nguyễn Khải viết Gặp gỡ cuối năm, một cuốn tiểu thuyết miêu tả cuộc tụ họp bên mâm cỗ tất niên với những dòng đối thoại không khoan nhượng và những lời tâm sự đầy đau đớn về thân phận cá nhân, xung đột nhân sinh quan cũ – mới, lợi ích cá nhân – tập thể giữa một xã hội Việt Nam đang biến chuyển sau cột mốc thống nhất đất nước năm 1975, giữa một nền kinh tế mới đang vật lộn hình thành từ những đổ nát chiến tranh và sự nhận đường của tư duy xã hội chủ nghĩa. Xoay quanh những dòng đối thoại miên man, trải rộng trên các phạm vi văn hóa, triết học, truyền thống, kinh tế, các ngành nghề, kéo dài từ buổi chiều cuối cùng của năm cũ đến thời khắc đón năm mới trong đêm trừ tịch, là những câu hỏi mà người ta cảm nhận đang vần vũ quần thảo trong đầu những người ngồi bên bàn tiệc, và cả những người chỉ được xuất hiện thông qua lời kể của họ: những người trí thức cần phải làm gì? sống như thế nào để có ích cho đất nước hôm nay? làm thế nào để dung hòa được mong muốn cá nhân và lợi ích của tập thể? con người cần hành xử như thế nào trước những biến chuyển, thậm chí biến cố, của đất nước? đâu là giá trị của con người sống trong xã hội, đặc biệt là giá trị của trí thức?…

Phần nào những câu hỏi như thế đã ẩn hiện trong một cuộc gặp gỡ khác, hay nói đúng hơn là cuộc trao đổi giữa các cộng tác viên nhiều thế hệ của Tia Sáng/KH&PT, những nhà khoa học, nghệ sĩ luôn mong muốn gìn giữ và duy trì một diễn đàn phân tích những vấn đề của đời sống xã hội đất nước hôm nay, dưới góc nhìn khoa học và bằng tinh thần xây dựng. Trong dòng chảy của ký ức về sự hình thành của một diễn đàn như vậy từ thuở ban đầu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một cộng tác viên gạo cội của Tia Sáng, đã chia sẻ những suy nghĩ của mình “Mỗi lần đến Tia Sáng, điều đầu tiên tôi nhớ đến là một vài gương mặt của những nhà trí thức, có những người giờ đã khuất núi, có những người từ đầu đã đóng góp rất lớn cho sự trưởng thành của Tia Sáng sau này. Bởi chính họ đã góp phần tạo nên bản sắc của Tia Sáng, nơi các nhà trí thức, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau có thể ngồi với nhau, chia sẻ với nhau rất nhiều điều một cách chân tình, thẳng thắn như GS. Phan Đình Diệu, GS. Hoàng Tụy, nhà thơ Việt Phương, nhà văn Nguyên Ngọc…”. 

“Trí thức không chỉ là người lao động trí óc mà còn hơn thế, phải là những người có ý thức về trách nhiệm xã hội của mình, thực hiện sứ mạng lan tỏa tri thức của mình ra cho xã hội”. 

GS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN. 

Trong hơn ba thập niên ấy, cái khung khổ có hạn định so với cái phạm vi dài rộng khôn cùng của không thời gian, sự trao đổi ý tưởng và góc nhìn đã giúp mọi người “hiểu được cái tâm, và cái tầm của những người trí thức, biết nghĩ không chỉ trong lĩnh vực của mình mà nghĩ rộng ra trong các vấn đề phát triển của đất nước, của cả xã hội Việt Nam, của các thế hệ tương lai của Việt Nam”, bà nói. 

Qua các trang Tia Sáng, sự tham gia luận bàn của những nhà khoa học, nhà văn hóa trong việc nêu ra những ý kiến của mình, với một lòng tha thiết như chia sẻ của GS. Hoàng Tụy tại buổi sinh nhật cuối cùng của ông do Viện Toán học tổ chức, “tấm lòng của tôi đối với khoa học, đối với đất nước, từ thuở thiếu thời đến giờ, chưa bao giờ vơi”, đã tạo dựng nên một không gian đối thoại của trí thức. Theo thời gian, không gian mang tính xã hội này đã trở thành nơi quy tụ nhiều trí thức như một lẽ tất nhiên bởi theo nhận xét của GS. Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), “muốn phát huy được vai trò xã hội của mình, người trí thức cần có những không gian sáng tạo riêng và một bản lĩnh khoa học”. Nguyên do là “họ làm việc trong khuôn khổ của một định chế khoa học của nhà nước (formal space) nhưng họ có xu hướng mở rộng không gian sáng tạo khoa học không chính thức của riêng mình (informal space) và chính trong không gian riêng hạn hẹp này, họ đã cất lên tiếng nói tâm huyết góp phần làm ‘thức tỉnh xã hội’”, GS. Nguyễn Văn Chính đã trao đổi như vậy về không gian sáng tạo của trí thức với Tia Sáng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ những suy nghĩ của mình về trí thức. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Những con người ấy, như nhìn nhận của nhà văn Nguyễn Khải “cuộc đời của họ dầy lắm, mà sự cống hiến của họ cho đến hôm nay vẫn còn rất to lớn và có ý nghĩa quyết định”, đã kiên trì và bền bỉ, không chỉ trao đổi về học thuật, vận động các nhà nghiên cứu khác lên tiếng để cùng đưa khoa học Việt Nam hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế, mà còn dũng cảm nêu những ý kiến về đổi mới cơ chế quản lý, trọng dụng nhân tài, chấn hưng nền giáo dục, vun đắp văn hóa… 

Sự dũng cảm ở những người trí thức, thể hiện ngay ở tinh thần đầy quyết liệt Xin được nói thẳng, như tên cuốn sách dày hơn 400 trang, tập hợp những bài viết của GS. Hoàng Tụy trên Tia Sáng trong vòng hơn hai thập niên và được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 2019. Bởi “phải là những người rất dũng cảm thì mới dám nói thẳng như vậy, và có nói thẳng ra thì mới có thể cùng nhau xem xét các vấn đề một cách thấu đáo để giải quyết. Nếu không, có thể [chúng ta] sẽ sống trong những ảo tưởng về sự phát triển không hợp lí, không phù hợp với điều kiện thực tế, với khả năng của mình”, bà Phạm Chi Lan nhận xét.

Đó là một di sản không dễ có được và không nên để mất mát đi.

Mở rộng không gian đối thoại

Không ai có thể cưỡng lại được thời gian. Không gian Tia Sáng dần chứng kiến sự ra đi của những tên tuổi lớn, những cộng tác viên gạo cội như GS. Nguyễn Văn Chiển, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Phan Đình Diệu, GS. Hoàng Tụy, GS. Văn Như Cương, nhà giáo Phạm Toàn, GS. Ngô Vĩnh Long, nhà thơ Việt Phương… nhưng tinh thần họ để lại vẫn còn được tiếp nối. Điều đó được hiển thị ở nguyên tắc bình đẳng của đối thoại trong không gian này, bởi nói như TS. Nguyễn Thị Từ Huy “nhờ đối thoại mà mọi tiếng nói có thể cất lên và được lắng nghe”.

Nhưng có lẽ, trong một bối cảnh xã hội phát triển khác trước, Tia Sáng cũng cần phải thay đổi và tăng cường kết nối hơn với xã hội qua những đường dẫn khác nhau, để không gian của mình không chỉ là nơi cất lên tiếng nói của những người trí thức mà còn nơi tiếp nhận những phản hồi đa dạng của xã hội. Đây không phải là ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hóa thế hệ sau mà từ bậc trưởng lão như GS. Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), “Cái yếu của Tia Sáng là ít giao lưu với độc giả. Khoa học đã chứng minh, sợ giao lưu sẽ dẫn đến kém còn giao lưu thì có lợi. Do đó, Tia Sáng cần giao lưu với độc giả, tổ chức truyền thông các vấn đề, tổ chức những cuộc tọa đàm, seminar vì nó sẽ có hiệu quả gấp nhiều lần hơn so với một bài báo”.

Chúng ta cần những người có trọng trách phải trung thực, có năng lực. Tôi mong rằng các nhà quản lý sẽ nhận ra sự khác biệt giữa những người có cái nhìn xây dựng, đóng góp cho sự phát triển, phân biệt với những người chỉ muốn phê phán theo hướng tiêu cực. Tia Sáng phải được khuyến khích bởi nhà chức trách. Trong thâm tâm, đó là những gì tôi rất mong muốn ở Tia Sáng trong năm tới. 

GS Pierre Dariulat

Những cuộc giao lưu trong không gian Tia Sáng theo nhiều cách thức mới mẻ bên cạnh truyền thống có thể sẽ góp phần tạo ra một nguồn lực hấp dẫn thu hút, khuyến khích thúc giục được ngày càng nhiều các nhà khoa học, những trí thức đâu đó trong các trường, viện cùng tham gia thảo luận về những vấn đề liên quan đến sự phát triển của xã hội. Dẫn ra việc tham gia vào những cuộc thảo luận như thế trong xã hội, GS. Trần Trí Dõi (Khoa Ngôn ngữ, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) cho rằng, với tư cách người nghe, chúng tôi nhận ra “ở đó cũng những chuyện thật ra cũng có cái chân lý của nó nhưng mới chỉ manh nha thế thôi chứ chưa phải. Vậy cần phải có thảo luận”.  

Những cuộc thảo luận mà Tia Sáng có thể tổ chức, theo ông, trên những chủ đề nóng của khoa học mà có tác động sâu rộng trong xã hội hiện nay, ví dụ như AI. Gần như chưa có một thứ công nghệ nào ngay từ thuở sơ khai lại liên quan trực tiếp đến con người theo nhiều góc độ như AI nhưng lại chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Kẻ khổng lồ hung bạo này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Từ trường hợp nghiên cứu của mình, GS Trần Trí Dõi chỉ ra một vấn đề “Chúng tôi có nghiên cứu về ngôn ngữ liên quan đến ngôn ngữ và máy tính. Bọn tôi muốn kiểm tra xem tỉ lệ bao nhiêu phần trăm ngôn ngữ do máy tính xử lý đáng tin cậy được và đã đi đến một con số là chỉ có 37% thôi. Chúng ta thấy được mặt tốt của AI nhưng cũng phải chỉ ra cho xã hội cái mặt không tốt của AI. Chúng ta nên đưa ra vấn đề cho xã hội thảo luận”.

GS. Trần Xuân Hoài mong muốn Tia Sáng mở thêm nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo để trao đổi thông tin theo các chủ đề được xã hội quan tâm. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Sự thảo luận về KH&CN, các chính sách phát triển… ở không gian Tia Sáng, qua các bài viết và các tọa đàm, theo chuyên gia Phạm Chi Lan “vẫn rất có giá trị, đặc biệt trong thời đại KH&CN phát triển rộng lớn như ngày nay, với riêng cá nhân tôi, cũng như một số anh em làm cho doanh nghiệp, kinh tế… Đối với một số doanh nghiệp cũng vậy, họ cũng cảm nhận được điều đó bởi ai cũng đang cố gắng để học hỏi, tìm kiếm thêm, biết rõ thêm hướng phát triển tương lai của mình sẽ như thế nào, sẽ đi về đâu, đặc biệt với một số ngành nghề cụ thể”. Với góc nhìn của một nhà kinh tế sắc sảo từng nhiều năm làm việc tại Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, bà cho rằng, hiện tại, KH&CN cần phải được đi vào cuộc sống, phải biến thành sức mạnh thực tế của đất nước và khơi dậy những nguồn lực và ý tưởng sáng tạo trong xã hội. Dẫn ví dụ con số xuất khẩu hai tỷ đô la riêng của trái sầu riêng trong tổng số hơn 5 tỷ đô la xuất khẩu hàng rau quả là điều hoàn toàn bất ngờ, không nằm trong chiến lược, chính sách của chính phủ, bà nhận xét “Điều này chứng tỏ sự sáng tạo trong nhân dân, khả năng học hỏi trong nhân dân còn rất nhiều. Nếu những nhà khoa học, các ngành công nghệ khác nhau đi được vào cuộc sống thì có thể giúp tạo nên sự thay đổi rất lớn cho đất nước”.

Nhưng Tia Sáng sẽ không chỉ khuôn mình vào câu chuyện công nghệ mà còn là nơi trao đổi về các vấn đề văn hóa, giáo dục, nghệ thuật… bởi “trong xã hội hiện nay còn có mênh mông những thứ để khai thác, chúng ta không nên tự ràng buộc chúng ta trong một vài phạm vi nào đó. Những bài viết như vậy là thứ đọng lại, để người ta trích dẫn, cơ sở để người ta phản biện, bàn luận thêm”, theo nhận xét của GS. Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). 

Cuộc sống mới tạo ra những cái mới, và có thay đổi. Chúng ta khuyến khích thêm những điều đó. Nếu Tia Sáng có những bài viết về doanh nghiệp phía Nam thì sẽ vang thêm những tia sáng mới của cuộc sống nhiều hơn vào Tia Sáng, và cũng làm cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ thấy vui hơn khi thấy thực tế các thế hệ sau đang đi theo cách như vậy. 
Quá trình đổi mới của chúng ta, của thời kì đầu, bắt đầu từ kinh tế, thực sự chúng tôi rất mong, mà trong một vài cuộc trao đổi tôi được tham gia, tôi đã nêu mong muốn của tôi là đổi mới lần hai phải bắt đầu rất mạnh từ KH&CN, từ giáo dục, để có những con người, tư duy mới, cách làm mới, thực sự dám nghĩ dám làm. 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Dẫu phản ánh những vấn đề nào thì điều quan trọng, “tôi nghĩ câu chuyện ở Tia Sáng chính là câu chuyện của tất cả mọi người muốn có được tri thức, thông tin tin cậy. Trong bối cảnh xã hội hỗn loạn thông tin như hiện nay, rất cần nhiều tờ báo như Tia Sáng đưa ra tiếng nói đa chiều, những những suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề của đất nước”, PGS. TS Phạm Xuân Thạch (Khoa Văn học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) nói. 

Là một người nghiên cứu và giảng dạy văn học, anh quan tâm nhiều đến văn chương sách vở, nghệ thuật vì nó hữu ích cho chính công việc của mình và sinh viên của mình: “Tia Sáng đã làm việc có ý nghĩa bởi đã giới thiệu những cuốn sách ít được nói đến trên báo chí phổ thông, thậm chí không bao giờ được nói tới, bởi có những người làm sách không có kinh phí làm truyền thông. Tia Sáng đã viết điểm sách, đăng bài điểm sách để giới thiệu rộng rãi tri thức và văn chương”. Từ nỗ lực kiên trì như vậy của Tia Sáng trong những năm qua, anh cho rằng “nên chăng Tia Sáng bắt tay với các nhà xuất bản để cùng giới thiệu sách, sách khoa học, sách nghệ thuật, sách tử tế và tạo không gian để mỗi khi đọc sách tử tế, chúng ta lại tìm đến Tia Sáng, qua đấy tạo động lực cho những người làm sách làm sách tử tế”. Hệ quả của những việc như thế này, theo anh, “không gian thông tin sẽ được mở rộng hơn và sẽ góp phần lan tỏa được trong xã hội”.

PGS. TS Phạm Xuân Thạch cho rằng “rất cần nhiều tờ báo như Tia Sáng đưa ra tiếng nói đa chiều, những những suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề của đất nước”. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Những gì diễn ra ở hiện tại, dù ngổn ngang chồng chéo và không thiếu thất vọng thì vẫn cứ là cuộc sống. Bởi vậy, nhà văn Nguyễn Khải đã viết trong Gặp gỡ cuối năm “Chuyện của hôm nay dẫu buồn đến đâu, dẫu bực đến đâu vẫn cứ vui, vì nó là máu thịt của hôm nay, của giờ này, nó tươi rói, nó đỏ hồng… Chuyện đời mà, có thể thế này và có thể thế kia, đâu chỉ có một màu duy nhất”. Sống trong một xã hội như vậy, sự bao dung và chia sẻ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn ở tương lai là điều không chỉ các trí thức, các nhà khoa học hướng tới. Đó là những điều mà GS. Pierre Darriulat (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) kiên trì trao đổi trong các bài báo của mình trên Tia Sáng. “Tôi nói với nhiều nhà khoa học quốc tế rằng Việt Nam là một đất nước đã trải qua rất nhiều khó khăn, cần rất nhiều sự thông cảm yêu thương hơn là phê phán chỉ trích. Và tôi với họ về Tia Sáng, Quỹ NAFOSTED, Hoàng Tụy và cuốn sách Xin được nói thẳng của ông. Tôi nói với họ về các nhà khoa học trẻ, những người tuyệt vời trên nhiều lĩnh vực, không chỉ khoa học cơ bản, về những vấn đề cấp bách của Việt Nam, khó khăn khi đối diện với những thách thức đó và làm sao để nhận ra vấn đề nào là cần được ưu tiên hàng đầu. Tôi cũng nói về nạn chảy máu chất xám và đau lòng khi thấy thế hệ trẻ ra đi bởi điều kiện trong nước không phù hợp để họ tồn tại, phát triển. Chúng ta cần nhìn nhận tất cả vấn đề này một cách xây dựng, tích cực, thay vì phê phán, chỉ trích những lỗi lầm của quá khứ”. 

Không gian Tia Sáng, giờ đây, cần được đắp bồi với những giá trị mới. Có một điều, dẫu theo tháng năm, Tia Sáng đã đón nhận thêm những thế hệ cộng tác viên mới và thế hệ độc giả mới thì yếu tố cốt lõi của diễn đàn này vẫn không thay đổi. Sau hơn hai thập niên cộng tác và không ngừng nghỉ tham gia, GS. Pierre Darriulat cất lên những điều từ trái tim nồng nhiệt và bao dung của mình “Tia Sáng đối với tôi như một gia đình, nơi chia sẻ những giá trị của nhà khoa học, nhà trí thức, những người mong mỏi đất nước phát triển vì một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể nói những ngôn ngữ khác nhau nhưng trái tim của chúng ta cùng một giọng”.

Phải chăng cuộc đời này cần đến những không gian như thế!□

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)